| Hotline: 0983.970.780

Thảm sát Mỹ Lai: Đối mặt kẻ sát nhân

Thứ Năm 09/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Nhà báo Seymour Hersh đã được Geoffrey Cowan, một luật sư chống chiến tranh ở Washington (Mỹ) hé lộ thông tin đặc biệt về vụ Mỹ Lai./ Ký ức kinh hoàng của kẻ sát nhân

Theo Cowan, đằng sau những Calley, Meadlo còn có một sỹ quan cao cấp hơn.

Hersh, trong quá trình điều tra những gì Cowan nói, gặp được một đại tá trong quân đội Mỹ phụ trách một văn phòng giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến chiến tranh Việt Nam.

Khi Hersh hỏi về viên sỹ quan được cho là đứng đằng sau vụ Mỹ Lai, viên đại tá bỗng quay ngoắt qua nhìn Hersh với vẻ giận dữ, tay đấm đấm vào đầu gối. “Gã trai trẻ Calley không thể bắn ai cao cấp hơn như thế này”, ông ta nói.

Nhưng Hersh đã có một cái tên. Hersh phát hiện một câu chuyện đã bị lãng quên từ lâu đăng trên báo The Times về trung úy Calley, người bị quân đội Mỹ buộc tội giết hại một số lượng người chưa xác định ở miền Nam Việt Nam.

Hersh lần theo Calley. Lúc đó, có người trong quân đội đã cho Hersh đọc và chép lại một bản luận tội, trong đó cáo buộc Calley lên kế hoạch và thực hiện vụ giết hại 109 người Việt Nam.

Cuối cùng, Hersh đã tìm gặp được Calley. Anh ta trông không giống ác quỷ cho lắm. Mảnh mai, thái độ lo lắng, da dẻ nhợt nhạt. Anh ta cố tỏ ra cứng rắn.

Sau nhiều cốc bia, anh ta kể anh ta và đám lính đã thực hiện vụ giết chóc như thế nào. Hersh và Calley nói chuyện thâu đêm. Có một lúc, Calley đứng lên, xin lỗi và bước vào toilet. Anh ta không đóng cửa và Hersh thấy Calley nôn ra máu.

Ngày 15/11/1969, hai ngày sau khi bài báo đầu tiên của Hersh về vụ Mỹ Lai được đăng tải, một cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam nổ ra ở Washington, thu hút nửa triệu người tham gia.

Một tài liệu mà 18 năm sau mới được công bố nói rằng, vào ngày 1/12/1969, trước sự giận dữ của công chúng sau khi Paul Meadlo tiết lộ những chi tiết liên quan đến vụ Mỹ Lai, Tổng thống Nixon đã thông qua kế hoạch “chơi đểu” những nhân chứng quan trọng trong vụ thảm sát để công chúng không còn tin họ nữa.

Trong năm 1971, khi một tòa án quân sự tuyên án Calley tù chung thân khổ sai, Nixon đã can thiệp, yêu cầu phải phóng thích Calley khỏi một nhà tù quân đội và đưa anh này về giam lỏng tại nhà riêng.

Calley được thả ba tháng sau khi Nixon rời ghế Tổng thống và tới làm việc trong cửa hàng vàng bạc của bố dượng ở bang Georgia. Anh ta sẵn lòng trả lời phỏng vấn của các nhà báo, miễn là được trả tiền.

Cuối cùng, năm 2009, trong một bài diễn văn đọc tại câu lạc bộ Kiwanis, Calley nói “không có ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy cắn rứt” về vụ Mỹ Lai.

Nhưng Calley cũng nói anh ta làm việc đó theo lệnh cấp trên. Năm nay Calley 71 tuổi. Ông ta là sỹ quan duy nhất bị truy tố và kết án trong vụ thảm sát Mỹ Lai.

Tháng 3/1970, một cuộc điều tra do quân đội Mỹ tiến hành kết án từ “giết người” tới “rời bỏ nhiệm vụ” đối với 14 sỹ quan, gồm cả cấp tướng tới cấp tá, những người bị cho là đã che đậy vụ việc.

Nhưng rồi chỉ có một sỹ quan, ngoài Calley cuối cùng phải ra tòa án binh, và được tuyên vô tội.

Mấy tháng trước, Hersh và gia đình qua Việt Nam và lần đầu tiên đến thăm Mỹ Lai. Hồi đầu năm 1970, ông đã có ý định đến đây nhưng lúc đó cuộc điều tra của Bộ Quốc phòng Mỹ đang diễn ra nên hiện trường vụ thảm sát bị phong tỏa.

Hersh đã gặp được Phạm Thành Công, Giám đốc bảo tàng Mỹ Lai (bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ).

Ông Công cũng là một nhân chứng của vụ thảm sát. Năm nay ông đã gần 60 tuổi. “Chúng tôi tha thứ, nhưng chúng tôi không quên”, ông Công nói.

nh-1101035400
Phạm Thành Công, nhân chứng Mỹ Lai: “Chúng tôi tha thứ, nhưng chúng tôi không quên” (Ảnh: New Yorker)

Năm đó Công 11 tuổi. Khi trực thăng của quân đội Mỹ hạ cánh xuống thôn, Công và mẹ cùng bốn em nhỏ chạy vội xuống hầm trú ẩn trong nhà. Lính Mỹ bắt họ phải lên rồi lại bắt chui xuống hầm. Rồi chúng quăng lựu đạn và dùng súng M16 bắn xuống.

Công bị thương ở đầu, mình và chân. Cậu bé ngất đi. Khi tỉnh lại, cậu thấy mình nằm lẫn lộn với một đống xác chết gồm mẹ, ba em gái và em trai 6 tuổi.

Chắc hẳn lính Mỹ nghĩ cậu đã chết. Chiều hôm đó, khi trực thăng Mỹ đã bay đi, cha Công và một số ít người làng sống sót quay về và chôn cất người chết. Họ tìm thấy Công.

Ông Công kể vài năm trước có gặp một cựu chiến binh Mỹ tên là Kenneth Schiel. Ông này thăm Mỹ Lai và có ghé vào bảo tàng.

Hersh hỏi ông Công, vì sao ông quá cứng rắn với Schiel. Mặt ông Công đanh lại. Ông nói ông không có nghĩa vụ phải làm dịu nỗi đau của kẻ sát nhân, người từ chối thừa nhận đầy đủ về những gì ông ta đã làm.

Ông ta là người duy nhất của đại đội Charlie quay lại thăm địa điểm xảy ra vụ thảm sát. Schiel từng bị kết tội giết 9 thường dân Việt Nam nhưng rồi vụ án bị hủy bỏ.

Schiel đi cùng một đoàn làm phim và lúc đầu ông Công không biết Schiel từng ở Mỹ Lai.

Trong đoạn phim được quay, Shchiel nói: “Tôi có bắn không? Tôi sẽ nói rằng tôi đã bắn cho đến khi nhận ra có điều gì đó sai trái”. Schiel liên mồm nói ông ta muốn xin lỗi người dân Mỹ Lai, nhưng từ chối hiện thực hóa điều đó bằng hành động cụ thể.

Lúc này ông Công đã biết. Ông hỏi Schiel: "Ông nghĩ gì khi bắn vào dân thường? Điều đó có khó khăn với ông không?". Schiel nói ông ta không thuộc đám lính bắn dân thường. Công trả lời: "Vậy ông là kẻ đến nhà tôi và bắn người thân của tôi". Schiel nói: "Việc duy nhất tôi có thể làm bây giờ là xin lỗi".

 Công tỏ ra giận dữ, đòi Schiel phải nói rõ ràng tội ác của ông ta, trong khi người cựu chiến binh Mỹ liên mồm nói “xin lỗi, xin lỗi”.

Khi Công hỏi Schiel rằng sau khi gây ra tội ác, ông ta có ăn cơm được không khi quay về căn cứ, Schiel bắt đầu khóc và nói: “Xin đừng hỏi tôi thêm nữa”.

Rồi Schiel hỏi Công, liệu ông ta có thể tham gia một buổi lễ tưởng niệm những người đã chết, nhưng Công trả lời ngay: "Điều đó thật là sự sỉ nhục. Dân làng sẽ vô cùng tức giận khi nhận ra ông là một trong những kẻ sát nhân”.(Còn nữa)

(Theo New Yorker)

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất