| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên, nỗi nhớ làng rừng

Thứ Hai 30/04/2012 , 09:15 (GMT+7)

Đã gần bốn mươi năm sau giải phóng, năm nào cũng vậy, để thoả mãn nỗi nhớ của mình, dù khó khăn đến mấy tôi cũng cố tự tìm cho mình một vài cơ hội để về lại được với buôn làng.

Đã gần bốn mươi năm sau giải phóng, năm nào cũng vậy, để thoả mãn nỗi nhớ của mình, dù khó khăn đến mấy tôi cũng cố tự tìm cho mình một vài cơ hội để về lại được với buôn làng. Ở nơi ấy tôi có bạn bè, có bà con anh em, và có toàn bộ tuổi trẻ của mình. Tôi tự nhận đó là quê hương thứ hai của tôi.

Không ai muốn quê hương mình chậm phát triển. Nhưng mấy năm gần đây, mỗi lần về với núi, với rừng, tôi lại gặp cái cảm giác buồn vui lẫn lộn. Cơ chế thị trường ập tới, từng góc phố, từng ngôi làng xa xôi, mọi sự đều đã đổi thay. Và đúng là không thể không đổi thay. Nhưng rồi sẽ thế nào đây?

Bạn bè tôi bao người nằm lại với mảnh đất này. Những thằng Châu, thằng Chung, thằng Loi, thằng Tự... Chúng nó đã tự mình tan ra thành đất, thành nước, thành không khí. Hằng đêm tôi thường mơ thấy chúng nó, mơ thấy ngôi làng Đê Chơ Rang bé nhỏ và heo hút của bà con BahNar. Bao nhiêu năm trường bà con chịu đựng chiến tranh, chịu đựng đói khổ, sống chết với nhóm lính huyện đội khu 8 chúng tôi. Bà con coi chúng tôi như con cháu trong nhà.

Con gái tôi năm nay mười chín tuổi. Thỉnh thoảng cháu lại hỏi: Sao con thấy bố lúc nào cũng khắc khoải với quá khứ? Tôi bảo cháu, quá khứ của bố, tuổi trẻ của bố toàn bom đạn tang thương khốc liệt lắm. Bố sống được cũng bởi tấm lòng thương yêu và sự chở che của bà con buôn làng. Tôi nhớ hồi ấy anh em chúng tôi cũng cùng trang lứa với con gái tôi bây giờ. Có những chú lính nhỏ hơn, mới độ chừng mười ba mười bốn ruổi, được cơ sở đưa lên rừng theo cách mạng, như anh em Phụng và Ti. Chúng lên được rừng rồi mà cứ khóc mãi chỉ vì phải bỏ lại một con bò.

Chiến tranh không cho cánh lính chúng tôi nhiều thời gian để tính toán. Cây súng ga-răng thời cha anh chống Pháp còn lại lúc ấy vẫn còn tác dụng, nó còn cao hơn đầu chú bé mười ba, nhưng công việc của chú là phải ôm cây súng ấy cùng các chú, các bác, các anh vào trận, và nẹt rồi - theo cách nói của cánh bộ đội địa phương miền Trung Trung bộ chúng tôi - đâu cũng vô đó hết.

Không chỉ có thế, cánh lính Bắc chúng tôi vô tới Huyện đội, về các đội công tác, chỉ trong một đêm cơ cấu đã chuyển ra thành dân sự, thành du kích địa phương. Đó là nhiệm vụ, đó là yêu cầu chung của cách mạng, chỉ cần giải thích như thế là tất cả đều thông…

Thói quen vui buồn của chúng tôi là lại nhớ về ngôi Làng Rừng thuở trai trẻ ấy. Nhớ phong tục, trước mùa thu hoạch bà con phải làm lễ “Rước Mẹ Lúa” từ rẫy về kho. Nhớ những cối cốm, những mẹt cốm thơm cả cánh rừng. Nhớ đôi mắt treo lúc nào cũng lúng liếng của cô BYắt. Nhớ cái eo lưng vừa mềm vừa dẻo vừa cong của cô H’Ngươl.

Nay về lại làng xưa, kể chuyện ở rừng hồi ấy chúng tôi bẫy một lúc được hàng trăm con cu xanh bằng cách lấy nhựa cây dính vào lá da, đàn chim sà xuống, cánh dính nhựa, rụng bồm bộp, vồ chim, bắt chim vang động cả một cánh rừng. Thời ấy, một đêm đội đèn đi bắn, không được nai cũng được mang, không có mang mèng lắm cũng “đoàng” được con cheo, con thỏ rừng. Chuyện hơn ba chục năm trước nhắc lại với nhau như mới hôm qua, vậy mà với cánh thanh niên bây giờ nghe cứ như chúng tôi đang kể chuyện cổ tích!

Vâng. Mẹ Lúa bây giờ được xuống đất bằng, có mương nước, có ruộng nước tươi tốt hơn xưa và Mẹ Lúa về kho cũng đơn giản gọn nhẹ, dễ dàng hơn thời chúng tôi nhiều. Thung lũng IaĐrăng hôm nay tôi về đi đến đâu cũng thấy rầm rập xe công nông, xe bò chở sắn khô ra, chở các vật dụng sinh hoạt vào. Để có được những khoảnh ruộng vàng rộm dâng hương lúa mới dưới triền thung kia, để có được hạt thóc như hạt thóc nhà ông Siu Ho, nhà anh Kpa Miết bạn tôi ở làng mới định cư đây, đâu phải chuyện bình thường.

Bao nhiêu công trình lớn nhỏ đã và đang hoàn thành. Bao nhiêu của cải của dân của nước phải trải qua không biết bao nhiêu chuyện mới cũ, đúng sai. Ở trên kia là rừng già, là làng buôn cũ với ngàn đời phong tục. Ở dưới này là hồ là ruộng, là điện - đường - trường - trạm. Vậy mà đối với ông RơLan Liêng và các già làng thì ngược lại, bởi trong lòng ai cũng mang nặng nỗi nhớ rừng già, nhớ làng cũ khôn nguôi. Người già nhớ chuyện cũ, đó là câu thành ngữ của người JơRai. Thanh niên thích leo núi, đó là câu thành ngữ của người Bah Nar.

Nhiều lúc nhớ lại cứ khiến tôi chạnh nghĩ, đối với bà con các dân tộc Tây Nguyên, rừng là tất cả. Cuộc sống của con người ở nơi đây nương tựa vào rừng. Không ai yêu rừng, tôn trọng rừng và giữ rừng hơn họ, bởi chính họ là những đứa con thiêng của rừng. Con người của cộng đồng làng là con người của mối liên hệ mật thiết giữa làng với rừng.


Khắc khoải nỗi nhớ rừng xanh

Nói đến làng rừng Tây Nguyên là nói đến những luật tục có liên quan đến sự sống còn của con người và sự tồn tại của rừng. Mỗi thành viên của cộng đồng làng gắn bó với nhau tạo nên sức mạnh để tồn tại và hoà nhập với rừng, với thiên nhiên. Tôi trở lại làng PLeiO, gặp những người thân xua cũ. Già Triêm. Già Rim, già Díp, anh Yaih... Làng mới định cư xuống núi hàng chục năm rồi, vậy mà nếp sinh hoạt xưa cũ quần tụ với nhau quanh bến nước, quanh nhà rông vẫn là niềm vui của mọi người.

Gần ba mươi năm sau giải phóng rồi. Làng xuống núi có nhà ngói định cư rồi! Vì sao vẫn đói? Vì sao còn nghèo? Vì sao cái tập quán phát, đốt, choọc, trỉa, tuốt lúa bằng tay trên nương cũ đưa Mẹ Lúa về kho xa tít trên rừng già vẫn là niềm vui niềm hân hoan của bà con? Cán bộ địa phương biết. Nhưng cán bộ trên tỉnh trên huyện trên Trung ương có biết vì sao không? Có. Có nhiều người biết, có nhiều người hiểu. Nhưng cũng có không ít người vì không hiểu mà chỉ đổ cho phong tục lạc hậu, đổ tội cho bà con dốt nát.

Mình không dốt nát lạc hậu đâu. Dân tộc mình ưng sống thế mà. Một câu nói ấy của già làng khiến tôi không cầm lòng được, tự thấy mình có lỗi. Tại sao đơn giản vậy mà mãi ta không hiểu ra nhỉ? Đã là tập tục nghĩa là thói quen ngàn đời, bên trong những thói quen ấy là cả một bề dày văn hoá. Văn hoá nương rẫy. Mình ưng theo thói quen ông bà mà. Vâng thói quen văn hoá đấy. Mà đã là nếp sống văn hoá thì không phải dễ thay đổi một lúc đâu! Sức nặng của tập tục lại trở thành vật cản trước cái mới. Cái mới ơi, cái mới đừng quên khi rừng già không còn là nơi nương tựa của cộng đồng thì cái mới chẳng làm nên chuyện gì đâu. Khi việc cúng Thần, cúng Giàng vẫn còn theo già làng mà chưa có cái mới hay hơn thay thế thì cái mới ơi, cái mới cũng không đủ sức đem lại được niềm mong đợi ấm no đâu.

Làng của người Tây Nguyên được hình thành từ nền văn minh trồng cây lúa khô nương rẫy. Đó là một tổ chức xã hội gần như duy nhất và cũng là cội nguồn của nền văn hoá bản địa. Trong sinh hoạt cộng đồng, mỗi khi nhà nào có việc, liền được sự đóng góp chung của mọi người. Ghè rượu quý nhất của mỗi gia đình được đem đến cùng chia sẻ. Niềm vui nỗi buồn của mỗi người cũng là niềm vui nỗi buồn chung của cả buôn làng.

Cái sợ lớn nhất của con người ở đây là một khi bị buộc phải tách ra khỏi cộng đồng. Điều ấy còn sợ hơn cả cái chết. Bởi vậy, tôi nghĩ, Tây Nguyên, từ cội nguồn của văn hoá Làng - Rừng tạo nên sắc thái riêng biệt, độc đáo mà chỉ nơi đây - miền rừng nối tiếp miền rừng mới có. Những quần thể tượng nhà mồ hồn nhiên sinh động hoà nhập vào tự nhiên như vẻ đẹp nguyên sơ của tâm hồn người bản địa.

Mái ấm nhà rông chính là nơi quần tụ cộng đồng để các già làng lo việc chung, phân xử đúng sai và cũng là nơi trai tráng tụ tập phòng khi bất trắc. Văn hoá dân tộc nói chung vốn gắn liền với đời sống của cộng đồng.

Một khi điều kiện sống thay đổi thì cũng sinh ra lắm chuyện. Làm sao giữ được nhà rông? Chúng ta không thể làm thay bà con, nhưng sự hỗ trợ (đúng) là rất cần thiết. Vì sao tôi lại ngoặc đơn ra cái chữ “đúng” này, bởi nhiều năm nay ta đầu tư cho nhà rông không ít, mà hiệu quả đem lại lại không nhiều, nếu nói không sợ sai, như cách nói của hoạ sĩ Xu-Man, người bạn già của tôi về nghỉ hưu, sống cùng bà con ở làng PLeiBung, ấy là đầu tư hỗ trợ trật lấc. Vì sao sai? Vì các nhà quản lý và các nhà đầu tư không hiểu vẻ đẹp văn hoá lâu đời của nếp sinh hoạt nhà rông, mà chỉ muốn “cải tạo” nó thành ra hội trường!

Nhà rông là nét đẹp văn hoá riêng của buôn làng rừng Tây Nguyên. Giữ được nó tức là giữ được cái hồn cốt của nét đẹp sinh hoạt cộng đồng. Văn hoá Tây Nguyên cũng vậy. Nó thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa con người với tự nhiên. Ở đây một người chết làm cả làng buồn. Buồn và khóc thương vì không còn được sống với người ấy nữa. Nhưng theo quan niệm của bà con: Chết không có nghĩa là hết. Người ta chết chỉ là chết cái phần xác thôi, chứ còn phần hồn thì đã biến thành con ma rồi. Con ma vẫn sống quanh ta. Vì vậy người chết vẫn cần cơm, cần rượu và mọi thứ vật dụng. Người sống phải chăm sóc cho người chết chu đáo.

Rồi một ngày kia, để tiễn con ma về thế giới khác nơi cuối rừng, nơi mặt trời lặn, người ta làm lễ bỏ mả, tức là lễ hội Pơ Thi. Đó là lễ hội lớn nhất, sinh động nhất và vui vẻ nhất, vì sau lễ hội tiễn biệt này, người sống và người chết không còn ràng buộc với nhau. Đời sống tâm linh của người Tây Nguyên vô cùng phong phú. Bà con cho rằng bên trong mỗi cái cây, ché rượu, hòn đá, bầu nước, mọi vật quanh ta đều có linh hồn. Điều đó thể hiện sự tôn trọng sâu xa đối với tự nhiên. Tôi chợt thấy lo khi môi trường thay đổi, khi cái tín ngưỡng đa thần giáo ấy không còn giữ được, thì điều gì sẽ diễn ra? Cái gì sẽ thay thế?

Vâng, đổi mới mang lại cuộc sống hiện đại nhiều cái mới, có nhiều cái mới tất có nhiều niềm vui. Nhưng phía sau niềm vui hiện đại là cả một sự vật vã chuyển mình của bà con. Ở Tây Nguyên ngày nay, rừng và làng đâu có còn quần tụ như xưa? Làng mới chuyển ra hai bên mặt đường thành ra nửa phố, nửa làng. Cuộc sống mới kéo theo biết bao đổi thay về phong tục tập quán. Đi tới đâu tôi cũng gặp cái hân hoan phấn khởi của lớp trẻ, và bên cạnh đó là nỗi khắc khoải nhớ rừng của người già. Sự nghiệp CNH-HĐH là tất yếu. Nhưng đằng sau nó là cả một vấn đề lớn về xã hội và con người...

Người ta bảo Tây Nguyên huyền bí. Có lẽ điều ấy chỉ đúng khi còn rừng già. Rừng và làng là hai yếu tố cấu thành nền văn hoá cộng đồng độc đáo, lâu đời. Văn hoá Làng rừng ở Tây Nguyên chính là nguồn lực, là tiềm năng của sự phát triển. Khôi phục làng rừng ở Tây Nguyên cũng là khôi phục nguồn gốc của văn hoá. Văn hoá Tây Nguyên dường như đã trao cho các nghệ nhân của mình cái bản năng sinh tồn mà nếu ta biết trân trọng một cách chân thành thì đó chính là nguồn sống vô tận…

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất