| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 22/01/2013 , 09:43 (GMT+7)

09:43 - 22/01/2013

Thần dược và lời cảnh báo

Cây cà gai (cà quýnh) chữa ung thư gan, cây mật nhân chữa bách bệnh hay rễ cây xáo tam phân có thể ngăn ngừa ung thư... là những thông tin đang được đồn thổi khắp các làng quê.

Chưa bao giờ những cuộc săn lùng “thần dược” lại diễn ra mạnh mẽ trên diện rộng như hiện nay. Đồng thời, chưa bao giờ số lượng người mắc bệnh ung thư ở mức báo động như bây giờ!

Cây cà gai (cà quýnh) chữa ung thư gan, cây mật nhân chữa bách bệnh hay rễ cây xáo tam phân có thể ngăn ngừa ung thư... là những thông tin đang được đồn thổi khắp các làng quê khiến người dân bỏ cả đồng áng vào rừng tìm những loại cây “thần dược” trên để mang về bán với giá cực cao. Chỉ cần ở đâu rộ lên tin đồn thì ở đó, những loại cây vốn mọc hoang dại suốt nhiều năm trời trên núi, ngoài đồng sẽ trở thành thuốc quý và được săn lùng ráo riết. Giá thu mua của những loại cây này cũng tăng chóng mặt từng ngày. Giá 1 kg xáo tam phân từ 100.000 đồng đã nhanh chóng nhảy lên mức 1 - 1,5 triệu đồng trong những ngày đầu năm 2013. Giá cây mật nhân cũng tăng tới 10 lần, lên khoảng 500.000 đồng/kg.


Cây cà gai

Để có thể thuyết phục người mua mức giá cao vô lý như trên, những người bán các loại “thần dược” này còn tự đồn thổi thêm nhiều tác dụng kỳ diệu cho mỗi loại cây. Đơn cử như cây mật nhân được ví với thuốc chữa bách bệnh, từ ung thư, u nang, tiểu đường, bệnh gan đến chữa phong tê thấp, viêm xoang, bệnh nam giới… Còn cây xáo tam phân, những người rao bán loại cây này khẳng định chắc nịch rằng có thể chữa đến 5 loại ung thư là ung thư gan, đại tràng, vú, buồng trứng và cổ tử cung.

Tuy nhiên, trái ngược với sự kỳ vọng của người dân, các nhà khoa học, các bác sĩ đầu ngành cho biết những loại cây này chỉ có thể chữa được một số loại bệnh cụ thể và để có tác dụng thì người bệnh cần sử dụng theo đúng liều lượng do bác sĩ kê đơn chứ không thể dùng tùy tiện như hiện nay.

Không chỉ đánh cược sức khỏe của mình với những loại cây thuốc có giá cắt cổ, công dụng thực tế khác xa với đồn thổi, nhiều người dân còn phải gánh chịu nguy cơ bị lừa mua loại cây thuốc giả, rễ cây giả bởi việc mua bán diễn ra hoàn toàn tự phát, sản phẩm chỉ đóng gói thô sơ, không có nhãn mác, bao bì. Khi phát hiện bị lừa đảo thì cũng khó mà đòi lại tiền bởi không có ai đứng ra làm chứng hay bảo vệ họ.

Rủi ro là thế, nhưng người dân vẫn đổ xô đi mua những loại cây thuốc với kỳ vọng chữa khỏi những căn bệnh mà y học đang loay hoay tìm phương pháp chữa trị. Và nếu có thể tìm ra thì những phương pháp đó lại quá đắt đỏ đối với những người dân nghèo.

Phải chăng vì thế nên dân nghèo đang coi những loại cây thuốc này là cánh cửa hy vọng cuối cùng của họ khi thảm họa ung thư đang lan tràn, đặc biệt ở nông thôn?

Chưa bao giờ mà căn bệnh ung thư lại lây lan với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Tất cả các bệnh viện ung bướu trên cả nước đều đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng nhưng số lượng những người mắc bệnh mới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều đáng nói, người mắc bệnh ung thư đa phần dân nghèo ở các vùng nông thôn bởi họ phải sử dụng những hàng hóa, sản phẩm giá rẻ và không đảm bảo vệ sinh. Tình trạng thuốc bảo vệ thực vật đổ xuống đồng ruộng tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua cũng cho thấy môi trường nông thôn, nơi vốn được coi là trong lành nhất, đang bị ô nhiễm theo tốc độ tên lửa.

Bởi thế, cuộc săn lùng thần dược, xét đến tận cùng vấn đề lại chính là lời cảnh báo về môi trường sống đang bị ô nhiễm nặng nề và sức khỏe người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm