| Hotline: 0983.970.780

Thành công nhờ công chúng

Thứ Hai 27/02/2012 , 11:57 (GMT+7)

Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Bình Điền lần 6 diễn ra tại Hậu Giang; năm nay đội chủ nhà VTV Bình Điền Long An vẫn chứng tỏ đẳng cấp của mình...

Ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty Phân bón Bình Điền

Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Bình Điền lần 6 diễn ra tại Hậu Giang; năm nay đội chủ nhà VTV Bình Điền Long An vẫn chứng tỏ đẳng cấp của mình. NNVN đã có cuộc trò chuyện với ông bầu “mát tay” Lê Quốc Phong, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty Phân bón Bình Điền.

Năm 2004, khi Cty Dệt Long An phá sản, đội bóng phải chuyển về Sở TDTT Long An trong trạng thái rệu rã mà ông lại dám nhận về. Đấy có phải là sự phiêu lưu của ông muốn thử sức ở lĩnh vực thể thao?

Không. Khi ấy bạn bè cũng có nhiều người cản nhưng tôi lại nghĩ đây là một thời cơ để Phân bón Đầu Trâu có điều kiện phục vụ nông dân nhiều hơn. Tôi đi nhiều và thấy nông thôn mình chỉ có 2 trò thể thao giải trí, một là bóng đá và hai là bóng chuyền. Bóng đá thì hấp dẫn hơn nhưng để có một sân bóng đá thì không dễ, trong lúc sân bóng chuyền thì phổ biến tận thôn. Sau khi tổ chức lại đội bóng, tôi đưa về quê đấu giao hữu. Tháng 6, đất Quảng Trị nắng chang chang, trận đấu bắt đầu từ 4 giờ 30 chiều mà mới 2 giờ bà con đã kéo đến chật ních, trong đó có cả những cụ già râu tóc đã bạc phơ. Hình ảnh đấy càng củng cố thêm nhận thức và quyết tâm, đến ngày hôm nay vẫn vậy.

Đến với nông dân, phục vụ nông dân là muốn nói đến phong trào nhưng đội bóng của ông lại là đội hạng mạnh, giải ông tổ chức là đỉnh cao bóng chuyền của khu vực. Vậy liệu điều này có gì mâu thuẫn?

Muốn “dụ” được, muốn phát triển được phong trào thì hình mẫu mình đưa ra càng đẹp càng tốt. Mặt khác tôi có được may mắn là thừa kế được một đội bóng giàu truyền thống. Đội bóng Dệt Long An từng nhất nhì quốc gia nhiều năm liền trong thập niên 90 (TK XX). Tuy nhiên đội bóng Bình Điền – Long An cũng chỉ trở lại đỉnh cao thực sự khi có VTV tiếp sức trở thành đội VTV Bình Điền Long An.

Tôi truyền tinh thần phục vụ công chúng cho cầu thủ và huấn luyện viên bằng những việc rất cụ thể, tỷ như khi bước vào mỗi giải đấu tôi chưa lúc nào giao chỉ tiêu cho đội là phải đoạt hạng nhất, hạng nhì mà chỉ yêu cầu là 1 trong 4 đội vào bán kết, cái mà tôi yêu cầu cao nhất là phải FairPlay, phải thi đấu hết mình để phục vụ khán giả. Các cầu thủ hiểu và đã thực hiện khá tốt, đội VTV Bình Điền Long An được công chúng yêu mến và cổ vũ nồng nhiệt như hiện nay không hẳn vì thành tích cao mà chủ yếu là về phong cách và thực sự đã tạo nên dấu ấn riêng.

Có thể nói ông là ông bầu thành công nhất trong lĩnh vực thể thao, trong lúc các doanh nghiệp khác đầu tư nhiều công sức và tiền bạc hơn ông nhiều lần nhưng chưa thành công, tỷ như bóng đá chẳng hạn. Ông có suy nghĩ gì?

Qua báo chí tôi cũng hình dung ra được công sức và các khoản đầu tư to lớn mà các ông bầu đã bỏ ra cho bóng đá và những thành quả mà các ông bầu gặt hái được. Theo tôi, họ chưa thành công vì mục tiêu của họ chưa thật sự vì công chúng, vì bóng đá. Chính vì áp lực lợi ích của doanh nghiệp mà họ đã đẩy giá chuyển nhượng cầu thủ lên cao một cách giả tạo, trả lương, treo thưởng rất lớn sau mỗi trận đấu. Hệ lụy là động cơ thi đấu của cầu thủ là vì tiền chứ không vì bóng đá, vì công chúng.

Vì tiền, vì cuộc sống cho bản thân và gia đình là một trong những động cơ phát triển. Với các cầu thủ VTV Bình Điền – Long An, ông xử lý vấn đề này như thế nào?

Tôi rất ủng hộ người lao động nói chung và cầu thủ nói riêng có thu nhập cao, nhưng đấy phải là thu nhập tương xứng với giá trị mà người đó mang đến. Với cầu thủ VTV Bình Điền Long An, mức lương của các cầu thủ trụ cột như Seni, Ngọc Hoa khoảng 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra họ còn được thưởng của các nhà tài trợ khác. Khi các cầu thủ đã lớn tuổi, giải nghệ chúng tôi đều bố trí họ việc làm trở thành cán bộ nhân viên của Cty.

Các biển quảng cáo trên sân (nhà tài trợ phụ) hầu hết là các doanh nghiệp phân bón, bạn bè của ông. Thế liệu khi ông nghỉ hưu thì tương lai của đội bóng như thế nào?

Còn tùy thuộc vào người kế nhiệm. Tuy nhiên tôi tin rằng với đà này thì không ai dại gì mà buông đội bóng.

Ông có nghĩ rằng ông đã làm được gì cho nền bóng chuyền Việt Nam?

Không. Tôi và đội bóng của tôi chỉ góp cho bóng chuyền một phong cách, một dấu ấn mang tên Phân bón Bình Điền đấy là cống hiến đến trái bóng cuối cùng trong từng trận đấu.

Xem thêm
Giáo sư Tô Ngọc Thanh trọn đời tâm huyết văn hóa dân gian

Giáo sư Tô Ngọc Thanh, một nhân vật tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian, vừa qua đời ở tuổi 90 vào sáng 24/4 tại Hà Nội.

Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.