| Hotline: 0983.970.780

Thâm nhập lò chế cà phê cuốc xẻng

Thứ Năm 28/04/2011 , 10:10 (GMT+7)

Một mẻ bắp cháy đen vừa ra lò, TH liền cùng người làm khênh đổ ụp xuống nền nhà, sau đó xịt một loại hoá chất có màu nâu, màu trắng rồi dùng… cuốc để trộn đều.

Trong vai người có quán cà phê cần hợp tác, tôi được giới thiệu gặp anh TH - người mỗi ngày cung cấp cho thị trường hàng trăm kg bột bắp, đậu nành và cả cà phê sau khi được tẩm ướp với đủ loại hoá chất như đã đề cập ở bài trước.

>> Kinh hoàng “công nghệ” pha chế cà phê

Qua lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến xưởng chế biến cà phê của TH nằm cuối một con hẻm sâu hun hút thuộc phường Tân Hoà, TP Biên Hoà (Đồng Nai). Khi chúng tôi đến đây, cánh cổng được khoá phía ngoài im ỉm. Rất may khi chúng tôi vừa tới thì cũng là lúc một phụ nữ mới chở cà phê đi giao về. Người phụ nữ này chỉ thò tay vào trong mở chốt, cánh cửa mở toang nên tôi cũng nhanh chân bước theo.

Phải đi sâu gần 20m thì chúng tôi mới thấy được “cụm liên hợp pha chế cà phê” với 3 lò sấy cà phê, 2 máy trộn với 3 người đang làm. Mặc dù là cơ sở cung cấp một lượng "cà phê” lớn hàng ngày, thế nhưng nhà xưởng lại rất tuềnh toàng. Do toàn bộ công việc được “cơ giới hoá” nên không khí làm việc yên ắng đến lạ. Trao đổi với chúng tôi, TH nói rằng đã làm nghề này từ nhiều năm nay. Hiện hàng ngày TH chủ yếu rang bắp, đậu nành và cà phê cho các mối quen. Ngày nào cũng thế, ai đem đến thì rang rồi chở đi, bình quân mỗi ngày cũng vài trăm kg các loại.

Mặc dù trước đó chúng tôi giới thiệu là có một quán cà phê lớn ở Sài Gòn nhưng TH và một người nữa vẫn nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dò xét (sau này khi đã thân thiện thì TH mới cho hay anh ta sợ chúng tôi là công an kinh tế hoặc cán bộ quản lý thị trường đóng giả vì cơ sở này hoạt động chui). Sau khi hỏi kỹ tên tuổi, địa chỉ quán cà phê, TH  yên tâm hơn và hỏi tôi: Một ngày quán anh dùng hết bao nhiêu kg cà phê? - Khoảng chục ký, tôi đáp - Vậy là cũng nhiều. Nghe tôi hỏi: Giờ muốn đặt cà phê 40.000đ/kg làm được không? TH đáp: "Được chứ, nhưng 50-50 (nửa bắp, nửa đậu) là uống ngon nhất. Nếu làm đậu không hoặc bắp không cũng được, nhưng uống nó chối. Nhiều tay (ý nói nhiều cơ sở khác - PV) chỉ chơi đậu không, hoặc bắp không trộn với caramen, màu phẩm, phụ gia uống dễ bị dội lắm vì người ta uống vào một thời gian vài tháng mới ngấm được cái độ ghê. Caramen thì có nhiều loại, có thể là đường đun cháy đen, hoặc là bằng bột hoá học”.

Trả lời câu hỏi của tôi “40 ngàn làm bằng đậu có lời không?” – TH cho biết: Nếu bằng đậu nành không thì lỗ to! Vì bây giờ 1 kg đậu nành đã 15.500đ, tẩm xong  gia vị thì coi như công cốc. Chúng tôi để ý, trong cách nói chuyện TH vẫn luôn tỏ ra nghi ngờ và đề phòng: “Anh có làm ở công ty nào không” – Có làm cho một công ty tư nhân, nhưng mấy anh em đang tính ra ngoài mở doanh nghiệp chế biến cà phê vì nghe nói làm cà phê bột nhanh giàu lắm. – Nghe đến đây TH bảo: “Mình làm cà phê bột chỉ là sơ cấp thôi, muốn nhanh giàu thì làm cà phê hoà tan đi, vốn đầu tư cũng không lớn”.

TH cũng cho biết: Hàng ngày xưởng nhận sấy gia công cho rất nhiều quán cà phê, cơ sở chế biến cà phê bột loại nhỏ, hoặc đầu nậu mang hàng đến. Có những trường hợp yêu cầu làm cháy thành than sau đó tẩm ướp để lấy độ đắng tự nhiên, loại này uống "đắng nặng họng luôn". Có trường hợp mình rang tới tầm nó không chịu, cứ đòi cháy thành than, chả biết về nó chế biến, pha chế cái gì vào. Còn việc cho đường hoá học vào là để làm giảm công đoạn phải chế biến, giúp cà phê có vị ngọt đắng tự nhiên”.

Quan sát tại cơ sở của TH, chúng tôi còn thấy đã đóng sẵn từng bịch (loại 5kg) bắp, đậu nành đã pha chế để bán cho các quán tự xay hoặc pha vào cà phê tuỳ theo nhu cầu. Cũng theo TH, chỉ dân trong nghề mới biết cách pha chế, kiểu lò (hàng ngày đi bỏ mối cho các quán cà phê…) thì có rất nhiều ở Sài Gòn và đặc biệt là Đồng Nai. TH hỏi tôi hiện quán lấy hàng bao nhiêu? Tôi nói 60.000đ/kg thì TH đánh giá chất lượng cà phê: “Cao lắm thì 1,5 cà phê + 7 bắp + 1,5 đậu nành, thậm chí không có cà phê”.

Theo một người am tường về pha chế cà phê, hiện nay việc xử lý đối với những cơ sở làm gia công lén lút là rất khó khăn vì hầu hết họ đóng cửa im ỉm làm bên trong và không khai báo với chính quyền. Nếu bị kiểm tra, phát hiện thì họ nói chỉ sấy để uống hoặc làm giúp người này, người kia nên không có cơ sở để xử lý vì họ không kinh doanh, buôn bán.

Trong khi đó, hiện nay những cơ sở nhỏ lẻ đang mọc lên rất nhiều, và là nguồn cung không nhỏ cà phê bẩn cho thị trường. “Cà phê bẩn” không thể gây hại cho con người một sớm, một chiều nhưng về lâu, về dài thì rất nguy hại khi cơ thể hấp thụ toàn hoá chất và bột bắp, đậu nành cháy đen…" - một chuyên gia y tế khẳng định.

Anh làm cà phê vậy có uống cà phê không? – Tôi hỏi. - Không, nhưng nếu tôi thử uống là biết ngay được công thức pha chế thế nào. Có độc hại hay không. Bình thường, tôi làm mộc, không pha trộn gì hết để uống chứ đâu có dám uống linh tinh có mà chết.

Tại lò pha chế cà phê của TH luôn mịt mù khói từ các lò sấy bốc lên. Chúng tôi dù đã bịt khẩu trang nhưng mới “thâm nhập” chừng 30 phút đã cảm giác chóng mặt, buồn nôn do mùi của hoá chất tẩm ướp cà phê bốc lên nồng nặc. Thấy vậy, TH bảo: “Chắc do anh không quen và chưa có khẩu trang”. Ngay sau đó TH chìa ngay chiếc khẩu trang lớn, dày cộm và khoe rằng có đứa em ở công ty sản xuất ắc quy cho mới chịu nổi. Ngay lúc này một mẻ bắp cháy đen vừa ra lò, TH liền cùng người làm khênh đổ ụp xuống nền nhà, sau đó xịt một loại hoá chất có màu nâu, màu trắng rồi dùng… cuốc để trộn đều.

Cả hai người cào cà phê vào một chiếc chậu cáu bẩn để đổ vào máy trộn. Sau khi đổ hết bắp sấy vào máy trộn, một lần nữa TH lại đổ từng bịch Caramen, chất tạo dính, đường hoá học vào để trộn đều. Chỉ trong vòng 5 phút, mẻ bắp cháy đen đã được “hô biến” ngay thành cà phê có màu nâu sẫm, bóng loáng và thơm phức nhìn vô cùng bắt mắt. Ngay sau khi làm xong mẻ “cà phê”, TH tiếp tục dùng xẻng để đổ tiếp đợt bắp để sấy… TH cho biết: “Có nhiều ngày đơn đặt hàng nhiều quá làm không xuể”. Khi chúng tôi hỏi: Anh làm lén lút thế này có bị cơ quan chức năng hỏi thăm bao giờ không? TH lấy cớ lảng tránh không đáp.

Xét nghiệm nước "tinh" bò của 2 Cty cung cấp cho chợ Kim Biên

Trao đổi với NNVN hôm qua 27/4, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Phó Chi cục ATVSTP TPHCM cho biết, Chi cục vừa tiến hành kiểm tra đột xuất chợ Kim Biên và phát hiện ra đầu mối cung cấp các loại nước “tinh” bò cho các cửa hàng tại đây là của 2 DN, gồm: Cty TNHH Phụ gia hương liệu thực phẩm Hồng Á (quận 11) và Cty TNHH Minh Anh (quận Tân Phú). Đặc biệt, tại chi nhánh sản xuất trực thuộc Cty Hồng Á đóng trên cùng địa bàn quận 11, Chi cục phát hiện chi nhánh này chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP để sản xuất phụ gia, điều kiện bảo quản rất kém và sai phạm về quy định nhãn hàng hóa.

“Hiện Chi cục đã đình chỉ hoạt động sản xuất đối với chi nhánh này, đồng thời đã lấy mẫu hương liệu bò của 2 Cty trên để tiến hành kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Trong vòng 10 ngày tới chúng tôi sẽ công bố kết quả chính thức để có biện pháp xử lý” – bà Mai nói.

 

 

BÙI NGUYỄN

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất