| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 14/12/2015 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 14/12/2015

Tham nhũng vẫn lù lù ra đấy

Tiếp theo Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng công bố cả năm 2015 không phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tham nhũng.

Vấn đề trở nên nóng trong dư luận xã hội đến nỗi một đại biểu HĐND TP đã phải thốt lên câu hỏi vào ngày 10/12 rằng “Vậy thì tham nhũng chạy đi đâu?”.

Cũng trong ngày 10/12, tại hội thảo quốc tế về “xây dựng thiết chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, người có chức vụ, quyền hạn” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tại Quảng Ninh, người ta đã tìm thấy câu trả lời.

Và người trả lời câu hỏi này là ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ.

Ông đưa ra trường hợp của một quan chức ở TP Hồ Chí Minh nhưng giấu tên. Đầu tiên ông này kê khai tài sản có 3 ngôi nhà, 1 ô tô, thu nhập 360 triệu đồng/năm. Nhưng sau đó ông này bị tố cáo là kê khai không trung thực.

Được yêu cầu kê khai bổ sung, vị quan chức này khai thêm hai tài sản lớn hơn, là 1 ngôi nhà ở quận 2 TP Hồ Chí Minh có diện tích 539 m2 và một thửa đất ở quận 9 có diện tích 10.000 m2.

Tiếp tục được yêu cầu kê khai bổ sung, ông này “lòi” thêm 6 thửa đất ở quận 9, trong đó có 2 thửa vừa chuyển nhượng cho người khác, và 1 thửa đất khác ở quận 2.

Nhưng vẫn chưa hết, sau khi tiếp tục xác minh, cơ quan chức năng phát hiện ông này còn có thêm 9 thửa đất khác ở quận 9 và quận 2, với tổng diện tích 15.000 m2, và nắm giữ một lượng cổ phiếu có giá trị gần 24 tỷ đồng.

Cách hành xử của cơ quan chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ thật kỳ lạ: Đã nắm được chính xác vị quan chức có số tài sản khổng lồ, trị giá hàng trăm tỷ rồi, mà tại một hội thảo lớn và quan trọng như thế, còn không dám nói thẳng tên ra.

Và cách xử lý của Thanh tra Chính phủ lại còn kỳ lạ hơn, là chỉ phê bình vị quan chức kia vì chuyện kê khai không trung thực. Thế thôi.

Tại sao khi đã xác minh được chính xác những khối tài sản “khủng” đó rồi, thì lại không truy xét tiếp, xem nguồn gốc số tiền để hình thành những khối tài sản đó ở đâu ra? Chúng được hình thành vào thời gian nào? Theo phương thức nào? Lương của vị quan chức kia được bao nhiêu hàng tháng? Lương vợ, lương con ông ta được bao nhiêu? Trừ chi phí sinh hoạt đi rồi còn được bao nhiêu? Có tương xứng với những khối tài sản đó không?

Qua truy xét, nếu giải thích được một cách hợp lý, thuyết phục, thì công bố cho toàn dân biết để cùng học tập "gương" làm giàu của ông quan chức nọ. Còn ngược lại, đó không phải là tiền tham nhũng thì là tiền gì?

Kê khai tài sản nhằm mục đích gì? Nếu không phải là để minh bạch hóa tài sản, qua đó phát hiện tham nhũng? Nhưng như lời trình bày của ngài Phó Cục trưởng trên, thì rõ ràng việc kê khai tài sản chỉ còn hoàn toàn là hình thức.

Chính cách hành xử với một trường hợp cụ thể như trên của cơ quan chống tham nhũng của Chính phủ, đã là câu trả lời cho vị đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh, rằng tham nhũng chẳng trốn, và cũng chẳng cần trốn đi đâu cả.

Nói như ông Vũ Quốc Hùng, nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT TƯ Đảng, với báo chí là “tham nhũng vẫn lù lù ra đấy”.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm