| Hotline: 0983.970.780

Tháng 5 ở Trường Sa: Những bài ca viết vội

Thứ Ba 26/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Những sân khấu ngoài trời dưới cái nóng như đổ lửa. Ca sĩ mặc quần jean, áo phông, đi dép bệt, khuôn mặt mộc túa mồ hôi như tắm./ Như đất liền bên cạnh

Có khi, chẳng cần loa đài ầm ĩ, chỉ một cây guitar, đội văn nghệ trẻ vẫn “cháy” hết mình cùng lính đảo.


Ca sĩ Võ Hạ Trâm thể hiện tình cảm quý mến của mình với một cán bộ kiểm ngư

Những ca khúc ra lò trên boong tàu

“Sóng vỗ sóng hòa theo nhịp thân tàu. Lướt sóng lướt gió đi qua mùa bão giông. Mảnh đất nắng gió in hình dấu chân người chiến sĩ. Ánh sáng dẫn lối đi về phía chân trời.Ở đó cát trắng in hình đất nước mình - Việt Nam.

Cùng nhau vượt muôn trùng dương. Cùng vang bài ca tình yêu. Cùng nhau vượt qua ngàn khơi. Cùng vang bài ca quê hương. Trường Sa… thiết tha đảo gọi. Trường Sa… thiết tha biển gọi…”.

Những câu ca thấm đẫm tình yêu biển đảo trong bài hát “Trường Sa gọi” được chàng ca sĩ trẻ Dương Quốc Hưng viết ngay tại con tàu KN - 781 trên hành trình rời Trường Sa về đất liền.

Đây là lần thứ hai anh đến với Trường Sa và cũng là ca khúc thứ hai anh sáng tác về vùng đất thiêng liêng này. Trước đó, anh đã sáng tác và thể hiện rất thành công bài ca “Hát cùng lính đảo”, lấy cảm hứng từ chính trải nghiệm của mình khi lần đầu tiên được hát cùng các chiến sĩ hải quân Trường Sa.

Dương Quốc Hưng chia sẻ: "Những người lính đảo rất trẻ trung, hồn nhiên và yêu đời, nhưng khi trở về vị trí chiến đấu, đối mặt với khó khăn vất vả, họ trở thành những tượng đài mà chẳng có bão táp phong ba nào lay chuyển nổi. Sau giờ làm việc, các anh ca hát, lấy lời ca tiếng nhạc để xua tan cô đơn và nỗi nhớ đất liền. Đó là động lực để tôi sáng tác các ca khúc về biển đảo quê hương, đặc biệt là lính Trường Sa”.

Do ca khúc “Trường Sa gọi” được viết chớp nhoáng trong 2 giờ đồng hồ và biểu diễn ngay trong chương trình văn nghệ ngày hôm đó, vì thế các ca sĩ thể hiện phải luôn bật điện thoại để phòng trường hợp hát sai lời. Trong không gian mênh mông, huyền diệu của sóng biển, sao trời, ca khúc đã lay động tình yêu quê hương đất nước của tất cả các thành viên trong đoàn.

Trong đoàn văn công, nổi bật nhất là ca sĩ Võ Hạ Trâm, một cô gái trẻ lém lỉnh, luôn tếu táo khiến mọi người cười như nắc nẻ. Đặc biệt, sau mỗi tiết mục hát song ca cùng các anh chiến sĩ, câu hỏi quen thuộc của cô là: “Anh có muốn em tặng quà đặc biệt không?”, chỉ chờ bạn diễn đồng ý, cô chủ động đặt nụ hôn lên má người chiến sĩ thật nhẹ nhàng, đằm thắm.

13-00-18_nh-2
Lính đảo Trường Sa luôn lạc quan, yêu đời

Đó là những nụ hôn vượt lên trên tình cảm cá nhân. Nó đại diện cho cử chỉ yêu thương của đất liền với người lính biển nên nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi người. Ít ai có thể ngờ, cô ca sĩ trẻ đã 5 lần ra Trường Sa biểu diễn, trong đó có 2 lần đi bằng trực thăng. Với Trâm, mỗi lần thăm đảo giống như một sự trở về và gặp gỡ những người anh em trong gia đình.

Lắng nghe chuyện đời, ước mơ, khát vọng của những người chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, Hạ Trâm và ca sĩ trẻ Bùi Caroon đã cùng nhau sáng tác ca khúc “Niềm tin vẫn giữ trong ta”, ngay trong chuyến đi này.

Ca từ trong bài hát chính là “lời gan ruột” ẩn sâu trong đáy lòng người nghệ sĩ trẻ đối với những “người anh em” của mình nơi đảo xa: “… Vượt qua bao nỗi lo lắng, niềm tin vẫn giữ trong ta. Đến với Trường Sa, chúng ta anh em một nhà. Những ánh mắt chan chứa tình yêu, gửi bao nhớ nhung đến nơi quê nhà. Anh hi sinh thân mình vì Tổ quốc. Cầm chắc tay súng canh giữ bình yên, dù bao hiểm nguy lòng chẳng hề chi. Biết trong trái tim đang hướng về phía Trường Sa…”.

13-00-18_nh-3
Cháy hết mình cùng lính đảo

Nếu “ca khúc viết vội” của Dương Quốc Hưng đã đánh thức tình yêu quê hương, đất nước đối với người nghe, thì “sáng tác chớp nhoáng” của Hạ Trâm và Bùi Caroon khiến nhiều người rưng rưng nước mắt vì xúc động.

Mang về niềm tin

Rời đảo Song Tử Tây - điểm đặt chân cuối cùng của đoàn công tác, vào buổi chiều tà, hình ảnh những chàng lính hải quân da sạm đen vì cháy nắng, đứng chật kín âu tàu vẫy tay chào tiễn biệt khách trở về đất liền khiến khóe mắt nhiều người cay cay.

Nhánh san hô, viên đá trắng, quả bàng vuông hay đơn giản chỉ là hạt cát trắng nơi đầu sóng… Những kỷ vật từ đảo được các thành viên trong đoàn gói ghém cẩn thận để mang về đất liền. Kèm với đó, còn có một món quà tinh thần được cất giấu trong trái tim, đó là một niềm tin mãnh liệt về những người chiến sĩ đang canh giữ biển trời.

“Chúng ta vẫn thường nói mình ra Trường Sa để động viên nhân dân và chiến sĩ trên đảo, nhưng đặt chân lên vùng đất thiêng nơi đầu sóng mới thấy chính những người lính đảo trẻ tuổi đã dạy cho ta tình yêu Tổ quốc và tinh thần sẵn sàng hi sinh tất cả vì đồng bào máu thịt, vì quê hương tươi đẹp.

13-00-18_nh-4
Đội văn nghệ trẻ hát cho lính đảo Đá Tây nghe chỉ với cây đàn guitar

Ở đảo Đá Tây, Đá Lát, tôi đã thấy những anh lính quanh năm sống trên mỏm đất đi vài bước chân là gặp nước biển. Thế nhưng, suốt buổi trò chuyện, không có bất kỳ một lời ca thán, kêu khổ, trái lại tinh thần lạc quan, yêu đời từ họ đã “truyền lửa” sang tôi. Ngọn lửa ấy, tôi sẽ tiếp tục truyền lại cho các học viên của mình”, TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Trưởng khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ.

Lần đầu ra Trường Sa, nhưng TS Nguyễn Quang Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN-PTNT), có hẳn một kho dữ liệu thông tin về tiềm năng phát triển ngành thủy sản của huyện đảo.

Ông bảo rằng, nếu chọn một sản phẩm chủ lực để phát triển kinh tế của Trường Sa, thì nuôi cá ngừ đại dương là sự lựa chọn số một. Loài cá này phân bố toàn bộ ở vùng biển thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, do đó chúng ta có thể bắt cá giống ngay tại chỗ (trọng lượng mỗi con từ 2-3 kg là đảm bảo sống tốt) và nuôi trong lồng.

Các mô hình nghiên cứu nuôi cá ngừ đại dương của Viện Nghiên cứu Hải sản ở vịnh Vân Phong (Nha Trang) cho thấy, một lồng do Na Uy SX có thể nuôi 200 con cá ngừ. Với tốc độ tăng trọng trung bình 2,5 đến 3 kg/tháng, chỉ cần 1,5 năm có thể đạt trọng lượng khoảng 50 kg (đủ tiêu chuẩn XK sang Nhật). Nguồn thức ăn có thể tận dụng tại chỗ thông qua khai thác cá nục, cá trích...

Hiện tại, Viện Nghiên cứu Hải sản đang hoàn thiện quy trình SX giống cá ngừ đại dương từ cá bố mẹ. Nếu không có gì thay đổi thì tháng 9 tới đây, mẻ cá giống đầu tiên sẽ “trình làng”. Việc đưa cá giống ra Trường Sa nuôi sẽ trở thành cú hích trong phát triển kinh tế biển đảo của Việt Nam.

13-00-18_nh-5
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đi xuồng thăm Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây

Chứng kiến khung cảnh náo nhiệt của hàng trăm tàu thuyền ra vào Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây và âu tàu đảo Song Tử Tây mua nhiên liệu ngang bằng giá đất liền, lương thực thực phẩm và xin nước ngọt để tiếp tục hải trình vươn khơi, bám biển lâu dài, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng rất cảm động và chia sẻ rằng: “Biển này của ta. Trời này của ta. Dù mênh mông bát ngát nhưng với sự hậu thuẫn đắc lực của các Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá và âu tàu, hàng vạn ngư dân - “cột mốc sống” chủ quyền trên biển, sẽ cùng các chiến sĩ hải quân gìn giữ vẹn toàn vùng biển, vùng trời của Tổ quốc”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.