| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Trưởng xóm "giết" rừng phòng hộ

Thứ Tư 01/04/2009 , 08:30 (GMT+7)

Cách thức triệt hạ rừng phòng hộ của trưởng xóm, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng xóm Nác, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai khiến người ta rùng mình.

Cách thức triệt hạ rừng phòng hộ của ông Nông Văn An (trưởng xóm, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng xóm Nác, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai) khiến người ta rùng mình.

Sau khi mua được diện tích 85ha rừng của 5 gia đình trong xóm, ông trưởng xóm đã cho máy ủi mở đường, thuê nhân công chặt phá và đốt rừng. Sự việc đã diễn ra từ cuối năm 2008 nhưng đến tận đầu tháng 3/2009, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng mới phát hiện ra. Thấy nghiêm trọng, ông Triệu Văn Lưu (phó xóm, tổ viên tổ bảo vệ rừng xóm Nác) đã can ngăn nhưng ông trưởng xóm tuyên bố: "Tôi có giấy tờ đầy đủ thì tôi được phá rừng". Vậy là cả một vùng rừng phòng hộ xanh tốt nhanh chóng bị đốt trụi.

Đưa tôi lên thăm hiện trường, anh Triệu Tiến Trường (một tổ viên của tổ bảo vệ rừng xóm Nác) kể, trưởng xóm phá rừng thì dân làm gì được, có nhiều vạt rừng bị đốt cháy đến 4 - 5 ngày đêm. Qua một ngọn núi, cảnh tượng thảm hại hiện ra trước mắt chúng tôi. Trơ khấc, đen thui những ngọn đồi vừa mới bị thiêu đốt. Những cây gỗ lớn nằm phơi ngổn ngang còn nham nhở vết chặt chém, sần sùi vết sẹo do lửa. Những vạt rừng chưa kịp đốn hạ cũng bị cháy xám vàng, héo úa rũ rượi.

Diện tích rừng bị tàn phá nặng nề thuộc lô1 khoảnh 1 và lô 1 khoảnh 3, tiểu khu 119. Người dân xóm Nác ai cũng biết đó là khu rừng phòng hộ, có tên địa phương là rừng Bù Cu. Khu rừng có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn nguồn nước, bảo vệ môi trường sống cho người dân địa phương. Vụ xuân này, những hộ dân có diện tích ven rừng đã buộc phải chuyển đổi sang trồng cây màu thay vì trồng lúa như những năm trước. Đơn giản là do không còn rừng thì không có nguồn nước. Thậm chí để phục vụ trồng màu, ông Bàn Tài Tiên vẫn phải đầu tư mua máy bơm để lấy nước từ dưới suối lên tưới.

Biện hộ cho việc làm của mình là phá rừng để trồng rừng mới, tổ trưởng bảo vệ rừng Nông Văn An đã thuê máy ủi mở một con đường lên núi rộng 3,5m và dài 1,5km. Suốt nhiều tháng, nhân công làm thuê của ông An đã mặc sức tung hoành, san đồi, sẻ núi, chặt phá, thiêu hủy rừng...Thậm chí, ông trưởng xóm đã cho người xây dựng hẳn một vườn ươm keo tai tượng với số lượng trên 4 vạn cây tại khu vực trên, đã cuốc hố để chuẩn bị trồng rừng mới.

Cả xóm Nác ai cũng biết có tới 5 đội công nhân phá rừng được ông An thuê làm. Ai cũng biết, con đường mới lên rừng của ông An đi qua rừng bãi của cán bộ xã, trong đó có cả rừng của PCT UBND xã (bà này là vợ Hạt phó Hạt KL huyện và mới đề bạt Phó BQL khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa, Phượng Hoàng). Kể cũng lạ, dân biết vậy nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thì không nhìn ra.

Ngạc nhiên hơn nữa, khi đại diện Hạt KL huyện và UBND xã lập biên bản vi phạm thì diện tích rừng bị phá qua đo đạc chỉ có 12,1 ha. Anh Triệu Tiến Trường (tổ viên tổ bảo vệ rừng của xóm Nác) nói, đó là số liệu không thể tin được. Qua kinh nghiệm và chỉ bằng mắt thường cũng có thể thấy, anh Trường nói, ít nhất diện tích rừng bị phá cũng phải đến 30 - 40ha. Trong khi đó, tại báo cáo số 115 của công an huyện Võ Nhai thì tổng số rừng bị chặt phá khoảng trên 100 ha.

Dấu hiệu làm tăng nghi ngờ về sự tiếp tay, bao che cho hành vi phá rừng là theo báo cáo của UBND huyện Võ Nhai thì diện tích rừng bị phát chủ yếu là rừng Vầu pha cây gỗ tái sinh, mật độ thưa, đường kính từ 4 – 15 cm, giá trị kinh tế thấp. Ông Triệu Văn Lưu (phó xóm, tổ viên tổ báo vệ rừng xóm Nác) cho biết, trên rừng Bù Cu có các loại cây gỗ như Kháo, Dổi, Táu, Kẹn, De, Dẻ, Phay...đều là những cây có giá trị kinh tế không phải thấp. Chính báo cáo của công an huyện Võ Nhai còn khẳng định, cây gỗ to nhất bị chặt phá có chu vi khoảng 200 cm, tức là có đường kính gấp khoảng hơn 4 lần số liệu do huyện báo cáo.

Đoạn đường khoảng 7 km từ UBND xã Liên Minh lên xóm Nác cheo leo, hiểm trở. Xóm có 102 hộ dân thì có đến 91 hộ thuộc diện nghèo. Để phá rừng một cách quy mô, bài bản như vậy thì một mình ông Trưởng xóm liệu có đủ năng lực? 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm