| Hotline: 0983.970.780

ThaiBinh Seed và hành trình được trao giải thưởng 750 nghìn USD

Thứ Sáu 27/08/2021 , 06:00 (GMT+7)

Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed vừa vinh dự được Tổ chức Phát triển Hà Lan trao giải nhất "Dự án Sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính Agresults".

Tiên phong sản xuất lúa bền vững

Trước đó, tại hội thảo trực tuyến tổng kết và trao giải chung kết Dự án Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính Agresults ngày 25/8 do Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và UBND tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) đã được trao giải Nhất (trị giá 750 nghìn USD) do đã có các giải pháp công nghệ sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed trong một lần đi thăm lúa của dự án. Ảnh: TL.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed trong một lần đi thăm lúa của dự án. Ảnh: TL.

Giải nhì thuộc về Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ An Đình với giá trị 400.000 USD. Giải ba được trao cho Công ty Cổ phần Giống cây lương thực và Cây thực phẩm với giá trị 200.000 USD.

Đây là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp, cố gắng không biết mệt mỏi của ThaiBinh Seed nói riêng và các đơn vị tham gia dự án nói chung khi triển khai trên thực tế.

Theo SNV, Thái Bình là địa phương duy nhất ở Việt Nam được Ban điều hành dự án lựa chọn để triển khai dự án trong 5 năm (2016 - 2021). Dự án được chia thành 2 giai đoạn với cơ chế trao thưởng dựa trên kết quả đạt được.

Mục tiêu chính của dự án là xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các gói công nghệ canh tác lúa tiên tiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình cánh tác và sản xuất lúa gạo, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cách thức triển khai dự án hoàn toàn mới, theo “cơ chế kéo”. Đó là không hỗ trợ kinh phí trước cho tổ chức, cá nhân mà tiến hành lựa chọn, thẩm định các giải pháp, công nghệ sáng tạo xuất sắc, đáp ứng tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao sinh kế cho người dân trồng lúa để trao giải thưởng.

Ngoài lợi ích kép về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và tăng liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, kết quả đạt được của dự án cũng đóng góp vào các đề xuất cơ chế chính sách, lồng ghép vai trò của doanh nghiệp vào thực hiện và nhân rộng chuyển giao công nghệ sản xuất lúa bền vững cho vùng ĐBSH nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hợp tác bền chặt với nông dân

Chia sẻ về thành công của giải pháp công nghệ mà ThaiBinh Seed triển khai khi tham gia dự án, bà Trần Thị Tiệc, thư ký phụ trách dự án của ThaiBinh Seed chia sẻ: Vốn là doanh nghiệp có uy tín trong việc sản xuất và kinh doanh giống cây trồng nên từ lâu, sự hợp tác và mối liên kết giữa công ty với các HTX, hộ sản xuất rất bền chặt. Vì vậy, ThaiBinh Seed có nhiều thuận lợi khi triển khai mở rộng dự án trong 2 năm (4 vụ) 2019 và 2020.

Các giải pháp canh tác lúa bền vững luôn được ThaiBinh Seed đặc biệt chú trọng gắn với các vùng sản xuất lúa giống cũng như vùng cung cấp giống lúa ra sản xuất. Ảnh: TL.

Các giải pháp canh tác lúa bền vững luôn được ThaiBinh Seed đặc biệt chú trọng gắn với các vùng sản xuất lúa giống cũng như vùng cung cấp giống lúa ra sản xuất. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, để có được thành công như hiện tại, ngay từ ban đầu, ThaiBinh Seed xác định rõ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác lúa. Bên cạnh đó, thường xuyên sát sao với hộ sản xuất để nắm bắt tâm tư, hỗ trợ kỹ thuật, đồng hành cùng bà con tháo gỡ từng khó khăn một.

Theo đó, các điểm thực hiện dự án của ThaiBinh Seed đều gắn với các điểm sản xuất giống của tập đoàn nên các hộ sản xuất được hỗ trợ 50% chi phí vật tư như phân bón và chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch… Ngoài ra, toàn bộ sản phẩm của người dân được tập đoàn thu mua lại với giá trị ở mức tương đối cao (1 kg thóc giống tính bằng 1,3 lần thóc thương phẩm), từ đó giúp nông dân nâng cao thu nhập, có thêm động lực tích cực tham gia dự án.

Trong 4 vụ triển khai, Ban quản lý dự án của ThaiBinh Seed đã kết hợp với các HTX thực hiện sản xuất giống cho công ty để mang lại lợi ích cho bà con nông dân.

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX Bình Định (Kiến Xương, Thái Bình), thành viên tham gia dự án chia sẻ: Hiện tại, đa số người dân đã ý thức được những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sản xuất và đời sống. Vì vậy khi dự án triển khai, các hộ đều hăng hái tham gia.

Bên cạnh đó, quy trình công nghệ sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính không quá phức tạp, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, nếu chuyên tâm là có thể làm được. Qua từng vụ triển khai, khi nhận thấy hiệu quả mà dự án mang lại cao hơn so với việc canh tác truyền thống trước đây, số nông hộ tham gia dự án ngày càng tăng. 

Mô hình thực hiện dự án của ThaiBinh Seed tại xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương (Thái Bình). Ảnh: TL.

Mô hình thực hiện dự án của ThaiBinh Seed tại xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương (Thái Bình). Ảnh: TL.

Thay đổi thói quen canh tác lạc hậu

Ngoài những thuận lợi, quá trình thực hiện dự án cũng xuất hiện muôn vàn khó khăn mà ThaiBinh Seed phải tháo gỡ, trong đó việc thay đổi thói quen canh tác theo kinh nghiệm ăn sâu, bám rễ của người dân là gian nan nhất.

Theo bà Trần Thị Tiệc, do là cách làm mới nên bước đầu nhiều người dân không khỏi nghi ngại, phân vân. Lần đầu tiên áp dụng chưa rõ hiệu quả như thế nào nên khó khăn trong việc thuyết phục người dân mở rộng vùng sản xuất. Một ví dụ như cách thức bón phân 1 lần/vụ theo quy trình của dự án giúp giảm lượng phân bón hơn so với trước đây (3 lần/vụ), nhưng nông dân ban đầu lại rất lo lắng sợ lúa không đủ dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, năng suất sẽ thấp.

Quy trình mới yêu cầu xiết nước 3 lần/vụ, trong khi tập quán canh tác trước đây của nông dân là không xiết nước (có một số vùng khô tự nhiên, nhiều vùng để nước ngập trong cả vụ). Do đó, khi áp dụng quy trình mới rất khó đôn đốc nông dân xiết nước.

Hệ thống thủy lợi tại các HTX còn chưa hợp lý giữa hệ thống tưới và tiêu nước, mặt ruộng không bằng phẳng làm quá trình xiết nước không phủ hết diện tích. Các vùng sản xuất theo quy trình của dự án còn xen kẽ với các vùng không thực hiện dự án, nên việc xiết nước gặp nhiều khó khăn…

Cùng làm, cùng hưởng thụ

Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, gói quy trình công nghệ sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính của ThaiBinh Seed đã thể hiện được nhiều điểm ưu việt như giảm phái thải khí nhà kính CO2 từ 5,13 - 54,38%; năng suất lúa tăng so với đối chứng từ 11,98 - 93,66%, số hộ nông dân hiểu quy trình công nghệ đạt từ 63,2 - 81,1%.

ThaiBinh Seed sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần sản xuất lúa trách nhiệm, bền vững gắn với việc cung ứng giống lúa trên cả nước. Ảnh: TL.

ThaiBinh Seed sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần sản xuất lúa trách nhiệm, bền vững gắn với việc cung ứng giống lúa trên cả nước. Ảnh: TL.

Để đạt được thành quả đó, ThaiBinh Seed cùng với các HTX, hộ sản xuất đã bám sát các tiêu chí của dự án như giảm khí thải 20% tổng điểm; tăng năng suất 20% tổng điểm; số hộ sử dụng công nghệ 40% tổng điểm; sử dụng lặp lại công nghệ 20% tổng điểm...

Khi được giải thưởng của dự án, ThaiBinh Seed đã tiến hành chia giải thưởng cho các thành phần tham gia dự án với tinh thần “cùng làm cùng hưởng lợi”, cụ thể: Giành 10% giá trị giải thưởng cho các HTX, hộ tham gia dự án (trong đó 5% cho HTX và 5% cho nông dân).

Theo thống kê, tổng kinh phí hỗ trợ vật tư (phân bón, chế phẩm xử lý rơm rạ…) và phần giải thưởng mà các hộ nông dân và HTX tham gia thực hiện dự án được nhận trong 4 vụ lúa của năm 2019 và 2020 là 7,8 tỷ đồng.

"Sau khi dự án kết thúc, trên cơ sở những thành tựu mà giải pháp công nghệ tham gia dự án đã đạt được, ThaiBinh Seed sẽ tiếp tục cùng với các HTX, hộ sản xuất đẩy mạnh việc áp dụng trên diện rộng ở các mùa vụ tiếp theo, hướng tới sản xuất lúa bền vững, tiết kiệm, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và tạo sinh kế lâu dài cho nông dân", bà Trần Thị Tiệc, thư ký phụ trách dự án của ThaiBinh Seed cho hay.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.