| Hotline: 0983.970.780

Thăm hai cổ trấn đẹp nhất Trung Hoa

Thứ Ba 24/01/2012 , 11:28 (GMT+7)

Nếu bạn đang có một mối tình tuyệt đẹp hoặc vừa mới làm đám cưới thì Lệ Giang chính là nơi ươm giấc mộng giữa ban ngày.

Trước khi sang Lệ Giang, tôi lên Google để tìm thông tin, thấy không nhiều bài nhắc đến cao nguyên này, song lại tình cờ đọc quảng cáo về tác phẩm “Chuyện tình Lệ Giang” của nhà văn Hoa Nam.

Thấy bảo đây là best seller của Trung Quốc hồi năm 2009 và ngay tức thì làm dấy lên phong trào du lịch Lệ Giang của thanh niên Trung Quốc. Tôi bèn mua một cuốn mang đi. Cũng là vì có chữ Lệ Giang, chứ trước nay tôi chưa bao giờ có đủ kiên nhẫn để đọc hết một câu chuyện tình.

Tôi đã đọc “Chuyện tình Lệ Giang” trên đường cao tốc lúc xe chạy từ Côn Minh đến Đại Lý, đọc lúc mưa Lệ Giang ủ ê trong một buổi chiều tà và tôi nằm gác chân lên chăn bông trong khách sạn. Vừa đọc vừa sốt ruột xem chừng mưa tạnh để vẫy taxi ra Đại Nghiên Cổ Trấn. Trong cuốn tiểu thuyết, Hoa Nam bắt đầu câu chuyện tình 10 ngày của hai nhân vật ở quán bar của một trong 10 cổ trấn nên thơ nhất Trung Hoa Đại Lục.

Tác giả (phải) chụp ảnh với đại bàng

Người Bạch và kiến trúc tường nhà

Từ thành phố Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, muốn đến Lệ Giang có hai cách phổ biến: đường bay và đường bộ. Nhưng phàm nếu không phải là đi công tác Lệ Giang thì thế nào người ta cũng chọn đường bộ. 400 km trên xa lộ không có gì phải hối tiếc vì bạn sẽ đi qua một thành cổ tuyệt đẹp mà cách đây gần 10 thế kỷ từng là Vương quốc Đại Lý. Nếu bạn đi máy bay, đâu chừng chỉ mất nửa tiếng là lên đến cao nguyên Lệ Giang thay vì một ngày đường lò dò trên mặt đất, nhưng dứt khoát từ cửa sổ máy bay, bạn không thể ngắm nhìn những ngôi nhà nên thơ của người tộc Bạch.

Tỉnh Vân Nam nổi tiếng với nấm và lẩu nấm. Trên đường đi tôi bắt gặp một ngôi làng trồng nấm, thấy dân làng thể hiện niềm tự hào về nấm bằng cách nhà nào cũng vẽ nấm lên bốn bức tường. Những cây nấm khổng lồ lung linh nhiều màu sắc, nhìn từ đường cao tốc, ngôi làng ngỡ như… nhà trẻ. Người Vân Nam dường như có văn hóa tranh tường. Đi thêm đoạn nữa là đến thung lũng Khủng Long (Kong Long), thế là ngôi làng nằm dưới thung lũng ấy lại sơn vẽ những chú khủng long ăn cỏ, khủng long ăn thịt lên tường. Nhưng khi xe chớm lăn bánh vào thành Đại Lý, tôi mới thực sự ngưỡng mộ óc thẩm mỹ của người tộc Bạch.

Từ đằng xa, những ngôi nhà màu trắng hiện ra ven đường. Có một nét gì đó rất khó tả trong kiến trúc kiểu này. Những ngôi nhà hai tầng vừa mang dáng dấp biệt thự Tây phương với các ô cửa sổ to gắn kính mơ hồ qua những tấm rèm trắng, vừa phảng phất kiến trúc Nhật Bản với mái ngói đen thâm u huyền bí, lại đậm chất Trung Hoa nhờ những bức tranh sơn thủy hữu tình vẽ bằng mực đen trên nền tường trắng. Mỗi ngôi nhà là cả một công trình hội họa. Người Bạch ở Đại Lý ưa mặc màu trắng và ở nhà trắng. Nhà nào cũng mơ màng những công những phượng, xuân thu nhị kỳ, liễu rủ suối reo, chim bay cá lượn, chưa kể dăm câu thơ phác trên tường nhà. Chao ôi là thơ mộng.

Giữa thế kỷ 21, người ta tranh nhau từng tấc đất đắt giá trên những khu chung cư vài chục tầng ở trung tâm New York, Seoul, Tokyo và Hà Nội, người ta quý giá từng mét mặt tiền giữa những con phố ồn ào sôi động ngày nào cũng không ngớt kẹt xe thì một người Bạch trung lưu sở hữu hẳn một ngôi nhà hai tầng sân vườn rộng rãi, mặt tiền chạy dài hàng chục mét, lại chậm rãi sống giữa những bức tranh thủy mặc. Càng vào sâu trong nội thị, những dãy nhà trắng càng phong phú về mỹ thuật, mặc dù kiểu dáng không đa dạng, nhà nào cũng hai tầng, sơn trắng và cửa sổ to như thế. Rèm cửa không màu nào khác ngoài màu trắng. Thậm chí những bức tường bình phong trong nhà vệ sinh công cộng cũng được sơn vẽ thủy mặc, để người ta vừa được hưởng thụ một trong tứ khoái vừa mơ màng mà ngắm sơn thủy hữu tình.

Thành Đại Lý nhiều liễu. Liễu rủ bên đường lát gạch, liễu rủ trong sân vườn, và nghiêng mình cùng những ngôi nhà thơ mộng đang soi bóng xuống dòng Nhĩ Hải (biển hồ hình cái tai). Nằm trên một khu cao nguyên cao 1.890 mét so với mặt nước biển, rộng 28.000 cây số vuông, nên với dân số 3,5 triệu người, thành phố lúc nào cũng vắng vẻ như đang trong triều đại thịnh vượng của Vương quốc Đại Lý hồi thế kỷ 10. Chỉ tồn tại 316 năm kể từ năm 937 với 22 đời vua mà trong số đó có 10 vị bỏ ngai đi tu, Vương quốc Đại Lý đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ cho nhà nước Trung Hoa, trong đó có nhiều công trình kiến trúc cổ như thành Đại Lý (Tử Cấm Thành), Tam Tháp Đại Lý và Sùng Thánh Tự được bảo tồn hầu như nguyên vẹn kể từ thế kỷ thứ 9.

Được bình bầu là một trong 10 cổ trấn xinh đẹp và lâu đời nhất Trung Hoa, Đại Lý ngày đêm tấp nập khách du lịch. Đây còn được coi là nơi hội tụ của Phong – Hoa - Tuyết - Nguyệt. Nhiều gió, nhiều hoa, tuyết phủ đỉnh núi lúc đông về và mây soi bóng nguyệt trên mặt hồ Nhĩ Hải. Nơi đông đúc nhất là thành cổ Đại Lý, mà giờ trong thành đã biến thành một khu phố đi bộ với hàng ngàn cửa hàng lớn nhỏ bán vải vóc, khăn quàng, ngọc bích, đồ lưu niệm…

Còn một nơi rất thú vị không thể bỏ qua khi ghé thăm thành Đại Lý, ấy là phim trường Thiên Long Bát Bộ. Phim trường được xây dựng chỉ để quay bộ phim nổi tiếng dựa trên bộ tiểu thuyết ăn khách của Kim Dung. Phim đã quay xong, trường quay để lại làm khu du lịch. Hàng ngày quan quân (đóng giả) vẫn cứ đi lại ùn ùn, thỉnh thoảng lại bắt bớ người dân vô tội đang gánh hoa quả. Theo đúng kịch bản chị vợ gánh hoa quả sẽ bị một tên lính cưỡng bức bắt đi trong lúc anh chồng đau khổ kêu khóc vì mất vợ. Còn có cảnh công chúa đứng trên lầu tung quả còn chọn chồng. Ai được chọn sẽ lên lầu mặc mũ áo phò mã rồi đứng vái lạy đức vua là một cậu non choẹt gắn ria giả. Ngày nào công chúa cũng chọn được một phò mã điển trai là khách du lịch.

Cao nguyên lộng lẫy của những câu chuyện tình

Từ thành Đại Lý đi thêm 250km đường núi nữa là cao nguyên Lệ Giang với đô thị cổ nổi tiếng nằm trong số 10 cổ trấn được bình bầu. Lệ Giang là một thành phố thu hút khách du lịch nhờ cả di sản thiên nhiên lẫn văn hóa và lịch sử lâu đời. Nằm ở độ cao 2.400 mét so với mực nước biển, vừa xuống xe, tôi đã phải chùm kín chiếc khăn choàng dày vừa mua ở thành Đại Lý. Gió hun hút thổi từ trên đỉnh núi tuyết giữa trưa hè, khiến du khách khi nào cũng được hưởng thụ một không khí lành lạnh đặc trưng của vùng cao nguyên.

Địa danh nào của Trung Quốc được chính phủ trao tặng danh hiệu “Thành phố du lịch ưu tú” sẽ rất tự hào với biểu tượng ngay từ cổng vào thành. Ấy là một con ngựa mình thon đang tung vó phi nước đại trên quả địa cầu. Chạy nhanh quá nên đuôi nó vắt tung lên. Bức tượng này được đặt ngay vườn hoa đầu thành phố Lệ Giang. Không biết Trung Quốc hiện có bao nhiêu chú ngựa tung vó trên địa cầu như thế. Thực chẳng có sự khôn ngoan nào hơn khi lựa chọn chú ngựa làm biểu tượng cho sự tự do phóng khoáng và thú du ngoạn.

Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu khi miêu tả Lệ Giang, thành phố được mệnh danh là Venice của phương Đông, là cao nguyên của những câu chuyện tình. Tôi sẽ bắt đầu từ đỉnh Ngọc Long Tuyết Sơn bốn mùa tuyết phủ, từ vọng cao lâu nhà họ Mộc hay từ một quán bar trong thành cổ với tấm biển “Delta – Since 1998”? Cái mốc thời gian 1998 ấy mang một thông điệp đầy kiêu hãnh: Chúng tôi lâu đời nhất. Đô thị Lệ Giang có lịch sử hơn 800 năm và là nơi sinh sống lâu đời của người tộc Bạch, người Nahsi và người Tạng. Tuy nhiên, Lệ Giang chỉ chính thức được biết đến nhiều và trở thành một điểm du lịch kể từ năm 1998, sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới hồi cuối năm 1997. Kể từ đó, thành phố cao nguyên lặng lẽ trở nên sầm uất và nhộn nhịp.

Nếu bạn đang có một mối tình tuyệt đẹp hoặc vừa mới làm đám cưới thì Lệ Giang chính là nơi ươm giấc mộng giữa ban ngày. Đến thành phố này là kể như tôi đang lần theo dấu vết của cặp tình nhân trong “Chuyện tình Lệ Giang”. Họ quen nhau trong một quán bar đêm ở Đại Nghiên Cổ Trấn. Tôi cũng đã vẫy xe để vào thành. Chiếc taxi thả tôi ở bên kia đường. Anh tài xế có khuôn mặt đen thui đặc trưng của người Nahsi ra dấu bảo tôi phải đi bộ qua cầu để sang đường vì nếu không xe của anh ta sẽ phải đi vòng rất xa. Từ trên cầu, người ta đã bày những chiếc khăn thổ cẩm to và dày để tranh thủ bán nốt buổi chiều. Khi đêm xuống, những chiếc khăn khổng lồ này là vô cùng lý tưởng cho người lữ khách lang thang trong thành.

Tôi bắt đầu thả bộ trong những con ngõ trải đá hộc không thể cổ hơn, hai bên đường xin xít những ô hàng nhỏ xíu bán chuông gió, vải vóc và hàng trăm thứ đồ linh tinh khác. Giữa khung cảnh tấp nập ấy, tôi nhìn thấy một quầy hàng tí hon của người đàn bà Nahsi mặc đồ dân tộc. Quầy hàng dựng bằng gỗ tạp, nguyên sơ như thuở người Nahsi du cư đến nơi này từ cao nguyên Tây Tạng. Trong quầy treo những chiếc mũ và khăn lông cừu. Thoạt nhìn đã đủ biết mùa đông ở nơi này khủng khiếp đến thế nào.

Tôi ngồi nghỉ trên một vỉa hè cao bằng đá, ngắm nhìn những mái ngói đen trên dốc thoải sẫm dần trong ánh hoàng hôn và những du khách đeo ống tele lủng lẳng trước ngực, thảng hoặc nhìn thấy một ngôi nhà cổ (có lẽ là cổ hơn những ngôi nhà cổ khác) thì vội vàng dừng lại nắn ống kính. Trong không khí êm đềm ấy, lại chợt nghe thấy tiếng nhạc xập xình. Tò mò, tôi leo mấy bậc thang hẹp chen giữa hai ngôi nhà để tìm về phía đang phát ra tiếng nhạc.

Nếu bạn cũng như tôi, nghĩ rằng Lệ Giang là một cao nguyên hoang sơ với những hồ nước phẳng lặng trong vắt tận đáy và những chú bò Tây Tạng lông chấm đất đứng lặng bên hồ thì đã nhầm lẫn mất rồi. Bởi vì sau những bậc đá xưa cũ kia là một khu phố bar ồn ào và hỗn tạp một cách đáng yêu. Đó là phố chính của Đại Nghiên Cổ Trấn. Gọi là phố nhưng kỳ thực chỉ là một lối đi rất dài với hàng trăm quán bar thiết kế theo không gian mở chạy dọc hai bờ suối. Suối bao quanh thành cổ. Liễu rủ suối reo ngay bên thềm nhà, nên gọi “Venice phương Đông” là lẽ vậy.

Quán bar nào cũng có nhạc sống. Hãy thử tưởng tượng xem, hàng trăm ca sĩ ôm đàn tấu cùng lúc, từ nhạc jazz, nhạc đồng quê cho tới pop, rock, hòa âm cùng tiếng chào mời hối hả của các cô gái mặc trang phục dân tộc sặc sỡ đứng trước những quán bar. Tôi điếc tai vì nhạc. Tôi hoa mắt vì váy áo tung xòe của các cô gái Nahsi. Và dưới chân tôi, dưới những cây cầu gỗ bắc ngang dòng suối, nước vẫn đang chảy xiết cùng tôm cá và rong tảo.

Khách thích gu nhạc kiểu nào thì vào quán bar kiểu ấy, mặc dù tôi tin chắc rằng nếu có bước hẳn vào trong quán cũng chẳng thể nghe nhạc mấy hồi giữa dàn âm thanh hỗn loạn kỳ khôi này. Nếu bạn thích học nhảy, hãy chọn cho mình một quán bar phù hợp, có vũ sư hướng dẫn khách đấy. Tất cả bỏ cả bàn nước mà trèo lên sân khấu, thích chí nắm tay nhau trong một vũ điệu mà tôi chẳng luận ra được là điệu gì. Nếu bạn muốn yên tĩnh hơn, hãy đi quá lên đầu phố, bước qua một trong 354 cây cầu gỗ để lựa một chiếc ghế xích đu trên ban công gỗ nhỏ xíu chòi ra bờ suối. Trên sân khấu trong nhà, nhạc công đang kéo một bản serenade để tạo “hàng độc”. Người tình của nhân vật chính trong “Chuyện tình Lệ Giang”, cô ấy cũng ôm đàn ghi ta ngồi hát trong một quán thế này đây, trước khi đưa gã khách du lịch say khướt vừa bị ngã xuống suối về nhà.

Quán bar bên bờ suối

Cái “phố bar” này có không khí khác hẳn những con phố khác trong Cổ thành, để rồi sáng hôm sau, quay lại chính nơi này, tôi thấy không khí trầm hẳn đi, ngỡ đâu như đêm qua mình lạc bước vào cõi khác. Ban ngày, những chiếc đèn lồng đỏ lặng yên không tỏa sáng, âm thanh cũng yên ả hơn, chỉ còn vài ca sĩ ôm đàn ca lên giai điệu xưa cũ trong những quán bar cùng một kiểu thiết kế: bàn ghế, sân khấu, cửa ra vào đều dựng bằng gỗ tạp thô tháp cho ra dáng lều vách trên núi cao.

Giữa buổi trưa hè, cảm giác được lang thang trong những con ngõ cổ kính thật yên ả và an lành. Bạn có thể ngắm nhìn những lữ khách trẻ trung ngồi uống cocktail trên một ban công gỗ đầy hoa, có thể dừng lại quan sát một nghệ nhân đang chạm bạc ngay trên hiên nhà, những cô gái ngồi dệt vải ngũ sắc giữa tiệm hàng ngổn ngang vải vóc hoặc ngắm một cô gái đi giày đỏ đang ngồi thảnh thơi cho chàng trai chủ tiệm vẽ chân dung lên áo pull. Để khi đã chồn chân mỏi gối, hãy rẽ vào khu chợ bán đồ tươi chọn cho mình một túi hoa quả cao nguyên ngọt lịm trong số bạt ngàn lê, táo, nho, mận, xoài, đào và anh đào.

Nếu muốn nghỉ ngơi thêm nữa, hãy bước qua bậc thềm vào hẳn một ngôi nhà cổ mà giờ đã biến thành nhà hàng, có bàn ghế gỗ nhỏ nhắn trải khăn vải ca rô. Bạn vừa nhấm nháp sữa chua lạnh ủ trong hũ sành vừa kín đáo khẽ liếc nhìn vào trong sân gạch, mà cả bây giờ và vài trăm năm trước, người Nahsi vẫn dùng để giặt giũ quần áo và xếp những thùng bột mì, hoa quả. Qua khung cửa sổ gỗ tạp, hãy ngắm nhìn bóng nắng lặng lẽ rơi trên bức tường trắng sơn vẽ những ký tự tượng hình ngộ nghĩnh của nền văn hóa Đông Ba.

Bạn cần nghỉ ngơi trước khi đi dạo mỏi chân trong tư dinh của họ Mộc, người từng là thủ lĩnh thế tập của toàn vùng Lệ Giang. Mộc phủ đã tồn tại hơn 800 năm, được trùng tu từ năm 1998 và từ đó trở thành viện bảo tàng. Giá vé tham quan Mộc phủ khá đắt nên chẳng mấy ai vào. Tôi cứ lang thang khắp Mộc phủ vắng hoe người, nhớ lại cảm giác từng một mình lang thang khắp Đại Nội - Huế. Có lúc ngồi lặng bên những bộ bàn ghế bằng đá trước sân khấu ngoài trời, ngắm nhìn hai bên cánh gà hình dung ra những vở rối và kinh kịch đã được trình diễn cho tư gia họ Mộc và những khách mời quanh vùng cũng đều thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt.

Ông thủ lĩnh họ Mộc này chắc giàu có lắm nên mới xây được một biệt phủ rộng lớn với kiến trúc như Tử Cấm Thành thu nhỏ. Phủ được xây cao dần lên đến tận vọng lâu gác núi. Đứng từ vọng lâu cao nhất, có thể nhìn được toàn cảnh Đại Nghiên Cổ Trấn rộng 3,8 cây số vuông, thấy lớp lớp những mái nhà đen san sát đến độ cảm giác một hạt mưa cũng không thể chạm đất.

Những buổi chiều hè, khu vực quảng trường trong Cổ Trấn hết sức nhộn nhịp. Những ông già Nahsi mặc áo gile da thuộc, đội mũ phớt ngồi hút thuốc với con đại bàng đậu trên gối. Muốn chụp ảnh với nó, bạn chỉ cần đưa cho ông ta 5 tệ. Ngộ nghĩnh hơn nữa là cảnh những lão bà Nahsi mặc trang phục dân tộc tập thể dục giữa quảng trường theo tiếng nhạc. Từ trên những ô cửa sổ tầng hai các quán bar quảng trường, vài chục ống kính tele chĩa xuống mong chớp được cảnh tượng độc nhất vô nhị này.

Ồn ào và náo nhiệt. Đang vui thì mưa bất chợt nên tôi tấp đại vào một quán bar. Chính là quán “Delta – Since 1998” mà tôi đã nhắc đến ở trên. Có lẽ chưa có nơi nào mưa rơi xuống mà lại buồn như ở Lệ Giang. Quán này có mỗi mình tôi là khách duy nhất, thành ra anh chàng ca sĩ trên sân khấu cũng chỉ hát cho mỗi tôi nghe. Anh ta cứ hát đi hát lại như thế cả tiếng đồng hồ. Và ngoài kia mưa vẫn rơi rả rích trên những cây cầu nhỏ xíu và các ô cửa xù xì khiến lớp gỗ sẫm đen càng thêm thâm u. Những người đàn bà lội suối đãi hến giờ đã biến mất, cả những cô gái tươi tắn chào mời trong đủ sắc áo nữa cũng trốn đâu đó trong phòng. Chỉ còn lác đác vài người khách cầm ô đi lại bên bờ suối đang chảy xiết. Người ca sĩ vẫn ôm đàn kiên nhẫn hát một bài gì đó mà tôi không biết, còn tôi kiên nhẫn uống hết ly nước dâu hộp ngọt khé cổ, mong cho cơn mưa cao nguyên sẽ mau tạnh.

Nơi mà tôi sốt ruột được ghé thăm nhất là Ngọc Long Tuyết Sơn, với thảo nguyên lốm đốm hoa vàng, thông xanh vi vu gió thổi và xa xa là đỉnh núi quanh năm tuyết phủ mà tôi cứ nhìn quanh không biết Hoa Nam cho hai nhân vật xxx ở khúc nào trên núi khi mà chỗ nào cũng đầy nhóc khách du lịch thế này. Trong truyện thì TTDOU và .COM làm tình trước cửa hang và họ tưởng tượng ra tuyết đang rơi trong nắng hè. Họ lại còn thiếu dưỡng khí đến mức không thở được và phải lần lượt… mớm cho nhau chút không khí quý giá. Nhưng Hoa Nam, cũng như 99,9% các nhà văn khác thường có những kỹ năng bịa rất tuyệt diệu, đặc biệt là những câu chuyện tình.

Tôi chưa được chứng kiến tí nào cái “phản ứng cao nguyên” như mọi người vẫn đồn đại và tình trạng thiếu dưỡng khí trên núi cao mà nhà văn đã miêu tả. Báo hại tôi mua một bình ôxi với giá 60 tệ dưới chân núi rồi lên đến nơi chẳng thấy khó thở chi cả. Tiếc bình ôxi, mang về để… nhỡ đâu ở nhà cũng có lúc khó thở, qua hải quan thì bị tịch thu mất. Hoa Nam cũng cho hai nhân vật hôn nhau trên lưng hai con ngựa giữa thảo nguyên dưới trời mưa. Tôi khuyên bạn đừng có nghe Hoa Nam bịa mà đi Lệ Giang học theo vì ngựa ở Lệ Giang hôi bẩn kinh khủng, không phải con ngựa bẩn mà cái yên trên người nó, chắc từ lúc đặt yên lên đấy chưa được giặt bao giờ.

Người Lệ Giang có tục lệ treo chuông gió cầu điều ước. Đó là những chiếc chuông đồng nhỏ xíu đính kèm một miếng gỗ. Người ta có thể mua nó trong bất kỳ quầy hàng lưu niệm nào ở phố cổ hoặc tại các điểm du lịch rồi viết điều ước lên miếng gỗ và treo lên, không phải treo ở cửa sổ trong nhà bạn mà treo lại Lệ Giang. Có rất nhiều điểm để du khách treo chuông gió, chỗ cối xay nước đầu Đại Nghiên Cổ Trấn hoặc trên đỉnh Ngọc Long Tuyết Sơn, người ta dựng một hành lang giàn gỗ, trên đó đã treo sẵn hàng triệu chiếc chuông li ti của những du khách từng ghé qua cao nguyên. Chuông đung đưa trong gió lạnh, đưa đẩy triệu triệu điều ước về tình yêu bất diệt và hạnh ngộ trùng phùng lên tận đỉnh núi vươn chạm trời cao.

Muốn lên núi Ngọc Long phải đi cáp treo. Điểm du lịch trên núi có nhiều ga cáp tùy thuộc vào từng độ cao nhưng chúng tôi chỉ lên đến nấc 3.300 mét, còn khu công viên băng tuyết ở nấc trên 4.000 mét được loại trừ vì trong đoàn có nhiều người cao tuổi. Họ sợ sốc phản vệ cao nguyên. Ngoài ra, đỉnh cao nhất 5.596 mét chỉ để dành cho các nhà thám hiểm. Mà cho đến nay hình như cũng mới chỉ có một nhà leo núi người Mỹ trèo lên được cái mỏm tuyết trắng xóa ấy. Mỏm tuyết vĩnh cửu mà đứng chụp ảnh trong công viên Hắc Long Đàm, nếu chi 15 tệ bạn chỉ nhận được bức ảnh phông nền là lầu son, gác tía trên mặt hồ nước, chi thêm 15 tệ nữa sẽ được các “nhiếp ảnh gia” chụp dạo tặng thêm cho mỏm núi bốn mùa tuyết phủ phía đằng sau bằng công nghệ photoshop. Bởi chỉ những ngày trời thực trong, người ta mới có thể nhìn thấy núi tuyết từ trung tâm thành phố.

Đường lên chân núi Ngọc Long Tuyết Sơn cũng thực hùng vĩ với thảo nguyên bát ngát và những hàng rào gỗ ngăn ngựa dọc hai bên đường. Đất cao nguyên khô cằn, hầu như người Nahsi chẳng canh tác được giống gì ngoài khoai tây. Từ chân núi, gió đã thổi lộng. Những khách du lịch ngây thơ cứ mong đâu những bông tuyết sẽ theo gió mà bay xuống đậu trên vai, nhưng mùa này chỉ được ngắm suông rặng núi trắng xóa ấy mà tuyết đâu chẳng thấy. Sau mới biết thời điểm đẹp nhất để tham quan Lệ Giang là tháng ba mùa xuân. Khi tuyết bắt đầu tan, trời bớt lạnh và hoa cỏ trổ bông rực rỡ. Những bức ảnh tuyết vương cành lấp lánh mà tôi nhìn thấy trên quảng cáo không nằm trong tháng sáu. Tôi đã đi sai mùa rồi. Nhưng dẫu sao, thảo nguyên hoa vàng vẫn cứ bát ngát và đỉnh núi vẫn trắng mãi như thế từ thuở hồng hoang.

Trong không gian lành lạnh đầy lãng mạn ấy, tôi tiếc rẻ nhìn những căn hộ chung cư dành cho các công chức lâu năm được chính quyền Lệ Giang bán rẻ cho chừng 300 triệu tiền Việt. Mà nếu muốn được sở hữu một biệt thự ở thành phố cao nguyên này, bạn cũng chỉ cần tốn đâu chừng 2- 3 tỷ tiền ta. Người Việt khổ thế, quen sống ở nơi tấc đất tấc vàng, quen tích trữ đất đai, lên đến nơi cao nguyên bạt ngàn thừa đất tức thì thành phản xạ mắt sáng lên, hỏi ngay bao tiền một mét. Ngọc Long Tuyết Sơn vẫn sừng sững ở đó, ngạo nghễ trắng trời nhìn xuống những thảo nguyên ngút mắt cỏ khô, mặc cho các cư dân Seoul, Tokyo, Hà Nội đang làu bàu thèm đất.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm