| Hotline: 0983.970.780

Teo tóp những bữa ăn

Thứ Ba 16/08/2011 , 11:13 (GMT+7)

Bữa ăn ở nhà chị Nguyễn Thị Thạo, Hội phụ nữ xóm 4 (Ngô Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ) dọn ra giữa mâm chình ình một rổ rau muống, không hề có thức ăn...

Bữa ăn ở nhà chị Nguyễn Thị Thạo, Hội phụ nữ xóm 4 (Ngô Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ) dọn ra giữa mâm chình ình một rổ rau muống to và vài quả chua đánh một bát nước canh bòng bõng, không hề có thức ăn. Mấy người lớn lùa cơm nhếu nháo, đám trẻ nhỏ trệu trạo mồm nhai. 

>> Nông thôn, phía bên kia bờ sông lở

1. Chị Thạo ngượng ngập phân trần nhưng không phải riêng nhà chị mà cả làng, cả xã từ hồi giá thực phẩm tăng cao, việc bữa ăn có miếng thịt, khúc cá đối với nông dân trở thành xa xỉ chứ chưa nói đến chuyện nhiều đĩa, lắm bát. Đó là hộ nông dân ở đồng bằng, còn nông dân miền núi, như đợt khảo sát hai xã Lũng Pù, Khau Vai ở Mèo Vạc (Hà Giang) tận mắt tôi chứng kiến nhiều gia đình bữa ăn dọn ra chỉ một rá mèn mén (bột ngô hấp) chan với nước lã mới múc từ sông Nho Quế về. Đến bữa, mỗi người một cái môi, họ múc một môi bột ngô rồi chiêu hai ba môi nước lã để cho trôi thứ bột khô khốc đó xuống dạ dày.

Mèn mén là món ăn truyền thống của đồng bào ở đây nhưng mèn mén “chay” không có canh rau cũng chẳng có thịt thà mà nhiều hộ thú nhận đã ăn thế cả vài tháng ròng thì quả là chuyện bất bình thường. Nhiều phụ nữ dân tộc chửa bụng đã lùm lùm rồi mà cả quá trình mang thai chỉ được ăn một hai lần thịt vào dịp nhà làm nương, phải thuê người đổi công nên làm cơm đãi họ.

Bữa ăn nghèo nàn ở quê

Vợ anh Sùng Mí Pó, người mẹ của 2 con nhỏ, ở bản Pó Ngần đi chợ phiên về chỉ mua nổi gói mì chính 3.000 đồng là hết tiền. Nhà chị có vài con gà nuôi kiểu dông dài. Gà lớn, con nào ngon nhất chị đem ra chợ bán, đổi lấy lọ nước mắm hay gói muối. Họa hoằn một vài tháng cả nhà mới được ăn một bữa thịt gà công nghiệp, cá đông lạnh đã bở bùng bục, không mùi, không vị. Có người nói nông dân cũng giống như Việt Nam cái gì ngon nhất đem xuất khẩu, kém mới nội tiêu không phải không có lý.

Theo một chương trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) kết hợp với nhóm nghiên cứu của Đại học Copenhagen (Đan Mạch), kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2010 tại 12 tỉnh trên cả nước về chất lượng bữa ăn của người dân công bố hồi tháng 7. Người dân ở các tỉnh Quảng Nam, Hà Tây (cũ), sự đa dạng thực phẩm trong bữa ăn đã giảm xuống rõ nét. Không có gì lạ, sự đa dạng thực phẩm trong bữa ăn của những nông dân của các tỉnh miền núi phía Bắc lại càng thê thảm hơn bởi vùng đó quá nghèo.

Thức ăn bị giảm cả về chất lượng lẫn số lượng trong từng mâm cơm của mỗi gia đình nông thôn ngược lại với dân thành thị đang phải đau đầu vì tỉ lệ béo phì, thừa dinh dưỡng, mỡ máu, gút, tim mạch gia tăng một cách nhanh chóng.

2. Vợ anh Hà Văn Cần ở khu 3 xã Tuy Lộc (Cẩm Khê) ra chợ Ngô Xá mua cá đông lạnh. Sau khi ăn vài phút cả nhà bị ngứa phát ban với các triệu chứng ngực tức, khó thở, nôn mửa, đi ngoài. Những vết ngứa to bằng đồng xu nổi lên khắp người họ. Tưởng bị ngộ độc thông thường anh Cần lấy con cá đang ăn dở trong xoong, đem đốt thành tro, cho vào cốc, hòa tan, gạn lấy nước trong cho từng người trong nhà uống theo kiểu chữa mẹo dân gian.

Càng uống càng bị ngộ độc nặng hơn tí nữa thì nguy đến tính mạng. Đến bây giờ nhà anh Cần cạch ăn cá khô, cá đông lạnh bởi nhiều lần đi lấy hàng ở chợ thị xã Phú Thọ về anh vẫn thấy tiểu thương ở đây dùng thuốc diệt muỗi, diệt ruồi phun vào cá đông lạnh, cá khô như một phương thuốc thần kỳ để chống côn trùng đeo bám.

Một câu chuyện khác do chị Lê Thị Thu, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tiên Lương kể, nhân dịp đi họp trên tỉnh, chị có mua hộp bánh về làm quà. Người thành phố, kể cả trẻ con, bánh kẹo đã là thứ không còn hấp dẫn nhưng với người nhà quê, nhất là ở vùng nghèo, nó vẫn là một món quà được chờ đón nhất mỗi dịp có người đi xa về. Hộp bánh rất đẹp được đưa lên bàn thờ cúng tiên tổ rồi trịnh trọng mang xuống, bóc mời người già, dúi cho lũ trẻ.

Những ánh mắt sáng rỡ, những cái miệng háo hức thèm thuồng nhưng miếng ăn đưa vào miệng phải vội vàng nhổ bỏ. Nhân bánh đã lên mốc xanh, meo đỏ tự lúc nào. Câu chuyện đó, ở đâu ta cũng có thể nghe quen đến mức trở nên bình thường. Nông thôn đang trở thành thiên đường của hàng rởm, hàng giả, hàng quá đát, thành cái túi rác khổng lồ của thành thị dồn về.

Dạo quanh các chợ quê ở Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang bầy ê hề những can nước mắm bên trong không biết hàm lượng mắm bao nhiêu chỉ thấy lờ lờ màu cánh gián, mùi khẳn, vị trơ bán đổ đồng 6.000đ/lít. Những bao tải tóp mỡ nâu xỉn, mủn bục để lâu bán 30.000đ/kg. Những chai nước khoáng toàn Lavia, Aquafie chứ tịnh không có hàng xịn, cầm vỏ chai lên đã thấy khét lẹt mùi nhựa tái chế. Những bình nước cam 3.000đ/loại ½ lít, 3.500đ chai 1,5 lít, nước ngọt có gas Việt Pháp không địa chỉ sản xuất 3.000đ/lon, bịch sữa đậu nành 199 một túi 1.100đ màu lờ lờ, đổ cả vốc đá vào mà vẫn còn ngọt sắc. Những que kem loại 500 đồng toàn đá với phẩm màu, đường hóa học được người bán dạo cất buôn ở phố huyện có 200đ/que…

Tóp mỡ được bán 30.000đ/kg và rất chạy hàng

Một lãnh đạo cao cấp của Trung ương kể một chuyện làm ông ứa nước mắt rằng đến thăm một địa phương, được các cháu thiếu nhi đến tặng hoa. Ông hỏi có biết tặng hoa cho ai không, cháu nào cũng lắc đầu. Móc bao kẹo, ông đưa cho chúng, có đứa không biết bóc kẹo bỏ cả nguyên cả vỏ vào mồm nhai.

Các loại đó, trừ bao bì, tiền vận chuyển còn lại bao nhiêu đồng giá trị thực chứa trong đó? Các quầy thuốc hay nói đúng hơn là mẹt thuốc tây bày thuốc còn hạn vài ngày hoặc đã hết hạn cho người nhà quê lớ ngớ mua.

3. Cơ quan chức năng hầu như chẳng bao giờ thèm để mắt đến những thứ tẹp nhẹp này. Anh Nguyễn Trọng Mạnh, Đội trưởng đội Quản lý thị trường Cẩm Khê kể với tôi về đội ngũ tư thương ở quê chủ yếu là dạng “bốn chân”, sáng hai chân nông dân, chiều hai chân tư thương, diện tích bán hàng là vài cái mẹt. Nếu phát hiện thấy họ bán hàng kém chất lượng chủ yếu vẫn là nhắc nhở chứ vài năm nay đội của anh chẳng bắt phạt nổi một ai vì số lượng hàng ít quá, chưa đủ căn cứ xử lý.

 “Phương pháp nghiệp vụ chống hàng giả, hàng rởm của chúng tôi tới giờ chủ yếu vẫn nhìn bằng mắt. Thủ đoạn của bọn bán hàng rởm là đánh chớp nhoáng một lần rồi không quay trở lại. Như mới đây, tôi được mấy người nói có lô hàng nước mắm Nam Ngư bán giá rẻ ở Ngô Xá để một tuần sau đã sủi bọt, thối phải bỏ đi nhưng tiểu thương không dám công khai danh tính vì sợ ế hàng. Chống hàng rởm, hàng giả phải chống từ nguồn sản xuất ở các thành phố, thị xã chứ một khi đã tuồn về nông thôn rồi rất khó”, anh Mạnh tâm sự.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo về chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại của 57 tỉnh, thành phố, trong năm 2010 đã kiểm tra gần 500 nghìn vụ với gần 200 nghìn vụ vi phạm, thu hơn 3.000 tỷ đồng.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất