| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên: Sắn "ăn" rừng

Thứ Hai 25/07/2011 , 10:25 (GMT+7)

Thời gian qua, giá sắn gần gấp đôi năm trước. Đây là lý do người dân nhao đi trồng sắn, phá vỡ quy hoạch cây trồng tại Tây Nguyên.

Thời gian qua, giá sắn tại các NM chế biến tinh bột sắn ở Tây Nguyên đạt 2.250 đồng/kg sắn tươi, còn sắn lát khô đạt 4.500 đồng/kg, gần gấp đôi năm trước. Đây là lý do người dân nhao đi trồng sắn, phá vỡ quy hoạch cây trồng tại Tây Nguyên.

Tại Tây Nguyên, số hộ có diện tích trồng vài chục ha sắn trở lên ngày một tăng. Ở nhiều địa phương, nông dân đang ồ ạt chuyển đất trồng hoa màu, đậu đỗ sang trồng sắn. Thậm chí nhiều vùng đất đỏ bazan màu mỡ cũng chuyển sang trồng sắn. Nhiều hộ dân còn lấn chiếm rừng để trồng sắn, bất kể đó là rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn hay rừng của Vườn Quốc gia…

Thống kê của Sở NN-PTNT Đăk Lăk, năm 2010 toàn tỉnh có 27.500 ha trồng sắn nhưng đến nay đã tăng lên gần 35.000 ha (tăng khoảng 30% diện tích), tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Súp, Ea H’Leo, Ea Kar, Krông Bông, M’Drak.  Tỉnh Đak Lak cũng quy hoạch, giữ diện tích 15.000ha sắn là phù hợp, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn. Một số nơi như huyện Ea Súp, vụ hè thu này, huyện chỉ có kế hoạch trồng 1.500 ha sắn, nhưng nay diện tích sắn đã tăng lên trên 3.200 ha, trong đó có hàng trăm ha là diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép...

Còn ở huyện Krông Bông, nơi có Nhà máy chế biến tinh bột sắn, đồng bào các dân tộc di cư ngoài kế hoạch cũng đổ xô vào sâu trong rừng, tự khoanh vùng, ngang nhiên chặt phá cây, lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng sắn. Tại tiểu khu 1176, hàng chục ha rừng đã bị đồng bào di cư đến chặt phá chuyển sang trồng loại cây này. Ngay tại xã vùng sâu Cư Drăm, đến nay đồng bào đã trồng được gần 620 ha sắn vụ hè thu, tăng gần gấp đôi diện tích so với kế hoạch, trong đó chủ yếu là sử dụng đất rừng trái phép để trồng sắn.

Tỉnh Gia Lai cũng không nằm ngoài thực trạng trên. Tại huyện Kbang, diện tích sắn trên địa bàn huyện hiện tại đã lên đến 5.200 ha, tăng gần 2.000 ha so với kế hoạch. Mặc dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích sắn, tuy nhiên do giá sắn thời gian qua luôn ổn định ở mức cao nên bà con vẫn cứ tự ý chuyển đổi, thậm chí phá rừng để lấy đất trồng sắn. Việc ồ ạt phát triển diện tích sắn đã làm thu hẹp một số diện tích cây trồng khác. Cụ thể đến thời điểm này, toàn huyện mới chỉ đạt khoảng 24% diện tích trồng ngô.

Ông Nguyễn Văn Bắc- Chủ tịch UBND xã Lơ Ku- một trong những xã có diện tích sắn tăng cao nhất huyện, cho biết: Cây trồng có diện tích lớn nhất xã là sắn, đậu xanh và mía, trong khi cây ngô của xã giảm hơn 1.000 ha so với kế hoạch. Còn tại huyện Kông Chro, diện tích sắn đã lên đến trên 5.200 ha, tăng gần 2.000 ha so với kế hoạch. Nhiều diện tích ngô, lúa, dưa hấu cũng đã chuyển sang trồng sắn. Ông Đinh Vớt- làng Hlang 2, xã Yang Nam có hơn 1,5 ha đất trước đây trồng lúa cạn, giờ cũng đã chuyển sang trồng sắn. Ông cho biết: Trồng sắn chi phí thấp, công chăm sóc ít, năm rồi trừ chi phí mỗi ha thu gần 20 triệu đồng.

Chính vì thấy cái lợi trước mắt của việc trồng sắn mà nông dân Tây Nguyên đang bất chấp mọi khuyến cáo, tìm mọi cách để mở rộng diện tích trồng sắn. Bên cạnh việc thuê mướn lại đất đã khai hoang nhưng chưa sử dụng của bà con trong địa phương với giá 1 hécta khoảng 3- 5 triệu đồng/năm, nhiều hộ dân tiếp tục lấn rừng để trồng sắn, bất kể đó là rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn hay rừng của vườn quốc gia làm cho các ngành chức năng phải vất vả trong công tác quản lý. Nhiều diện tích đất đã bạc màu, trước đây trồng các loại cây khác ít hiệu quả như cây bông vải, cây mía cũng được chuyển tất tần tật sang cây sắn. Tuy nhiên, thói quen canh tác thiếu đầu tư, ít áp dụng tiến bộ KHKT đang tạo ra nguy cơ làm diện tích đất hoang hóa càng tăng nhanh.

Trước tình trạng người dân ồ ạt trồng sắn, các ngành chức năng đã khuyến cáo các địa phương, nông dân trồng sắn nên luân canh với các loại cây trồng khác, không nên trồng sắn trên một diện tích đất liên tục từ 3 vụ trở lên và phải sử dụng phân hữu cơ, chống xói mòn.

Ở những vùng đất bazan màu mỡ, không nên trồng sắn mà chọn những cây màu, cây công nghiệp ngắn, dài ngày có giá trị kinh tế cao hơn để đất không bị thoái hoá, cạn kiệt nguồn dinh dưỡng. Tuy nhiên, dường như những khuyến cáo này không có kết quả trước giá thu mua sắn đang cao ngất.

Việc người dân đổ xô lấn chiếm đất rừng có nhiều nguyên do như: Hiện nay tình trạng dân di cư tự do vào các tỉnh Tây Nguyên tăng nhanh. Do lượng dân di cư tự do lớn, quỹ đất sản xuất giao cho các hộ có hạn nên họ tìm mọi cách lấn chiếm rừng để có đất sản xuất; trên địa bàn tỉnh phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến việc tuyên truyền còn gặp hạn chế do bất đồng ngôn ngữ.

Có thể nói, thực trạng phá rừng trồng sắn ở Tây Nguyên đang diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tinh vi. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để cứu những cánh rừng đang ngày bị kiệt quệ vì sự lên giá của cây sắn cao sản. Ngoài ra, việc ồ ạt trồng sắn mà không kiểm soát được đầu ra sẽ dẫn đến nguy cơ thua lỗ cho nông dân khi sắn rớt giá.

Điều này đã từng xảy ra ở một số địa phương cách đây vài năm. Khi đó, người trồng sắn tìm người thu hoạch và cùng nhau ăn chia theo tỉ lệ 50/50 mà cũng không có người nhổ. Hơn nữa, trồng sắn phải theo quy hoạch để đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn, tránh tình trạng sản lượng quá tải đối với nhà máy.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất