| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Bất thường khai thác quặng sắt Trại Cau

Thứ Hai 09/06/2014 , 08:25 (GMT+7)

Trong khi công nhân mỏ không có việc làm, lương thấp, thậm chí là nghỉ không lương thì lãnh đạo đơn vị lại ký những hợp đồng cho DN bên ngoài vào làm thuê, thầu khai thác tại các điểm mỏ của mình.

Điều kỳ lạ đó đang diễn ra tại mỏ sắt Trại Cau thuộc Cty CP Gang thép Thái Nguyên.

Ưu ái bất thường?

Với lý do tiết kiệm triệt để tài nguyên, Cty CP Gang thép Thái Nguyên đã chỉ đạo mỏ sắt Trại Cau hợp tác với một số đơn vị bên ngoài có năng lực về tài chính và chuyên môn nghiệp vụ tiến hành tuyển chọn bùn và đất đá thải để tận thu quặng sắt cung cấp cho Cty.

Theo đó, tháng 9/2010, mỏ sắt Trại Cau ký hợp đồng số 12 với Cty CP Nhẫn để thực hiện phương án tuyển thuê quặng sắt tại bãi đất thải công trường Núi Quặng. Thời gian thực hiện hợp đồng đến 31/12/2011. Phương án kinh tế kỹ thuật của Cty CP Nhẫn lập đưa ra con số tỷ lệ thu hoạch quặng sắt trong đất đá thải khoảng 25%. Những tưởng dây chuyền tuyển quặng của Cty CP Nhẫn đặc biệt hơn, hiện đại hơn của mỏ sắt Trại Cau nhưng thực tế nó được xác định là cùng công nghệ và cùng chủng loại sản phẩm.

Vậy nên, khi hợp đồng đã hết hạn mà phía Cty Nhẫn vẫn chưa có sản lượng quặng nhập kho cho mỏ sắt Trại Cau. Lý do, Cty CP Nhẫn đề xuất xác định lại tỷ lệ thu hoạch rút xuống là 8% và nâng mức giá bán lên gấp nhiều lần. Biên bản xác định lại tỷ lệ thu hoạch áp cho Cty CP Nhẫn là 10%. Tổng giám đốc Cty CP Gang thép Thái Nguyên đã chỉ đạo mỏ sắt Trại Cau tiếp tục ký các phụ lục hợp đồng.

(Ngày 31/12/2011, ký Phụ lục HĐ số 1, gia hạn thời gian thực hiện HĐ đến 30/06/2013; ngày 15/02/2012, ký Phụ lục HĐ số 2, thay đổi về thời hạn thanh toán; ngày 31/05/2012, ký Phụ lục HĐ số 3, gia hạn thời gian thực hiện HĐ đến 31/12/2012; ngày 31/12/2012, ký Phụ lục HĐ số 4, gia hạn thời gian thực hiện HĐ đến 31/12/2013). Hợp đồng mới được ký có số 05 (ngày 28/02/2014) với thời hạn thực hiện cho đến tận 31/12/2018.

Không chỉ được liên tục gia hạn hợp đồng, giảm tỷ lệ thu hoạch mà phía Cty CP Nhẫn cũng được Cy CP Gang thép Thái Nguyên chấp nhận cho nâng giá bán lên gấp nhiều lần so với giá của hợp đồng ban đầu. Tại HĐ số 12 (ngày 27/09/2010), giá bột quặng là 172.665 đ/tấn, quặng manhetit là 163.870 đ/tấn. Trên cơ sở đề xuất của Cty CP Nhẫn, Tổng Giám đốc Cty CP Gang thép Thái Nguyên đã ban hành Quyết định 1373 (ngày 2/1/2011) quy định, giá bột quặng là 345.825 đ/tấn; giá quặng manhetit là 332.000đ/tấn.

Ngày 20/12/2011, đây là thời điểm mà phía Cty CP Nhẫn chưa có sản phẩm nhập kho nhưng lại tiếp tục được Tổng Giám đốc Cty CP Gang thép Thái Nguyên ban hành Quyết định giá số 1548. Theo đó, giá bột quặng được nâng lên 536.130 đ/tấn; giá quặng manhetit là 510.830 đ/tấn. Ngày 28/5/2013, theo Quyết định 525, Tổng Giám đốc Cty CP Gang thép Thái Nguyên lại nâng giá bán bột quặng lên 623.000 đ/tấn, quặng manhetit cũng có giá 623.000 đ/tấn. Cuối cùng, mức giá trên được ấn định từ 25/7/2013 đến nay cho cả bột quặng và quặng manhetit là 610.540 đ/tấn.

Hoạt động bất ổn

Đi vào hoạt động, DN được “chọn mặt, gửi vàng” - Cty CP Nhẫn đã gây ra những hệ lụy khiến chính quyền và nhân dân sở tại hoảng hồn. Theo báo cáo của UBND thị trấn Trại Cau, khi tuyển rửa, Cy CP Nhẫn đã tạo hồ bùn thải lớn, có độ chênh cao so với mặt bằng đất ở tại tổ 15 và tỉnh lộ 269. Trong khi đó, bờ đập là đất mượn, không được lu lèn chắc chắn, có hiện tượng nước trong hồ ngấm qua thân bờ, khi có mưa gây xói mòn, nguy cơ vỡ đập sẽ xảy ra.

11-11-17_img_0161
Đập bùn thải tại công trường Núi Quặng

Biên bản của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Thái Nguyên ngày 10/4/2014 xác định, bờ đập bùn thải rạn nứt và sụt lún, các vết nứt rộng 15-30 cm dọc ta luy âm, mặt đập có nhiều vết nứt cắt ngang thân đập. Cty CP Nhẫn tổ chức đắp và nâng cao mặt đập bằng đất thải công trường. Ngay sau khi kiểm tra, ngày 19/05/2014, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ tức tốc ký công văn số 445 với nội dung: “…các hồ chứa bùn, nước thải đều chưa có hồ sơ, phương án thiết kế thi công theo quy định, nguy cơ mất an toàn cao”.

Công văn yêu cầu đơn vị chủ quản chỉ đạo Cty CP Nhẫn tạm dừng ngay mọi hoạt động xả thải vào các hồ chứa; tiến hành lập ngay hồ sơ, phương án thiết kế trình cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Chỉ khi nào có hồ sơ phương án thiết kế được thẩm định phê duyệt đảm bảo an toàn thì mới được tiếp tục xả thải vào các hồ chứa này.

Đã từ lâu, người dân đất thép Thái Nguyên mặc nhiên coi vùng quặng thép Trại Cau và mỏ sắt Trại Cau tựa như "con mồi" để quặng tặc và các DN xâu xé. Bằng nhiều giải pháp, chế tài của chính quyền, quặng tặc “mi ni” bây giờ đã vãn và không còn lộng hành như vài năm trước đây. Nhưng nguy cơ chảy máu tài nguyên vẫn chưa hề chấm dứt bởi nỗi lo lắng liệu có xuất hiện của những quặng tặc kiểu mới, quặng tặc “khủng”, ẩn diện và vô cùng nguy hại?

Bất chấp mọi đề nghị, yêu cầu của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng, hiện tại, Cty CP Nhẫn vẫn đang tiếp tục tuyển rửa và xả thải vào những hồ chứa có nguy cơ bục tràn bất kể lúc nào, đặc biệt, khi hiện nay đang là mùa mưa bão.

Nghi vấn

Ông Vũ Đăng Khoa (Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau) ngán ngẩm cho biết, lãnh đạo địa phương rất buồn khi những công nhân mỏ sắt Trại Cau là công dân của thị trấn đã nhiều tháng phải lĩnh lương thấp, thậm chí là nghỉ việc không lương. Với bề dày truyền thống, và cả sự hoàn thiện dây chuyền, công nghệ, phương tiện nhưng không hiểu sao mỏ sắt Trại Cau lại phải thuê doanh nghiệp ngoài vào làm việc mà không tạo ra công việc cho chính công nhân của mình?

Được biết, ngoài HĐ tuyển quặng tại công trường Núi Quặng, Cty CP Nhẫn còn có HĐ với mỏ sắt Trại Cau về việc nạo đập quặng đuôi. Mỏ sắt Trại Cau cũng có HĐ với 2 doanh nghiệp khác liên quan đến khai thác, bốc xúc, tuyển rửa tại các vị trí khác nhau.

Xuất phát từ việc “quản lý, khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường của công ty còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc mua bán khoáng sản sai quy định”. Từ đó, Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ra công văn số 791 (ngày 8/4/2014) "yêu cầu Cty CP Gang thép Thái Nguyên nghiêm cấm việc cho các tổ chức, cá nhân ngoài công ty thuê, thầu khai thác tại các điểm mỏ thuộc quyền quản lý của công ty”.

Cơ sở để ban hành công văn trên của Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên khiến dư luận đặt nghi vấn, liệu có sự móc nối, thông đồng để bòn rút tài nguyên Quốc gia? Việc quản lý tài nguyên, các nguồn thuế và phí tại khu vực các doanh nghiệp làm thuê cho Gang thép Thái Nguyên được tính toán như thế nào? Trái lại, nếu như không có doanh nghiệp ngoài vào làm thuê thì quặng sắt khai thác được bao nhiêu sẽ là của Gang thép Thái Nguyên bấy nhiêu, và chỉ để luyện thép. Vì như vậy, nghi vấn càng lớn hơn khi mà dự án mở rộng sản xuất Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đang gặp khó khăn và gần như dậm chân tại chỗ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.