| Hotline: 0983.970.780

Tết ở dân tộc ít người nhất Việt Nam

Thứ Bảy 09/02/2013 , 15:04 (GMT+7)

Tết của người Thủy rất đơn giản, mộc mạc như chân núi Cốc Phay nơi họ đang sinh sống.

Mỗi khi củ sắn trên nương chất đầy gầm sàn, lúa đã phơi khô quạt sạch xếp gọn trong bồ, quả ngô treo trên gác bếp đã khô ròn, cũng là lúc cộng đồng người Thủy tại thôn Thượng Minh xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán như các gia đình trên đất Việt.

Tết của người Thủy rất đơn giản, mộc mạc như chân núi Cốc Phay nơi họ đang sinh sống.

Đến nơi người Thủy cư trú

Vượt qua hơn chục km đường đất nhầy nhụa, chúng tôi mới tìm đến nhà chị Bàn Thị Tài, Bí thư Chi bộ thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, là con dâu người Thủy đã hơn 33 năm.

Qua câu chuyện chị Tài cho biết: “Suốt nhiều năm làm con dâu của người Thủy, nhưng đến nay tôi chẳng biết nguồn gốc, mộ các cụ tổ của nhà chồng mình đang ở vùng nào? Chỉ biết họ đã sống ở thôn Thượng Minh này mấy đời rồi. Tôi thấy một cái rất lạ là dân tộc này chỉ có mấy hộ gia đình, sống không tập trung, mà đan xen với các hộ dân tộc khác cùng thôn như Pà Thẻn, Mông, Dao. Thế nhưng, từ người lớn đến trẻ em ai cũng nói thông thạo tiếng mẹ đẻ của người Thủy.


Sắp mâm cơm khách của người Thủy.

Tín ngưỡng của người Thủy cũng có nhiều thứ rất khác và đến giờ tôi chưa lý giải được là tại sao ngày Tết Nguyên đán chỉ thờ cúng bằng lòng lợn, gan lợn mà không được cúng bằng thịt. Còn trong tiếng nói cũng chẳng có từ nào phát âm giống các dân tộc Dao, Pà Thẻn, Tày hay dân tộc Mông.

Ngày tôi mới về làm dâu, thì người Thủy chỉ có mấy nóc nhà, sau mấy chục năm phát triển, nay đã tăng thêm hơn chục nóc nhà nữa, tất cả chỉ sống ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang này. Gia tộc người Thủy chia làm 3 dòng họ. Họ Mùng đông nhất với 11 hộ, họ Lý nhà mình có 9 hộ. Riêng họ Bàn chỉ có 1 nóc nhà”.

Trước đây người Thủy thường làm nương, rẫy, nhưng từ năm 2006 người dân không làm lúa rẫy mà chỉ trồng bí, ngô, sắn trên đất rẫy, trồng lúa trên đất ruộng được chia theo nhân khẩu như các dân tộc khác.

Con trai, con gái lớn lên xây dựng gia đình với các dân tộc khác trong thôn, xã đã giúp cho người Thủy có thêm các mối quan hệ làng xã và duy trì, phát triển giống nòi, tránh cận huyết. Có một điều lạ, là người Thủy rất ít, lại phải sống đan xen suốt hàng trăm năm qua cùng các dân tộc khác, mọi trang phục, đồ dùng hàng ngày đã bị đồng hóa.

Mặc dù sống ở nơi vùng sâu, giao thông cách trở, thiếu đất trồng cấy, thế nhưng người Thủy luôn chăm chỉ lao động, sống hòa mình với các dân tộc anh em. Người Thủy còn được mọi người bầu chọn là sáng dạ trong học tập của xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Vì trong tổng số 92 nhân khẩu người Thủy ở thôn Thượng Minh, thì có 6 người đã và đang theo học các trường chuyên nghiệp, 3 người đang học Đại học hệ chính quy tại Hà Nội. 3 người học hệ Cao đẳng gồm có 1 người đang công tác Công an huyện Lâm Bình, 1 y tá và 1 người nghề giáo viên. Người Thủy có vị trí xã hội cao nhất là chị Lý Thị Toàn, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hồng Quang. Có gia đình tiêu biểu trong nuôi dạy con ăn học là ông Lý Văn Ngọc, có 3 người con đều thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng.

Không có chữ viết riêng, thế nhưng cho đến ngày nay tất cả 92 người Thủy ở thượng nguồn Khuổi Tao, thôn Thượng Minh này vẫn bảo tồn, lưu truyền được tiếng nói riêng trong giao tiếp, là một điều bí ẩn.

Tết cũng đơn giản  

Đối với tộc người Thủy thì đơn giản ở chỗ, ngày Tết là để nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, nên từ người lớn, trẻ em chỉ vui chơi và mời người thân đến nhà ăn no, uống say mừng năm mới.

Trong cỗ bàn cho “người âm” cũng hết sức giản dị, không tốn kém nhưng phải tuân thủ đúng như sau: Sắp mâm cúng Tết Nguyên Đán phải đúng vào buổi chiều ngày 30 Tết, năm nào tháng thiếu, thì cúng vào chiều ngày 29 Tết. Khi sắp mâm lễ cho bàn cúng tổ tiên, các gia đình cũng làm đơn giản, nhà nào có lợn thì mổ lợn, không có lợn giết thịt thì ra chợ mua lòng lợn hoặc chung đụng lợn cũng được. Miễn sao có đủ các món lòng thập cẩm như lòng non, gan, dạ dày, lòng nhồi… rồi luộc lên, thái thành từng miếng, xếp vào một đĩa đầy đặn (mâm cúng không được dùng thịt, kể cả thịt gà), có 5 cái chén để rót rượu, một chai rượu nút lá chuối để cạnh mâm cho các cụ “tự rót”, rồi thắp đèn, hương, đặt ít tiền vàng mã và 5 đôi đũa, 4 chiếc bánh dầy không nhân (không được cúng bánh dầy có nhân và tuyệt đối không được cúng bánh trưng).

Thờ phụng tổ tiên ngày Tết ở tất cả các gia đình đều giống nhau phần sắp lễ. Khi sắp xong mâm lễ, gia chủ phải nhờ thầy cúng đến thắp hương, cúng khấn mời gọi các cụ tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Sau khi thầy mo mời gọi tiên tổ về rồi, mới đến lượt con cháu mở tiệc ăn uống. Riêng mâm lễ cúng chiều ngày 30 Tết cứ để nguyên như vậy trên bàn thờ, gia chủ chỉ việc thắp hương liên tục cho đến chiều tối ngày mùng 3 Tết, lại mời thầy mo đến cúng hóa vàng, hạ lễ.

Theo các cụ cao tuổi người Thủy cho rằng, việc đặt 5 đôi đũa và 5 chén rượu tỏ lòng thành kính với 5 đời tiên tổ. Việc dùng một mâm lễ kính dâng các cụ tiên tổ “ăn suốt hai năm”, sẽ giúp con cháu làm ăn phát đạt, lúc nào cũng có lúa gạo ăn liên tục từ năm cũ sang năm mới, không sợ bị thiếu đói đứt bữa.

Sắp Tết cho “người âm” đơn giản bao nhiêu, thì Tết cho các gia đình người Thủy năm nay lại “phức tạp” bấy nhiêu, vì mọi nhà phải cuống cuồng lo tiền đi chợ mua thực phẩm Tết.

Theo anh Mùng Văn Tình, hồi đầu tháng 10 âm lịch, một trận dịch bệnh đàn gà, vịt càn qua Thượng Minh, rồi tiếp đến dịch bệnh phát sinh cả ở lợn, nó đã cơ bản “diệt sạch” đàn gia cầm và cả những con lợn họ nuôi từ đầu năm, dự định thịt dịp Tết này cũng lăn đơ ra chết.


Có điện, máy xay sát lúa đã giúp người Thủy thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày.

Cũng may mắn 3 năm trở lại đây, nhờ chương trình khuyến nông “cầm tay chỉ việc”, nên các gia đình người Thủy trồng sắn cao sản lãi to. Hộ ít cũng kiếm được hơn chục triệu đồng/vụ, có tiền cải thiện bữa ăn và sắm Tết tươm tất hơn. Có hộ trồng nhiều còn dư tiền mua sắm được cả xe máy, ti vi.

Đi đầu trong việc trồng cây sắn xóa nghèo phải kể đến gia đình anh Mùng Văn Chấn, trước Tết năm 2011 mua được một con trâu đẹp, cũng vụ sắn trước Tết năm 2012 mua được một chiếc máy làm đất hơn chục triệu đồng. Còn chuẩn bị cho năm mới 2013, cũng nhờ cây sắn cao sản mà anh Chấn có tiền thuê máy xúc đến dưới nhà đào hẳn hai chiếc ao thả cá. Cây sắn đã giúp Chấn biến điều ước đã thành hiện thực, khi trước nhà có 2 chiếc ao hoành tráng để nuôi cá cải thiện hàng ngày, còn với các hộ người Thủy thì sắn đã giúp họ có tiền cải thiện cuộc sống.

Đến nay, 21 hộ người Thủy không còn ai bị đói đứt bữa, nhưng mới chỉ có 3/21 hộ được công nhận thoát nghèo. Nói là thoát nghèo nhưng thực tế vẫn còn rất khó khăn, nhất những hộ gia đình có con ăn học chuyên nghiệp vẫn phải vay tiền Ngân hàng chính sách mới có thể nuôi chúng đi gom con chữ ở nơi phố thị.

Tết ở tộc người Thủy, trẻ em mong sao có tấm áo mới, người lớn lo thịt rượu còn ông Mùng Văn Lụ, năm nay 74 tuổi, là thầy mo của người Thủy, lại có vẻ mặt buồn rầu, vì mấy năm nay kinh tế có khấm khá hơn, đám con trẻ biết làm thuê mướn nên có tiền mua gạo, nên không phải ăn độn sắn mỗi khi đến mùa giáp hạt. Nhưng buồn chỉ vì chẳng có ai chịu học làm thầy mo “người Thủy ít quá, lại không có chữ viết (kể cả chữ nho hay chữ Hán hóa - PV), tao bảo mấy thằng con học bài cúng ma, nhưng không có đứa nào học nổi. Ăn một cái Tết mình lại già thêm, chẳng biết sau này lấy ai cúng tổ tiên nữa”, cụ Lụ nghẹn ngào.

Mỗi người lo một thứ, chị Bàn Thị Tài thì vừa mừng vừa lo, mừng vì thằng con trai học giỏi mới thi được trường Đại học Xây dựng tận Hà Nội, năm nay cháu đã học năm thứ 4 rồi. Mỗi tháng chị đành vay mượn gửi nó hai triệu mới đủ ăn tiêu. Đến bây giờ sổ nợ Ngân hàng đã lên khoảng hơn 40 triệu đồng rồi. Tết đến nó về chung vui cùng gia đình, nhưng phải lo cho nó ít tiền quay xuống trường học nốt năm cuối.

Năm mới gõ cửa từng nhà người Thủy, thấy ai cũng vui, nhưng lo sợ tốn kém. Chính vì thế, Tết ở nơi người Thủy cũng đơn giản như mọi năm, không cầu kỳ phô trương.

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Malaysia: Giành vé đi tiếp?

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Malaysia trong khuôn khổ VCK U23 châu Á sẽ diễn ra vào lúc 20h00 ngày 20/4/2024 trên sân vận động quốc tế Khalifa. 

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm