| Hotline: 0983.970.780

Tết Rồng chuyện Mèo...

Thứ Ba 24/01/2012 , 11:30 (GMT+7)

Tôi làm biên tập cho một tờ báo địa phương! Gần đến Tết rồi, theo kế hoạch số báo Xuân sắp ra phải có số trang gấp đôi số thường kỳ mà nhìn vào số bài vở lai cảo thấy ngao ngán.

Quay đi: ca cổ, quay lại: văn vần... Chờ đến cả tháng cũng chẳng thấy một cái gọi là truyện ngắn ở đâu gửi đến. Chúng tôi đang lo phát sốt lên thì lại nhận được cú điện thoại của ông Hoàng Hùng bồi thêm cho một nỗi lo nữa: “Báo xuân thế nào cũng phải có trang văn học thiếu nhi đó ông ạ!”.

Tôi chống chế: “Thôi ông ơi, đừng bày vẽ thêm chỉ cho mệt. Tôi đố ông kiếm được một em thiếu nhi nào trên đời này mở tờ báo người lớn ra coi trang thiếu nhi chữ nhỏ như con kiến đó!” nhưng ông Hoàng Hùng vẫn không chịu chấp nhận ý kiến của tôi. Và thế là tôi phải dấn thân vào công việc không dễ dàng này.

Trong khó khăn người ta hay nghĩ đến những người có sức mạnh. Tôi lập tức nghĩ đến Văn Sỹ (tên cha mẹ đặt cho là như thế chứ không phải anh ta tự vỗ ngực xưng là nhà văn đâu) mà tôi biết anh từ gần 20 năm trước. Văn Sỹ tuy là người viết báo nhưng thỉnh thoảng cũng viết vài ba truyện loài vật cho thiếu nhi. Anh đã có tác phẩm được đưa vào một tuyển tập của Nhà xuất bản Kim Đồng, nhưng không hiểu vì lý do gì gần đây anh không viết truyện loài vật nữa.

Tôi tới nhà anh vào một buổi chiều. Uống xong ly nước đun sôi để nguội, tôi nói việc tôi muốn nhờ anh. Không ngờ anh từ chối thẳng thừng:

- Thôi, tôi lạy ông, ông tha cho tôi đi.

Văn Sỹ vừa nói vừa nắm lấy tay tôi, vẻ bối rối run sợ như anh vừa ra khỏi tù mà tôi là người đến đọc lệnh bắt lại.

Không hiểu chuyện gì đã xảy ra nhưng tôi cũng không dám hỏi thêm anh. Tôi ra về. Vài hôm sau chờ cho anh hoàn hồn (ấy là tôi nghĩ thế) tôi lại đánh liều đến nhà anh lần nữa xem sao. Thật ra lần này thoáng thấy bóng tôi, anh đã tính “đuổi”, bởi tôi đã nghe thấy tiếng anh dặn thẳng con nhỏ “Bảo bố không có ở nhà nghen”, nhưng vì tôi đã ập đến cửa nên anh không còn cách nào khác, đành phải ra tiếp tôi. Và lần này, chắc là để lần sau tôi khỏi vác mặt đến nhà quấy rầy, Văn Sỹ đã kể cho tôi nghe cái chuyện vì nó mà anh bị điêu đứng, cái chuyện viết đồng thoại có một không hai trong đời anh.

Đó là dịp Tết của năm Dần sang năm Mão (1974 - 1975), anh kể. Năm đó tôi đang làm báo ở một tỉnh ngoài kia. Vì là báo Tết, cần một trang văn học thiếu nhi nên tôi được phân công phụ trách trang đó. Giống như ngày xưa người ta ra đề thi cho Trạng Quỳnh: “Dứt một tiếng trống phải vẽ được mười con vật”, lần này ông tổng biên tập cũng gia hạn cho tôi “vì còn phải đăng nhiều bài nên bài của đồng chí chỉ được viết 500 chữ và chỉ được viết truyện về con mèo vì năm tới là năm con mèo”.

Từ chối không được mà nhận vào thì tôi lo quá. Truyện “Con mèo lười” ông Tô Hoài viết mất rồi. Truyện nó trèo cây cau thì ca dao xưa đã nói. Bây giờ biết viết gì? Tôi về nhà bóp đầu suy nghĩ và cứ đi đi lại lại trên mảnh sân như người mắc bệnh mộng du. Không ngờ nhờ đó mà tôi phát hiện ra một chi tiết thú vị: Con mèo tam thể nhà tôi đang bày trò dạy mấy con heo nhỏ tập vồ chuột. Ngộ nghĩnh nhất là trong khi chú mèo tinh ranh, nhanh nhẹn bao nhiêu thì mấy gã heo con lại ngờ nghệch vụng về bấy nhiêu. Các gã cứ như những cậu ấm, sinh ra là mọi thứ phải chiều chuộng mình. Tôi nảy ra ý định viết một truyện đồng thoại với nhan đề “Cô gái mèo dạy heo bắt chuột”, với chủ đề đơn giản: Ở đời ai có tài gì phải làm việc đó. Không tài thì hãy như heo cho đời làm thịt.

Nghĩ xong tôi lấy bút viết liền. Độ dập bã trầu thì xong. Lúc này vợ tôi đang làm cơm chiều. Đang rán chả bánh đa, món ăn mà tôi thích nhất để chiêu đãi tôi sau khi vừa lãnh lương. Giá như mọi khi đang cơn đói bụng mà tai nghe tiếng xèo xèo của mỡ rán, mà mắt nhìn những tấm chả đang từ từ vàng ruộm lại và mũi ngửi mùi gia vị bay ngào ngạt trong không gian thì tôi đã ứa nước miếng chân răng nhưng hôm nay tôi lại thấy dửng dưng như không. Bởi cái truyện vừa viết xong đang cuốn hút hết lòng dạ tôi mà! Tôi bắt vợ tôi phải ngồi yên tại bếp nghe tôi đọc. Tôi đã hào hứng như ngày xưa đọc thơ tình cho cô ấy nghe. Đọc xong như thường lệ, tôi hồi hộp chờ lời khen của vợ tôi hoặc một miếng chả rán thay cho lời khen đó. Nhưng tôi đã như bị điện giật khi thấy cô ấy ném đôi đũa đánh chát xuống chảo mỡ:

- Anh bêu xấu tôi!

Thiếu điều tôi sụm chân xuống nhưng cũng cố trấn tĩnh hỏi lại.

- Em nói sao?

Vợ tôi vùng vằng đứng dậy:

- Anh bêu xấu tôi. Đả kích cái việc tôi bồi dưỡng cho con ông Trưởng ty Giáo dục thành giỏi văn... Anh cho là tôi nịnh ông ta chứ gì. Anh xem đã bao giờ tôi bước chân đến cổng nhà ông ta chưa? Còn con ông ta giỏi thì phải bảo là giỏi chớ!

Tuy giận nhưng tôi vẫn cố ngọt nhạt:

- Thì anh có nói gì đâu!

Vợ tôi càng làm già:

- Không nói gì đấy hả. Hôm qua anh đã bảo với tôi: “Xem ra thằng Hưng chả có năng khiếu gì đặc biệt cả”. Nay anh lại viết thế, khác nào anh chửi tôi...

Rồi bỏ mặc cho củi lửa cháy phừng phừng, bỏ mặc cho màu đen xỉn và mặc cho mùi thơm ngào ngạt thành mùi khét lẹt, vợ tôi xồng xộc chạy vào buồng nằm vật xuống giường. Ở nhà ngoài, sau khi nghe đánh rầm một cái, tôi đã kịp thời chạy vào giật được tờ bản thảo ra khỏi những ngón tay đang kẹp chặt như giọng kìm sắt của vợ tôi. Thật hú vía. Nếu không chỉ một giây nữa, con mèo con heo của tôi đã phân thân thành đàn bươm bướm trắng bay phất phới trong nhà rồi. Vợ mình đã không hiểu mình thì chỉ còn cách là đến bè bạn, đồng chí, đồng nghiệp của mình thôi. Tôi nghĩ thế nên đút vội tờ bản thảo vào túi rồi đạp xe thẳng đến nhà Tổng biên tập ngay để ông khỏi đoán ra chuyện không hay vừa xảy ra. Tôi phải mau chóng chuyển bộ mặt hầm hầm tức giận thành tươi roi rói:

- Rất đúng hẹn, tôi nạp bài cho anh đây!

Tổng biên tập đang cho gà ăn, thấy tôi đến, ông vội rửa tay và mời tôi vào phòng khách uống nước. Tôi đưa bài cho ông. May làm sao lại được ông đọc ngay. Vừa nâng ly nước lên miệng nhưng không uống, tôi vừa quan sát nét mặt ông. Thấy con mắt, cái miệng của ông có vẻ cười cười, tôi khấp khởi mừng thầm. Phen này chắc êm rồi. Khổ, chả bù cho cơn nổi tam bành của vợ tôi vừa rồi. Nhưng kìa, sao mặt ông ta tối sầm lại vậy? Tôi hồi hộp quá hẳn là ông bị chạm nọc rồi. Tôi chuẩn bị tư thế đối phó. Ông đã bỏ tờ giấy xuống rồi gườm gườm nhìn tôi qua đôi mắt kính bị trễ xuống:

- Anh thử kiểm điểm xem lâu nay tôi ăn ở với anh có đến nỗi nào đâu?

Tôi bối rối:

- Anh nói gì tôi không hiểu ạ.

Ông Tổng biên tập cười khẩy:

- Anh chửi tôi mà bảo là không hiểu thì lạ thật.

- Khổ, tôi đâu dám chửi anh.

Tổng biên tập chìa tờ giấy ra trước mặt tôi:

- Đây, anh không chửi tôi thì còn chửi ai nữa. Khốn nạn, anh phải hiểu cho tôi mới được. Tôi đề bạt cậu Bằng lên làm phó ban biên tập đâu có phải vì cậu ấy viết lách tài giỏi hoặc tư cách đạo đức hơn anh. Mà là vì cậu ấy vừa ở chiến trường ra, trong người còn ba bốn vết thương.

Tôi bối rối, vò đầu bứt tai. Bởi tôi đâu có ham quyền, ham chức. Tôi chỉ viết truyện đồng thoại thôi mà. Tôi nói với ông ta:

- Anh hiểu lầm tôi rồi. Vậy thôi, anh cho tôi xin rút lại cái truyện này.

Không ngờ Tổng biên tập của tôi lại giơ tay chặn lại:

- Đâu có được! Ai cho ông làm thế. Ông nên hiểu là lâu nay để nắm được tư tưởng của anh em viết, những người có trách nhiệm đâu có để ý đến những bài đăng báo công khai, bởi cái đó thì muôn người như một rồi, cần chi phải bận tâm tới. Cái mà người ta quan tâm tìm hiểu là những bài viết không đăng kia. Cái ấy mới đích thực. Vậy xin ông cho phép tôi được chuyển truyện này lên cấp trên của chúng ta.

Mẹ kiếp, chuyện rắc rối đến thế kia à. Tôi bắt đầu run. Than ôi, mèo với chuột, nhi đồng với người lớn, hết khổ với vợ lại khổ với thủ trưởng. Tôi ức đến phát khóc lên được. Nếu là đàn bà chắc tôi phải khóc hu hu lên rồi. Nhưng khi về đến nhà, tôi không dám nói điều này với vợ. Sợ có thêm “đồng minh” bà ấy sẽ còn “đánh” mạnh hơn.

Văn Sỹ ngừng nói. Anh cười. Cười mà mắt lại chớp chớp như muốn khóc. Tôi liền nói với anh:

- Anh cũng biết đấy, công việc viết lách bây giờ không còn sợ những bóng ma ám ảnh nữa. Tết này anh ráng giúp tôi một cái truyện đồng thoại nghe.

Nhưng anh không trả lời tôi ngay. Uống nước, hút thuốc rồi ngẫm nghĩ một lúc mới gật đầu:

- Thôi được, tôi thử liều một lần nữa xem sao. Tết này là Tết con rồng phải không? Được rồi, tôi sẽ viết một cái truyện về những con rồng. Đại để là xung quanh câu ca dao của ông cha ta: “Ăn: rồng cuốn. Nói: rồng leo. Làm: mèo mửa” ấy mà. Được chứ?

- Được! Rất cảm ơn anh.

Tôi ra về lòng khắp khởi mừng thầm.

Ai ngờ chỉ sau đó không đầy một tiếng đồng hồ, anh đã lộc cộc đạp xe chạy lại nhà tôi. Vừa đến cổng, anh đã nói ngay:

- Cho mình được kiếu cái truyện con rồng ấy đi!

- Sao vậy ?

Tôi sửng sốt. Anh dựa xe vào bờ hè rồi vừa thở vừa nói:

- Vợ tôi nó bảo ở ta đây cũng có một ông ông giám đốc tên là Năm Rồng, Tư Rắn gì đó. Ông này nghe đâu ăn uống cũng không lấy gì sạch sẽ cho lắm nhưng lên lớp dạy người về đạo đức thì đến thánh thần cũng phải chịu thua. Đúng như chủ đề của cái truyện con rồng tôi định viết cho ông ấy mà. Thôi, xin ông tha cho tôi. Đời tôi đã từng điêu đứng vì mèo vì heo rồi chẻ lẽ lại còn bắt con tôi phải thay tôi cơ cực vì rồng vì rắn nữa?

Anh quay xe định đạp về ngay nhưng tôi đã kịp giữ lại để nói đủ với anh một câu:

- Vậy thì anh phải cho tôi viết lại câu chuyện về anh để lấp chỗ trống chứ?

- Tuỳ... anh!

Anh đáp thế và cũng vì thế mà mới có câu chuyện này.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất