| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình căng sức chống chọi sâu cuốn lá

Thứ Ba 06/05/2008 , 07:00 (GMT+7)

Chưa năm nào, nông dân Thái Bình lại chứng kiến nạn sâu cuốn lá nhỏ hoành hành dữ dội như vụ xuân này. Sâu hại trên tất cả các giống lúa, trà lúa ở tất cả các huyện với mật độ cao gấp hàng chục lần so với trung bình nhiều năm...

Có nhiều điều bất thường về nạn sâu cuốn lá nhỏ được ghi nhận ở Thái Bình trong vụ lúa này. Bất thường thứ nhất là ngay từ 21-26/3, mật độ bướm sâu cuốn lá đã đạt trung bình 3-4 con/m2, có chỗ bu đặc tới 30-60 con/m2- gấp 10-30 lần so với trung bình nhiều năm. Điều đặc biệt, khả năng đẻ của lũ bướm này cũng rất “dữ dội”, tỷ lệ nở của trứng gần như 100% nên sâu non xuất hiện với mật độ trung bình từ 100-150 con/m2, nơi cao từ 400-500 con/m2 trên một diện tích cực lớn mà trọng điểm là các huyện như Thái Thuỵ, Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư.

Từ đợt sâu lứa 1 tiếp tục sang đợt sâu lứa 2 với diện tích gây hại hầu như toàn bộ 84.000 ha gieo cấy của Thái Bình, mật độ cao hơn nhiều, trung bình từ 200-300con/m2, có chỗ lên tới 1.000-1.700 con/m2, gây hại trực tiếp lên lá đòng. Điểm khác thường nữa là sâu non có tốc độ cắn phá tàn bạo nên phát triển cũng rất nhanh…

Về Vũ Vinh (Vũ Thư), dù đã đứng ngọ và trời đang mưa rả rích nhưng ông Mai Xuân Thường-Chủ nhiệm HTX vẫn lụi cụi trên đồng. Ở những ruộng bị sâu cuốn lá nhỏ phá nặng lúa bị lùn cây, vàng vọt, xơ trắng còn các ruộng khác đều thấy rất nhiều cây lúa có lá cuộn tròn.

Chỉ một lúc quơ tay ông Thường đã vặt được cỡ chục cuộn lá như vậy và bóc cho tôi xem những con sâu li li bằng đầu kim đang ngọ nguậy không ngừng. “Vũ Vinh có 219 ha lúa thì tất cả đều bị sâu cuốn lá nhỏ cắn. Đợt đầu, lực lượng BVTV cũng tuyên truyền phun trừ nhưng nông dân chủ quan, chỉ phun khoảng 20% diện tích bởi nghĩ rằng lúa cấy mới 20 ngày không thể có sâu được và nếu có dính sâu cũng không sợ vì khả năng đền bù của lúa non cao. Không ngờ, sâu lây lan với tốc độ chóng mặt, phá hoại ghê quá nên đợt phun thứ hai 100% nông dân đều ra đồng. Ước tính Vũ Vinh có 20% bị sâu phá hoại nặng”.

Sang xã Vũ Chính (Vũ Thư) tình hình cũng tương tự như ở Vũ Vinh. Đâu đâu tôi cũng thấy những ruộng lúa với chi chít những cuộn lá thậm chí những ruộng nặng, lúa thụt hẳn đi so với mặt bằng chung. Nông dân Nguyễn Thị Bé vừa tất tả với gánh rau đi chợ vừa cho biết: “Nhà tôi cấy 4 sào lúa, cho ăn nhiều phân nên tốt lắm. Đùng cái dính dịch sâu cuốn lá, phải phun một đợt thuốc rồi mà vẫn còn lo ngay ngáy. Năm nay cái gì cũng đắt, phân đắt gấp đôi, thuốc BVTV đắt gấp rưỡi mà không biết có bị thất thu hay không nữa”.

Trước tình hình sâu cuốn lá nhỏ gây hại như vậy, Thái Bình đã đôn đáo chỉ đạo đồng loạt ra quân trừ sâu, bảo vệ lúa. Chi cục BVTV Thái Bình những ngày qua căng hết sức mình để theo dõi tình hình sâu bệnh, cán bộ làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật thậm chí 30/4, 1/5 cũng không rời nhiệm sở. Lúc tôi đến, dù là sát trưa, trời mưa tầm tã nhưng anh em vẫn chờ điện khẩn của UBND tỉnh về biện pháp trừ sâu cuốn lá để lại đội mưa đem xuống từng huyện cho kịp thời, không dám gửi bưu điện vì còn “chạy đua” với sâu bệnh.

Ăn cơm trưa với tôi, ông Phạm Văn Nhạc- Q.Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh liên tục bị “nã” điện thoại cũng vì…sâu cuốn lá nhỏ. Điều  khiến ông Nhạc lo nhất là khả năng chịu đựng của người nông dân quê lúa. “Năm nay giá vật tư tăng vọt, riêng tiền chi cho trừ sâu cuốn lá của cả tỉnh vừa qua đã trên 30 tỉ, sắp tới phun tiếp ngốn mất cỡ 30 tỉ nữa thì quả là một thử thách rất lớn, nếu họ mà buông thì thất thu là điều hoàn toàn có thể”.

Nỗi lo mất mùa kép bởi dịch "tai xanh" trên lợn và nạn sâu cuốn lá nhỏ trên lúa hiện đang trở thành mối lo chung của toàn tỉnh Thái Bình. 

-------------------

Ninh Bình: Có nơi mật độ đến 1.000 con sâu cuốn lá/m2

 Kiểm tra sâu cuốn lá ở Yên KhánhSáng 5/5, dẫn PV NNVN đi thăm đồng, ông Trần Ngọc Diệp, Phó phòng Kinh tế huyện Yên Khánh và ông Mai Đình Chiến, Chủ nhiệm HTX Đồng Tiến (xã Khánh Nhạc) vạch từng lá lúa kiểm tra mật độ sâu cuốn lá nhỏ. Kết quả cho thấy mỗi khóm lúa sau 2 ngày phun thuốc đặc hiệu Regent 800 WG vẫn còn 8 - 12 con sâu cuốn lá tuổi 2 và 3. Như vậy bình quân vẫn còn tới 120 con/m2. “Chúng tôi tập trung phun thuốc toàn bộ 302 ha lúa nhiễm sâu bệnh từ ngày 2 - 4/5. Nhưng do mật độ sâu quá lớn (từ 700 - 800 con/m2) nên phải phun 2 gói thuốc/sào và cũng chỉ diệt được 80%. Dự kiến từ 10 - 15/5 lúa sẽ trổ đòng, vì vậy HTX đang chỉ đạo quyết liệt phun lần 2 từ 7 - 8/5” - ông Chiến nói.

Ông Trần Ngọc Diệp cho biết, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 nở rộ từ 28/4 trên toàn bộ diện tích gieo cấy (7.076 ha), cá biệt có nơi từ 1.000 con/m2. Do mật độ sâu quá cao, lại phun trừ không đúng thời điểm và không dùng thuốc đặc hiệu nên sau khi phun có nơi còn tới 300 - 400 con/m2. Hiện lúa đang làm đòng, trỗ bông, nếu không phun kịp thời lần 2 sẽ làm giảm nghiêm trọng năng suất lúa. Cũng theo ông Diệp, huyện đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tổ chức phun kép từ 6 - 8/5. Bởi nếu sau ngày 10/5 sâu trưởng thành lứa 4,5 phun thuốc sẽ không có hiệu quả.

Trao đổi với NNVN, ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Ninh Bình cho biết, chưa năm nào sâu cuốn lá nhỏ có mật độ dầy đặc như năm nay, có nơi “dính” tới hàng nghìn con/m2. Suốt nửa tháng qua, ngành BVTV hầu như không có ngày nghỉ. Đến ngày 5/5, toàn tỉnh đã phun được 27.123/33.665 ha lúa nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, đạt 80,1%. Trong đó huyện có diện tích nhiễm nặng là Kim Sơn (7.700 ha), Yên Khánh (6.976 ha), Yên Mô (5.700 ha)... Dự kiến khoảng 20.000 ha lúa sẽ phải phun thuốc đợt 2.

Ông Phạm Văn Nhạc: “Theo tôi nguyên nhân sâu cuốn lá nhỏ hoành hành ở Thái Bình là do các yếu tố: Thứ nhất là qua đợt rét đậm, cá thể côn trùng nào sống sót được “rèn luyện” nên khả năng đẻ trứng gấp nhiều lần các năm, tỷ lệ trứng nở gần như 100%. Thứ hai cũng bởi rét đậm nên Thái Bình phải cấy tập trung chính vào trà xuân muộn chứ không rải ra nhiều trà nên tạo điều kiện thức ăn tập trung cho sâu non phát triển. Thứ ba là ẩm độ của các vùng ven biển, không chỉ ở Thái Bình mà các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình…năm nay cao, rất thích hợp với sâu bệnh phát triển, nhất là sâu cuốn lá”

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.