| Hotline: 0983.970.780

Tháng 10 phải bàn giao mặt bằng dự án cầu Nhật Tân

Thứ Tư 21/08/2013 , 08:39 (GMT+7)

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã “chốt” tiến độ chậm nhất trong tháng 10 tới, quận Tây Hồ phải hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư dự án cầu Nhật Tân.

Dự án cầu Nhật Tân phải điều chỉnh tiến độ vì vướng mặt bằng

Để gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ dự án, cầu Nhật Tân Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã “chốt” tiến độ chậm nhất trong tháng 10 quận Tây Hồ phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư công trình để thi công.

Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp chiều nay, (20/8) của Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ họp báo cáo thành phố Hà Nội về công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm gồm Cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu, đường vành đai II đoạn Nhật Tân - Bưởi.

Theo đại diện Ban quản lý dự án 85 (PMU 85, Bộ Giao thông Vận tải), dự án xây dựng cầu Nhật Tân gồm 3 gói thầu, trong đó, gói thầu số 1 và 3 mặt bằng đã được bàn giao đầy đủ và cơ bản sẽ hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2014.

“Tại gói thầu số 2 (bờ Nam thuộc địa phận quận Tây Hồ) hiện đã chậm 8 tháng so với tiến độ hợp đồng ký kết do đến nay vẫn chưa có mặt bằng để thi công,” đại diện Ban Quản lý dự án 85 cho biết.

Theo vị đại diện PMU 85, các nhà thầu đã bị ảnh hưởng đến tiến độ thi công ở nhánh khu vực đảo, đến nay mới chỉ làm được 40/110 block (PV - tường chắn của đường chưa có mặt bằng triển khai) trong khi hạng mục này đòi hỏi thi công với khoảng thời gian 19 tháng.

Báo cáo về những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại dự án cầu Nhật Tân, ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ, cho biết đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn còn 103 hộ gia đình không hợp tác, đồng thời phát sinh thêm 33 hộ chưa phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng.

“103 hộ không hợp tác dù đã phê duyệt phương án dùng hồ sơ quản lý do người dân không đồng tình với giá đền bù,” ông Tuấn cho hay.

Tại cuộc họp, đề cập về thời gian thi công gói thầu số 2 dự án cầu Nhật Tân, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, Hà Nội sẽ làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để xem xét về biện pháp thi công, tăng thời gian làm 3 ca/ngày.

“Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tạo điều kiện tối đa cho đơn vị thi công như xe chở nguyên vật liệu ra vào công trường để rút ngắn tiến độ thi công so với hợp đồng,” Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi khẳng định.

Nhìn nhận công tác giải phóng mặt bằng là khâu khó khăn, phức tạp nhất, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố đã nỗ lực trong giải phóng mặt bằng cho những dự án lớn.

“Đối với cầu Nhật Tân, phần lớn diện tích cần giải phóng mặt bằng đã giải tỏa xong, chỉ còn lại một số ít nhưng cũng tác động đến tiến độ thi công dự án. Vì thế, thành phố sẽ quan tâm, chỉ đạo, hoàn thiện trong thời gian tới,” ông Thảo nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, một số dự án giao thông trọng điểm ở Hà Nội như đường Vành đai 3 có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án thậm chí có giá trị tăng gấp 10 lần so với giá trị xây lắp.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, cơ chế, chính sách thường xuyên có sự thay đổi và một bộ phận người dân không chấp hành nghiêm túc chủ trương, chính sách theo quy định pháp luật.

“Sự vào cuộc của cả hệ thống trong giải phóng mặt bằng còn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, như chủ đầu tư, nhà thầu với chính quyền địa phương,” Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đánh giá.

Để “thúc” công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Uỷ ban Nhân dân quận Tây Hồ chậm nhất trong tháng 9 và tháng 10 phải di dời hơn 154 hộ để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án.

“Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận Tây Hồ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố về tiến độ này,” Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định.

Ngoài ra, vị Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố cũng lưu ý, trong việc tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, các Sở ban ngành phải đảm bảo nguyên tắc nhất quán, công bằng trong cùng một dự án dù có thay đổi như thế nào, không để thiệt thòi, chênh lệch cho những hộ dân đã chấp hành tốt, di dời trước.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng giao Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Nguyễn Văn Khôi có buổi đối thoại với các hộ dân về cơ chế, chính sách để nhân dân hiểu và thực thi.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án 85 cần có điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể với nhà thầu linh hoạt trong việc nơi nào có mặt bằng thì sẽ tiến hành thi công ngay.

Dự án cầu Nhật tân có tổng chiều dài 8,3 km. Phần cầu Nhật Tân dài 3,7 km trong đó có cầu chính vượt sông Hồng dài 1,5 km là cầu dây văn liên tục nhiều nhịp với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Thủ đô chào đón bạn bè quốc tế đến với Hà Nội.

Phần đường dẫn dài 5,4 km trong đó có các nút giao Phú Thượng nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, nút giao Tả Hồng và nút giao Vĩnh Ngọc nằm trên địa bàn huyện Đông Anh. Trên tuyến đường dẫn có cầu sông Thiếp và cầu vượt nút giao Vĩnh Ngọc.

(Vietnam+)

Xem thêm
Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất