| Hotline: 0983.970.780

Tệ nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em, bệnh dịch lan tràn ở Trung Quốc

Thứ Tư 24/08/2016 , 07:01 (GMT+7)

Báo chí Trung Quốc đã mô tả nạn bắt cóc trẻ em ở nước này là “bệnh dịch lan tràn”. Trẻ bị bắt cóc nhiều khi bị ép vào các băng đảng tội ác và môi trường sống chủ yếu của chúng là đường phố, hoặc trộm cắp, hoặc ăn xin. Nhưng phổ biến hơn... là bị bán làm con nuôi.

Mới đây nhất, một đối tượng đã bị Tòa án Tối cao Trung Quốc tuyên án tử hình vì liên quan đến đường dây buôn bán trẻ em từ Việt Nam. Tuy nhiên, án tử hình có lẽ chưa khiến những kẻ buôn người khiếp sợ khi buôn bán trẻ em là vấn nạn kinh khủng ở Trung Quốc và tồn tại dai dẳng.

Tháng 1/2015, Sun Bin, 28 tuổi, gặp lại cha mẹ sau 24 năm bặt tin tức. Những kẻ bắt cóc trẻ em đã lôi anh đi trong khi Sun, lúc đó 4 tuổi, đang lang thang trong vườn rau của gia đình. Đài CBC (Canada) tường thuật rằng cuộc tái hợp giữa Sun và cha mẹ đẻ đã trở thành tin tức nóng sốt ở Trung Quốc.

Báo chí Trung Quốc đã mô tả nạn bắt cóc trẻ em ở nước này là “bệnh dịch lan tràn”. Trẻ bị bắt cóc nhiều khi bị ép vào các băng đảng tội ác và môi trường sống chủ yếu của chúng là đường phố, hoặc trộm cắp, hoặc ăn xin. Nhưng phổ biến hơn, như trường hợp của Sun Bin, là bị bán làm con nuôi. Một cặp vợ chồng không con cái, sống cách nhà bé Sun 1.500km, đã trả khoảng 500USD cho bọn bắt cóc để được đưa cậu về nhà làm con nuôi.

Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều án phạt cứng rắn đối với bọn bắt cóc và buôn bán trẻ em. Nhưng tệ nạn này vẫn không vì thế mà thuyên giảm. Nhiều người dân Trung Quốc đã phải đứng lên tự tìm cách cứu con mình.

Đứa con trai bốn tuổi của Haiyang Sun bị bắt cóc trên phố ở Thẩm Quyến, bên ngoài cửa hàng ăn uống của anh 8 năm trước. Sun lập ra một trang web để tìm lại con trai và những đứa trẻ bị bắt cóc khác.

Theo tạp chí Quartz (Mỹ), ở Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 200.000 trẻ em bị bắt cóc. Cho dù nhiều đứa trẻ bị những người xa lạ bắt đi, vẫn có nhiều trường hợp có sự đồng lõa (dàn dựng) của chính cha mẹ ruột đứa trẻ, vốn không thể trực tiếp và công khai bán con.

Phóng viên của Nhật báo Đô thị phương Nam (Trung Quốc) đã nghiên cứu các báo cáo từ tòa án về 364 vụ, liên quan đến 380 trẻ bị bắt cóc và 508 nghi can và thấy rằng, 40% số vụ về bản chất là cha mẹ bán con cho người khác. Đôi khi sau khi bị cha mẹ ruột bán đi, đứa trẻ lại bị bán đi tiếp lần nữa.

Theo nghiên cứu trên, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tệ bắt cóc và buôn bán trẻ em bắt nguồn từ chính sách một con của Trung Quốc. Được thực thi từ năm 1980 và đến tận năm 2013 mới được nới lỏng ở một số vùng, chính sách này áp dụng hình phạt đối với các gia đình sinh con thứ hai hoặc nhiều hơn. Một số gia đình không chịu được các hình phạt liên quan đến chi phí nuôi dạy con (thực phẩm, học phí…) đôi khi buộc phải bán con đi.

 

Nguồn thu khá

Nhưng đối với một số cha mẹ khác, bán con là một nguồn thu. Nhật báo Đô thị phương Nam kể rằng có một cặp vợ chồng ở Hồ Nam đầu tiên bán đứa con thứ hai lấy 6.000 nhân dân tệ (khoảng 1.000 USD), không phải vì lý do khó khăn kinh tế. Nhưng sau lần đó, thấy hơi tiền, họ tiếp tục bán đứa thứ ba và thứ tư để lấy 30.000 nhân dân tệ (gần 5.000USD). Tòa án phạt ông bố 6 năm tù, phạt tiền 20.000 nhân dân tệ.

13-40-58_chin-2
Chính sách một con khiến nạn buôn bán trẻ em tại Trung Quốc thêm trầm trọng (Ảnh: Telegraph)

 

Một số trường hợp cha mẹ bán con là do nợ cờ bạc, ly hôn…

Số liệu từ tòa án cũng cho thấy một số đặc điểm của thị trường buôn bán trẻ em ở Trung Quốc. Trong số 380 trẻ bị bán hay bắt cóc, 248 bé là trai và 120 là gái. Bé gái có giá trung bình 10.000 nhân dân tệ còn bé trai cao giá hơn, 45.000 nhân dân tệ.

Nhưng nghiên cứu này mới chỉ soi chiếu được một phần bức tranh bởi đây là những vụ phát hiện được và được khởi tố, xử tại tòa.

Nhưng bậc cha mẹ công khai tìm kiếm con bị bắt cóc nhiều khả năng không tự bán con đi, theo một chuyên gia về quyền con người của Trung Quốc, vì chi phí tìm kiếm cao hơn rất nhiều so với số tiền bọn buôn bán trẻ em chi trả cho cha mẹ. “Những kẻ bán con thường cố gắng giấu cộng đồng nơi họ ở chuyện họ có con. Khi có thai, họ thường về vùng quê hẻo lánh sinh con nên rất khó bị phát hiện”, ông nói.

Theo nhận định của tờ Guardian (Anh), tuy không có số liệu chính thức nhưng buôn bán trẻ em ở Trung Quốc rất phổ biến và là “nghề” hái ra tiền.

Phóng viên Guardian đã bỏ ra nhiều ngày điều tra nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em ở Trung Quốc, gặp gỡ hàng chục cặp vợ chồng mất con. Có một thực tế là chính sách một con trong nhiều trường hợp buộc cha mẹ phải bán con vì không chịu được các án phạt, điều này càng khiến nạn buôn bán trẻ em nở rộ. Thêm vào đó, một số cặp vợ chồng thà bỏ tiền ra mua một đứa con trai còn hơn nộp tiền phạt vì sinh quá số con cho phép, cho đến khi đẻ được con trai.

Tuy nhiên, không phải tất cả các vụ bắt cóc trẻ em đều đưa chúng đến với một cặp cha mẹ nuôi. Trẻ bị bắt cóc hoặc dụ dỗ bỏ nhà đi cũng thường bị bán vào các băng đảng, hoặc đi ăn xin hoặc ăn cắp trên đường phố theo lệnh các “đại ca” đảng trưởng.

Trong nhiều vụ, bọn tội phạm lừa phỉnh đứa trẻ rằng bố mẹ chúng biết những gì đang diễn ra và rằng tiền chúng kiếm được được trích một phần gửi cho cha mẹ chúng (điều này tất nhiên chưa từng xảy ra). Bé trai vị thành niên đôi khi bị bán vào các cơ sở sản xuất, bị buộc phải lao động, bé gái có thể bị bắt cóc rồi bán vào các nhà thổ.

Và trong một số vụ, trẻ bị bắt cóc được bán vào các trại trẻ mồ côi và sau đó được người nước ngoài nhận nuôi. Bởi vì mỗi người nước ngoài muốn nhận trẻ ở Trung Quốc làm con nuôi phải nộp một khoản tài trợ (5.000 USD) cho trại trẻ trong khi bọn buôn bán trẻ em đòi thấp hơn thế nhiều, mua lại trẻ em có thể là công việc đầy lợi nhuận cho trại nếu nhanh chóng tìm được cha mẹ ngoại quốc cho chúng.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất