| Hotline: 0983.970.780

Thà giết nhầm, còn hơn bỏ sót

Thứ Sáu 15/07/2011 , 10:26 (GMT+7)

Ngành Chăn nuôi Việt Nam đã chứng kiến nhiều thảm cảnh đắng lòng, tay trắng lại hoàn tay trắng.

Dịch cúm H5N1: giết sạch gà vịt ngan ngỗng chim muông để không cho lây lan.

Dịch heo tai xanh: giết, chôn sống 100% không kể con nào bệnh hay không bệnh. Nhiều con bị giết nhầm nhưng không còn cách nào khác, vì trong vùng dịch thì những con hôm nay khỏe mạnh chắc gì ngày mai vẫn khỏe, ai mà dám ăn thịt chúng.

Đó là điều đau lòng lắm nhưng ở hoàn cảnh này, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” là điều không thể không làm. Nhưng những quyết định “chắc ăn” đến mức tàn nhẫn như vậy thì không thể làm bừa bãi, càng không thể hành xử quan liêu hoặc thiếu hiểu biết.

Từ có công

Kể ra thì dạo đầu như thế cũng là hơi dài dòng. Người viết bài này đã thật sự choáng khi được phóng viên báo Tuổi trẻ phỏng vấn về chuyện “có hay không” hạt điều thô nhập khẩu đang bị ách lại để “kiểm nghiệm an toàn thực phẩm”. Quái lạ nhỉ. Bao nhiêu năm nay, cả thế giới đã có nước nào coi hạt điều thô là “thực phẩm” đâu.

Vào lúc phát hiện ra loại hạt này, nó chỉ là nguyên liệu để ép dầu công nghiệp, sử dụng làm chất phụ gia trong chế tạo má phanh, thiết bị chống bào mòn, thiết bị chịu nhiệt hoặc chất chống mối mọt. Việc lấy nhân ra khỏi cái vỏ cứng như đá – cái bể dầu cháy da cháy thịt bao bọc xung quanh nhân điều, chỉ là một trong những sản phẩm phụ của ngành công nghiệp này.

Để cái nhân đó có thể ăn được phải trải qua nhiều khâu xử lý. Từ cái hạt điều thô, để làm ra thực phẩm “thô” có thể tạm ăn được – chưa phải là thành phẩm để bán ra tiêu dùng, là cả một quá trình vô cùng phức tạp với những công đoạn xử lý nấu trong dung dịch dầu công nghiệp ở nhiệt độ cao khoảng từ 190 – 200 độ C, chỉ đủ làm trương lên, giòn thêm lớp vỏ bên ngoài. Tiếp đó, nó phải tiếp tục xử lý qua 7 bước nữa thì mới ra cái nhân gọi là “sơ chế”. Với kỹ thuật xử lý bắt buộc như vậy, liệu có thể có loại virút nào sống nổi chăng?

Bởi vậy, từ khi Việt Nam nhập khẩu hạt điều thô, nó chỉ được coi là “nguyên liệu thô”, chịu chế tài của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 36/2001/PL – UBTVQH10, Nghị định 58/2002/NĐ-CP, vì nó đúng chỉ là “nguyên liệu thô” chứ chưa ai coi nó đã là thực phẩm. Các Chi cục Bảo vệ thực vật tại các tỉnh mà doanh nghiệp mở tờ khai nhập khẩu vẫn thường xuyên kiểm dịch thực vật hạt điều thô và thu phí đều đều, không lọt chuyến nào, cũng không phát hiện ra các vi khuẩn, côn trùng gây hại.

Nhờ nguồn nguyên liệu nhập này, Việt Nam đã trở thành nước có ngành công nghiệp chế biến điều hùng mạnh và là nhà xuất khẩu nhân điều số một của thế giới, với mức doanh thu trên 1 tỷ USD/năm.

Nhưng trong khi ngành Điều đang phát triển ổn định, chưa hề gây ra sự cố nào về ATTP khi nhập khẩu hạt điều thô thì bỗng dưng nó bị rơi ngay vào tình trạng nguy hiểm trước nguy cơ đóng cửa chỉ vì một quy định mới. Đó là Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 3 năm 2011, dưới đây xin gọi tắt là Thông tư 13.

Hóa ra lắm tội

Thông tư 13 đưa “hạt điều thô” vào danh mục “thực phẩm”, đưa ngành công nghiệp chế biến điều vào diện ngành “chế biến thực phẩm”. Điều đó tất yếu dẫn đến sự thay đổi căn bản vị trí của ngành công nghiệp này.

Thứ nhất, nếu bị xếp vào ngành chế biến thực phẩm, theo Pháp lệnh Vệ sinh ATTP số 12/2003/PL- UBTVQH ngày 26/7/2003 (Pháp lệnh 12) thì ngay từ năm 2003, ngành Chế biến điều đã phải bị đưa vào diện “sản xuất kinh doanh có điều kiện”, giấy phép kinh doanh của toàn bộ các nhà máy chế biến điều tất yếu sẽ phải làm theo đúng tiêu chuẩn của cơ sở “sản xuất có điều kiện” mà không cần phải chờ đến Luật ATTP và Thông tư 13.

Nhà máy nào không có loại “giấy phép kinh doanh có điều kiện” này chắc chắn đã phải bị đóng cửa từ sau tháng 8/2003 rồi. Nhưng đã chưa xảy ra điều đó vì cho đến trước Thông tư 13, không hề có vấn đề này được đặt ra khi áp dụng Pháp lệnh 12.

Vậy thì vì sao phải đợi cho đến 8 năm sau, Bộ NN- PTNT mới “phát hiện ra sai sót này, "để lọt" đối tượng này để điều chỉnh bằng Thông tư 13, đưa ngành này vào diện “chế biến thực phẩm”?. Và nếu Thông tư 13 đúng thì Pháp lệnh 12 thiếu sót, Luật ATTP cũng đã để lọt, và hàng trăm nhà máy chế biến điều hiện nay sẽ phải làm lại Giấy phép kinh doanh như với các đối tượng “kinh doanh có điều kiện”.

Thứ hai, vì bị coi là “thực phẩm” nên toàn bộ hàng trăm nghìn tấn điều thô khi nhập khẩu sẽ phải bị kiểm tra theo tiêu chí của kiểm soát ATTP. Việc kiểm soát này – khác hẳn về cường độ so với kiểm soát thịt, cá, đường sữa, bánh kẹo… vì số lượng của hạt điều thô là hàng trăm ngàn tấn, hàng ngàn côngtenơ, điều hoàn toàn là “bất khả thi” khi chỉ có vài chục nhân viên kiểm soát, khi mà hệ thống phòng xét nghiệm, máy móc thiết bị của lực lượng này còn vô cùng khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.

Thứ ba, để thực hiện đúng Thông tư 13, đối chiếu với Luật ATTP, sẽ phải có hàng trăm đoàn cán bộ ra nước ngoài, đến tận từng quốc gia vùng miền có bán hạt điều thô cho Việt Nam, kiểm soát “mối nguy” từ các nhà vườn, trang trại trồng điều của họ, tiếp đó sẽ phải ký kết các hiệp định song phương về ATTP tương đương với cấp Chính phủ. Sau khi có hiệp định này, Việt Nam mới được phép mua điều thô của họ.

Con đường ngoại giao này sẽ kết thúc sau bao nhiêu năm nữa đây và có thể làm nổi không, có thể đến được không, có dám đến không, vì đó không phải là những khung trời yên tĩnh mà là vùng Tây Phi xa xôi, bão đạn, loạn ly - nơi Chính phủ Việt Nam chưa hề có được bất kỳ một cơ quan ngoại giao nào, dù chỉ là ở cấp “nhân viên” của Phòng Thương mại và Công nghiệp. Nhưng đó lại là nơi cung ứng đến 50% tổng sản lượng nguyên liệu chế biến của ngành điều VN.

Không thỏa mãn được ba điều kiện trên đây thì ngay trước mắt, theo Thông tư 13 và Luật ATTP, ngành công nghiệp chế biến điều VN chỉ còn con đường đóng cửa.

Nhầm lẫn?

Liệu Chính phủ VN có chủ trương như vậy không hay đây là một sự nhầm lẫn? Có thể thấy, trong Luật An toàn thực phẩm mới có hiệu lực từ 2010, khái niệm “thực phẩm”, đối tượng bị chế tài của bộ luật này được định nghĩa khá rõ ràng: “thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn uống được, nếu ở dạng tươi sống thì chỉ qua sơ chế, chế biến, bảo quản” là có thể sử dụng ngay.

Như vậy, cần phải phân biệt rõ các cấp độ của khái niệm thực phẩm. 1- cấp độ ăn ngay, 2- cấp độ sơ chế, 3- cấp độ chế biến, 4- cấp độ “siêu chế biến”. Từ sự phân biệt này, có thể xếp các loại hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu như rau củ quả, thịt, thủy hải sản, đường sữa, bánh kẹo, bơ, phomai, bia rượu, nước giải khát… thuộc cấp 1 và là đối tượng chủ yếu của Luật ATTP. Các loại hạt khô chưa là thành phẩm ăn được ngay như hạt hạnh nhân thô, hạt dẻ, hạt dưa, ngũ cốc … thuộc cấp độ 2 hoặc cấp 3 vì "chỉ cần sơ chế" là sử dụng được.

Cà phê xô, ca cao xô, hạt điều thô thì không thể vì nó là nguyên liệu của nguyên liệu. Đặc biệt nhất trong số này là hạt điều. Để có thể ăn được, nó phải qua một quá trình chế biến rất phức tạp, với nhiều công đoạn mà đa số các NM với thiết bị đồng bộ cũng chỉ mới làm ra đến mức nguyên liệu tinh, sau đó xuất khẩu để các NM chế biến thực phẩm tiếp tục chế biến ra thành phẩm thực phẩm, đến đây mới thật sự là “ăn được” ngay. Vì vậy, các loại nguyên liệu này chỉ có thể xếp vào cấp 4 và chỉ cần duy trì chế độ kiểm dịch thực vật như lâu nay đã làm, thế cũng đã là quá chắc chắn dưới góc độ “kiểm soát mối nguy”.

Việc đưa hạt điều thô – “nguyên liệu siêu thô” vào danh mục “thực phẩm” để chịu sự chế tài của Luật ATTP và Thông tư 13 phải chăng là sự tự bảo vệ đến mức “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”?

Thông tư 13 mới chỉ thực hiện được 7 ngày đã gây ra ngay lập tức tình trạng ùn ứ hàng hóa nhập khẩu tại các cảng. Hàng nghìn công-te-nơ hạt điều thô nằm phơi mình chờ đợi và sẽ còn bao nhiêu nghìn công- te- nơ khác nữa?

Việc tham mưu và ban hành chính sách, chế độ là một công việc vô cùng nghiêm cẩn vì nó sẽ tác động đến hàng triệu, hàng chục triệu người, đến cả nền kinh tế xã hội, đời sống của quốc gia, vùng miền. Để làm được công việc nghiêm trọng này, cần lắm những nhân viên mẫn cán, tâm huyết, có tài năng, hiểu biết thực tiễn.

Những việc này chỉ sai một li… thì tai họa khôn lường.

Trên khía cạnh thực tiễn, việc đưa hạt điều thô vào danh mục thực phẩm để đối xử với nó như là thực phẩm là vô nghĩa về mặt kiểm soát mối nguy ATTP vì nó chưa thể nào “ăn được ngay” hoặc chỉ qua sơ chế. Đối với nó, chỉ có thể kiểm soát được mối nguy về côn trùng mà điều này thì ngành Kiểm dịch đã có quá nhiều kinh nghiệm, năng lực, thiết bị máy móc và họ đã làm quá chặt chẽ.

Lời kết

Thiết nghĩ, việc siết chặt quản lý an toàn thực phẩm là tuyệt đối cần thiết, nhưng cần phải phân loại đối tượng cần được kiểm soát. Không thể lấy phương châm “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” để làm biến động một ngành kinh tế, khiến nó trì trệ, bất ổn.

Vì sao? Vì để thực hiện được việc kiểm soát nguyên liệu “siêu thô” này, sẽ buộc phải có hàng nghìn nhân viên cho mỗi cảng và Bộ NN- PTNT đã kịp tuyển chọn và đào tạo đội quân khổng lồ này chưa, sẽ có hàng nghìn trò bắt chẹt chủ hàng, sẽ tăng thêm không biết bao nhiêu chi phí và buộc tổng chi phí giá thành của sản phẩm lại phải đội lên vì các chi phí vô nghĩa nhưng bắt buộc này.

Mặt khác, để thực hiện được Thông tư 13, không biết Bộ Công thương sẽ xử lý thế nào các rắc rối phát sinh trong việc cấp C/O cho nhân điều Việt nam xuất khẩu. Hàng loạt hệ lụy sẽ phát sinh, phải chờ đợi trong khi hàng trăm, hàng nghìn NM của một ngành công nghiệp chế biến hùng mạnh hàng đầu thế giới không thể “bỗng dưng đóng cửa” chỉ vì một quy định sai lầm, ngộ nhận, nhầm lẫn đối tượng.

(*): Tác giả hiện là Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Bình Phước

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Việt Nam là 'điểm nóng' về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Việt Nam là một trong những 'điểm nóng' về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất