| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình được mùa, năng suất lúa ước đạt 60 tạ/ha

Thứ Hai 08/10/2018 , 17:51 (GMT+7)

Sau vụ mùa thất bát năm 2017 vì dịch bệnh lùn sọc đen bùng phát, ngập úng nhiều nơi, vụ mùa năm 2018, nông dân tỉnh Thái Bình đã được hưởng trọn niềm vui khi năng suất lúa đạt ở mức cao.

Cánh đồng sản xuất lúa BC 15 vàng rực ở huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình

Sáng ngày 8/10, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi khảo sát nhiều vùng sản xuất lúa của địa phương. Đồng thời, ông cũng đến thăm mô hình sản xuất lúa giống của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed tại Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới (xã Đông Cường, huyện Đông Hưng) và xã Thụy Chính (Thái Thụy).

Đến thăm Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới – của ThaiBinh Seed, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ghi nhận, đánh giá cao các mô hình khảo nghiệm giống lúa của Trung tâm. Nhờ tạo ra được tập đoàn giống lúa tốt, sản phẩm của công ty đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình nói riêng và cả nước.

Với quy mô hơn 170ha, mỗi năm, Trung tâm thực hiện nghiên cứu, khảo nghiệm từ 500 – 800 các loại cho năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt như: Đông A1, BC 15, TBR 279, TBR 36, TBR 225, Nhị ưu 838, Phúc Thái 168… Đồng thời, đây cũng là “ngân hàng gen” lưu trữ các giống lúa cổ truyền như Tám Hải Hậu, Dự thơm Thái Bình,… Sau quá trình nghiên cứu thành công, các giống lúa được đưa vào sản xuất đại trà, nông dân tin tưởng sử dụng.

ThaiBinh Seed đã liên kết, bao tiêu sản phẩm

Ông Trần Mạnh Báo –TGĐ ThaiBinh Seed cho biết, hiện nay, chỉ tính hai giống lúa BC 15 và TBR 225 đã chiếm tới 70% cơ cấu giống của tỉnh. Qua đó góp phần tạo nên những mùa bội thu. 

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, ThaiBinh Seed cũng đã liên kết với hơn 20 HXT nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để triển khai các mô hình sản xuất giống lúa với diện tích khoảng 2.500ha/năm. Công ty cam kết sẽ thu mua lúa của bà con cao hơn 30% so với thóc thịt cùng loại trên thị trường. Theo ước tính, những mô hình này đã mang lại lợi nhuận gia tăng cho nông dân khoảng 50 tỷ đồng/năm.

Đến thăm mô hình liên kết sản xuất có tổng diện tích 100ha, gieo cấy giống lúa BC15 tại thôn Hòe Nha, xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy đạt năng suất 65 tạ/ha trong vụ mùa 2018, đồng chí Đặng Trọng Thăng - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ThaiBinh Seed nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển, nhân rộng liên kết sản xuất với các địa phương khác trong toàn tỉnh; chú trọng tìm kiếm, phát triển thị trường từ đó thu mua tối đa sản lượng lúa thu hoạch được, có cơ chế ưu đãi thích hợp để có thể phát triển bền vững mô hình; đồng thời yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong mối quan hệ hợp tác, đầu tư liên kết sản xuất với Công ty, cử cán bộ phối hợp chặt chẽ với Công ty triển khai thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết nhằm bảo đảm đạt được năng suất và hiệu quả cao nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới của ThaiBinh Seed

Đến nay, tỉnh Thái Bình chưa có con số thống kê chính thức về năng suất lúa. Tuy nhiên, khảo sát của PV NNVN tại một số huyện như Kiến Xương, Tiền Hải… năng suất lúa vụ mùa ước đạt 60 tạ/ha. Đây là mức năng suất cao so với các tỉnh ĐBSH. Những cánh đồng lúa mùa vàng ở “Quê hương 5 tấn” sai trĩu bông, đón đợi một vụ mùa bội thu.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.