Chết liên tục
Đầu tháng 7/2019, 2 thanh niên đang tìm cách lên dốc, vượt qua đường sắt vào lúc 22h30 thì tàu hỏa lao đến, đâm 1 người chết ngay. Địa điểm xảy ra tai nạn là ngã ba chợ Chiều, phường Yên Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Khu vực này còn được gọi là "ngã ba cây gạo", nơi nhiều người rùng mình khi nhắc tới, do rất nhiều tai nạn đã xảy ra ở đây. Anh Vũ Tiến Điệp, sống gần đường ngang này cho biết, đã có những năm cả chục vụ, hôm nay tàu vừa đâm, ngày mai lại đâm tiếp.
Đường ngang ngã ba chợ Chiều ở TP Tam Điệp, Ninh Bình. |
Theo Trung tá Nguyễn Tất Kiên, Đội phó Tuần tra nội tỉnh và dẫn đoàn, Phòng CSGT Ninh Bình, đường ngang này nguy hiểm do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chênh cao giữa mặt đường bộ và đường sắt tạo nên độ dốc lớn cho đường ngang, khiến người điều khiển phương tiện gặp khó khi qua đường.
Thứ hai, là ngã ba giao cắt giữa QL1A và QL12B nên mật độ xe cộ đông, nhiều phương tiện siêu trường, siêu trọng chạy liên tục, nhiều khi chỉ có thể chú ý đến đường bộ mà bỏ qua đường sắt. Ngoài ra, giao thoa âm thanh cũng làm người đi đường mất cảnh giác, tiếng động cơ, còi xe với cường độ lớn có thể lấn át tiếng còi tàu.
Khác với "ngã ba cây gạo", đường ngang ở làng Trinh Hà, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa lại nguy hiểm vì không có người gác, không có rào chắn và cũng không có đường dẫn.
Khi có mặt tại đường ngang này, câu hỏi đầu tiên hiện ra là tại sao người dân vẫn sử dụng lối đi nguy hiểm này. Ở 2 đầu đường ngang chỉ trơ trọi 2 tấm biển cảnh báo sơ sài và không có bất kỳ hệ thống cảnh báo, bảo vệ nào khác. Chưa kể đến, 2 bên đường còn có nhiều bụi cây, mọc sát hành lang đường sắt khiến khả năng quan sát bị hạn chế đi rất nhiều.
Đường ngang trước cổng làng Trinh Hà, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. |
Cách đó chỉ 50m, có một đường ngang chính quy, có rào chắn, người cảnh giới và có cả đường gom tiêu chuẩn nhưng vẫn có rất nhiều người vẫn đi bộ, thậm chí nhấc xe đạp băng qua lối đi tự phát kia, bất chấp tai nạn có thể ập xuống.
Dân không sợ
Sự liều lĩnh trên phần nào được lý giải khi làm việc với Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa. Theo ông Đinh Huy Vinh, PGĐ công ty, đường ngang này từng nhiều lần được chặn lại nhưng vẫn không thể xóa bỏ.
Lý do, người dân kiên quyết phá bỏ các hệ thống hàng rào, ta luy để tiếp tục sử dụng lối đi là do quan niệm cổng làng không thể bị bịt kín, vì như thế "không hợp phong thủy". Do đó, nhiều lần tổ chức rào chắn, cắm ta luy, thậm chí xây tường bê tông nhưng cứ làm xong dân lại phá bỏ.
Bất đắc dĩ, phải để đường ngang này tồn tại và trang bị biển báo để cảnh báo vậy. Ngoài ra, do có đường gom và đường ngang tiêu chuẩn nên từ xe máy trở lên không còn sử dụng lối đi này, chỉ còn người đi bộ, đi xe đạp qua lại.
Đường ngang ở "ngã ba cây gạo" cũng tương tự. Dù cho chính quyền và ngành đường sắt từng xây trụ bê tông, gắn ta luy để chắn nhưng người dân vẫn liều mình phá bỏ, thậm chí, sáng vừa xây, tối đã đập.
Trả lời NNVN, ông Đinh Duy Vường, phó Chủ tịch phường Yên Bình, TP Tam Điệp cho biết, các đường ngang đa số là lối đi từ lâu, người dân đi quen do tiện lợi sinh hoạt hàng ngày nên việc rào chắn bị phản đối mạnh.
Giải pháp tránh những cái chết trời ơi
Để đảm bảo an toàn, cách tốt nhất là xây dựng các đường ngang tiêu chuẩn, có chắn gác, người cảnh giới và các thiết bị cảnh báo.
Ông Đoàn Văn Sinh, làm nhiệm vụ cảnh giới tại đường ngang ở "ngã ba cây gạo". |
Tuy nhiên, với các đường ngang dân sinh tự phát thì còn rất nhiều vấn đề. Với tỉnh Ninh Bình, chính quyền chọn phương án lập gác chắn thô sơ và cắt cử người cảnh giới. Tại các điểm tương tự "ngã ba cây gạo", địa phương tổ chức cảnh giới từ 6-22h mỗi ngày, có 2 người luân phiên đứng với mức trợ cấp 2 triệu đồng/người/tháng.
Nhưng lúc không có người vẫn xảy ra tai nạn. Đa số xảy ra vào ban đêm và với những người ở xa, không thông thuộc đường đi, giờ tàu chạy.
Ở Thanh Hóa, tỉnh không dùng người cảnh giới ở địa phương mà phải là nhân viên của ngành đường sắt. Kinh phí chi trả do tỉnh trợ cấp chứ không trích từ ngân sách địa phương như Ninh Bình.
Theo ông Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông Thanh Hóa, mỗi năm tỉnh hỗ trợ 700 triệu cho ngành đường sắt trả nhân viên tại các điểm giao cắt mới chỉ có hệ thống tín hiệu, chưa có người cảnh giới.
Tuy nhiên, về lâu dài, phải xóa bỏ hoàn toàn đường ngang trái phép. Cùng với đó là xây dựng hệ thống đường gom, hỗ trợ người dân đi lại thuận tiện, tránh tình trạng chặn xong dân lại mở.
Ông Đoàn Văn Sinh, cảnh giới tại đường ngang "ngã ba cây gạo" và cũng là chủ tiệm tạp hóa dưới gốc gạo ủng hộ xóa bỏ đường ngang. Theo ông Sinh, mặc dù xây chắn đường ngang sẽ ảnh hướng đến đi lại và cả nguồn thu từ bán hàng của gia đình nhưng từng chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc nên ông đã rất sợ hãi.
Ninh Bình có 21,5km đường sắt chạy qua, trong đó có 24 đường ngang, 13 đường trong số đó có người gác, 4 đường có cảnh báo tự động và 7 đường có biển báo. Trong khi đó, với 120km đường sắt đi qua, Thanh Hóa có 85 đường ngang hợp pháp, trong đó, 33 đường có gác chắn, 23 đường cảnh báo tự động, 29 đường ngang có cảnh báo. Tuy nhiên, lối đi dân sinh bất hợp pháp lên đến 190. |