| Hotline: 0983.970.780

Tham nhũng còn nghiêm trọng

Thứ Sáu 26/11/2010 , 10:34 (GMT+7)

Báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010 của Ủy ban Tư pháp nhận định: Tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp.

Các sai phạm, tham nhũng chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực đất đai (Hình minh họa)

Báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010 của Ủy ban Tư pháp nhận định: Tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Dẫn ý kiến cử tri và dư luận xã hội, báo cáo nêu: "Việc cán bộ công chức (CBCC) nhà nước coi "nhận tiền của người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc là chuyện đương nhiên, bình thường, nhận rồi hóa quen, không có thấy thiếu rồi phát sinh tình trạng nhũng nhiễu...”. Sau đây là một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội.  

Ông Dương Ngọc Ngưu – Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH: Áp dụng pháp luật, đường lối xét xử chưa nghiêm

 Thưa ông, thời gian gần đây, báo chí liên tục thông tin về những vụ bắt quả tang các cán bộ lãnh đạo thuộc nhiều ngành, lĩnh vực nhận hối lộ. Dường như thực trạng đưa, nhận hối lộ đang ngày càng phổ biến trong xã hội?

Trong năm qua, mặc dù Chính phủ đã cố gắng hoàn thiện các văn bản, cải cách hành chính để phục vụ công tác phòng chống tham nhũng và bước đầu cũng đã thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên tôi cho rằng chúng ta mới chú trọng cải cách về trình tự thủ tục mà chưa có biện pháp đề cao được trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người cung cấp dịch vụ công cho nên trên thực tế các thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, người cung cấp dịch vụ công vẫn tạo ra giấy phép “con” nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Thì ngay trong báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp QH tôi đã đề cập đến việc người dân khi cần đến dịch vụ công thì vẫn phải hối lộ và một bộ phận cán bộ cho rằng việc nhận “quà biếu” là bình thường và nhận rồi thành quen. Chính phủ cho rằng tham nhũng đã giảm nhưng nhiều thành viên UB Tư pháp QH cho rằng tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, kết quả phát hiện và xử l‎ý hiện nay đang có xu hướng giảm dần so với những năm trước.

Trong đó, đối tượng phát hiện chủ yếu là cán bộ cấp xã, phường và tài sản tham nhũng của nhóm đối tượng này rất nhỏ. Còn ở tỉnh và trung ương thì phát hiện rất ít nhưng tài sản chiếm đoạt lại lớn hơn nhiều. Vấn đề này đặt ra là Chính phủ cần quan tâm tăng cường công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới.

Từ nhiều năm nay chúng ta bàn về chống tham nhũng, thành lập hẳn BCĐ Phòng chống tham nhũng nhưng không hiệu quả. Một bộ phận cán bộ vẫn sẵn sàng vòi vĩnh, nhận tiền và bất chấp pháp luật?

Tôi cho rằng chế tài xử lý về các tội tham nhũng được quy định trong Bộ luật Hình sự là đủ mạnh tuy nhiên vấn đề phát hiện, xử l‎ý chưa tương xứng với thực tế và chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay, thậm chí có tỉnh cả năm không phát hiện được một vụ án tham nhũng nào. Ngay kết quả xử lý những vụ đã được phát hiện cũng chưa nghiêm.

Theo báo cáo Chính phủ trong tổng số các vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thì số bị cáo bị phạt từ 3 năm tù trở xuống, cho hưởng án treo, phạt tiền, cảnh cáo chiếm gần 70% số người đưa ra xét xử cho thấy việc áp dụng pháp luật, đường lối xét xử chưa nghiêm.

Vậy phải làm gì để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng?

Cần phải nâng cao chất lượng điều tra, truy tố và xét xử nhất là đối với các vụ án tham nhũng. Để nâng cao chất lượng xét xử thì phải có các biện pháp đồng bộ về tổ chức, con người, cơ sở vật chất đặc biệt là phẩm chất đạo đức và bản lĩnh của những người tiến hành tố tụng. Đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan này.

Ông nói việc áp dụng pháp luật, đường lối xét xử chưa được nghiêm khắc. Vậy UB Tư pháp QH đã làm gì để khẳng định vai trò giám sát của mình đối với những trường hợp cơ quan tư pháp làm sai?

Nhiệm kì vừa qua, chúng tôi đã tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đối với những vụ việc có dấu hiệu oan sai, UB Tư pháp đã tổ chức nghiên cứu và có văn bản yêu cầu các cơ quan tư pháp trung ương báo cáo bằng văn bản về việc giải quyết hoặc trực tiếp làm việc với các cơ quan tư pháp trung ương hoặc địa phương.

Qua đó, UB Tư pháp đã phát hiện các sai sót trong quá trình giải quyết đối với một số vụ án cụ thể và yêu cầu các cơ quan tư pháp có biện pháp khắc phục. UB Tư pháp cũng đề nghị TANDTC báo cáo về việc áp dụng án treo với tỉ lệ cao. Thông qua hoạt động giám sát, UB Tư pháp đã có nhiều kiến nghị với các cơ quan tư pháp TƯ, làm rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức trong các cơ quan tư pháp khi thi hành công vụ để hạn chế vi phạm pháp luật.

Trên thực tế, nhiều trường hợp ngay cả cơ quan tư pháp cũng có dấu hiệu mập mờ, vi phạm luật tố tụng ví dụ như Tòa để mất bút lục nhưng vẫn xử thành án, giám đốc bị bắt quả tang nhận tiền nhưng nhờ được cơ quan chủ quản bảo lãnh mà thoát tội. Theo ông những trường hợp cơ quan tố tụng vi phạm pháp luật thì phải xử lý thế nào?

Việc mất bút lục, hồ sơ vụ án thuộc trách nhiệm của cơ quan tố tụng trong quá trình bảo quản, những hành vi này phải được kiểm điểm xử lý tùy theo tính chất, mức độ, đối tượng để có những biện pháp xử lý‎ phù hợp, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ dấu hiệu phạm tội.

Trường hợp tổ chức, cá nhân bị oan sai, có thể gửi đơn nhờ UB Tư pháp QH can thiệp không thưa ông?

Về nguyên tắc những đơn khiếu nại phải được gửi đúng địa chỉ, ví dụ trong quá trình điều tra nếu đương sự cho rằng hoạt động điều tra không khách quan, vi phạm luật tố tụng thì gửi đến cơ quan Công an, kèm theo gửi Viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát hoạt động điều tra. Nếu trong giai đoạn xét xử thì gửi cho tòa án có thẩm quyền giải quyết.

 Trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật nếu là án của cấp huyện thì gửi cho Ủy ban thẩm phán Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, nếu bản án đã có hiệu lực không phải của cấp huyện thì gửi cho Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC đồng thời kèm bản sao bản án. UB Tư pháp QH tiếp nhận đơn thư và chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đồng thời thực hiện chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại. UB Tư pháp không có chức năng giải quyết nội dung khiếu nại.

Xin cảm ơn những ý kiến thẳng thắn của ông về vấn đề này!

 

VỤ VIỆC "CHÌM XUỒNG", VAI TRÒ GIÁM SÁT Ở ĐÂU?

ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An): Không để tội phạm lọt lưới

Phải nói rằng hiện tượng tham nhũng, tham ô móc ngoặc làm giàu cho cá nhân là bệnh muôn thủa của con người. Xưa nay vấn nạn này thường xuyên xảy ra, chế độ nào chống tham nhũng tốt thì quốc gia đó sẽ an dân, bền vững. Lâu nay trên thế giới còn có tổ chức hàng năm đánh giá xếp hạng theo thứ tự các nước tham nhũng. Ở Việt Nam gần đây xảy ra nhiều vụ bắt quả tang nhận tiền hối lộ. Báo chí có đưa, nhân dân có biết, đại biểu Quốc hội có bàn nhưng đó chỉ là thông tin một chiều. Còn bắt giữ điều tra tham nhũng ra sao là việc của cơ quan hành pháp.

Có vụ ban đầu nghe tưởng chừng ghê gớm lắm nhưng sau một thời gian lại “chìm xuồng”. Người dân chẳng biết đối tượng thoát tội thế nào, vì sao thoát tội? Kẻ tham nhũng tham ô thì luôn luôn tìm mọi cách để bịt kín. Còn người chống tham nhũng thì muốn phanh phui vụ việc. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là phải xử đúng người đúng tội theo pháp luật, không để người bị oan sai và không cho tội phạm lọt lưới. Muốn làm được điều đó phải có sự ủng hộ, chung sức chung lòng của nhân dân.

Theo tôi thì những vụ tham nhũng nổi cộm hoặc “có dấu hiệu tham nhũng”, Chính phủ phải thông báo rõ ràng, đúng sai thế nào để nhân dân được biết. Báo chí cũng có đưa tin nhưng chưa phải là kênh thông tin chính thống. Chẳng hạn mấy năm trước có vị Thứ trưởng bị bắt và điều tra một thời gian dài gây sự chú ý đặc biệt của dư luận và công luận. Nhưng sau vị ấy được xử minh oan, khôi phục Đảng. Người dân không được hiểu rõ vụ việc oan trái thế nào?

Chính phủ đã có người phát ngôn, “phát” thế nào để nhân dân được rõ. Nhân đây tôi cũng nói đến vai trò giám sát của QH là rất quan trọng. Nhiều vụ việc được giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lí nghiêm minh, giải quyết được vấn đề còn bế tắc…

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình): Công ra công, tội ra tội

Là ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH tôi có theo dõi và giám sát vụ Thứ trưởng bị điều tra. Trong quá trình giám sát, chúng tôi thấy đối tượng có dấu hiệu hình sự, đề nghị cơ quan điều tra phải truy tố theo Khoản 1, điều 25 Bộ luật Hình sự, nhưng chẳng hiểu sao tình hình không có gì thay đổi?

Còn nhiều trường hợp khác như bắt quả tang nhận hối lộ, song 1-2 tuần đơn vị chủ quản đứng ra bảo lãnh rồi lại thả, làm giảm niềm tin của nhân dân. Có trường hợp đã đưa ra xử, song với lí do nhân thân tốt, là người có công với cách mạng nên xử giảm hẳn tội danh. Theo tôi thì công ra công, tội ra tội phải xử lí nghiêm minh theo pháp luật, chứ cứ bắt rồi thả theo kiểu bảo lãnh tạo tiền lệ xấu sau này.

ĐB Đào Xuân Nay (Bình Thuận): Cần tăng cường giám sát với nhiều cấp tham gia

Gần đây công an bắt quả tang mấy vụ nhận tống tiền rất lớn nhưng khi kết luận thì đối tượng chẳng có tội gì (!). Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi quá trình điều tra xác minh, thẩm tra liệu có minh bạch và có điều gì khuất tất? Tôi nghĩ trước khi bắt giữ bên điều tra phải tìm hiểu kỹ, bắt đúng người đúng tội. Mà có vụ đã bắt quả tang nhận tiền rõ mười mươi, vài hôm sau cho tại ngoại, kết luận chung chung không có tội là điều lạ. Nếu kết luận vô tội thì phải bồi thường thiệt hại danh dự, sức khỏe theo Luật Bồi thường Nhà nước và Nghị quyết 388 của Ủy ban TVQH.

Vấn đề là chúng ta phải tăng cường giám sát với nhiều cấp tham gia. Ở địa phương thì HĐND cấp tỉnh phải trực tiếp giám sát. Nếu xảy ra vụ việc có dấu hiệu bao che HĐND yêu cầu cơ quan điều tra điều tra lại. Còn ở Trung ương có sự giám sát tối cao của QH. Ngoài QH thì Ủy ban Kiểm tra Đảng, MTTQ cũng có chức năng giám sát. Nhìn chung chúng ta phải có sự giám sát đồng bộ, chặt chẽ thì vụ việc khó có thể “chìm xuồng”.

Trường Giang (ghi)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất