| Hotline: 0983.970.780

Tháng Ba nơi đôi bờ sông Mã: Nỗi buồn mùa hoa ban

Thứ Tư 08/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Tháng Ba, hoa ban đón nắng bật tung cánh, phủ trắng cả núi rừng Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên). Nhìn cánh ban rừng, những người “gieo” con chữ vùng cao lại thở dài: “Lại đến mùa học sinh bỏ học lên nương!”./ Bi kịch 'đốt mùng'

“Chi pâu, chi pâu”

Xã Chiềng Sơ có hai điểm trường thuộc vùng xa xôi, khó khăn nhất là Háng Tầu và Thẩm Chẩu. Trong đó, Thẩm Chẩu nằm chót vót trên đỉnh núi, địa hình hiểm trở, người dân gần như sống tách biệt.

Sáng sớm, tôi lại cùng Thuấn - người phiên dịch viên bất đắc dĩ khoác ba lô lên Thẩm Chẩu. Từ trung tâm xã, chỉ được một đoạn ngắn trải nhựa, còn lại toàn đường đất, đá lởm chởm. Cả đoạn đường 20 cây số, gần như không một bóng người qua lại.

Gần hai tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đặt chân tới bản Thẩm Chẩu. Đồng bào sinh sống ở đây trên 90% là người dân tộc Mông. Điểm trường Thẩm Chẩu nằm chênh vênh trên quả đồi, sau một khúc cua tay áo. Thấy có khách, các thầy cô ngưng giảng bài chạy ra đón.

Giữa núi rừng heo hút, đón chúng tôi là ba giáo viên còn khá trẻ. Cô Lò Thị Thơm, sinh năm 1986, lên “cắm bản” từ năm 2009. Thầy Lò Văn Quỳnh, sinh năm 1987 lên nhận công tác được 2 năm. Trẻ nhất là cô giáo Cà Thị Biên, sinh năm 1990, năm đầu tiên về Thẩm Chẩu “gõ đầu trẻ”. Cả ba đều là người dân tộc Thái.

Có ba giáo viên nên phải đảm nhiệm dạy từ mầm non cho tới trung học cơ sở. Sĩ số “chuẩn” 35 trẻ nhưng gần như chưa bao giờ có một buổi học đủ. Lớp 1 được 7 học sinh, lớp 2 được duy nhất 1 em.

Nhiệm vụ đầu tiên của các thầy cô là dạy cho các em biết đọc và viết chữ phổ thông. Cô Thơm bảo, dạy mãi cũng không ăn thua. Cứ nay nhớ mai quên, hỏi cái gì các em cũng “chi pâu, chi pâu” (không biết). Hết cách, các thầy cô đành phải học tiếng Mông.

“Không giao tiếp, không nói chuyện được thì dạy các em không hiểu. Bắt buộc chúng tôi phải học tiếng Mông để trò chuyện. Giờ giao tiếp với các em, lúc tiếng Kinh, lúc tiếng Mông, pha ít tiếng Thái kết hợp khua múa chân tay thì các em mới hiểu được”, cô Lò Thị Thơm giãi bày.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Điện Biên Đông, chia sẻ, Chiềng Sơ là xã đặc biệt khó khăn của huyện. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 42,7%. Chiềng Sơ “đầu bảng” với trên 51% hộ nghèo. Mặc dù, đã được đầu tư khá nhiều nhưng mới chỉ được một góc độ nhỏ nào đó.

Lần đầu tiên về nhận công tác, cô giáo trẻ Cà Thị Biên cả tuần khóc ròng. Không phải vì nhớ nhà mà vì dạy mãi học sinh không hiểu. Để khắc phục, cô Biên cắp sách vở đi học tiếng Mông. “Ngoài việc học từ các em, hôm nào rảnh rỗi, tụi em xuống bản trò chuyện cùng người dân. Vừa học tiếng nói lại có thể hiểu thêm văn hóa, tập quán của họ hơn”. Và giờ thì, cả trường nói tiếng Mông.

Chung một ngày sinh

“Khi mới về đây, tôi rất bất ngờ vì nhiều em không hề có giấy khai sinh. Hỏi phụ huynh, con sinh ngày tháng bao nhiêu, tất cả đều lắc đầu. Cá biệt, có hộ còn bảo: "Con tao sinh cùng với con nhà kia đấy, cô giáo sang nhà đó mà hỏi”, cô giáo Thơm thở dài.

Không có giấy khai sinh thì không thể nhập học. Cô Thơm lại băng rừng xuống trung tâm xã “cầu cứu”. Cuối cùng, xã cũng đồng ý làm giấy khai sinh cho những học sinh này.

Mùa hoa ban, thôi thì lấy tháng Ba làm chuẩn. Cứ “phết” hết vào giấy khai sinh cho các em sinh cùng một ngày 1/3 cho dễ nhớ. Có nhà được hỏi thì phụ huynh bảo, tùy cô giáo, ngày nào cũng được miễn là đẹp đẹp. Thế là ngoài ngày 1/3, rất nhiều em có chung ngày sinh là 1/1.

Anh chàng Lầu Lỏ Xá (SN 1986) cười vui khi tôi hỏi chuyện vợ con. “Tao sinh được 7 đứa thôi. Lấy vợ năm 2002 rồi sinh con luôn. Một đứa mới đẻ cuối năm ngoái. Nhà nghèo lắm, một năm làm được 50 bao thóc, chỉ đủ ăn thôi”.

Tôi bảo, anh đọc tên từng đứa, sinh năm bao nhiêu được không? Xá lẩm nhẩm một lúc rồi ngồi thừ mặt: “Thôi tao chẳng đếm nữa đâu. Nhớ làm sao được, đau đầu lắm”, chúng tôi cười nghiêng ngả.

13-30-05_2
Giàng Thị Mua chỉ nhớ con sinh vào mùa hoa ban, vụ ngô, vụ sắn…

Ông Lò Minh Xuyên cho biết, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi được đến trường là trên 90%. Nhưng cứ đến tháng Ba- “mùa bỏ học” thì có lớp còn một nửa học sinh. Đến hẹn, năm nào xã, nhà trường cùng đi vận động như năm sau lại y như vậy.

Vợ Xá là Giàng Thị Mua (SN 1984) cũng chẳng nhớ nổi tên, ngày tháng năm sinh của các con. Ngoài mùa hoa ban, Mua còn nhớ có đứa sinh vào vụ trồng sắn, đứa sinh vào vụ thu hoạch ngô...

Anh trai Xá là Lầu Xay Chu (SN 1980) đang nắm giữ “kỷ lục” của bản khi sinh tới 10 đứa con. Tôi trêu: “Thế có muốn phá kỷ lục đó không?”. Xá lắc đầu, xua tay: “Chịu thôi”.

“Cuộc chiến” giành học sinh

Một ngày mới của ba giáo viên ở Thẩm Chẩu đôi khi không bắt đầu bằng việc lên lớp mà… xách cặp lên nương.

Buổi nào học sinh nghỉ nhiều, y như rằng từ tờ mờ sáng hôm sau các thầy cô lại phải đến tận nhà vận động. Phải đi từ 5 giờ sáng vì tập quán người Mông đi nương từ rất sớm. Ấy vậy, học sinh vẫn dạ vâng rồi mất hút.

13-30-05_4
Thầy giáo Vi Văn Phương đến từng nhà vận động học sinh đi học

“Tranh thủ buổi trưa chúng tôi cũng đi tìm học sinh. Không chỉ vào nhà mà lên cả nương. Nhưng thấy bóng dáng thầy cô từ xa là tụi nó chạy thục mạng lên rừng. Thậm chí, chưa cần nhìn, nghe tiếng xe máy chúng cũng nhận ra rồi bỏ chạy”, cô Thơm kể.

Thầy Lò Văn Quỳnh thì kể, có hôm đến nhà, phụ huynh bảo, nó vẫn đi học đều mà. Rình mãi, hóa ra học trò mình đi được nửa đường thì nhảy tót lên lưng trâu vào rừng chơi với bạn, tối cắp cặp về.

Không riêng bản xa, ngay trung tâm xã, các thầy cô ngày nào cũng phải “bắt cóc” học sinh. Ông Lò Minh Xuyên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, bảo, mới hôm qua chúng tôi thành lập đoàn đi từng bản vận động các gia đình cho con em đi học. Cả tôi, Phó Chủ tịch xã, Hiệu trưởng các trường đều phải đi. Mà không cần đâu, anh cứ lên bản nào mùa này cũng gặp thôi mà.

Quả đúng vậy, vừa đặt chân tới bản Kéo Đứa, tôi đã gặp thầy giáo Vi Văn Phương và cô Trần Thị Tình (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chiềng Sơ) đang đi “bắt” học sinh.

Thầy Phương cho biết, em Vi Văn Long (lớp 6) từ tết tới giờ không đến lớp. Ngày 2 buổi, phải đến tận nhà vận động nhưng không được. Tôi hỏi bố Long, anh Vi Văn Va (SN 1982), thế cháu Long đi đâu rồi? Đứng trên cầu thang, anh Va chỉ tay sang ngôi nhà bên kia dốc: “Nó kia kìa”. Cô Tình mồ hôi nhễ nhại chạy sang. Thấy có “động”, Long luồn cửa sau chạy tót lên đồi.

“Các em đi học được miễn phí hoàn toàn, có chỗ ăn, chỗ ngủ vậy mà vẫn không chịu đi học. Chúng tôi cũng chỉ biết đến từng nhà khuyên nhủ các em, vận động phụ huynh cho em tới trường thôi. Mình chỉ nói chứ không ép buộc họ được”, cô Tình giọng buồn buồn.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.