| Hotline: 0983.970.780

Thanh Chương - nơi đặt nền móng cây cao su trên quê Bác

Thứ Hai 17/05/2010 , 10:13 (GMT+7)

Tin tưởng một ngày không xa nữa, cây cao su sẽ phát triển mạnh mẽ trên đất Nghệ An, mà trước mắt là ở huyện Thanh Chương...

Đoàn khảo sát kiểm tra bản đồ quy hoạch trồng cao su tại huyện Thanh Chương

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành cao su Việt Nam phấn đấu đến năm 2015 đạt diện tích 1 triệu ha cao su trên cả nước.

Với cây cao su, Nghệ An là tỉnh “đi trước về sau”. Do nhiều lý do khách quan, chủ quan nên mặc dù thành lập đã gần 3 năm nay nhưng mãi đến nay Cty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An mới tìm được hướng đi. 

Tuy nhiên, chậm mà chắc bởi Nghệ An đang phát triển phát triển cây cao su bằng quyết tâm của cả bộ máy chính trị từ tỉnh xuống huyện, xã với sự đồng thuận của cấp ngành cũng như nhân dân các địa phương. Thời gian tới, 10 nghìn ha đất vừa được UBND tỉnh Nghệ An giao sẽ được Cty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An phủ đầy ắp một màu xanh.

Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Hồ Xuân Hùng cho rằng, ý tưởng phát triển cây cao su trên đất Nghệ An đã được nhen nhóm từ lâu, nhưng đến nay Nghệ An mới thực sự vào cuộc quyết liệt. Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đang tham mưu cho UBND tỉnh tận dụng đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và các vùng đất lâm nghiệp kém hiệu quả chuyển sang trồng cao su.

Ngoài diện tích này tỉnh còn có hàng chục nghìn ha đất dành chỗ cho cây cao su. Nếu theo phương án tỉnh đề ra từ nay đến 2015 Nghệ An trồng được 20 nghìn ha cao su, sau 6 năm đưa vào khai thác thì giá trị kinh tế từ cây cao su đưa lại ít có nguồn thu nào trên địa bàn sánh nổi. Lúc đó nông dân sẽ giàu lên, hàng vạn lao động ở nông thôn nghèo khó sẽ có thu nhập ổn định, mọi công trình cơ sở hạ tầng nông thôn sẽ hoàn thiện hơn. "Vì lẽ đó, theo tôi bản tính của người xứ Nghệ bao giờ cũng chậm mà chắc, nhưng đã nói là làm. Từ những quyết tâm trên chắc chắn cây cao su sẽ sớm bén rễ, phát triển mạnh mẽ trên xứ Nghệ"- Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng nói.

Xung quanh những trăn trở trong việc phát triển cây cao su ở Nghệ An, ông Lê Quang Thung- Quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CNCSVN khẳng định, Tập đoàn kiên quyết không phá rừng để lấy đất trồng cao su mà chủ trương đặt ra là luôn phối hợp với chặt chẽ cùng với các địa phương nhằm tận dụng tối đa các vùng đất đã được quy hoạch để đưa vào phát triển cây cao su. Là người trong cuộc, những người làm viêc trong Tập đoàn hiểu rất rõ giá trị kinh tế mà cây cao su đưa lại, hiệu quả của nó thiết thực hơn so với các loại cây khác mà bấy lâu nay nông dân các địa phương vẫn thường trồng.

Ông Thung lấy ví dụ, 1 ha trồng cây nguyên liệu kể từ lúc trồng xuống mất đến 7 năm mới cho thu hoạch mà giá trị kinh tế đưa lại thấp, trong lúc đó nếu trồng cao su, đến năm thứ 7 trở đi sẽ cho thu hoạch, kéo dài từ 25-30 năm, nếu tính giá trị kinh tế hiện nay, mỗi ha cao su đến kỳ thu hoạch mủ cho năng suất đạt từ 1,8 tấn/năm và với giá mủ cao su 60 triệu/tấn, ta có thể thấy giá trị kinh tế cây cao su đưa lại cao hơn gấp nhiều lần so với trồng các loại cây trồng nguyên liệu khác. Sau 20-30 năm hết tuổi khai thác để tiếp tục trồng mới, chúng ta còn thu hoạch được một khoản tiền khá lớn từ khai thác gỗ cao su xuất khẩu. Ngoài ra, cao su đi đến đâu thì hạ tầng cơ sở nông thôn được đầu tư theo đến đấy.

Để hoạch định hướng đi cho cây cao su trên đất Nghệ An, mới đây trong cuộc họp báo do UBND tỉnh Nghệ An và Tập đoàn CNCSVN phối hợp tổ chức, báo cáo của Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An, ông Phạm Trung Thái khẳng định: “Chúng tôi đã tập hợp đầy đủ các “binh chủng” để khi được giao đất, bất kỳ lúc nào và ở nơi nào chúng tôi sẽ tổ chức làm ngay”. Còn bà Võ Thị Hồng Lam – Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, người đầu tiên đứng lên kêu gọi các tập thể, cá nhân trong huyện góp đất cho tỉnh để trồng cao su nói: “Sau khi rà soát, Anh Sơn có quỹ đất đúng đối tượng chuyển đổi còn hơn 7.000 ha. Đảng bộ, nhân dân Anh Sơn rất đồng tình với chủ trương phát triển cây cao su trên địa phương mình. Vì thế, nếu tỉnh cho phép chuyển đổi từ các diện tích đất lâm nghiệp SX kém hiệu quả, đất rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su, chẳng bao lâu nữa Anh Sơn sẽ trở có những cánh rừng cao su bạt ngàn".

Tin tưởng một ngày không xa nữa, cây cao su sẽ phát triển mạnh mẽ trên đất Nghệ An, mà trước mắt là ở huyện Thanh Chương. Còn Anh Sơn, nơi hứa hẹn một “thủ phủ cao su” sẽ kế tiếp Thanh Chương, sau đó là các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Qùy Hợp... Rồi đây cây cao su sẽ mọc lên như nấm trên xứ Nghệ.

Minh chứng cho sự đồng tình, ủng hộ dự án trồng cao su trên xứ Nghệ, ngày 12/5 tại huyện Thanh Chương ông Lê Cao Bính – Chủ tịch UBND huyện này đã ký Quyết định số 1239/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng ĐBGPMB dự án trồng cao su trên đất Thanh Chương với tổng diện tích 1.600 ha. Trong buổi ra mắt Hội đồng, tỉnh, huyện, xã và đông đảo nhân dân tỏ rõ quyết tâm đưa cây cao su về Thanh Chương trồng trong thời gian sớm nhất. Theo ông Nguyễn Thanh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương kiêm Chủ tịch Hội đồng ĐBGPMB dự án cao su thì để trồng được cao su sớm nhất tất cả các ban ngành trong huyện từ nay đến đầu tháng 7 tới phải giải phóng cho bằng được 700-800 ha đất bàn giao cho Cty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đưa vào khai hoang, kịp tiến độ trồng mới trong vụ thu đông tới để cuối năm 2010 cả huyện Thanh Chương sẽ đạt 800 ha cao su trồng mới, ghi dấu thành công thực hiện dự án trồng cao su trên đất xứ Nghệ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đình Chi đã kịp thời giao các ngành chức năng và các địa phương liên quan cùng phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết nhanh chóng những trở ngại, nhất là các vướng mắc về đất đai để vụ thu đông tới toàn tỉnh trồng cho bằng được hơn 3 nghìn ha cao su đứng. Bên cạnh đó phải khẩn trương thực hiện chuyển đổi số diện tích đất rừng tự nhiên kém hiệu quả và rừng sản xuất sang để trồng cao su kịp thời vụ. Cũng theo ông Chi phong trào trồng cao su trên đất Nghệ An sẽ trở thành cuộc cách mạng lớn. Vì thế tinh thần vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh và các huyện, xã nằm trong vùng quy hoạch dự án là rất đang ghi nhận.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.