| Hotline: 0983.970.780

Tết là nhà

Thứ Ba 12/02/2013 , 14:23 (GMT+7)

Có lần tôi xem phim, đọc thấy phụ đề dịch thế này: “Nếu bạn bắt đầu nghĩ về quá khứ nhiều hơn tương lai, nghĩa là bạn đã già”. Tôi giật cả mình.

Có lần tôi xem phim, đọc thấy phụ đề dịch thế này: “Nếu bạn bắt đầu nghĩ về quá khứ nhiều hơn tương lai, nghĩa là bạn đã già”. Tôi giật cả mình.

Ngoảnh lại, mình chưa đến 30 tuổi, bao nhiêu thứ trọng đại trong đời còn chưa làm như cưới xin, sinh con, đi du lịch xa, mua nhà mua xe, viết sách, phụng dưỡng cha mẹ... Nhưng quả thật cứ theo cái thuyết ấy thì tôi đích thực đã già. Minh chứng là cứ mỗi dịp ngoài phố rộn rã hoa đèn, bạn bè ồn ào bàn kế hoạch Tết, tôi lại hay nhung nhớ xa xôi về những cái Tết cũ...

Nhà tôi ở một ngôi làng nhỏ bên dòng sông Ba. Khi sinh ra tôi, gia đình chẳng may gặp biến cố, mẹ tôi dù không đành lòng cũng phải gửi con đi xa để bớt gánh nặng. Tôi rời làng quê nghèo đó để sống cùng ông bà ngoại ở thị xã cách nhà 20 cây số. Khoảng cách mà giờ đây tôi dễ dàng lái xe đi về hàng giờ, ngày đó là điều khó nhọc. Tôi chỉ biết đứng trên triền núi Nhạn ở trung tâm thị xã nhìn xa về phía Đông, cố tìm xem nhà tôi nằm đâu đó trong những đồng lúa bạt ngàn. Bà ngoại nói mỗi khi nhìn ánh mắt tôi rười rượi: "Ráng học giỏi Tết bà cho về nhà". Tôi ôm mối hi vọng đó mà gắng học, năm nào cũng đứng nhất lớp. Những cái Tết "phần thưởng" đó với tôi còn giá trị hơn việc đứng trên bục và được thầy hiệu trưởng trao bằng khen trước toàn trường dịp tổng kết. 

Suốt những năm niên thiếu, tôi chỉ đợi đến lúc được nghỉ học để leo lên chiếc xe lam nhỏ nổ lạch đạch rời xa thị xã Tuy Hoà sầm uất về lại quê nhà. Tết quê trong kí ức của tôi là những chiếc áo sơ mi trắng và quần âu xanh được mẹ may mới kết hợp dùng cho năm học sau, những lần theo xe ngựa ra chợ trông hàng trưa, những đêm giao thừa đi Chùa hái lộc và những sáng mồng Một ngủ nướng đến khi nắng lên. Năm nào cũng vậy nhưng với tôi quý giá vô cùng, đến nỗi dịp đi học lại tôi lại đằng đẵng chờ đến Tết sau, khóc thét lên khi bị đẩy lên xe trở lại thị xã.

Tôi rời Tuy Hoà vào Sài Gòn để bắt đầu đi học đại học. Những nỗi nhớ cồn cào cũng dần phai theo sự trưởng thành của tuổi. Tôi lớn dần lên, tự lập, biết đi dạy thêm kiếm tiền và để dành, nên mỗi khi nhớ quê cứ leo lên tàu mà về, chẳng còn cái cảm giác "bất lực" như xưa nữa. Do vậy khi Tết đến niềm háo hức đau đáu cũng dần mất đi, thay vào đó là sự thân quen. Tết, là trở về nhà, như một hành trình quen thuộc mà ai cũng sẽ trải qua. Trái tim tôi ngập tràn an bình giây phút thu xếp xong xuôi chuyện học hành, lên tàu, nằm nghe bánh ray xình xịch lẫn tiếng nhạc xuân. "Tết nay em không thèm đốt pháo, vì tiếng cười em rộn rã lòng anh rồi" mà vui sao...

Tôi đã nghĩ mình sẽ là  cô giáo mãi mãi như ngành học tôi đã theo đến thạc sĩ, dù là bà giáo làng hay một cô giáo đô thành. Nhưng số phận và cả sự lựa chọn cần phải có trong quá trình thích nghi, tôi đã trở thành MC, biên tập viên truyền hình. Sự sôi động, hiện đại của nó có sức hấp dẫn tôi và càng ngày tôi càng nhận ra mình có duyên với nó. Lắm lúc ngoảnh lại những tháng ngày êm đềm đứng trên bục giảng, nhớ ánh mắt học trò, cái cảm giác tan trường về nhà rồi so với cuộc sống tất tả bây giờ, tôi vẫn không hiểu nổi sao 2 con người ấy lại ở trong tôi làm một. Sự khác biệt rõ nhất của nghề lên cuộc sống tôi là mỗi khi Tết đến. Là một giáo viên, ngày Tết với tôi là nhàn nhã, chẳng lo nghĩ, lại còn được học trò thăm viếng cà kê thoải mái. Còn khi làm MC, biên tập viên, ngày lễ Tết với tôi trở thành xa xỉ về nghỉ ngơi khi có hàng mớ công việc bủa vây. Thức khuya viết kịch bản, dậy sớm đi ghi hình, trực qua đêm, vùi đầu ở phim trường, son phấn suốt ngày ngoài nắng, tươi cười dù đói và mệt lả... 

Ngô Như Quỳnh (quê ở Ngũ Thạch, Đông Hòa, Phú Yên), từng là thủ khoa ĐHSP TP.HCM năm 1998, lấy bằng thạc sĩ văn chương năm 2007. Cô đoạt giải Én bạc và giải thưởng của Ban giám khảo Báo chí năm 2008. Trở thành MC chuyên nghiệp và sau đó đoạt giải MC duyên dáng năm 2009. Cô không chỉ là gương mặt quen thuộc trong các chương trình: Chào buổi sáng, Đàn ông nói,… của HTV mà còn là tác giả của rất nhiều kịch bản truyền hình các chương trình hấp dẫn như: Chuyện đêm muộn, Đàn ông nói…

Dù vậy, may mắn cho tôi là đồng nghiệp chia sẻ cho nỗi niềm phận xa quê, không năm nào tôi phải nhận nhiệm vụ từ giao thừa qua Tết. Thế nên, liên tục 12 năm kể từ ngày vào Sài Gòn học hành, rồi lập nghiệp, chưa một lần nào tôi ở lại để ăn Tết cho biết mùi vị. Nhiều bạn bè tôi có dịp thử nghiệm qua hay nói "buồn lắm, cô đơn lắm, đường vắng hoe à, nhớ nhà thêm thôi", còn có người thích thử thách thì bảo "lại càng hay, chứ cứ ăn Tết quê hoài có gì hay". Tôi thì, dù biết tính mình ưa mới mẻ, và việc ở lại ăn Tết Sài Gòn ở tuổi này cũng chẳng còn là gì nghiêm trọng nữa, nhưng trong tôi có điều gì đó rất thiêng liêng mỗi bận Tết đến, là sự đánh thức cảm giác thiếu thốn thuở ấu thơ, tôi muốn được về nhà, được làm những việc đã cũ, như một bổn phận với trái tim mình. 

Tết với tôi giờ đây không để háo hức bất cứ điều gì cụ thể, không chờ giao thừa, không mong sáng mồng Một, không nhất thiết đi hái lộc, không cần hoa mai hoa đào, lì xì, bánh chưng, hạt dưa... chỉ đơn thuần là được về nhà, bên mẹ, anh chị em, nghe tiếng người quê trọ trẹ, đi qua lại trên đường làng và hít lấy bầu không khí quê hương.

Với tôi, tết là nhà, chỉ vậy thôi.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.