| Hotline: 0983.970.780

Thâm canh lúa bằng SRI và phân bón bokashi

Thứ Hai 31/10/2011 , 09:02 (GMT+7)

Theo đánh giá của nhiều nông dân, so với lối canh tác truyền thống thì đây là phương pháp canh tác lúa tối ưu, dễ làm, đầu tư thấp mà năng suất, lợi nhuận rất cao.

* Năng suất tăng 36%

Cấy thưa, cấy 1 dảnh và điều tiết nước tốt là biện pháp kỹ thuật của SRI sẽ cho năng suất cao

Sau 2 năm tiếp tục nghiên cứu, cải tiến “Qui trình canh tác lúa cải tiến SRI” và xây dựng thành công nhiều mô hình thử nghiệm ở một số vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên- Huế, mới đây các nhà khoa học Đại học Nông Lâm Huế đã cho ra đời “Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) kết hợp bón phân bokashi” cho nhiều huyện trong tỉnh, được nông dân đánh giá cao.

Chủ nhiệm đề tài, TS. Lê Đình Hường cho biết: Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) là ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật mới nhằm giảm chi phí sản xuất thông qua việc giảm mật độ gieo cấy, giảm nước tưới, giảm phân hóa học, thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ, công lao động để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa.

Ngoài việc áp dụng đầy đủ, đồng bộ và nghiêm ngặt qui trình canh tác cải tiến (SRI) của Bộ NN-PTNT đã ban hành, “Hệ thống canh tác lúa cải tiến kết hợp bón phân bokashi” có 2 điểm cải tiến quan trọng: sử dụng phân bón bokashi thay thế cho phân hóa học và diệt cỏ sục bùn bằng cào cỏ con quay thay cho làm cỏ bằng tay hoặc phun thuốc trừ cỏ.

Theo TS. Lê Đình Hường, phân bokashi là một loại phân hữu cơ vi sinh vừa có giá trị dinh dưỡng cao giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, vừa có tác dụng cải tạo đất, ức chế sự phát sinh, phát triển của các vi sinh vật gây hại trong đất nên giúp cây trồng chống chịu tốt với sâu bệnh hại. Nông dân có thể tự sản xuất phân bokashi tại chỗ bằng các nguồn vật liệu sẵn có tại địa phương như: phân gia súc, gia cầm, rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp, phân xanh, men rượu, cám gạo, bột ngô… theo qui trình công nghệ ủ lên men của Nhật Bản vừa dễ làm, vừa rẻ tiền.

Việc thay thế phân hóa học bằng phân bokashi trong qui trình canh tác lúa cải tiến có ý nghĩa hết sức thiết thực và quan trọng: giảm lượng phân hóa học đáng kể (trên 50%), giảm hoặc bỏ hẳn thuốc BVTV. Kinh nghiệm dùng cào cỏ con quay (dụng cụ bàn đẩy có 2 trục bánh răng quay) của nông dân Thừa Thiên- Huế để làm cỏ lúa 2 lần/vụ vừa có tác dụng diệt sạch cỏ dại nên không cần dùng đến thuốc diệt cỏ, vừa sục bùn làm cho rễ hấp thu phân bón và ôxy trong đất tốt hơn nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh hại, cho năng suất cao.

Tổng kết trên tất cả các giống lúa, cấy theo hệ thống thâm canh SRI kết hợp bón phân bokashi trên nhiều loại đất khác nhau các nhà khoa học khẳng định: năng suất tăng vượt trội so với lối canh tác thông thường trên 36% nhưng hầu như không có hoặc rất ít bị dịch bệnh gây hại, đặc biệt 2 bệnh nguy hiểm là đạo ôn và khô vằn không thấy xuất hiện trong suốt cả vụ.

Theo anh Trần Hữu Đào ở xã Vĩnh Hà, huyện Phú Vang, canh tác theo hệ thống SRI kết hợp bón phân bokashi rễ cây lúa phát triển mạnh hơn, ăn sâu hơn nên sinh trưởng, phát triển tốt hơn, cho năng suất cao, ít bị sâu bệnh hại và chống đổ tốt.

Theo đánh giá của nhiều nông dân, so với lối canh tác truyền thống thì đây là phương pháp canh tác lúa tối ưu, dễ làm, đầu tư chi phí thấp mà năng suất lúa tăng hơn, lợi nhuận rất cao.

Để so sánh với lối canh tác truyền thống, anh Đào làm một phép so sánh bằng cách đo, đếm cẩn thận trên mỗi mét vuông lúa canh tác cho 2 phương pháp. Kết quả như sau: cấy theo SRI cho 500 bông/m2 so với 531 bông/m2 cấy theo lối cũ nhưng do bông lúa SRI dài hơn, nhiều hạt chắc hơn nên năng suất lúa SRI vẫn cao hơn. Mỗi sào (500m2) cấy theo SRI cho thu hoạch 440kg trong khi lúa gieo theo lối truyền thống chỉ được 330kg, năng suất tăng thêm 110kg/sào, tương đương 750.000 đồng/sào.

Tính toán về mức đầu tư và hiệu quả kinh tế, ông Phan Đình Toan, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền cho biết: Nếu cấy theo SRI, mỗi sào sử dụng hết 2kg hạt giống trong khi gieo sạ theo lỗi cũ hết 6-6,5kg/sào, tiết kiệm được từ 4-4,5kg giống tương đương 60.000 đồng. Tiết kiệm được 250.000 đồng tiền thuốc trừ cỏ. Về thuốc trừ sâu chỉ phun 1-2 lần so với 3-4 lần như trước đây nên tiết kiệm được 60.000-80.000 đồng/sào/vụ.

Về phân bón, ông Toan chỉ dùng phân bokashi tự sản xuất (khoảng 300kg/sào) cùng với một ít phân kali, tiết kiệm được từ 15-20kg phân NPK trị giá từ 150.000-200.000 đồng. Như vậy so với lối canh tác cũ, cấy lúa theo SRI có thể tiết kiệm khoảng 400.000-500.000 đồng/sào/vụ.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm