| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Nông dân điêu đứng vì dịch tụ huyết trùng

Thứ Sáu 10/09/2010 , 10:05 (GMT+7)

Mặc cho nỗ lực phòng chống nhưng dịch bệnh tụ huyết trùng trên đàn trâu tại xã Thanh Định (huyện Định Hoá, Thái Nguyên) chẳng những thuyên giảm mà còn tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp.

*Thương lái săn mua trâu chết đông như bầy kền kền!

Mặc cho nỗ lực phòng chống  nhưng dịch bệnh tụ huyết trùng trên đàn trâu tại xã Thanh Định (huyện Định Hoá, Thái Nguyên) chẳng những thuyên giảm mà còn tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp.

Tiêu tan đầu cơ nghiệp

Dịch tụ huyết trùng được phát hiện tại xã Thanh Định từ ngày 2/9 với 2 con trâu bị chết trên rừng. Đến ngày 6/9, số lượng trâu chết đã lên đến 28 con. Ngày 9/9 là 40 con (trong đó có 27 con chết trên rừng). Dịch xảy ra tại 9 xóm của xã Thanh Định. Ông Nguyễn Quang Xuân (xóm Khẩu Cuộng) cho biết, gia đình ông có 15 con thì đã chết mất 4 con, người nhà lên lùa vội trâu về thì vẫn còn thiếu mất một con, đến nay vẫn chưa tìm thấy. Thật trớ trêu, trong số 4 trâu bị chết thì có 2 trâu mẹ đang nuôi 2 nghé con mới được 4 tháng tuổi.

Ái ngại nhất có lẽ là hoàn cảnh của gia đình ông Nguyễn Văn Đức và bà Ma Thị Viên (xóm Khẩu Cuộng). Đúng vào những ngày dịch bùng phát thì ông Đức đổ bệnh, phải về Hà Nội mổ tim. Gia đình phải nhờ họ hàng lên rừng tìm 16 con trâu. Người nhà chỉ tìm được 8 con còn sống, phát hiện xác chết của 5 con, còn 3 con mất tích. Vừa từ Hà Nội về, bà Viên thất thần nói, cả làng cả nước đi tìm hộ mà chẳng thấy, chắc là chết nốt rồi. Gia đình ông Nguyễn Quang Đức (xóm Khẩu Cuộng) có 10 con trâu và mới chỉ tìm thấy xác chết của 4 con, còn 6 con vẫn bặt vô âm tín. Con trai ông Đức nói, cả tuần nay đi tìm mà vẫn chưa thấy vết chân trâu của nhà mình, chắc là chúng chết trong búi giang, búi nứa rồi.

 Bà Nguyễn Thị Phận có 7 con trâu nhưng có 2 con được xác định mắc bệnh. Suốt mấy ngày nay, bà Phận và con gái cứ khóc đứng khóc ngồi bên cạnh con trâu bệnh. Bà Phận đem một chậu than hoa đốt quả bồ kết rồi quạt khói cho trâu hít. Bà xua tay tránh câu hỏi của chúng tôi rồi lại đưa vạt áo lên lau nước mắt. Khẩu Cuộng là xóm có nhiều trâu ngã bệnh nhất, ông Ma Doãn Hạt (Trưởng xóm) cho biết, chính vì vậy mà dân thương lái ngày đêm ra vào xóm để tìm mua trâu.

Đào trâu đã chôn lên để lấy thịt

Trái với không khí ảm đạm, những khuôn mặt thất thần của người dân mất của, đông đảo thương lái nhân cơ hội về Thanh Định tìm đến từng nhà để hỏi mua thịt trâu chết, trâu bệnh. Bà Ma Thị Viễn (cán bộ thú y xã Thanh Định) cho biết, tình hình mua bán, vận chuyển trâu, thịt trâu chết và nhiễm bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp trên địa bàn. Xã đã xác định được trường hợp gia đình ông Trương Doãn Đoàn (xóm Bản Cái Thanh Xuân) bán chạy 2 con trâu mộng nhiễm bệnh với giá chỉ có 7 triệu đồng. Có trường hợp các đối tượng còn đào cả xác trâu chết mới chôn để tận dụng bán vớt.

 Bà Viễn nói, hố chôn trâu chết bệnh vừa mới lấp tại đập Bo Vàng lúc sáng, đến tối quay lại đã thấy tung toé máu me, lông trâu vứt bừa bãi, hố chôn được lấp lại như cũ. Chị Trần Thị Huyền (xóm Nà Chèn) cho biết, trâu chết cũng bán được hết, ban ngày không bán được thì tối bán được, thương lái về đây mua hết. Về thực tế trên, ông Nguyễn Công Đảm (Chủ tịch UBND xã Thanh Định) xác nhận, các đối tượng thương lái đông như bầy kền kền, chúng hoạt động suốt từ tối hôm trước đến sáng hôm sau. Vì người dân xót của nên các con trâu bị bệnh hoặc đã chết vẫn cố tình thanh lý để vớt vát tình thế. Địa bàn rộng, dân cư không tập trung, có nhiều đường tiểu mạch, trong khi đó không có đủ lực lượng kiểm soát nên cơ bản là các con trâu bị chết đều được nhân dân thịt bán hoặc bán cả con, trâu nhiễm bệnh thì bán đổ bán tháo cho thương lái.

Ông Đảm còn nói, một số đối tượng làm hẳn lán trên rừng để săn lùng trâu chết. Chúng lột da xẻ thịt rồi đem luộc lên và phơi khô. Mỗi bộ da trâu cũng được vài trăm, còn thịt để làm thịt trâu khô. Thậm chí, một số hộ dân người Mông (thuộc địa bàn xã Hùng Lợi, huyên Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) ở gần nơi có rừng thả trâu bò của người dân Thanh Định còn dùng ngựa thồ, lấy cả những bộ lòng trâu chết về để sử dụng.

Khó kiểm soát

Ông La Văn Tám (Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Định Hoá) cho biết, việc phòng trừ dịch bệnh hiện nay rất khó khăn. Ông Tám phân tích, các hộ dân Thanh Định có tập quán thả trâu trên rừng nên việc tập hợp đàn để tiêm phòng hiện nay là không đơn giản. Có trường hợp người dân đã gửi trâu bên bản người Mông của xã Hùng Lợi (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang). Mặt khác, nếu lùa được trâu về thì không có chuồng trại, bãi chăn thả.

 Cho đến nay, lực lượng cán bộ thú y mới tiêm phòng bệnh được 800 con trâu trên tổng đàn của xã là 1.100 con. Lo lắng nhất hiện nay là vùng rừng chăn thả trâu bò có khoảng 2.000 con của nguời dân các xã Điềm Mặc, Bảo Linh và Thanh Định. Nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm