| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Dùng tiền lẻ để nắm quyền chi phối doanh nghiệp ngàn tỉ

Thứ Năm 16/05/2019 , 12:29 (GMT+7)

Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều thủ thuật để giảm thiểu lợi ích nhà nước, đồng thời công khai giới thiệu nhà đầu tư chiến lược nhằm chiếm quyền quản lý điều hành khối tài sản trị giá 764 tỉ đồng tại doanh nghiệp.

Lộ âm mưu thôn tính doanh nghiệp Nhà nước bằng tiền lẻ

Tháng 10/2012, Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên, được triển khai với tổng mức đầu tư trên 950 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Cộng hòa Pháp trên 412 tỷ đồng; vốn đối ứng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương trên 538 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên làm chủ đầu tư (sau này là Công ty TNHHMTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị).

Năm 2016, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định thực hiện Cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Thoát nước & Phát triển hạ tầng đô thị theo hướng Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và giao Sở KH&ĐT - Cơ quan Thường trực Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước chủ trì phối hợp với các Sở, ngành hướng dẫn Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị thực hiện cổ phần hóa.

Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển Hạ tầng đô thị Thái Nguyên đang được tiến hành cổ phần hóa

Ngày 23/1/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định số 218 phê duyệt giá trị doanh nghiệp với giá trị thực tế để cổ phần hóa trên 764 tỉ đồng trong đó giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trên 21 tỉ đồng.

Thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa đã tổ chức hội nghị người lao động bất thường ngày 5/4/2017 và thông qua phương án cổ phần hóa doanh nghiệp với vốn điều lệ 20 tỉ đồng trong đó Nhà nước nắm giữ 49% và bán cho “nhà đầu tư chiến lược” 20%. 

Hợp thức hóa phương án này, ngày 13/7/2017, UBND tỉnh Thái nguyên có quyết định phê duyệt điều chỉnh phương thức và kế hoạch cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị theo đó Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ (khoảng 20 tỉ đồng) và không đưa tài sản dự án vào để cổ phần hóa.

Như vậy, có thể thấy rõ với quyết định điều chỉnh trên của tỉnh Thái Nguyên thì “nhà đầu tư chiến lược” nào mua được cổ phần chi phối sẽ hưởng lợi vô cùng lớn vì chỉ phải dùng nguồn lực nhỏ khoảng 20 tỉ đồng  (bằng 1/3 của số lẻ giá trị tài sản định giá) mà lại nắm toàn quyền quản lý sử dụng số tài sản lớn trên 764 tỉ của một doanh nghiệp Nhà nước.

Riêng trạm xử lý nước thải của công ty với công suất 8.000m3/ngày đêm đã được đầu tư giá trị 72 tỷ đồng

Giới thiệu nhà đầu tư chiến lược, công khai thôn tính tài sản công

Điểm bất minh trong quá trình ra các quyết định cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị của UBND tỉnh Thái Nguyên là ngày 13/7/2017, tỉnh  mới ra quyết định điều chỉnh phương án cổ phần hóa nắm giữ dưới 50% vốn Nhà nước nhưng trước đó gần 3 tháng, ngày 24/4/2017, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quốc tế Đông Á (Tập đoàn Quốc tế Đông Á) đã nắm được thông tin và gửi công văn đề nghị lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp được mua cổ phần với tỉ lệ tối thiểu 51%. Tiếp đến, ngày 8/5/2017, ông Nhữ Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản giao cho Sở KH&ĐT tham mưu giải quyết đề nghị của Tập đoàn Quốc tế Đông Á.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên công khai giới thiệu nhà đầu tư chiến lược

Văn bản trên của lãnh đạo tỉnh Thái nguyên mặc nhiên đã có ý giới thiệu nguyện vọng của Tập đoàn Quốc tế Đông Á với Sở KH&ĐT. Vậy nên, trong cuộc họp ngày 18/5/2017, cơ quan này với tư cách là Ban chỉ đạo cổ phần hóa công ty đã mời ông Nguyễn Quang Mãi - Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Đông Á tham gia với tư cách là “nhà đầu tư chiến lược”. 

Xin nhắc lại rằng, đến tháng 7/2017 tỉnh Thái Nguyên mới có quyết định điều chỉnh phương án cổ phần hóa nhưng từ tháng 5/2017 ông Nguyễn Quang Mãi đã được xác định là “nhà đầu tư chiến lược”? Tức là cả quá trình cổ phần hóa Cty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị  của UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ là  hình thức còn kết quả đã được lãnh đạo tỉnh này sắp đặt từ trước.

Doanh nghiệp có nhiều điều tiếng

Khi gửi văn bản tới UBND tỉnh Thái Nguyên xin tự ứng cử trở thành nhà đầu tư chiến lược, Tập đoàn Quốc tế Đông Á quảng cáo là một đơn vị mạnh hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đã thực hiện nhiều công trình lớn, trọng điểm trong phạm vi cả nước, các công trình cấp đặc biệt, cấp I có giá trị hợp đồng từ vài trăm đến hàng ngàn tỉ đồng, có yêu cầu kỹ thuật cao và điều kiện thi công phức tạp như: Cầu Bình Than vượt Sông Đuống tỉnh Bắc Ninh, cầu Tuần Quán vượt sông Hồng tỉnh Yên Bái, cầu Dinh Ông vượt sông Ba tỉnh Phú Yên...

Tuy nhiên, khi tìm hiểu về những dự án, công trình kể trên, NNVN nhận thấy thực tế không giống như doanh nghiệp quảng cáo. Dự án cầu Bình Than mà doanh nghiệp này tham gia đã bị Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh ra quyết định thu hồi nhiều khoản tiền lớn do chi sai, không hợp lý để tránh thất thoát lãng phí.

Thậm chí, một vài dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, như Dự án xây dựng cầu Tuần Quán bắc qua sông Hồng, được khởi công từ tháng 6/2015, với tổng chiều dài 3,9 km, rộng 17 m, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 12 thuộc dự án trên có tổng giá trị 323 tỷ đồng, được giao cho Tập đoàn Quốc tế Đông Á là nhà thầu chính.

Ngay sau khi ký hợp đồng với đại diện chủ đầu tư, ngày 2/8/2015, Tập đoàn Quốc tế Đông Á đã ký Hợp đồng giao khoán với Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Bắc Dương (gọi tắt là Công ty Bắc Dương) với tổng giá trị hợp đồng hai bên ký gần 164 tỷ đồng, tương đương hơn 50% tổng giá trị gói thầu số 12.

Trong hợp đồng giao khoán này là trong phụ lục hợp đồng nói trên, Công ty Bắc Dương “cam kết sẽ chiết khấu lại cho Tập đoàn Quốc tế Đông Á bằng 18% giá trị hợp đồng theo đơn giá trúng thầu. Tập đoàn Quốc tế Đông Á có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Bắc Dương giá trị khối lượng thanh toán bằng 62% đơn giá trúng thầu với chủ đầu tư”.

Theo đó, Tập đoàn Quốc tế Đông Á được “bỏ túi” 38% tổng giá trị hợp đồng xây dựng cầu Tuần Quán (tương đương với hơn 60 tỷ đồng). Trên thực tế, Công ty Bắc Dương đã chuyển khoản gần 10 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của ông Nguyễn Quang Mãi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quốc tế Đông Á.

Như vậy, khẳng định Tập đoàn Quốc tế Đông Á không thực hiện bất cứ công việc gì liên quan đến dự án cầu Tuần Quán, mà chuyển nhượng trái phép lại cho các doanh nghiệp khác là vi phạm điểm a, khoản 8 Điều 89 Luật Đầu thầu. Hành vi trên còn có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự vì không loại trừ khả năng các đơn vị thi công cùng nhau thu lợi từ rút ruột công trình hoặc nâng khống giá công trình.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất