| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình cơ bản khống chế dịch LSĐ: Nỗ lực phòng chống!

Thứ Sáu 16/04/2010 , 11:16 (GMT+7)

Dù chưa thể thở phào khẳng định hết dịch, nhưng nỗ lực phóng chống dịch của Thái Bình đến thời điểm này là đáng ghi nhận.

Được xem là "rốn dịch" lùn sọc đen (LSĐ) ở miền Bắc, Thái Bình là địa phương xuất hiện và bùng phát dịch LSĐ hại lúa ĐX trên diện rộng và sớm nhất. Tuy nhiên tới thời điểm này, nông dân đã bớt hoang mang khi dịch đang được khống chế tốt.

Dù chưa thể thở phào khẳng định hết dịch, nhưng nỗ lực phóng chống dịch của Thái Bình đến thời điểm này là đáng ghi nhận. Thiết nghĩ, đây cũng là kinh nghiệm để các địa phương khác học hỏi kinh nghiệm.

Sáng tinh sương, tôi trở lại xã Đông Trung (huyện Tiền Hải - Thái Bình) khi nông dân đã đổ ra ruộng, nhà làm cỏ, nhà bón phân, vệ sinh bờ thửa. Trái với những lo âu lúc dịch bùng phát trở lại, những ruộng lúa ĐX tại xã Đông Trung cũng như các xã tại Tiền Hải đang thời kỳ phân đòng tốt bời bời, màu xanh mướt trông đến thích mắt. Cán bộ HTX Đông Trung cho biết, các diện tích lúa ĐX trà muộn hiện đã cơ bản phân hóa đòng, nếu tình hình tốt đẹp thì sẽ trổ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới. Nhớ lại vụ mùa năm 2009, tôi về Đông Trung đúng thời điểm lúa đang trổ đòng thì dịch LSĐ hoành hành.  

Cán bộ HTX Đông Trung thường xuyên kiểm tra tình hình dịch LSĐ trên đồng ruộng

Gần như 100% diện tích lúa của Đông Trung mất trắng. Chị Đặng Thị Hiền (thôn Phong Lạc, xã Đông Trung) đang thoăn thoắt bón vôi bột cho thửa ruộng ở khu đồng Chân Thổ nói chuyện với tôi mà dường như chưa quên được nỗi bàng hoàng về bệnh lúa "rụt cổ" trong vụ mùa năm 2009: "Gần một mẫu ruộng nhà tôi chỉ có vài ba ngày không thăm ruộng đã thấy rụi hoàn toàn. Chỉ còn vài sào thu vớt nhưng thóc đen sì, đến gà cũng chẳng thèm ăn. Nghe cán bộ HTX bảo cái bệnh ấy nguy hiểm lắm nên vụ ĐX này nhà nào cũng tuyệt đối làm theo cách phòng trừ của HTX nêu". 

Bà Hiền cho biết từ trước lúc làm đất, các ruộng đều được bà con cắt lúa chét, dọn cỏ bờ ruộng, đốt rơm rạ, cày ải sớm và bón vôi bột chu đáo. Các ruộng tích mạ cũng được HTX tới từng hộ phun thuốc trừ rầy đầy đủ... Ấy thế mà sau đó, lúa cấy xong cả tuần nhưng vẫn thấy cứng đơ, vàng lá, có đám còn bị quăn lá còi cọc. Đúng lúc đó thì bên các xã Đông Long, Đông Hoàng... loa truyền thanh cũng ra rả báo tin nói cái bệnh "lúa lùn" như năm ngoái lại đã xuất hiện, rồi hô hào bà con phun thuốc trừ rầy. Nghe mà lo nơm nớp. Nhà nào cũng tức tốc mua thuốc trừ rầy về phun, rồi bón phân răm rắp như hướng dẫn của HTX. Cũng may sau khi phun thuốc trừ rầy, lúa lại vượt lên được. "Hộ nào cũng đều tự giác đánh thuốc trừ rầy đủ 3 lần cả rồi, hai lần được HTX phát thuốc, 1 lần phải tự đi mua. Thấy lúa tới thời điểm này còn tốt hơn mọi năm, chúng tôi cũng đỡ hoang mang. Nhưng nói thật ai cũng đang vừa chăm sóc vừa lo, chẳng biết là cái bệnh ấy nó có xuất hiện nữa không? Tôi đành phải bón thêm 1 lần vôi bột nữa cho chắc ăn" - chị Hiền phân vân.

Theo HTX Đông Trung, hiện tại 100% (trong tổng số gần 250 hecta lúa ĐX toàn xã) đều đã được người dân tự giác phun thuốc trừ rầy đủ 3 lần. Bên cạnh việc đốc thúc, hướng dẫn cách phòng chống bệnh cho bà con, HTX đã tự trích kinh phí với mức 50 nghìn/km vệ sinh kênh mương, huy động nhân lực dọn sạch cỏ bờ mương, phát quang bụi rậm để phá nơi cư trú của rầy. Để diệt rầy triệt để, HTX còn tổ chức phun thuốc trừ rầy cả các ruộng rau muống (đủ thời gian cách li) lẫn các bờ ruộng, bụi rậm... Quan sát của PV tại các chân ruộng tại xã Đông Trung thấy tỉ lệ rầy không đáng kể, bờ ruộng được dọn sạch, kênh mương thông thoáng... Điều này có thể khẳng định công tác phòng chống dịch tại đây đã được nông dân có ý thức thực hiện rất nghiêm túc.

Để rõ hơn về công tác phòng chống dịch có đến được với nông dân hay không, chúng tôi vòng sang các xã Đông Minh, Đông Hoàng... Ông Nguyễn Văn Điệp (thôn 2, xã Đông Minh) thú thực: "Tôi chẳng biết cái bệnh ấy thế nào nhưng nghe nói là do rầy gây ra nên khi được HTX thông báo lấy thuốc phun rầy, dân chúng tôi cũng đều phun đủ 3 lần. Mà giả như không được hỗ trợ thuốc thì chúng tôi cũng sẽ tự mua để phun. Vì nói thật dân khiếp rồi. Năm ngoái nhà nào mất ít nhất là nửa diện tích. Nhà tôi 7 sào thì 4 sào mất, không chống dịch sao được...".

Chủ nhiệm HTX Đông Minh, ông Hoàng Văn Thuần lo lắng, mặc dù đã tổ chức phun thuốc trừ rầy chu đáo nhưng tỉ lệ rầy tại Đông Minh hiện vẫn rất cao, phổ biến từ 100-200 con/m2. Mặc dù lúa hiện đang phát triển rất tốt nhưng chủ trương của HTX là không chủ quan, và sẽ gấp rút chuẩn bị triển khai đợt đánh rầy thứ 4 trước khi lúa làm đòng. Trước đó, UBND xã cũng đã trích kinh phí mua 2.000 gói thuốc trừ rầy hỗ trợ nông dân, trích 50% kinh phí phun đủ 40 nghìn m2 bờ ruộng, bờ kênh mương để trừ rầy kịp thời khi thuốc trừ rầy hỗ trợ của Trung ương chưa về. HTX cũng cho nông dân mua nợ thuốc trừ rầy, sẵn sàng nguồn thuốc khi nông dân cần. Một mặt, UBND xã đã giao cho HTX theo dõi sát đồng ruộng để nắm bắt tình hình rầy phát sinh, kịp thời báo cáo với Chi cục BVTV Thái Bình để tìm hướng xử lí. Ông Thuần cũng cho biết hiện tại 1 tuần 2 lần, Trạm BVTV huyện Tiền Hải đều đặn về kết hợp cùng HTX kiểm tra tình hình dịch...

Vụ mùa năm 2009, Tiền Hải chịu thiệt hại nặng nề nhất vì bệnh LSĐ với trên 10 nghìn hecta lúa bị mất trắng. Vụ ĐX năm nay, mặc dù dịch bùng phát sớm, và sau đó lúa vẫn phát triển tốt nhưng huyện này không vì thế xem là đã hết dịch. Ngay khi dịch xuất hiện, UBND huyện đã lập tức có công điện kiên quyết chỉ đạo toàn thể các phòng ban và UBND các xã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng trừ. Toàn bộ hơn 4 tấn thuốc trừ rầy và 300 triệu đồng kinh phí hỗ trợ chống dịch do UBND tỉnh hỗ trợ đều đã được sử dụng mua thuốc trừ rầy. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng trích riêng hơn 100 triệu đồng mua gần 110kg thuốc trừ rầy phân cho các xã. Thực tế tìm hiểu về công tác phòng chống dịch của huyện Tiền Hải nói riêng và nhiều địa phương khác ở Thái Bình có thể khẳng định, không chỉ có lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện mà các xã đều hết sức chú trọng, tự giác trích kinh phí chống dịch và triển khai nghiêm công tác chống dịch được phân công.

Tới Đông Phong ( Tiền Hải) - một điểm bùng phát dịch nặng mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã phải về kiểm tra đầu vụ ĐX, tôi gặp ông Trần Xuân Định - Phó GĐ Sở NN-PTNT Thái Bình vẫn miệt mài kiểm tra nắm bắt tình hình đồng ruộng. Ông Định vẫn thế, sốt sắng tận tụy lo chống dịch tới quên ăn, ngay cả khi dịch đã tạm yên vẫn không hề lơ là. Ông bảo: "Nhiều người nói: Đấy! Lúa Thái Bình vẫn tốt bời bời đấy chứ có dịch gì đâu mà ngành nông nghiệp Thái Bình kêu loạn cả lên? Tôi bảo: Để dịch bùng lên như năm ngoái rồi mới đi chống thì còn làm gì được? Dịch có xẩy ra nữa không thì tới lúc lúa trổ xong mới khẳng định được. Vì thế chúng tôi sẽ không lơ là trong thời gian tới".

Đông Trung là một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất vì bệnh LSĐ vụ mùa 2009 của huyện Tiền Hải với gần 100% lúa bị mất trắng. Rất nhiều hộ dân tại đây hiện đã hết gạo ăn do mất mùa, tuy nhiên tới nay vẫn không nhận được gạo hỗ trợ.

Về vấn đề này, ông Trần Xuân Định - Phó GĐ Sở NN-PTNT Thái Bình cho biết: Toàn bộ hồ sơ, đơn đề nghị xin hỗ trợ thiệt hại hơn 3.600 hecta lúa mùa vì dịch LSĐ của huyện Tiền Hải, Sở NN-PTNT đã hoàn tất và gửi về Cục BVTV, Văn phòng Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư từ cuối năm 2009. Tuy nhiên không hiểu lí do gì tới nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Ông Định cho biết, nguyên nhân là lần dịch LSĐ năm 2009 do chưa có công bố dịch toàn quốc nên các cơ quan duyệt kinh phí hỗ trợ không thể đồng ý, vì theo Quyết định 1459 (năm 2006) của Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, trừ dập dịch rầy nâu, VL-LXL... thì chỉ khi có công bố dịch địa phương mới được hỗ trợ từ TƯ. Cục BVTV sau đó đã hứa với tỉnh Thái Bình là sẽ xin các đơn vị liên quan công nhận dịch ở Thái Bình vào vụ mùa năm 2009 để Thái Bình được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên kết quả thế nào Thái Bình vẫn chưa được biết.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất