| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình sẽ xây đập ngăn sông Hoá

Thứ Tư 07/04/2010 , 07:15 (GMT+7)

Chặn ngang dòng sông Hoá để điều tiết nước theo ý mình, là điều người nông dân Thái Bình, Hải Phòng mơ ước từ lâu. Nay, thì có đủ cơ sở để tin rằng trong tương lai không xa, dự án đó sẽ trở thành hiện thực.

Là tỉnh có ba mặt giáp sông một mặt giáp biển, nhưng chưa bao giờ Thái Bình phải đối mặt với hạn hán và sự “tấn công” của nước mặn như năm nay, đặc biệt là vụ Xuân năm 2010 này. Vậy tỉnh lúa số 1 ĐBSH này đã có phương kế gì ngăn mặn?

Theo tính toán quy hoạch sử dụng tổng hợp nguồn nước sông Hồng và sông Thái Bình, thì mực nước điều tiết tại Hà Nội phải đạt từ 2,5 mét trở lên mới đảm bảo mực nước cho các cống vùng hạ lưu của các tỉnh, trong đó có Thái Bình hoạt động bình thường để giải quyết nước tưới. Nhưng đã từ mấy năm nay, mực nước tại Hà Nội đều thấp hơn 2,5 mét, có năm chỉ còn hơn 1 mét. 

Có đủ nước đổ ải vụ xuân luôn là điều mơ ước của nông dân Thái Bình

Sự cạn kiệt nguồn nước trên các triền sông Hoá, sông Trà Lý và sông Hồng, cùng với sự biến đổi khí hậu, đã khiến nước mặn từ biển Thái Bình ngày càng lấn sâu vào nội tỉnh, như triền sông Hoá, nước mặn đã đẩy nước ngọt lên tận Cầu Nghìn (thuộc địa phận huyện Quỳnh Phụ), tức khoảng 30km tính từ cửa Đại Bàng là nơi sông Hoá đổ ra biển, khiến cho vụ xuân mấy năm qua, hai huyện Thái Thuỵ và Tiền Hải bị ảnh hưởng nặng nề. Triền Trà Lý, nước mặn lấn lên đến qua cống Thái Phúc tới giáp cống Thuyền Quan, là cống lấy nguồn nước ngọt chủ yếu của vùng Nam huyện Thái Thuỵ. Triền sông Hồng, mặn cũng đã tràn tới cống Nguyệt Lâm là cống lấy nước chủ yếu cho huyện Tiền Hải.

Như vậy là cả 3 con sông lớn, nguồn nước nuôi sống đồng đất Thái Bình, đều đã bị nước mặn lấn sâu hàng chục km. Hàng năm, tỉnh lúa thường xuyên có từ 10- 20 ngàn ha vụ xuân, tức là 10 đến 20% diện tích gieo cấy, bị hạn thường xuyên và khoảng 30 ngàn ha khó khăn về nước tưới, nhất là giai đoạn đổ ải, chưa kể diện tích nuôi trồng thuỷ sản ven biển khoảng 10 ngàn ha nữa.

Về Thái Bình những ngày này, đi dọc các vùng nam, bắc quốc lộ 10 đến đâu chúng tôi cũng thấy những chiếc máy bơm nằm trơ giỏ, phải ngừng bơm vì thiếu nước. Những vùng tự chảy thường xuyên ở các huyện Quỳnh Phụ, Kiến Xương, do mực nước sông đã kiệt dưới mức nền mương đào nên đã gần như mất tác dụng. Thiếu nước tưới đã đành, mà do không đủ nước để thau chua rửa mặn cho các vùng đất chua mặn của tỉnh, nên ảnh hưởng rất lớn đến việc cải tạo đất và thâm canh lúa.

Ông Đỗ Như Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Thái Bình cho biết: "Thực ra, quy hoạch đập sông Hoá, sông Trà Lý đã được đề cập đến trong những năm 70 của thế kỷ trước, trong thời kỳ hoàn chỉnh thuỷ nông. Nhưng vì kinh phí hạn chế và công nghệ khó khăn nên chúng ta đành bó tay. Nay, thì vấn đề đó đã trở thành cấp bách rồi, vì biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ gây ngập lụt đến phần lớn diện tích canh tác của nhiều tỉnh, trong đó có Thái Bình".

Cũng theo ông Đỗ Như Hồng, thì tuy gọi là đập nhưng thực chất là cống điều tiết. Cống có tác dụng giữ nước trong vụ xuân và lại mở ra cho nước sông lưu thông bình thường trong những điều kiện khác. Việc xây dựng đập sông Hoá, sông Trà Lý sẽ tạo ra lợi ích vô cùng to lớn, đó là giữ nước, dâng nước cao hơn trong những vụ xuân, mở rộng diện tích tưới tự chảy của lưu vực, tiết kiệm chi phí tưới rất lớn; không cho nước mặn xâm nhập vào sông Hoá, sông Trà, làm ngọt hoá cả nguồn nước ngọt và nguồn nước ngầm hạ lưu của hai con sông đó, giải quyết tốt nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho vùng hạ lưu sông Hoá, sông Trà.

Đập sông Hoá nằm trong quy hoạch xây dựng đập sông Hàn (Hải Phòng), đập sông Hoá và đập sông Trà Lý. Trước mắt, Bộ NN- PTNT đã giao cho hai cơ quan là Viện Quy hoạch Thuỷ lợi và ĐH Thuỷ lợi nghiên cứu về dự án đập sông Hoá.

Đặc biệt cống điều tiết giúp tiết kiệm tài nguyên nước quốc gia không để chảy tự do ra biển, cải thiện môi trường khu vực TP Thái Bình khi điều tiết nước chảy qua thành phố về cống Tân Đệ ra sông Hồng, ngăn nước biển dâng không để ngập lụt xẩy ra mà không cần phải chi phí một nguồn kinh phí rất lớn để tôn cao hệ thống đê điều toàn tỉnh. Việc xây dựng đập sông Hoá tại vị trí đường quốc phòng ven biển còn kết hợp cả được việc phát triển kinh tế với quốc phòng.

Chặn ngang dòng sông Hoá để điều tiết nước theo ý mình, là điều người nông dân Thái Bình, Hải Phòng mơ ước từ lâu. Nay, thì có đủ cơ sở để tin rằng trong tương lai không xa, dự án đó sẽ trở thành hiện thực.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất