| Hotline: 0983.970.780

Thần hộ mệnh của làng

Thứ Sáu 08/07/2011 , 12:10 (GMT+7)

Với người Cơ Tu, chất độc bhlih và melangy không chỉ dùng để săn thú mưu sinh mà còn dùng để đánh đuổi giặc Pháp và Mỹ, mang lại sự yên ấm cho bản làng.

''Chất độc của người Cơ Tu xưa nay không truyền cho người ngoài, chỉ những thợ săn trụ cột trong gia đình mới được dùng đến''- già làng Quỳnh Hương (bìa trái) nói

Với người Cơ Tu, chất độc bhlih và melangy không chỉ dùng để săn thú mưu sinh mà từ trong những bản làng xa xôi của cộng đồng người Cơ Tu ở huyện Nam Đông, A Lưới, tỉnh TT- Huế, đến nay vẫn còn truyền lại nhiều mẩu chuyện đồng bào dùng thứ chất độc này để đánh đuổi giặc Pháp và Mỹ, mang lại sự yên ấm cho bản làng.

>> Bí ẩn dùng độc của người Cơ Tu

Khiến giặc sợ hãi, kinh hoàng

Trong ký ức ngồn ngộn về một thời binh lửa hào hùng, già làng Quỳnh Hương (85 tuổi, thôn Tà Rá, xã Hưng Nguyên) vẫn nhớ như in những lần ông cùng với đồng đội tinh chế rồi dùng cung tên tẩm chất độc bhlih và melangy để giết giặc Pháp, giặc Mỹ.

Ngước mắt nhìn lên thượng nguồn ngọn suối Pa Đăng như một niềm tri ân, ông kể: “Vào thời kháng chiến chống Pháp súng ống chưa có để dùng nhiều, khi giặc Pháp tràn vào bản làng như Dong, Tà Rá, Đụt, A Sầu…để cướp bóc, giết hại nhiều đồng bào, người dân tộc Cơ Tu đã không hợp tác với quân giặc, bỏ trốn vào rừng sâu chặt cây chế nhiều loại vũ khí và các loại độc dược để đánh giặc”.

Ở những bản làng này thường thành lập các đội quân gồm những trai tráng trong làng với tay cung, nỏ thiện xạ được tẩm chất độc. Với lối đánh du kích, họ mai phục trên các ngọn đồi, trèo lên cây hay nấp trong bụi rậm, chờ quân Pháp đi qua để giết.

Già làng Quỳnh Hương bảo: “Đội quân với vũ khí tẩm độc thường được huấn luyện kỹ càng. Cứ thấy đoàn quân trên vai không mang ba lô, mắt xanh mũi lõ, trang phục khác với bộ đội ta là nhằm vào mà bắn”. Vào thời gian đó, nhiều toán quân Pháp đã kinh hoàng bỏ chạy khi một trong những đồng bọn của chúng bị bắn trúng, chỉ sau ít phút đau đớn quằn quoại là lăn ra chết, trên người không thấy một giọt máu nào. Quân Pháp nhiều phen hoảng hốt, bỏ đồn chạy trốn vì cứ tưởng là con “ma rừng” nó ám!

Không chỉ dùng cung tên, những chàng du kích trẻ tuổi người Cơ Tu còn được già làng bày cho biết cách đào hầm làm chông tẩm độc từ cây bhilh. Khắp nơi trong rừng, trong các bản làng, nhiều hầm chông tẩm độc được bí mật đào trong đêm, hàng chục tên lính Pháp bị tiêu diệt, gây hoang mang cho kẻ thù. Đồng bào Cơ Tu sau “đặt bẫy” thường có cách nhận biết nên dân làng thường không lui tới những vùng “tử địa” đã được báo trước.

Bị tiêu hao sinh lực, giặc Pháp điên cuồng mang cả đại bác lên các bản làng Tà Rá, A Sầu quần thảo, bắn phá và giết hại nhiều đồng bào Cơ Tu hòng tìm ra thứ chất độc bí ẩn. Nhưng bà con người Cơ Tu vốn đã ghét quân Pháp tàn bạo, họ đã không khuất phục, không chịu hợp tác với Pháp, lặng lẽ trốn vào rừng sâu chờ cơ hội phục thù.

Dùng độc giữ làng

Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - ngụy, vào những năm 1961 đến 1965 của thế kỷ trước, vùng đất Hương Hữu cũ là nơi nhiều quân Mỹ đặt nhiều đồn bốt, căn cứ để trấn áp đồng bào ta.

Trời về khuya, vùng cao trở gió, già làng Quỳnh Hương đi rót thêm bát nước lá rừng nóng hổi, ông nhớ lại: “Hồi đó, mình cũng như nhiều đồng bào Cơ Tu sống trên thượng nguồn ngọn suối Pa Đăng, đồn Hi Rông của lính Mỹ đóng ở dưới ngọn suối, thuộc địa phận xã Hưng Nguyên ngày nay. Quân Mỹ nhiều phen bắt bớ, giết hại đồng bào Cơ Tu, vì thế dân làng rất căm ghét”.

Các già làng liền họp các trai bản, bàn kế giết lính Mỹ bảo vệ bình yên cho bản làng. Họ lặng lẽ lên rừng đào rất nhiều rễ cây lá ngon mang đập vào đá suối cho nhuyễn rồi đem đi ủ kín dưới đất từ 2 đến 3 ngày. Biết quân Mỹ sử dụng nguồn nước suối Pa Đăng, đồng bào Cơ Tu liền thả nhiều rễ cây ngon ở thượng nguồn con suối. Nước suối bị nhiễm độc, chảy về xuôi, nhiều lính Mỹ bị giết chết.

Sau gần một tuần, quân Mỹ ở đồn Hi Rông mới phát hiện trong nguồn nước suối có chất độc. Chúng cho nhiều toán quân đi lên thượng nguồn suối Pa Đăng bắt bớ, giết hại nhiều đồng bào của ta. Rút kinh nghiệm, lính Mỹ cho đào giếng sâu để lấy nước uống. Nhiều thanh niên người Cơ Tu cảm tử đã lấy chất bột tán mịn từ vỏ và rễ cây ngon, lẻn vào đồn bốt của địch bỏ xuống giếng, tiêu diệt nhiều sinh lực và gây hoang mang trong đội ngũ lính Mỹ nơi đây.

Không chỉ tẩm thuốc độc vào nước uống, đồng bào Cơ Tu còn nghĩ ra nhiều cách chống giặc từ chất độc bhlih và melangy, giết hại được khá nhiều tên lính Mỹ, ngụy. Theo lời già làng Quỳnh Hương, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giết giặc thời đó là làm bẫy chông, bẫy lao.

Trên các con đường lính Mỹ - ngụy hành quân, đồng bào Cơ Tu cho “bày trận” làm bẫy lao theo dây chuyền trải trên chiều dài khoảng 20m, được ngụy trang từ lá cây rừng khô rất kín đáo. Các thanh chông, lao thường được làm từ cây tre hê răng (tên gọi khác là o rang) rất sắc, được tẩm độc. Khi quân Mỹ- ngụy “dính bẫy”, không chết vì vết thương thì chết vì chất độc bí ẩn từ cây lá ngon.

Ngược lên miền đất thôn Căn Thâm, xã Hồng Thượng, chúng tôi được nghe câu chuyện về người anh hùng Quỳnh Miệng đã dùng chất độc tự chế từ cây lá ngon bắn chết một sỹ quan ngụy quyền và hàng chục lính Mỹ. Dẫu đến nay, Quỳnh Miệng đã đi xa, khuất về hướng núi, tuy nhiên trong cộng đồng dân tộc Cơ Tu vẫn truyền miệng nhau câu chuyện về chiến công của người anh hùng này. Hình tượng về ông tuy không được xây dựng như nhân vật anh hùng Núp (người dân làng Kông Hoa, dân tộc Ba Na) trong tác phẩm Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc, nhưng nó lại có sức sống riêng qua tầng tầng lớp lớp ký ức hào hùng của bao thế hệ người Cơ Tu.

“Cách chế tác, tinh luyện các chất độc bhlih và melangy không chỉ gắn với bước đường mưu sinh của đồng bào trong quá trình chinh phục tự nhiên mà còn được đúc kết trong những truyền thuyết, trở thành một nét văn hóa sinh tồn tự nhiên của người Cơ Tu.

Điều lấy làm tiếc là đến nay, theo tôi biết thì chưa có một công trình nào nghiên cứu hay ít nhất một cuộc khảo sát, sưu tầm nào về những nét văn hóa đặc sắc đó cả. Hiện nay, những truyền thuyết cũng như cách chế ra chất độc bí truyền đó chỉ còn lại trong trí nhớ của người già, nguy cơ mai một chỉ trong tương lai gần”, ông Lê Đức Thu, Chủ tịch UBND xã Hưng Nguyên, nói.

Ngày ấy vùng đất Căn Thâm còn lắm hoang vu, bản làng người Cơ Tu bỗng bị xáo trộn, hoang mang bởi toán lính Mỹ kéo lên, cho quân càn quét nhằm tiêu diệt bộ đội ta và bắt bớ những gia đình theo Cách mạng. Nhiều đồng bào Cơ Tu hoảng sợ, không dám đánh giặc Mỹ vì thấy chúng cao to, nhiều súng ống. Bố Quỳnh Miệng tham gia Cách mạng, nhiều lần bí mật mang lương thực nuôi bộ đội, bị quân địch phát hiện, bắt giữ. Sau nhiều ngày tra tấn dã man, ông vẫn không khai một lời nào.

Chúng đem ông về bản Căn Thâm giết hại để thị uy cư dân trong làng. Quỳnh Miệng là chàng thợ săn rất khỏe mạnh, quyết tìm cách giết giặc trả thù nhà. Ông lặng lẽ lên rừng tìm nhiều cây lá ngon, về nhà chế thành chất độc tẩm vào mũi tên để giết giặc. Sau nhiều ngày mai phục, gần bản Căn Thâm, ông đã bắn chết một sỹ quan ngụy quyền cùng nhiều tên lính Mỹ. Từ đó, trong cộng đồng người Cơ Tu không còn sợ bọn giặc Mỹ nữa…

Chất độc bhlih và melangy đến nay rất ít người Cơ Tu biết đến bởi thú dữ không còn nhiều, những cuộc giao tranh hay chiến đấu để bảo vệ bản làng giờ cũng đã quá vãng. Còn lại trong trí nhớ bàng bạc của người già cũng như những câu chuyện truyền thuyết giàu chất sử thi về một thế hệ cha ông người Cơ Tu đã đứng lên cùng các dân tộc anh em, chung lưng đấu cật đánh đuổi quân thù. Mỗi dân tộc là một phần của lịch sử, lấy chất độc bí truyền làm vũ khí lợi hại để đánh giặc, người Cơ Tu đã viết nên trang sử của dân tộc mình.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.