| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng ơi, hôm nay còn bé nhỏ?:

Thân phận những người ngủ dưới… gậm giường

Thứ Tư 25/10/2017 , 15:06 (GMT+7)

Dù trong câu hát của bài “Thành phố hoa phượng đỏ”, nhạc sĩ Lương Vĩnh khiêm tốn rằng: “Hải Phòng ơi, hôm nay bé nhỏ mai ta đã thấy rộng dài rực rỡ... Thế nhưng sau hàng chục năm, gần như không có nhiều thay đổi, nhất là một số vùng nông thôn....

Dù trong câu hát của bài “Thành phố hoa phượng đỏ”, nhạc sĩ Lương Vĩnh khiêm tốn rằng: “Hải Phòng ơi, hôm nay bé nhỏ mai ta đã thấy rộng dài rực rỡ. Sánh vai cùng Sài Gòn - Đà Nẵng quê hương” nhưng thành phố đó từng là niềm tự hào của cả miền Bắc. Ngày nay Hải Phòng đã kịp lớn?
 

Chuyện ở thôn Nghĩa Trang

Danh sách nộp ngân sách nhà nước nhiều nhất năm 2016 có TP. Hồ Chí Minh: 306.300 tỷ đồng, Hà Nội: 175.785 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu: 61.693,14 tỷ đồng, Đồng Nai: 43.300 tỷ đồng, Bình Dương: 40.000 tỷ đồng, Quảng Ninh: 38.000 tỷ đồng, Vĩnh Phúc: 28.500 tỷ đồng, Đà Nẵng: 18.227 tỷ đồng, Khánh Hòa: 18.073 tỷ đồng, Bắc Ninh: 17.506 tỷ đồng… Trong khi đó, Hải Phòng đất rộng, dân đông, thuận về giao thông cảng biển, tiện về du lịch lại thu ngân sách nội địa chỉ được khoảng 17.000 tỷ đồng.

16-10-36_dsc_9649
16-10-36_dsc_9674
Nhà những người nghèo ở Hải Phòng

Ấn tượng của tôi về thành phố cảng gần hai mươi năm trước và nay gần như không có nhiều thay đổi. Nhắc đến Hải Phòng người ta thường nghĩ ngay đến một đô thị sầm uất mà thường quên đi phần nông thôn rộng lớn với trên 1,1 triệu dân và 40.000 ha đất lúa. Dù không hẳn là quá nghèo nhưng nông thôn Hải Phòng vẫn không thể bật lên, vẫn đang ngủ quên trên cả một mỏ vàng...

Mấy hôm nay gió mùa vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Lương - Lê Thị Với ở thôn Nghĩa Trang (xã Bát Trang, huyện An Lão, TP Hải Phòng) mới chịu cất đi 8 viên gạch kê chân giường. Không phải vì 4 cái chân giường quá yếu mà kê cho nó cao lên để cả nhà gồm 2 người già và 2 cháu nhỏ có thể chui vào đó mà chống nóng.

Trong những ngày hè hầm hập, cái nóng từ sân xi măng bốc lên cộng hưởng cùng cái nóng từ mái tôn mỏng dính, thấp tè tỏa xuống thành một cái lò nung người. Không khí bị bóp méo, chạy rần rật như những đợt sóng. Vì ông chân yếu không thể đi đâu được nên bà mới nghĩ ra kế chui xuống gậm giường để trú ngụ.

16-10-36_dsc_9730
Gia đình bà Với khi nóng phải ngủ dưới gậm giường

Suốt nửa năm ròng từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, cả nhà đều ngủ dưới gậm giường như vậy. Ngôi nhà tình thương ấy của mẹ chồng bà được một doanh nghiệp tài trợ cho 20 triệu, vay mượn đủ kiểu được thêm 25 triệu nữa nên thấp bé và nóng. Cửa đóng bằng mấy thanh gỗ tận dụng hở toang hoác, đồ đạc rỗng rễnh không có gì ngoài chiếc giường.

Khi bà cụ khuất núi, vợ chồng ông Lương không như người ta hóa chiếc giường đi mà giữ lại để dùng và chuyển từ ngôi nhà tình thương của mình (đã nhường lại cho một người con) sang đây. Ngôi nhà tình thương kia cũng rất nóng nhưng vì đứa con còn có chân, còn biết đi sang tránh trú ở nhà em trai nên không phải chui gậm giường...

Ông Lương là cựu chiến binh, bệnh tật dầm dề đến nỗi không tự chủ được việc cá nhân còn bà từ hồi bị điện giật khom lưng cũng đau yếu luôn. Cả nhà trông đợi vào khoản trợ cấp vỏn vẹn 540.000đ/tháng và 4 sào ruộng.

Khi tôi đến, bà Với đang cào lúa trên sân. Tiếng cào nhẹ như bấc còn lòng bà lại nặng trĩu như chì bởi vụ này lúa mất mùa, toàn lép với lửng. Cấy 4 sào đã mất 3, sào còn lại chỉ cho thu chừng 80 kg, vậy là thiếu ăn mấy tháng.

16-10-36_dsc_9720
Bà Với đang phơi lúa

Trưởng thôn Lê Văn Khải bảo chưa khi nào mất mùa như vụ này vì bệnh lùn sọc đen. Cây lúa đến giai đoạn trỗ đòng cứ rụt đầu, rụt cổ lại mãi mà không chịu lớn, toàn lép với lửng. 270 hộ dân trong thôn do không được khuyến cáo kịp thời nên không trở tay kịp, đành chịu cảnh mất mùa diện rộng. Ngay như nhà ông Khải cấy hơn 1 mẫu thì 5 sào gần như mất trắng, chỉ được nửa thúng hoặc 1 thúng lẹp kẹp 10-20kg, số còn lại cũng không khá gì hơn.
 

Tiềm năng bị bỏ phí

Đất đai rộng rãi lại màu mỡ như một miệt vườn thu nhỏ nhưng đường xá của Bát Trang thì quá xấu. Con đường liên xã phần đa vẫn là đất đá lởm chởm, gập ghềnh ổ voi, ổ trâu khiến cho người dân trong thôn bán cái gì cũng rẻ mà mua cái gì cũng bị đắt.

Bát Trang nổi tiếng có nhiều vải. Tiếng là gần thành phố Hải Phòng nhưng vì đường xấu không chở thẳng lên được mà phải đi vòng vượt sông sang Hải Dương rồi quay lại nên một quả vải cõng đến mấy đồng chi phí.

Con đường này nhân dân đã có nhiều lần kêu cứu nhưng chẳng hiểu sao thi công lại rất chậm chễ. Mỗi đợt mưa hàng loạt ổ voi, ổ trâu trên đường đầy ăm ắp nước.

Chính bởi đường xấu mà Bát Trang từng là trọng điểm về nhà tranh, vách đất của huyện An Lão, xóa mãi mấy năm trước mới xong. Tốc độ xóa nghèo gần đây của xã khá nhanh. Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng nhưng hiện tại Bát Trang vẫn còn tới 132 hộ nghèo, 255 hộ cận nghèo.

Khắp các vùng quê vào dịp cuối năm, khi tổ chức ngày đại đoàn kết toàn dân thường bị đọc chại thành ngày mất đoàn kết toàn dân bởi vì chuyện bình xét hộ nghèo. Đáng lẽ cứ áp theo các tiêu chí của chuẩn nghèo mà tính toán từ dưới lên thì người ta lại ép chỉ tiêu từ trên xuống cho các xã, các thôn để từ đó loại trừ một cách áp đặt.

Ông Lê Văn Nhỡ và bà Nguyễn Thị Quạt ở thôn Nghĩa Trang vốn trước đây là hộ nghèo vì tuổi cao, sức yếu, lại chẳng có tài sản gì ngoài sào ruộng, đủ ăn cũng đã là may. Thế nhưng gần đây khi bình xét ở thôn, ông phải “tình nguyện” thoát nghèo để nhường suất ấy cho vợ chồng người con trai có hoàn cảnh còn éo le hơn, chồng tai biến run lẩy bẩy, vợ bị Basedow lồi cả mắt, lại kèm theo đàn con lắt nhắt đến mấy đứa.

Hiện đại gia đình gồm 3 cặp vợ chồng, tổng cộng 12 người lớn bé của ông sống chui rúc trong căn nhà ọp ẹp chừng 30m2, phần đa là sức khỏe suy tàn, nghề nghiệp không ổn định.

Ông Khải bắt đầu làm trưởng thôn từ năm 2014 nên thấm thía thế khó xử của mỗi kỳ bình xét hộ nghèo. Năm 2015 theo chuẩn nghèo đa chiều thôn còn 16 hộ nhưng năm 2016 trên áp chỉ tiêu phấn đấu nên chỉ còn có 9 hộ (nhiều hộ còn khó khăn vẫn bị gạt ra). Năm nay cứ theo chỉ tiêu ấy lại phải đưa ít nhất 2 hộ ra trong khi ngó trước dòm sau vẫn chỉ tìm được 1 hộ khả dĩ là nhà bà Với bởi chồng bà mới nhận được trợ cấp tàn tật mấy trăm ngàn/tháng (hộ của những người phải ngủ dưới gầm giường - PV)...

Chưa khi nào Hải Phòng mất mùa nặng nề như vụ nay. Vừa ra khỏi thành phố đập vào mắt là những cánh đồng khô cháy, chuột bọ cắn nham nhở, năng suất nhiều chỗ chỉ vài ba chục cân, thậm chí mất trắng. Thế nhưng trên bảng ước năng suất của các địa phương vẫn đẹp đẽ đến đáng nghi ngờ.

Ví dụ như ở xã Tân Dân huyện An Lão lúc tôi đến vẫn ước năng suất trung bình là 43,7 tạ/ha tức khoảng 1,5 tạ/sào. Hỏi kỹ ra cán bộ phụ trách bảo đó là tính năng suất ở những chỗ còn cho thu hoạch còn chỗ nào mất trắng không xem xét đến, nếu tính vào sẽ bị tụt ngay xuống khoảng 1 tạ/sào.

Anh Nguyễn Văn Nhất - Phó phòng NN-PTNT An Lão thống kê vụ mùa này có khoảng 250-300 ha/4630 ha lúa của toàn huyện bị thiệt hại từ 5-50%, trong đó mất trắng khoảng 50 ha chủ yếu bởi bệnh lùn sọc đen. Năm 2009, 2010, 2011 lùn sọc đen từng xuất hiện trên địa bàn nhưng rất nhỏ lẻ và “ngủ yên” đến tận bây giờ mới nổi lên hoành hành dữ dội, phá vỡ cả kế hoạch năng suất 56 tạ/ha của huyện nhà. Còn theo thống kê nhanh chưa đầy đủ từ anh Phạm Văn Lập-Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng thì vụ này toàn thành phố có 1.700 ha bị ảnh hưởng, mất mùa ở các mức độ khác nhau.

Thống kê chưa đầy đủ toàn Hải Phòng vụ này bỏ hoang 745 ha trong đó có nhiều thửa từng là “bờ xôi, ruộng mật”, riêng huyện An Lão bỏ khoảng 228 ha.

 

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.