| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình chủ quan để dịch rầy tàn phá lúa!

Thứ Tư 20/10/2010 , 09:31 (GMT+7)

Trong lúc vụ mùa 2010 ở vựa lúa Thái Bình những tưởng đã cầm chắc thắng lợi thì đùng một cái, dịch rầy cuối vụ bộc phát dữ dội...

Bà Thái Thị Chính (thôn Đầu, thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà): "Tôi phun 6 lần thuốc trừ rầy mà rầy càng nhiều"

Trong lúc vụ mùa 2010 ở vựa lúa Thái Bình những tưởng đã cầm chắc thắng lợi thì đùng một cái, dịch rầy cuối vụ bộc phát dữ dội đã tàn phá nghiêm trọng nhiều diện tích lúa sắp sửa thu hoạch. 

Mất trên 30%? 

Dọc theo QL 39 từ Hưng Yên qua các huyện Hưng Hà, Đông Hưng của tỉnh Thái Bình vào thời điểm này, thấy những cánh đồng đã trơ gốc rạ. Lác đác có những thửa ruộng nông dân đã gieo đậu tương vụ đông nảy xanh mầm. Nhìn thế, ai cũng nghĩ Thái Bình năm nay chắc phải chỉ đạo dân làm vụ đông ráo riết lắm thì tiến độ vụ đông mới sớm đến vậy. Thế nhưng khi tạt vào hỏi nông dân quanh thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) mới rõ nhẽ, sở dĩ năm nay họ làm vụ đông sớm là vì lúa vụ mùa toàn phải gặt non, sớm hơn mùa vụ từ 5-7 ngày để “chạy rầy” nên cây vụ đông mới được triển khai sớm như vậy.

Lầm lũi trên khu ruộng còn nguyên “di tích” do rầy tàn phá với gốc rạ xơ xác như rơm, bà Thái Thị Chính (thôn Đầu, thị trấn Hưng Nhân) vừa thoăn thoắt gieo đậu tương, vừa phanh gốc rạ cho tôi xem rầy vãi như cám, kể như mếu: “Bảy sào ruộng, từ đầu vụ tới lúc lúa trổ, cúi xanh còn tốt bời bời, ai cũng nghĩ chắc bẵm lúa vụ mùa năm nay sẽ thắng to. Ai dè..., tới lúc lúa bắt đầu chín đỏ đuôi thì không biết rầy chui từ đâu ra đặc kín ruộng. Rồi thì toàn bộ cánh đồng khu thôn Đầu ruộng nhà nào cũng đen đặc rầy là rầy".

Bấy giờ người dân cuống cuồng mua thuốc về phun 2-3 lần, nhưng không tài nào diệt nổi. Chỉ loáng vài ba ngày, lúa đã cháy khô vì rầy phá. Mặc dù lúa mới chín 2/3 bông, nhưng nhà bà Chính nóng ruột quá phải nhanh chân gặt chạy nên còn vớt vát được mỗi sào hơn tạ thóc. Chứ như cánh nhà Hút, nhà Phú... cùng xóm, hay trên mạn thôn Văn thì đến 50% diện tích mất trắng. Bà Chính chạy tới bờ ruộng vơ một nắm chai lọ thuốc trừ sâu thở dài, thêm: “Đầu vụ tới giờ, tôi đánh rầy tổng cộng 5 lần. Nhưng chẳng ăn thua, rầy vẫn đặc kín. Trước khi gieo đậu vụ đông, dân ở đây sợ rầy quá nên nhà nào cũng đều phun thuốc rầy cho ruộng rạ thêm lần nữa”.

Theo lời bà Chính, tôi lên phía thôn Văn (thị trấn Hưng Nhân) đúng lúc bà con đang có mặt ở nhà ông trưởng thôn Đỗ Văn Hiệt nhận giống khoai tây về trồng vụ đông. Ông Hiệt lắc đầu buồn: “Từ trước tới nay, chưa năm nào lúa ở Hưng Nhân này lại mất thảm hại như năm nay. Thôn này chắc phải 30% diện tích mất trắng, tương đương hơn 40% năng suất so với các năm. Có hộ như cánh bà Hạnh, nhà 9 khẩu ăn trông vào 5 sào ruộng nhưng chỉ vớt được 70-80 cân thóc/sào, đến xót! Lúa phải gặt non chạy rầy sớm hơn thời vụ khoảng 1 tuần nên xách bó lúa lên nhẹ lào xào như rơm”.

Theo HTX thị trấn Hưng Nhân, vụ mùa 2010, dịch rầy bộc phát mạnh vào cuối vụ đã lấy đi của Hưng Nhân không dưới 30% năng suất lúa. Tại các xã như Minh Hòa, Chí Hòa, Tân Tiến... (huyện Hưng Hà), tình trạng cháy rầy cuối vụ cũng nghiêm trọng không kém với năng suất tụt giảm từ 20-30%. Xuôi theo QL 39 qua huyện Đông Hưng thời điểm này, hầu hết diện tích nông dân phải gặt non để chạy rầy cách đây hơn 1 tuần, chỉ còn lác đác những thửa may mắn thoát qua khỏi đợt rầy bùng lên cuối vụ.

 Sẩm tối, bà Nguyễn Thị Mai (thôn Thần Khê, xã Thăng Long) hối hả thồ lúa gặp tôi. Bà bảo: “Đáng ra thì bây giờ mới gặt, nhưng nhà tôi có 6 sào, phải gặt chạy rầy 3 sào cách đây 10 ngày rồi, 3 sào nữa nhà tôi cố phun thuốc giữ cho lúa chín nên giờ mới gặt, nhưng chắc chỉ được 1,5 tạ/sào là cùng. Mấy xã quanh đây, chỗ nào cũng bị rầy phá hoại thế cả, phun thuốc chẳng ăn thua. Anh không tin thì cứ đi khảo sát thì biết...”.

Huyện Tiền Hải thường gieo cấy muộn nhất tỉnh Thái Bình nên thời điểm này, lúa mới chín 65-70% bông. Tuy nhiên, nông dân đang phải quàng chân lên cổ gặt non, nếu không thì không còn gì mà gặt. Từ nửa tháng nay, rầy bùng lên ở hầu hết các xã ở Tiền Hải, đặc biệt là tại các xã vùng khu nam của huyện như Nam Trung, Nam Phú... với mật độ dày đặc chưa từng thấy, có nơi tới hàng vạn con/m2.

Tạt vào cánh đồng thôn Đại Hữu (xã Tây Ninh), ông Nguyễn Hữu (thôn Đại Hữu) đang cố gắng gặt vớt vát ruộng lúa ngã rạp từng mảng lớn, chỉ xuống chân ruộng cho tôi xem rầy trôi kín mặt nước. Ông Hữu cho biết khoảng 10 ngày trở lại đây, lúc lúa bắt đầu chín đỏ đuôi thì rầy bùng lên, trôi kín mặt nước. Các diện tích lúa yếu cây như Bắc Thơm, Hương Thơm... bị rầy chích giữ dội nên một phần bị cháy, một phần thân và gốc bị chích nhũn nên gặp gió nhẹ đã bị ngã rạp. Tới ngày hôm qua (19/10), nông dân Tiền Hải đang gấp rút thu hoạch các diện tích bị cháy rầy để vớt vát, một phần để “chạy” cơn bão Megi. 

“Bội thực” thuốc trừ sâu! 

Có một điều lạ là theo tìm hiểu của PV, nông dân Thái Bình ai cũng bảo họ nghe theo khuyến cáo của cán bộ, từ đầu vụ đến nay đều phun ít nhất 4 lần thuốc trừ rầy. Có nơi nông dân phun tới 6-7 lần. Thế nhưng không những rầy không hết mà ngược lại tới cuối vụ còn bùng lên dữ dội chưa từng thấy. Đáng để ý nữa là từ vụ mùa 2009 đến nay, kể từ khi Thái Bình có dịch lùn sọc đen xuất hiện, năm nào tỉnh này cũng chỉ đạo phun thuốc trừ rầy quyết liệt ngay từ giai đoạn mạ non cho suốt tới lúc lúa chín. Không biết bao nhiêu tấn thuốc trừ rầy đã được ném xuống đồng ruộng Thái Bình. Vậy thì rầy từ đâu tới? Hỏi nông dân, người thì bảo hay là thuốc trừ rầy "rởm", người lại nghi hay là rầy nó "nhờn thuốc" rồi?

Về quan điểm cá nhân, ông Dũng cho rằng, việc quản lí rầy không nên quá lạm dụng thuốc trừ sâu như hiện nay, mà cần phải xây dựng các biện pháp quản lí tổng thể (IPM).
Ông Ngô Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, qua kiểm tra tình hình rầy gây hại tại Thái Bình, có nơi mật độ rầy lên tới 1-2 vạn con/m2, hầu hết là rầy nâu và rầy lưng trắng. Khó khăn cho nông dân khi rầy gây hại vào cuối vụ đó là chỉ có thể phun thuốc trừ rầy dạng "nock out" mới tiêu diệt được chúng, song việc phun rầy vào giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hiểu biết của nông dân về thuốc trừ rầy còn hạn chế, mua cả thuốc diệt nội hấp về phun lúc lúa đã chín nên không có tác dụng khiến rầy càng gây hại mạnh hơn.

Ông Nguyễn Văn Hiệt, trưởng thôn Văn (thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà) dẫn chứng: "Dân ở đây, lúc thấy ruộng bị rầy phá thì chỉ biết ra đại lý hỏi mua thuốc rầy. Mà đại lý, ai chẳng muốn bán được nhiều thuốc, họ gạ bán cả thuốc nội hấp, về phun cho lúa gần chín chẳng có tác dụng gì nên lúa cháy sạch".

Về sâu xa, ông Ngô Tiến Dũng nhận định, thiên địch của rầy có vài chục loại. Chúng thường có mặt trước khi đồng ruộng xuất hiện rầy. Nếu sử dụng ít thuốc trừ sâu thì thường cháy rầy ít xẩy ra trên diện rộng. Tuy nhiên, có thể do mấy vụ liên tiếp gần đây, Thái Bình dùng quá nhiều thuốc trừ rầy ngay từ lúc mạ non, lúa đẻ nhánh khiến cho thiên địch bị tiêu diệt sạch. Vì thế vào giai đoạn thích hợp lúc lúa trỗ - chín rầy dễ dàng phát triển mạnh (gọi là bộc phát rầy). Bên cạnh đó, sâu cuốn lá nhỏ cũng phát triển gây hại rất nghiêm trọng ở các tỉnh ĐBSH vụ mùa năm nay nên Thái Bình còn chỉ đạo phun thêm 2 lần thuốc sâu khiến thiên địch càng bị tiêu diệt triệt để. Đây có thể là nguyên nhân "lợi bất cập hại" mà Thái Bình đang gánh chịu.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

Sapoche Mexico chịu được mặn 5 - 6‰, hiệu quả gấp 3 lần giống bản địa

TIỀN GIANG Ông Trần Văn Khả (ấp Đông Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là nông dân tiên phong ở địa phương trồng giống sapoche Mexico cho hiệu quả kinh tế cao.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất