| Hotline: 0983.970.780

Tết ở "phố làng"

Thứ Năm 10/02/2011 , 09:41 (GMT+7)

Đã mấy chục năm rồi nay tôi mới trở về quê ăn Tết. Quê tôi làng Ngọc Tảo cách đập Phùng chừng 3- 4 cây số phía Tây TP. Hà Nội, giáp Quốc lộ 32.

Đã mấy chục năm rồi nay tôi mới trở về quê ăn Tết. Quê tôi làng Ngọc Tảo cách đập Phùng chừng 3- 4 cây số phía Tây TP. Hà Nội, giáp Quốc lộ 32.

So với mấy chục năm trước làng tôi đã đổi thay nhiều lắm, con đường vào làng xưa là mấy hàng gạch nghiêng, chiếc cổng làng nằm dưới gốc gạo già chỉ đủ cho hai người dắt trâu tránh nhau. Trên con đường vào làng là hai dãy ao chuôm, tháng năm hoa bèo tây nở tím ngắt mặt ao. Bây giờ thay vào hai dãy ao chuôm đó là những ngôi nhà 2-3 tầng xây theo đủ các kiểu kiến trúc Tây, Tàu sơn đủ màu vàng xanh chả khác gì những ngôi nhà ở các thành phố. Bởi thế, có người gọi là phố làng.

Cách nay mấy chục năm làng tôi khi ấy toàn nhà lợp rạ, thi thoảng mới có nhà lợp ngói. Đấy là nhà của các địa chủ, còn lại toàn nhà lá dày xin xít, tường đắp bằng đất nhà nọ cách nhà kia là hàng rào ô rô, hay rặng cúc tần, mùa thu dây tơ hồng giăng vướng vít dọc hàng rào vào các ngõ. Lũ trẻ chúng tôi thường lấy dây tơ hồng quấn lên đầu lên cổ giả làm cô dâu chú rể. Trên đất năm phần trăm nhà ai cũng trồng khoai đốm, dọc cao vút đầu, gần Tết người ta đánh cả bụi gánh về để sau nhà ăn chống đói tháng ba. Tất cả những ngôi nhà xây đấy là của những gia đình có con em đi làm ngoài thành phố hay xuất khẩu lao động…gửi tiền về, chứ với mấy sào ruộng, vài thước đất phần trăm thì đủ ăn đã là khá rồi, chứ nói gì tới chuyện xây nhà?

Sắm lễ vào chùa

Không khí Tết ở làng quê bắt đầu náo nức từ rằm tháng Chạp, đấy là ngày các họ ở trong làng tổ chức họp họ. Ông trưởng họ Nguyễn Đình làng tôi là bác Quế, bác mất thì anh con trai trưởng thay bác trông nom nhà thờ họ. Vào ngày rằm tất cả các Chi hội tụ tại nhà thờ họ để cúng tế tổ tiên. Ông tổ họ Nguyễn Đình làng tôi nghe các cụ nói là con cháu Nguyễn Xí (1397-1465) công thần khai quốc nhà Hậu Lê. Điều này tôi chưa có thời gian tìm hiểu gia phả nên chưa rõ thực hư thế nào. Còn sau ngày giỗ họ các Chi tự định ngày giỗ của chi mình, Chi họ tôi chọn từ 20 tháng Chạp, nếu ngày đó trùng vào ngày Chủ nhật để con cháu đang công tác ở các TP mới có thời gian về cúng tế tổ tiên. Ngày trước mỗi nhà góp vài bát gạo, mấy đồng bạc, vài thẻ hương…bây giờ gia đình trưởng chi tạm ứng tất cả số tiền chi phí, sau hôm đó sẽ chia đều cho các suất. Thằng cháu tôi Nguyễn Đình Nguyên đứng ra lo liệu, bởi bố nó mất hồi tháng 10/2009.

Hôm đó các bà con dâu, con gái ở nhà làm cơm cúng tổ tiên, còn cánh đàn ông thì ra đồng làm vệ sinh, đắp lại mồ mả các cụ, giới thiệu cho con cháu tên tuổi từng người để con cháu biết ông cha mình đang nằm đâu. Sau đó về thắp hương khấn vái, đốt vàng mã…mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Đó là ngày giỗ từ bao nhiêu năm nay rồi họ tôi chưa năm nào bỏ, dù đó là những năm chiến tranh đói kém nhất. Đó là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh từ ngàn xưa truyền lại, có lẽ chỉ có làng quê mới chính là nơi gìn giữ được lâu bền nhất.

Thắp hương mời các cụ ngoài đồng về ăn Tết

Đêm giao thừa ngày tôi ở nhà, đó là những năm tháng chiến tranh ác liệt, phần lớn số thóc lúa đều giành cho chiến trường miền Nam, lại thường xuyên mất mùa làng tôi nhà nào cũng đói, người ta chạy tứ tán khắp nơi tìm cái ăn, khi Tết đến ai cũng trở về cái làng quê của mình dù đó là cái làng quê nghèo khó để thắp hương trên mộ những người thân của mình, sau Tết lại vội vã ra đi. Ngày ấy nhà tôi quanh năm ăn độn khoai, gạo chẳng mấy khi có trong chum, nhưng đêm giao thừa mẹ tôi vẫn dành dụm vài ba bát gạo nấu cơm cúng giao thừa. Ngoài mâm cơm cúng tổ tiên, mẹ tôi còn bày một mâm nữa cúng trời đất, thần linh, thổ địa…Mâm cúng chẳng có gì nhiều nhặn, một bát gạo đầy, một đĩa muối trắng, quả cau lá trầu với mấy thứ hoa trái trong vườn…năm nào được mùa thì có thêm miếng thịt luộc. Mẹ tôi ngửa mặt nhìn trời đất với sự thành kính vô biên, cầu mong trời đất phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa vụ tốt tươi, mọi người mạnh khỏe…

Giao thừa năm nay cái Hoa vợ thằng Nguyên cũng làm hai mâm cúng, mâm cúng trong nhà và mâm cúng trời đất. Khác với mâm cúng ngày xưa của mẹ tôi, nay có thêm con gà luộc. Điều ấy muốn nói rằng kinh tế của làng tôi bây giờ cũng khác xưa nhiều lắm, mọi nhà đều đã đủ ăn và dư dật, nhưng cái gốc rễ của tổ tiên thì vẫn được lưu giữ.

Lễ Phật

Hơn chục năm nay Tết không còn đốt pháo, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân đã khác xưa nhiều lắm, phương tiện thông tin đặt ngay ở đầu giường của mọi nhà, nhưng các nghi lễ của làng thì chẳng thể nào bỏ. Ai đó nói rằng: "Hồn làng mặt phố". Phải, chỉ có làng quê mới chứa đựng và giữ gìn được hồn cốt của một dân tộc. Tết ở quê là thế.

Sáng mùng một, sau khi thắp hương cúng tổ tiên, anh em học mạc tới nhà nhau chúc tụng sau đó lên chùa lễ Phật. Chùa làng tôi được Bộ VH - TT - DL xếp hạng di tích quốc gia, năm 2008 được trùng tu lại. Dẫu vậy vẫn giữ được cái cổ kính của ngôi chùa đã trải qua mấy thế kỷ ngói mũi rêu phong. Ba ngày Tết, cửa chùa lúc nào cũng mở để con cháu về lễ Phật, mẹ tôi bảo khi tôi sinh ra ốm lắm, sài đẹn nhiều tưởng chết phải ăn mày cửa chùa mới sống được đến ngày nay. Chẳng biết điều ấy có đúng không, giả thử làng tôi không còn chùa nữa thì không biết làng tôi sẽ ra sao nhỉ? Tôi nhớ một câu trong kinh Phật: "Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông". Chùa là trung tâm đời sống tâm linh của làng tôi, nếu một ngày kia làng tôi không còn chùa, tôi tin rằng làng cũng không còn nữa.

Hàng năm cứ vào ngày 7 tháng Giêng là ngày làng tôi rước Phật ra giếng đầu làng tắm rửa. Ngoài Phật Thích Ca có thêm 3 ông Bụt Ốc, sư Toàn trụ trì chùa làng tôi làm chủ lễ. Các cụ và các vãi tham gia lễ tắm Phật từ hôm mùng 6 đã phải tắm rửa sạch sẽ, lau chùi kiệu, thau đồng, khăn tắm…Bắt đầu từ 7 giờ sáng lễ rước Phật ra giếng đầu làng, các cụ ông đội khăn gõ mặc áo the khiêng kiệu, còn các vãi đi sau đọc kinh. Cờ chùa cắm dọc hai bên đường vào làng, trên đường rước Phật mọi phương tiện giao thông phải dẹp sang hai bên lề đường, cấm không ai được bóp còi xe hay nói tục. Khi Phật được rước ra giếng sau khi làm lễ, các cụ ông múc nước từ giếng lên chiếc chậu thau đồng dùng chiếc gáo nhỏ xíu múc nước dội từ từ lên đầu các ông Phật, sau đó dùng một chiếc khăn đỏ khẽ kỳ cọ bụi trên thân mình các ông Phật một cách kỹ lưỡng với gương mặt thành kính, sau khi tắm xong, Phật được rước trở lại chùa thắp hương làm lễ.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất