| Hotline: 0983.970.780

Thần thánh chống… đái đường

Thứ Hai 27/10/2014 , 08:10 (GMT+7)

Ấn Độ vừa nghĩ ra một cách làm nhằm hạn chế nạn "đái đường", đó là ốp hình các vị thánh trong tôn giáo chủ lưu của nước này lên bờ tường.

Nếu có mặt ở vùng phía nam của thủ đô Delhi của Ấn Độ vào thời điểm này, du khách nước ngoài có thể thấy ngạc nhiên bởi những tấm gạch lát in hình những vị thánh trong tôn giáo chủ lưu của đất nước 1,2 tỷ dân này được lát khắp nơi trên những bờ tường.

Mọi dấu hiệu đều cho thấy những tấm gạch lát này mới được ốp lên tường, chủ yếu ở những nơi công cộng.

Điều lạ nằm ở vị trí của những tấm hình: chân dung các vị thần của đạo Hindu được ốp ở độ cao ngang… đầu gối, gồm thần Lakshmi, Shiva, Saraswati, Hanuman và các thánh Shankaracharya và Sai Baba của vùng Shirdi.

Mục đích chính của việc này, không phải là trang trí đường phố hay thể hiện sự ngưỡng mộ đối với đạo Hindu mà là để giải quyết một vấn nạn tồn tại dai dẳng ở Ấn Độ bao lâu nay, từ vùng Kashmir phía bắc tới Kanyakumari ở phía nam: nạn đái đường, hay nói một cách chính xác nhất là thói quen... tè bậy.

Nạn tè bậy trở nên nghiêm trọng, xét cả về khía cạnh thuần phong mỹ tục cũng như yếu tố vệ sinh, dịch bệnh đến mức chính phủ Ấn Độ đã phải áp dụng rất nhiều biện pháp để dẹp bỏ nhưng xem ra chẳng thành công là bao.

Đầu tiên là phạt tiền những anh mắc “tiểu đường”. Chẳng ăn thua vì người vi phạm nhiều quá, phạt không xuể. Rồi tổ chức các đội đi tuần, dùng súng phun nước phun vào kẻ đang “hành sự” giữa thanh thiên bạch nhật.

Cách nay hai năm, giới chức Ấn nghĩ ra một biện pháp nhằm đánh vào lòng sĩ diện của người dân nhằm ngăn lại căn bệnh tè đường: Ở bang Rajasthan, phía tây Ấn Độ, người ta tổ chức những nhóm tự nguyện mang theo trống mõ và còi.

Nhiệm vụ của mỗi nhóm khoảng 4-5 người trong 34 ngôi làng thuộc quận Jhunjhunu sẽ hò hét, gõ trống và thổi còi khi thấy ai tiểu tiện, đại tiện nơi công cộng. Nếu tái phạm sẽ bị áp dụng “hình phạt bổ sung” là phạt tiền.

Tuy nhiên, thói quen khạc nhổ, tiểu tiện và đại tiện nơi công cộng phổ biến khắp Ấn Độ, thậm chí được “ưa thích”. Nhiều người Ấn thích “thứ nhất thượng công, thứ nhì ị đồng” hơn. Họ vẫn “ra đồng” cho dù nhà có toilet.

Ở nhiều vùng, người ta không làm nhà vệ sinh mà tận dụng các cánh đồng. Đàn ông thoải mái hơn, còn phụ nữ chỉ có hai thời điểm: rạng sáng hoặc khi đêm xuống. Họ tụ tập nhau đi cùng lúc để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

imge003144308774
Tè bậy, hình ảnh phổ biến ở Ấn Độ

Người ta nói rằng gần một nửa các gia đình ở Ấn Độ không có toilet và đây là lý do quan trọng để căn bệnh đái đường phổ biến.

Nhưng nhận định này có lẽ chỉ đúng một phần. Hầu hết những người đái đường được trông thấy là đàn ông. Cũng có phụ nữ bị bắt gặp tè bậy, nhưng khác với đàn ông, đàn bà không “ấy” lên tường.

Đàn ông dường như thích có một thứ gì như cái cây hay bức tường, có lẽ để đảm bảo nước không bị gió thổi. Và chính vì vậy, người ta mới dùng tới những viên gạch lát có hình ảnh thần thánh ốp lên tường ở những vị trí “đúng tầm”.

Hơn nữa, trong văn hóa Ấn, người dân rất mộ đạo và kính trọng các vị thần thánh. Người ta sợ cơn tức giận của những đấng tối linh.

Những người thực hiện ốp gạch cho rằng người ta sẽ vì lòng thành kính mà tạm thời nhịn đi những nhu cầu của bản năng, không dám bất kính trước thần thánh nhân từ và thông tuệ. Gạch ốp vừa bền, không đắt, khó lấy cắp vừa dễ lau rửa và lắp đặt.

Tuy nhiên, dù đa số người Ấn Độ mộ đạo, kính sợ chúa trời và các vị thánh, người ta vẫn chứng kiến một số kẻ vô tư tè bậy lên các bức tường đầy hình ảnh các vị thánh thần bởi họ là những người theo chủ nghĩa vô thần.

Không chỉ chống “tiểu đường”, hình ảnh thần thánh còn được đưa lên tường của nhiều công sở. Ví dụ, chúng được ốp vào cầu thang để chống khạc nhổ. Ở một số nơi, hình ảnh thần thánh cũng ngăn người dân vứt rác ở một số vị trí nhất định.

Điều quan trọng là chưa có nhiều bằng chứng cho thấy biện pháp mới này phát huy tác dụng và cũng bởi kết quả ra sao thì cần thời gian trả lời. Nhưng nếu hình ảnh tôn giáo phát huy tác dụng chống đái đường, chúng có thể có tác dụng với nhiều tệ nạn khác chăng?

Hãy tưởng tượng việc đưa hình ảnh thánh thần lên bàn của mỗi ông bà nghị trong quốc hội hay các quan chức chính phủ để ngăn chặn tham nhũng, hoặc đưa lên bàn công chức để họ mẫn cán hơn với công việc.

Hoặc ở dưới đèn giao thông, để khuyến khích người dân đi đúng luật, dừng đèn đỏ trong trật tự thay vì chỉ rình không có bóng cảnh sát là tự tin đi tiếp.

Những người chủ trương việc đưa hình ảnh thần thánh lên tường có lý của họ. Điểm chung của người Ấn là nỗi kính sợ thần thánh. Những cuộc thăm dò xã hội đã cho thấy khoảng 90% người dân Ấn coi tôn giáo là một phần quan trọng trong cuộc đời họ.

Trong thực tế, ý tưởng nói trên đã được mở rộng tới nhiều tôn giáo. Trên đường phố Mumbai, đầy đủ hình ảnh các vị thánh của đạo Hindu, đạo Hồi, Thiên chúa và đạo Sikh. Thông điệp cũng được thể hiện đa dạng, ngôn ngữ từ lịch sự như “Xin đừng làm hoen ố bức tường” tới cấp độ mạnh hơn như “Đồ khốn, không đái ở đây”.

(Theo Atlantic, BBC…)

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.