| Hotline: 0983.970.780

Thận trọng mua giống mắc-ca

Thứ Sáu 06/03/2015 , 09:10 (GMT+7)

Các chuyên gia trên thế giới đều nhất trí là mắc-ca nên được nhân giống bằng phương pháp ghép. Ta chọn các giống mắc-ca tốt để lấy mắt và ghép cho cây làm gốc ghép.

Chúng tôi đã viết nhiều bài giới thiệu về cây mắc-ca. Vừa qua, chúng ta lại có 2 hội thảo lớn về mắc-ca do Ban chỉ đạo Tây Bắc và Ban chỉ đạo Tây Nguyên tham gia tổ chức.

Các chuyên gia về vấn đề này trong cả nước và tất cả các đồng chí lãnh đạo các tỉnh trong khu vực đều đã tham gia. Việc xác định vai trò, giá trị và khả năng canh tác mắc ca tại Việt Nam đã được bàn bạc kỹ lưỡng. Ngay cả việc tiêu thụ, chế biến mắc-ca cũng đã được xem xét.

Công ty cổ phần Thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT) còn kịp thời nghiên cứu và đưa ra hàng loạt sản phẩm từ mắc-ca. Các sản phẩm này đã làm xiêu lòng khách hàng trong dịp Tết vừa qua. Tập đoàn Him Lam thì hứa sẽ xây dựng ngay ở mỗi tỉnh Tây Nguyên một nhà máy chế biến hạt mắc-ca để bà con yên lòng…

Rõ ràng, việc trồng mắc-ca đã được thống nhất. Vấn đề còn lại là tổ chức trồng ở đâu, trồng như thế nào, chăm sóc ra sao… là việc phải bàn.

Vì thấy được giá trị cao của hạt mắc-ca nên bà con khắp các nơi và hàng loạt doanh nghiệp đổ xô vào để trồng mắc-ca. Thị trường mắc-ca thì rất rộng lớn. Tuy nhiên, trên thế giới có nhiều nước đang trồng nhưng diện tích thích hợp của họ để trồng được mắc-ca lại không cao.

Vì vậy, cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã tiên đoán: Việt Nam có thể sẽ thành một cường quốc về mắc-ca. Giáo sư Hoàng Hòe – cây đại thụ của ngành lâm nghiệp thì ước tính, Tây Nguyên có ít nhất 1 triệu ha có thể trồng tốt mắc-ca… Do đó, trong một tương lai không xa, mắc-ca sẽ đưa Việt Nam lên một vị trí mới đầy tự hào.

Chính vì vậy, ở nước ta đang lên “cơn sốt” về mắc-ca. Chúng tôi lại rất lo, lo vì bà con quá hưng phấn mà coi nhẹ các khâu kỹ thuật. Cái giá phải trả cho sự bồng bột này có khi rất cao. Vì vậy, xin mọi người hãy hết sức bình tĩnh và thận trọng trong từng khâu của quá trình trồng mắc-ca.

Rất có thể, các đơn vị làm giống mắc-ca tốt hiện nay đã hết cây. Vậy, ta nên chờ và có thể đăng ký với họ cụ thể để có lịch nhận cây. Ta nên bình tĩnh để sau này sẽ có được một vườn mắc-ca tốt. Khi đã có một vườn mắc-ca với giống tốt thì ta hoàn toàn yên tâm tới cuối đời (và cả đời con, cháu nữa) rằng, cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn lên.

Hiện nay có rất nhiều giống mắc-ca từ nhiều nguồn đưa vào Việt Nam. Bộ NN-PTNT cũng đã có những đánh giá và công nhận một số giống được trồng ở nước ta. Tuy nhiên, do yêu cầu quá lớn nên hàng loạt cơ sở làm giống đã bỏ qua các quyết định. Họ vội vã đưa ra các giống mắc-ca mà họ có được để bán cho các nơi. Rất nhiều các sai sót đã bộc lộ…

Chúng ta đều biết, mắc-ca có thể nhân giống bằng hạt, bằng cành giâm hom hoặc bằng phương pháp ghép. Các chuyên gia trên thế giới đều nhất trí là mắc-ca nên được nhân giống bằng phương pháp ghép. Ta chọn các giống mắc-ca tốt để lấy mắt và ghép cho cây làm gốc ghép. Điều quan trọng là đơn vị sản xuất giống phải có vườn đầu dòng tốt, tức là vườn trồng các giống cây tốt để lấy mắt.

Việc này ở nhiều nơi lại không có. Họ lấy mắt ở bất kỳ giống mắc-ca nào mà họ có để ghép thì làm sao đảm bảo giống tốt được. Thậm chí, có nơi còn lấy ngay giống của cây đó để ghép. Lại có đơn vị tạo vết sẹo giả trên cây để coi như là cây ghép… Tất cả các biện pháp đó đều là giả dối, là lừa gạt bà con nông dân. Chúng tôi xin các vị hãy dừng ngay những việc đó. Nó lợi trước mắt cho các vị nhưng hại lâu dài.

Cây mắc-ca có thể sống tới cả 100 năm. Vì vậy, khi ta trồng cây xuống là giữ nó mãi mãi, không thay nữa. Do đó, ta phải chọn cây tốt nhất để trồng. Giống là khâu rất quyết định. Nó sẽ theo suốt cả đời. Do đó, không đi đâu mà vội, ta cứ bình tĩnh chọn cây thật tốt rồi hãy đưa đi trồng.

Muốn có giống tốt, bà con nên đến thăm tận nơi các cơ sở sản xuất giống. Cần kiểm tra xem họ có vườn cây đầu dòng tốt hay không? Họ có lấy mắt ở cây ghép đó để ghép hay không? Họ đã cấp giống cho những nơi nào và nơi đó phát biểu về giống của họ như thế nào?...

Các phòng Nông nghiệp- PTNT và các đơn vị khuyến nông cơ sở nên giúp bà con tìm đúng đơn vị sản xuất mắc-ca tốt. Chúng tôi hi vọng, Sở NN-PTNT ở các tỉnh phải hết sức chú ý tới việc này cho bà con. Ta nên tăng cường kiểm tra và công bố rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng để bà con biết đâu là nơi cung cấp giống mắc-ca tốt.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.