| Hotline: 0983.970.780

Tết ấm áp ở "làng tâm bão"

Thứ Năm 12/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Trong cơn bão số 4, tại huyện Tuy Phước (Bình Định) có 40 ngôi nhà bị sập hoàn toàn thì xã Phước Thuận có đến 29 nhà, riêng tại thôn Bình Thái chiếm đến 12 nhà. Mỗi lần nhắc đến thôn, người ta hay gọi “làng tâm bão”.

Những ngày giáp Tết Ất Mùi 2015, chúng tôi về "làng tâm bão" xem những hộ dân có nhà sập trong cơn bão số 4 ăn Tết ra sao.

Những ngôi nhà mới

Thật bất ngờ, những ngôi nhà mà cách đây mấy tháng còn là đống đổ nát sau bão thì nay đã được thay thế bằng nhà mới kiên cố, khang trang. Ngôi làng nhỏ ven đê Đông đã không còn vẻ hoang tàn; từ đường làng, ngõ xóm, từng ngôi nhà đều tinh tươm để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Cụ Nguyễn Thị Nhuận (85 tuổi) ở xóm 3, thôn Bình Thái, xã Phước Thuận không giấu được niềm vui trong đôi mắt già nua ngồi nhìn đứa con gái lau dọn ngôi nhà mới chuẩn bị đón Tết. Cụ Nhuận nhớ lại: “Trước bão số 4, căn nhà của tui dù cũ nhưng còn chắc chắn lắm. Không biết gió cuộn thế nào mà đổ sập. May mà 4 bà cháu tui kịp qua nhà hàng xóm tránh trú chứ không thì đã đi đời”.

Con gái cụ Nhuận, chị Võ Thị Hồng Liên (41 tuổi) vừa lau nhà vừa kể chuyện: Chồng chị Liên bỏ nhà ra đi lúc đứa con nhỏ của chị mới 7 tháng tuổi, giờ nó đã 3 tuổi. Từ đó đến nay, chị một mình làm ăn nuôi mẹ già và 2 đứa con nhỏ. Đời làm thuê kiếm tiền đắp đổi qua ngày đã khó, lấy đâu ra tiền tích lũy.

Sau khi nhà bị sập, chị như người mất hồn, không biết rồi đây mẹ con bà cháu tá túc nơi đâu. Sau bão, nhiều đoàn cứu trợ đến thăm, hỗ trợ tổng cộng được gần 10 triệu đồng, số tiền trên chỉ đủ vượt qua hoạn nạn chứ không dám nghĩ đến chuyện làm nhà mới.

Nhờ bà con họ hàng, chòm xóm láng giềng động viên, cho mượn mỗi người mỗi ít, chị mạnh dạn xây dựng ngôi nhà mới chi phí đến 150 triệu đồng.

Chị Liên bộc bạch: “Vùng này bão lũ “quậy” dữ lắm, đã làm là làm kiên cố, lên tầng để tránh lũ luôn nên mất nhiều tiền. Thấy tui nhà nghèo nhưng bà con làng xóm không ai ngại cho mượn, nên tiền làm nhà 100% là tiền vay mượn. Tui còn sức khỏe, làm nhà xong ráng “cày” kiếm tiền trả nợ”.

Cùng ở xóm 3, ngôi nhà của anh Nguyễn Đình Trọng (48 tuổi) sau cơn bão số 4 trở thành đống gạch vụn giờ đã mọc lên ngôi nhà rất khang trang. Nhà anh Trọng có chiếc ghe nhỏ mang số hiệu BĐ-02820 TS, công suất chỉ 15CV nhưng cũng ngang dọc vùng biển gần bờ từ Bình Định đến Phú Yên, Khánh Hòa hành nghề câu chuyên đánh bắt cá đuối, cá lỵ.

Mỗi chuyến biển kéo dài 5-6 ngày, chuyến trúng kiếm 5-6 triệu, chia cho 3 người mỗi người kiếm cũng được 1,5 triệu. Cũng có chuyến về không. Vợ ở nhà vá lưới thuê kiếm tiền chạy chợ. Vợ chồng dành dụm mãi mới được 30 triệu đồng. Nhìn ngôi nhà đổ sụm, hai người chỉ biết ôm nhau khóc.

“Mặc dù tiền hỗ trợ nhà sập theo chế độ đến nay chưa được nhận, nhưng nhờ bà con, chòm xóm thông cảm cho mượn nên tui làm luôn nhà tầng để sau này có chỗ đưa ba tui bị liệt nằm 1 chỗ lên tránh lũ. Ơn trời cho biển đầy cá, tui cố gắng năng cho ghe ra khơi để kiếm tiền trả nợ”, anh Trọng tâm sự.

Ngôi nhà mới xây dựng lại của bà Huỳnh Thị Kim Tòng (76 tuổi) tuy không khang trang bằng những ngôi nhà khác, nhưng với cảnh hộ nghèo, mẹ già nuôi đứa con gái đã 40 tuổi bị bại não thì không còn gì hạnh phúc hơn.

“Sáng 12/2, chúng tôi sẽ mời 28 hộ dân có nhà sập, hư hỏng do cơn bão số 4 tập trung tại UBND xã để trao tiền Nhà nước hỗ trợ bà con trả tiền công thợ, mua ít bánh trái về ăn Tết”, ông Trương Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết.

Nghe nói những hộ nghèo có nhà sập trong bão sẽ được hỗ trợ tổng cộng 40 triệu đồng, tuy chưa cầm được tiền nhưng anh con trai của bà Tòng chạy vạy, mua nợ vật tư, khất nợ tiền công để xây cho bà Tòng ngôi nhà cấp 4 khá kiên cố.

“Được ở trong ngôi nhà mới, Tết này dù không có bánh mứt nhưng tui cũng thấy hạnh phúc lắm”, bà Tòng trải lòng.

Ấm áp nghĩa tình

Ông Trương Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết, cơn bão số 4 đã cuốn phăng của xã này 29 ngôi nhà, làm hư hỏng 2 căn nhà khác.

Ngoài 1 căn nhà bị sập hoàn toàn nhưng do xây dựng lấn chiếm trái phép nên không được hỗ trợ, 28 ngôi nhà còn lại được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước với mức 30 triệu đồng/nhà sập và 15 triệu/nhà hư hỏng. Trong số 28 căn nhà sập được hỗ trợ, có 6 căn nhà thuộc diện hộ nghèo nên được Ủy ban MTTQ hỗ trợ thêm 10 triệu đồng nữa.

13-20-55_3
Bà Huỳnh Thị Kim Tòng cùng đứa con gái bệnh tật ấm áp với ngôi nhà mới

“Số tiền trên tuy không đủ để những hộ có nhà sập xây dựng lại nhà mới, nhưng nó như cái “đòn bẩy” kích thích mối quan hệ dòng họ, tình nghĩa chòm xóm láng giềng. Mỗi người một ít chung tay lại, vậy là những hộ có nhà sập đều xây dựng lại được nhà mới ăn Tết”, ông Tiến nói.

Điều đáng quý là cư dân của thôn Bình Thái hầu hết không lấy gì làm giàu có. Chỉ vài hộ có ghe nhỏ đánh bắt gần bờ có thu nhập trội hơn, phần đông còn lại làm nghề đánh bắt thủy sản ven đầm để mưu sinh.

 Thế nhưng đứng trước những hoạn nạn, họ đã không làm ngơ, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi để người thân, người làng xóm không phải ăn Tết trong cảnh màn trời chiếu đất.

Phó Chủ tịch UBND xã Trương Đình Tiến, cho biết thêm: “Qua nghiệm thu, chúng tôi nhận thấy chỉ có 2 hộ xây nhà mới với mức 40 triệu/nhà, vừa số tiền được hỗ trợ. Đó là nhà bà Lê Thị Liên và bà Huỳnh Thị Kim Tòng cùng ở thôn Bình Thái, vì những hộ này rất khó khăn, không có điều kiện trả nợ nên không dám mượn thêm để xây nhà to. Những ngôi nhà khác đều có mức đầu tư trên 100 triệu đồng. Điều này cho thấy, dù dân Bình Thái nghèo thật, nhưng tấm lòng họ không nghèo”.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm