| Hotline: 0983.970.780

Thắng đậm mùa tôm

Thứ Ba 19/07/2011 , 10:51 (GMT+7)

Ở Hà Tĩnh, nghề nuôi tôm đang phất lên như diều được gió, nhờ thực hiện mô hình nuôi tôm trên ao đất lót bạt.

Mấy năm lại đây, nhiều doanh nghiệp và bà con nông dân nuôi tôm ở các tỉnh Bắc Trung bộ thường gặp thất bại. Thế nhưng, ở Hà Tĩnh nghề nuôi tôm lại phất lên như diều được gió, nhờ thực hiện mô hình nuôi tôm trên ao đất lót bạt. Từ sáng kiến này, dân nuôi tôm Hà Tĩnh giàu nhanh như thổi. 

Từ nuôi tôm trên cát

Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích bà con nông dân đầu tư khai thác hết tiềm năng lợi thế biển, như nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao cát lót bạt. Sau thất bại thảm hại của đại dự án nuôi tôm Việt Mỹ, các hộ nuôi trồng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để từ đó thực hiện thành công mô hình này.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Hà Tĩnh cho biết: “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở Hà Tĩnh đã thành công từ nhiều năm nay. Hiện toàn tỉnh có 45 ha nuôi tôm trên ao cát lót bạt; mô hình SX này có thể nuôi 3 vụ/năm; năng suất đạt từ 13-20 tấn/ha, doanh thu bình quân 2,5- 3 tỷ/ha. Điều đặc biệt mô hình nuôi tôm trên ao cát lót bạt không những cho năng suất cao mà hạn chế được rủi ro dịch bệnh”.

Nhân ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi được ông Hoàng dẫn đi thực tế dọc theo bờ biển Hà Tĩnh với chiều dài hơn trăm cây số từ Đèo Ngang, huyện Kỳ Anh qua Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà ra mãi huyện Nghi Xuân. Đi đâu đến đâu ở các vùng biển ngang này chúng tôi đều bắt gặp những mô hình nuôi tôm trên cát, trên đầm hồ.

Ông Hồ Quang Dũng, một hộ nuôi tôm ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân phấn khởi: “Đây là năm thứ 2 gia đình tôi nuôi tôm trên ao cát lót bạt. Sau 2 năm nuôi tôm bằng công nghệ này, hiệu quả kinh tế mà con tôm mang lại cho gia đình tôi có thể nói là không có nghề SX nông nghiệp nào bằng, bởi năng suất thu hoạch bình quân luôn đạt từ 15-17 tấn/ha/vụ; doanh thu đạt 3-4 tỷ đồng/ha. Mỗi năm tôi nuôi 3 vụ trên tổng diện tích 3 ha cho thu trên dưới 10 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí tôi còn lãi ròng hơn 4 tỷ đồng/năm”.

Mô hình nuôi tôm trên ao cát lót bạt đã giải quyết vấn đề việc làm cho hàng trăm lao động trong vùng, có thu nhập đạt từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Rời Nghi Xuân, chúng tôi trở lại Thạch Hà, nơi mà dư âm vẫn còn đó về thất bại của Cty Việt Mỹ. Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở TP Hà Tĩnh, hộ đã mạnh dạn bỏ phố xuống biển để đầu tư nuôi tôm trên diện tích 20 ha, vùng đất tiếp nhận lại từ Cty Việt Mỹ chuyển giao. Chị Hạnh tâm sự, 3 năm lần mò vay mượn để thực hiện nghề nuôi tôm trên cát, tiếp sau vết đổ của một Cty lớn bị thất bại, nhờ được sự quan tâm của tỉnh, huyện và địa phương, đặc biệt sự quan tâm của các nhà khoa học hướng dẫn cách nuôi cũng như cách chọn con giống, nên năng suất tôm mỗi vụ thu hoạch của gia đình chị đạt từ 15 tấn/ha, tổng doanh thu bình quân đạt từ 35-40 tỷ đồng/2 vụ/năm, trừ tất cả chi phí còn lãi ròng từ 10-15 tỷ đồng/năm.

Chị Hạnh khiêm tốn nói với chúng tôi: “Nhờ nuôi tôm mà gia đình tôi mua sắm được xe ô tô, xây được nhà, có tiền nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn”. Nghề nuôi tôm đúng là một nghề hốt bạc bạc tỷ ở Hà Tĩnh hiện nay.

Đến nuôi trên ao đất lót bạt

Thành công của mô hình nuôi tôm trên cát lót bạt đã tạo tiền đề cho mô hình nuôi tôm trên ao đất lót bạt (ao đất vỗ bờ và đáy ao bằng xi măng) thực hiện thành công. Theo ông Hoàng, nuôi tôm trên ao đất lót bạt tuy năng suất đạt không cao bằng nuôi tôm trên ao cát lót bạt nhưng mô hình này ưu thế hơn ở chỗ: quỹ đất vùng ven bãi triều dồi dào; quy trình nuôi nghiêm ngặt, ao nuôi được lót bạt cả đáy và bờ bên, có ao chứa lắng nên hạn chế được lượng nước thất thoát gây ô nhiễm môi trường, giảm tối đa việc phát sinh và lây lan dịch bệnh trên tôm.

Đặc biệt ao nuôi có lưới chắn nên tránh được các vật chủ trung gian gây bệnh như cua, còng, ốc, ếch, nhái... hơn nữa chi phí đầu tư cho mô hình này lại thấp hơn so với mô hình nuôi tôm trên ao cát lót bạt.

Được biết hiện nay ở Hà Tĩnh, mô hình nuôi tôm trên ao đất lót bạt được mở rộng trên diện tích 30ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh..., bình quân năng suất đạt từ 5-8 tấn/ha/vụ và có thể nuôi 2-3 vụ/năm.

Về xã Hộ Độ của huyện Lộc Hà, gặp ông Nguyễn Trọng Mại, hộ nuôi tôm nổi tiếng trong vùng, đúng lúc ông đang chỉ đạo công nhân thu hoạch vụ tôm đại thắng này, vừa chỉ huy “mặt trận” vừa nói với chúng tôi: “Sau 2 năm đầu tư nuôi tôm theo mô hình ao đất lót bạt, tôi thấy đây là một hình nuôi mới đối với nông dân chúng tôi, không những tận dụng được quỹ đất, dễ làm mà hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp chục lần so với việc nuôi trồng các loài thủy hải sản trước đây”.

Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh: 

Để mô hình nuôi tôm trên ao đất lót bạt phát triển một cách bền vững chúng tôi đề nghị Trung ương, tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tôm tập trung; huy động từ các chương trình dự án đầu tư, nâng cấp hệ thống điện, kênh mương cấp thoát nước chính, bờ bao, đường giao thông... tại các vùng nuôi đang gặp phải khó khăn; tạo điều kiện hỗ trợ KHKT, nguồn vốn vay cho bà con giúp họ có điều kiện phát triển nghề nuôi tôm, phát triển bền vững ngành NTTS trên địa bàn, góp phần sớm đưa Hà Tĩnh thoát nghèo.

Được biết, nhà ông Mại thuê 10ha diện tích nuôi tôm theo hình thức cuốn chiếu, bình quân năng suất thu hoạch đạt 7 tấn/ha/vụ, mỗi năm gia đình ông thả 2 vụ, theo giá hiện tại mỗi kg tôm thương phẩm bán ra 100.000 đồng, tổng thu đạt trên dưới 15 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, gia đình ông còn lãi ròng trên 5 tỷ đồng/năm.

Những chuyện mắt thấy tai nghe, chúng tôi thực sự ghi nhận, cho dù mấy năm trở lại đây, ở đâu đó thất bại về nghề nuôi tôm nhưng ngược lại ở Hà Tĩnh, sau 3 năm thực hiện công nghệ nuôi tôm trên ao cát và ao đất lót bạt luôn thắng to, thắng đậm.

Đánh giá về mô hình nuôi tôm trên ao lót bạt, ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN- PTNT Hà Tĩnh cho rằng: “Mô hình nuôi tôm trên ao cát lót bạt đã được triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh cách đây nhiều năm nhưng nuôi tôm trên ao đất lót bạt thì chỉ mới phát triển từ 2-3 năm trở lại đây. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng diện tích nuôi tôm 2.232ha, năng suất bình quân đạt trên dưới 1 tấn/ha. Vì thế nên Hà Tĩnh đang tích cực đưa số diện tích này vào áp dụng nuôi theo công nghệ nuôi tôm trên ao đất lót bạt".

Đây là một công nghệ nuôi mới, phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai ở cả vùng đất cát và vùng ven bãi triều; cho năng suất vượt trội; giảm thiểu được rủi ro khi SX, tăng năng suất trên đơn vị diện tích; đồng thời giải quyết việc làm ổn định có thu nhập cho một số lượng lớn lao động. "Nếu Hà Tĩnh chúng tôi chuyển đổi được một nửa số diện tích nói trên nuôi trồng theo mô hình này thì vài năm tới sản lượng tôm thu hoạnh mỗi năm sẽ đạt từ 15-20 ngàn tấn", ông Đặng Ngọc Sơn nói.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.