| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên, nhớ mùa hoa cúc quỳ

Thứ Bảy 01/02/2020 , 09:05 (GMT+7)

Từ trên máy bay nhìn xuống, cao nguyên Pleiku giống một bông hướng dương khổng lồ. Mùa này là mùa hoa cúc quỳ tràn ngập khắp thảo nguyên.

Hoa cúc quỳ, thứ hoa nở rộ báo hiệu mùa khô Tây Nguyên bắt đầu.

Mùa này là mùa hội hè của đồng bào các dân tộc. Cùng bước xuống sân bay với tôi là chị Hoà, một kiến trúc sư đã luống tuổi. Chị đã từng được đi đến nhiều miền đất xa lạ trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên đến với Tây Nguyên.

Nắng tràn ngập và hương sắc mùa màng cũng tràn ngập. Tiếng chinh chiêng từ ngôi làng, nơi chúng tôi sẽ tới gần đó vọng lại. Tiếng đàn Tơ-rưng và cả tiếng nước suối reo chợt rộ lên, chợt lắng xuống theo nhịp độ của gió núi. Cái náo nức của người mới đến cũng như cái náo nức của người lâu ngày về lại có gì đấy gần nhau. Tôi được dịp “xả bớt” nỗi nhớ của mình, chỉ trỏ đồi này, núi nọ với những kỷ niệm của mình mấy mươi năm trước. Chị Hoà cũng rất hài lòng.

Xe chúng tôi đi trong miên man gió, miên man đồng cỏ, ruộng nương. Xe chúng tôi lướt trên những mảng màu rực rỡ. Anh bạn lái xe và cô bạn ca sĩ đi đón chúng tôi là người Jrai. Cái trầm tĩnh, tự tin của anh cũng như cái hồn nhiên dễ cảm của cô bạn ca sĩ như là tiếng nói đầu tiên của miền đất đang khai phá này. Nó hiện lên rất rõ, mộc mạc, đơn sơ, nhưng cũng thật phức tạp và huyền bí.

***

Làng nằm rải đều trên khoảng trống bao la của đồng cỏ và cây trái. Mỗi căn nhà hai ngàn mét vuông vườn. Con mương chính chạy dọc theo con đường mới đắp, hoa cúc quỳ vàng rực. Những bầy chim cu thấy động hối hả bay lên. Những đàn bò nghển cổ trên đồng cỏ.

Và gió. Gió lồng lên như thể thách thức. Một đàn dê chợt túa ra phía dưới chân đồi. Tiếng người lớn hát hoà nhịp cùng tiếng chày giã gạo và tiếng trẻ reo cười, tiếng chinh chiêng đón khách. Buổi chiều bỗng bừng lên những chớp sáng mơ hồ phía cuối thảo nguyên rồi dần dần ngả màu tím sẫm.

Mặt trăng từ từ nhô lên. Sương xuống. Khói lan toả. Tất cả đều như cùng lúc hoà nhập vào mùi thơm rơm rạ, mùi thơm của cỏ của cốm và cơm nếp. Một cảm giác thật gần gũi với ngày mùa ở đồng bằng, lại cũng có cái gì đấy như là không phải thế, khiến ta chộn rộn.

Chúng tôi đến trước sân nhà rông. Bà con đứng trên sàn cửa, dưới sân làng reo vui chào đón. Đội chinh chiêng chuyển động quanh nhà rông rồi quây tròn lấy khách. Biết tôi là người quen cũ cùng với cô ca sĩ H’BơLơng về làng, bà con nhân lễ hội mừng ngày mùa đón chúng tôi như đón khách xa.

Chị Hoà vừa mới tới cũng đã bị vây bọc bởi một vòng các thiếu nữ mặc áo váy sặc sỡ trên tay mỗi cô đều có một cây đuốc gỗ thông cháy rừng rực, ngút khói. Chị Hoà cúi đầu chào, còn các cô gái thì kéo tay chị đem “trao” cho các già làng.

Đang bận rộn chuẩn bị những thủ tục cho cuộc uống rượu cần, các già làng kéo chúng tôi tới chân cây nêu, bên những ché rượu. Tôi bày cách hút rượu cần cho chị Hoà. Dân làng xúm quanh. Chinh chiêng đánh dồn dập cổ vũ. Tiếng hú, tiếng cười, tiếng hò reo.

Chúng tôi, mỗi người phải uống hết một can(*) và sau đó các già làng uống, rồi mới tới mọi người. “Phong tục thế”, già Rin nắm tay tôi nói. “Cứ làm đúng thế. Mày thì biết rồi, khỏi phải bày. Người mới này nó chưa có thông cảm, phải bày cho nó chớ.”.

Tôi nắm tay già Rin, xoang (múa) bài “Hức kà tức” (phấn khởi) ngay bên ghè rượu khiến mọi người cười ồ. Già Rin hôm nay mặc cái áo ló đẹp nhất, đóng cái khố đẹp nhất. Thân hình cao lớn của già, cái ống điếu to và dài bật lên bật xuống, khói cứ tự nó tuôn ra hai bên mép nom già linh lợi hẳn lên.

Già ấn tay tôi vào cần rượu, xoa lên ngực tôi tìm viết sẹo ăn thề năm nào, cười hề hề: “Ô Đỉnh, mày về Hà Nội, có nhớ cà đắng, măng le, có nhớ ăn thịt con chồn, con heo rừng, đi gùi đạn, phá ấp không?” - “Có, nhớ nhiều không nói hết đâu. Chúng con ở Hà Nội có lập hội đồng hương Tây Nguyên đấy!”

Ảnh minh họa.

“Mày với những đứa nào?” - “Ô nhiều mà. Anh Nguyên, anh Trưởng này, anh Thục, anh Lợi này. Anh Hàn, thằng Phi này...” - “Mày gặp chúng nó cho tao có lời thăm. Lũ mày ở Hà Nội sướng hung rồi. Bắt được vợ có được con rồi! Mày có bị vợ con nó giữ chân trong nhà không?”. Tôi cười: “Không đâu. Chân con khoẻ hung mà”...

Già Rin quay sang vít cần cho chị Hoà. Hồi mới về làng công tác, người đầu tiên tôi gặp là già Rin. Già là một du kích kỳ cựu từ hồi đánh Pháp. Trên mình già mang hơn bảy chục vết thương - có thật thế không? Chị Hoà hỏi tôi. Tôi đặt tay chị luồn qua lớp vải áo ló. Ông già biết chúng tôi muốn gì nên cười khật khưỡng.

Điều kỳ lạ là trên bảy mươi vết sẹo ấy chỉ là những vết sẹo phần mềm kể từ vai xuống. Không một mảnh đạn nào làm xước được chút da trên cái đầu to của già. “Ơ Đỉnh!” Tôi bị một bàn tay đập mạnh vào vai và tôi quay lại: “Mày uống rượu với già Rin có nhớ tui không?” - “Nhớ chứ, anh RơLanThường hả?” - “Ừ, đã nhớ thì phải uống với tui một can.” - “Uống thì uống, tôi uống suốt đêm được mà.”

Anh Thường cười: “Không có uống một đêm đâu. Mày lạc hậu rồi. Uống hết rượu là vừa mười giờ, ai muộn lắm cũng mười một giờ thôi” - “Được”, tôi nói - “Tôi sẽ chấp hành nghiêm chỉnh mà.” - “Ừ, vậy thì uống. Mày có biết già gây nhiều chuyện khó dễ khi dân làng xuống núi không?” - “Không! Già Rin mà gây khó dễ?”.

Hồi đó, người làng xuống đất bằng lập hợp tác, xây dựng cánh đồng, định canh định cư theo kế hoạch chung, anh Thường nói thế. Già Rin không nghe ai bàn bạc và già “tự ái một cục”, ở lại trên núi một mình với những bọng ong rừng, với cái rẫy to có chòi canh từ thuở già còn là con nít, với con rựa, cây ná, cây lao.

Già xuống làm gì? Ngày đánh Mỹ, già dẫn dân làng chạy hết rừng này núi nọ. Đi đâu, về đâu cán bộ, đồng bào, ai ai cũng hỏi ý già. Vậy mà vừa giải phóng, thanh niên phấn khởi, cánh phụ nữ phấn khởi, phấn khởi hỏi ai không có! Nhưng phấn khởi nhiều mà quên ý người già sao coi được? Già không đi ngược ý cán bộ huyện, cán bộ tỉnh.

Già ở lại với những ý định làm thật nhiều mật ong, thật nhiều lúa. Khi nào có dịp thì già về. Vậy mà mãi sau hơn ba năm cán bộ mới thông cảm, mới nhận ra ý già. Người ta lên núi tìm. Già không nói một lời, lẳng lặng phóng cây lao cắm phập vào thân cây gỗ cứng trước cửa chòi canh. Rồi già dắt con rựa vào lưng, đeo gùi, khoác ná bước xuống cầu thang.

Xuống đến chân cầu thang già mới nói: “Về đi, mai tui xuống. Ở trên núi một mình không phải sướng đâu, tui biết mà.” Cán bộ xã mừng quá về làm thịt con heo, đem mười ché rượu làm lễ đón già Rin về làng. Có người không hiểu gọi già là Fulrô. Già nhồi thuốc vào ống điếu, chỉ tay lên núi, nói: “Ngày mai cho ba đứa thanh niên, mười đứa con gái lên núi theo tui vào rừng gùi lúa, gùi thịt khô, gùi mật con ong về làng.”

Bây giờ già Rin lại có vị trí của người già, không còn chuyện hiểu lầm nữa.

Tôi quay sang, vít cần rượu cho già Rin. Già Rin bỗng đứng dậy, co một chân, cong người, đưa hai tay nghều ngoào huơ huơ lên không trung, cái miệng méo đi rồi chu lại, rúc lên những tiếng kêu kỳ dị, đoạn đưa tay gãi gãi phía sau lưng, vạch vạch trên đầu kiểu như khỉ đang bắt chấy rồi đưa tay lên miệng nhấm nhấm.

Già bắt chước con khỉ thiệt đó! Rõ thật nhiều chuyện. Già Rin có tài làm theo động tác các con vật trong rừng, con mang tác, con cọp kêu, con vượn hú, con khỉ ăn trái cây, con chim ku-rúc gáy buổi sáng, con gà cục tác, con heo đòi ăn... tất cả đều y như thật khiến mọi người cười đau bụng, chảy cả nước mắt, nước mũi. 

***

Đêm lặng gió, trăng sáng đến nao lòng khiến ta dù có vô tâm cũng phải chú ý tới vẻ đẹp huyền diệu của nó. Ngoài xa kia là đồng cỏ với những bóng cây khộp lặng phắc. Phía dưới chân cầu thang có tiếng nước chảy róc rách và tiếng đàn T’rưng nước đâu đó chợt rộ lên, chợt gióng dả gõ hồi vào đêm tối những âm thanh mơ hồ.

Tôi tha thẩn ra sàn cửa nhìn trăng. Phía trong nhà, chị Hoà cùng H’BLơng và H’Noanh, con gái già Rin đã ngủ. Già Rin cũng đã ngủ say. Tôi cứ vẩn vơ nghĩ mãi về già Rin, ông già vừa có cái gì đấy thật khiêm nhường, chín chắn, dung dị, lại vừa hóm hỉnh, khôi hài. Già có đôi bàn tay khéo léo, chỉ với cây rìu và con dao quắm, già đã tạc được không biết bao nhiêu tượng gỗ cho dân làng.

Cũng đêm trăng sáng thế này, năm 1972, đơn vị tôi có anh Diện hy sinh vì quả pháo bất thường của địch. Suốt ba đêm, hai ngày già Rin thức, cọc cạch và cần mẫn, lặng lẽ và trang nghiêm, già thức để tạc ba bức tượng gỗ đặt trên mộ anh.

Theo phong tục của người Jrai, nếu anh trùng tên với con ai, tức thị anh sẽ là con của người đó. Diện cùng tên với anh Dien (chỉ khác nhau là không có dấu), con rể đầu già Rin, và là chồng của H’Noanh, hy sinh vì đánh địch trên đường 14. Tôi miên man nghĩ đến những người đồng chí đã hy sinh và chợt nhận ra phía trong nhà, trong cái im lặng kỳ lạ của đêm nay, thực ra không ai ngủ được.

Một vệt sáng do ánh trăng xuyên qua kẽ hở phía chái nhà đột ngột bật lên, hiện rõ chiếc gùi đựng hạt cà phê mới thu hoạch trong góc nhà của H’Noanh. Tôi lặng lẽ leo lên võng và nằm im, cố lắng nghe những âm thanh của vùng đất mới bình thản buông vào đêm. Chợt có tiếng cựa mình và sau đó là tiếng đinh yơng.

Ảnh minh họa.

Tiếng đinh yơng lúc đầu bật ra chậm rãi như là những tiếng nấc. Một lúc sau thì dừng lại, rồi như được trấn tĩnh, âm thanh bắt đầu liền mạch, nhịp điệu rõ ràng, dìu dặt. Tôi không dám cựa quậy, cố giữ được khoảng lặng linh thiêng kéo dài, không để người thổi đàn gợn chút ái ngại.

Sự bắt gặp tình cờ giữa đêm khuya ngoài trời đầy trăng, trong nhà lờ mờ ánh lửa bếp với tiếng đàn đinh yơng khiến ta ngỡ ngàng. Tiếng đinh yơng vốn dĩ được sinh ra bắt đầu bằng nỗi niềm tâm sự của người phụ nữ thổi nó cho chính mình nghe. Những cô gái Jrai, Bahnar trong hành trang của mình, bao giờ cũng có cây đinh yơng.

Những lúc có điều gì buồn quá hoặc vui quá, nói với người thân không hết, nói với cây rừng không hết, nói với dòng nước không hết, nói với đất trời không hết thì trở lại nói với chính mình bằng âm sắc sâu lắng và bình dị của đinh yơng. Người ta đã tìm cách cải tiến, tăng âm cho nó, nhưng chưa có ai thông cảm được với cây đinh yơng như những người con gái của xứ sở này. Chỉ có núi rừng Tây Nguyên, chỉ có những tâm hồn trong sáng của các cô gái Tây Nguyên mới sáng tạo ra thứ nhạc cụ giản đơn và kỳ lạ ấy.

- Ơ Đỉnh!

Lại có tiếng gọi của già Rin và tôi vùng dậy.

- Mày có nghe H’Noanh nó thổi đinh yơng à?

- Dạ, có nghe. Hay lắm già ạ.

- Hay gì. Nó đang thắc mắc mày đấy.

- Sao cơ? Sao lại thắc mắc tôi, H’Noanh?

H’Noanh bỏ đinh yơng, thổi bùng ngọn lửa. Cô chợt cười hồn nhiên. Chị Hoà và H’BLơng cũng ngồi dậy sưởi lửa. Chị Hoà yêu cầu H’Noanh thổi đinh yơng tiếp, nhưng cô lặng im.

Biết làm thế nào được, khi H’Noanh đã không thích thổi nữa! Gió ào ào quất vào phên cửa. H’BLơng nghiêng người cầm ống đinh yơng lên, H’Noanh tháo chiếc vòng hạt cườm ở cổ, đỡ cây đinh yơng và cô khéo léo luồn sang, đưa qua, đưa lại. Âm sắc đinh yơng bây giờ khác hẳn. Ta nghe rõ như có tiếng ching chiêng cùng tiếng cười vui của các cô gái và các chàng trai trong đêm hội.

Tôi xuống võng, tới bên bếp lửa, ngồi sát già Rin, cùng hát theo tiếng nhạc từ cây đinh yơng. Mọi người khe khẽ hát theo. Trăng ngời ngợi sáng bên ngoài sàn cửa. Tiếng ching chiêng từ đâu đó vọng về nghe mới da diết làm sao. Cồng chiêng ơi, tôi thức với dân làng đêm nay!

(*) Can: Đơn vị đo rượu cần kể từ miệng ghè, xuống chừng hai đốt ngón tay, khoảng nửa lít.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất