| Hotline: 0983.970.780

"Thánh địa" trăn núi

Thứ Hai 08/10/2012 , 10:01 (GMT+7)

Trải qua sự đổi thay của thời gian nhưng ở mảnh đất Pha Luông vẫn còn lưu giữ được vẻ hoang sơ của núi rừng Tây Bắc.

Trong bài thơ "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng có hai câu thơ nói về đỉnh Pha Luông: “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Trải qua sự đổi thay của thời gian nhưng ở mảnh đất Pha Luông vẫn còn lưu giữ được vẻ hoang sơ của núi rừng Tây Bắc. 

"Thánh địa" trăn núi

Chúng tôi gọi như vậy bởi nhiều người đã tận mắt chứng kiến trăn nặng vài chục kg, đứng cách nó vài mét nhưng trăn không tấn công. Hiện số lượng bao nhiêu không ai biết được nhưng có một thực tế mỗi ngày có rất nhiều thợ săn kéo về đây săn bắt nhưng không có một cơ quan chức năng nào đứng ra bảo vệ, khiến cho số lượng trăn suy giảm. 

Săn trăn

Từ thị trấn Mộc Châu (Sơn La), chúng tôi theo tỉnh lộ vào đến xã Chiềng Sơn thì đỉnh núi Pha Luông (cao gần 2.000m) lộ diện. Hỏi thăm người dân đường đến đỉnh núi thì được trả lời rằng, đi 40km nữa mới tới. Núi Pha Luông kéo dài từ Chiềng Sơn lần lượt qua các xã Chiềng Xuân, Xuân Nha và Tân Xuân.

Theo con đường nhựa vượt đèo xuống suối, chúng tôi có mặt tại trạm biên phòng Xuân Nha, thuộc Đồn biên phòng Xuân Nha. Khi hỏi các chiến sĩ về vùng đất Pha Luông thì hé mở nhiều câu chuyện thú vị và lần theo lời kể đó, chúng tôi tìm tới. Câu chuyện đầu tiên là thánh địa trăn núi thuộc hang Hằng ở bản Thỉn, xã Xuân Nha, huyện Mộc Châu.

Có mặt tại đây, chúng tôi ghé vào một quán nước, chưa dứt lời hỏi thăm về hang trăn thì người dân bản Thỉn đang bàn tán sôi nổi rằng: Đêm qua trăn về “ăn trộm” mấy con gà nhà bà Vì Thị Chuẩn rồi sau đó vào hang.

Câu chuyện được người dân tiếp tục thì chúng tôi cắt lời với ý muốn vào hang khám phá, cùng lúc cụ Vì Văn Hoàn (70 tuổi) lên tiếng: Các chú vào thăm cũng dễ nhưng cần phải có người dẫn đường, hang rộng lắm, lại nhiều lối đi, nếu không biết sẽ lạc mất. Phần nữa, gặp trăn thì không sao chứ gặp phải rắn hổ mang thì bỏ mạng ở trong đó như chơi.

Với mong muốn được khám phá hang Hằng, em Vì Văn Quang (SN 1995) xung phong dẫn đường. Quang cho hay, em đã vào hang Hằng nhiều rồi và đã không ít lần gặp trăn. Trăn ở đó hiền lắm, gặp chúng, có thể chạm tay vào được.


Đường xuống hang Hằng

Tiếp lời, Quang nói: Các anh phải sắm mỗi người một đèn pin chứ vào trong hang tối mịt, trong khi trăn nằm lăn lóc trên đường đi, rất dễ dẫm phải chúng.

Cuộc hành trình bắt đầu từ trung tâm bản Thỉn, chúng tôi leo núi gần 1km đã có mặt tại cửa hang. Hang Hằng nằm sâu trong đỉnh núi cùng tên. Từ cửa hang, chúng tôi phải vác hai cây gỗ dài 5m để làm thang xuống, bước xuống cửa hang giống như màn đêm, trời tối mịt nếu thiếu những ánh sáng đèn pin dọi tìm đường.

Đèn dọi đến đâu những khối thạch nhũ hiện lên với những gam màu rực rỡ khiến ai cũng phải ngắm nhìn. Vừa xuống hang được mấy chục mét thì một đồng nghiệp đi cùng hét lên "trăn, trăn…" thì được Quang trấn an: Nói bé thôi không nó chạy mất. Các anh đừng sợ, trăn không cắn đâu mà có cắn cũng chẳng chết. Lời nói của Quang làm cho chúng tôi lấy lại bình tĩnh để tiếp tục chuyến khám phá.

Tiến về phía con trăn đang nằm quấn tròn bên hốc đá, chúng tôi đứng cách chừng vài bước nhưng nó vẫn nằm yên, theo như Quang thì con này thuộc loài là trăn đá nặng khoảng 10kg, loài trăn này thường không to. Ở đây chỉ có trăn đất và trăn hoa mới to.


Tiếp cận những con trăn dễ dàng

Tiếp tục khám phá hang Hằng, chúng tôi đi sâu vào trong thì có đến hàng chục lối đi, cứ vài chục mét lại gặp một con trăn nằm chắn giữa đường đi hoặc treo mình vắt vẻo trên những tảng thạch nhũ. Hết gặp trăn lại gặp vỏ trứng, xác nằm rải rác trên đường đi.

Với mong muốn tiến vào sâu trong hang để nhìn thấy trăn to thì Quang bảo chúng tôi: “Để thấy được trăn nặng vài yến rất khó, nó nằm ở hang sâu những nơi mà khó vào nhất. Thường trăn to khi thấy người là nó chạy tuột vào sâu nên không thể tiếp cận chúng, may mắn lắm khi nào nó lột da hoặc đẻ trứng thì mới thấy được”.


Trăn nằm vắt vẻo trên các hốc đá

Trăn về làng bắt gà, vịt

Gần hang trăn là nơi sinh sống của người dân bản Thỉn và nhiều hộ dân chăn nuôi gà vịt nhưng không làm chuồng để nhốt nên thường xuyên bị mất trộm. Cứ tưởng có người bắt trộm nên nhà nào nhà nấy làm chuồng và khoá lại cẩn thận, thế mà cũng mất.

Trưởng bản Thỉn Vì Văn Đoàn kể: “Trong bản, mọi người thật thà lắm, của cải vật chất của ai thì người ấy dùng, thiếu thì vay mượn, chưa bao giờ ai ăn cắp của ai hết. Và đến khi bị mất nhiều gà vịt thì mọi người trong bản đi tìm nguyên nhân. Thời gian đó thanh niên trai tráng trong bản được cử ra thức đêm bắt kẻ trộm, ai ngờ phát hiện là trăn ăn".

Lần đó cả bản ra vây bắt được một con nặng hơn 30kg, người thì bảo giết để trả thù cho số gà vịt bị mất nhưng từ bao đời nay người bản Thỉn có giết trăn bao giờ đâu. Đêm đó cả bản họp lại và đi đến quyết định thả nó về núi. Để có biện pháp ngăn trăn bắt trộm gà vịt, người dân trồng cây sắn dây xung quanh vườn nên càng ngày trăn ít về bắt gà vịt của bà con hơn.

Khi hỏi về hang trăn, cụ Hoàn người cao tuổi nhất của bản Thỉn, cho biết: Trước đây khi rừng còn lắm cây, trăn ở trong đó nhiều vô kể, cứ tối đến trăn lại ra khỏi động đi tìm thức ăn nhưng chưa bao giờ về nhà dân bắt gà, bắt vịt. Nhưng từ ngày rừng bị con người đốn hạ hết cây, cũng vì thế trăn hết cái ăn nên nó về bản.

Trăn ở trong đó hiền lắm, gặp người chẳng chạy, vậy mà cũng tại con người săn bắt nên trăn to thấy bóng người là chạy vào sâu. Ở đây cứ đến mùa sinh sản, trăn to, trăn nhỏ rời hang ra ngoài nằm vắt vẻo trên cây nhiều vô kể, người dân trong bản bắt gặp thì cũng mặc nó.


Hang Hằng với những khối thạch nhũ màu sắc rực rỡ

Theo quy định, trăn thuộc nhóm IIB, là nhóm các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Đây cũng là loài được xếp vào dạng cực kỳ nguy cấp trong "Sách đỏ Việt Nam" và sắp bị đe doạ trong danh mục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới. Có thể nói rằng, ở nước ta hiện nay để có được một hang trăn tự nhiên như hang Hằng là rất hiếm có.

Tuy nhiên, trăn ở đây đang bị săn bắt để phục vụ nhu cầu của con người như nấu cao, lấy da và làm thực phẩm khiến trăn mỗi ngày một suy giảm.

Chúng tôi hỏi cụ Hoàn: Trăn ở đây nhiều như thế mà không ai bắt vậy? Cụ Hoàn bảo: Trăn ở đó thiêng lắm! Trước đây người dân ở bản cũng vào đó bắt một vài lần nhưng gặp phải tai họa. Cách đây cũng đã lâu có một người trong bản vào đó bắt hai con trăn đem về giết thịt, rồi sang ngày hôm sau cũng vào chính nơi đó thì thấy hai con khác xuất hiện chỗ hôm qua vừa bắt chúng.

Đến ngày thứ ba lại vào hang rồi đến chỗ cũ lại thấy hai con nữa và tiếp tục bắt, khi đem chúng về đến nhà thì người con trai lăn đùng ra chết. Từ đó mọi người dân ở bản chẳng ai dám bắt trăn ở hang.

Mặc dù người dân ở bản Thỉn không ai bắt trăn nhưng từ khi nghe tin hang Hằng có nhiều trăn thì các tay thợ săn tìm đến. Theo như trưởng bản Vì Văn Đoàn, trăn to ở hang đã bị những người nơi khác kéo đến bắt đem đi bán hết, hiện còn lại trăn nhỏ hoặc những con trăn “thành tinh” sống sót. Đặc biệt những giai đoạn mưa lạnh kéo dài, đến lúc thời tiết nắng ấm lên thì những tay bắt trăn kéo về đây ngày đêm mật phục, họ chờ trăn ra hang phơi nắng, tìm thức ăn để bắt.

Trong quá trình đi tìm trăn, chúng tôi thấy ở các lối đi có nhiều cây to được vứt đầy, từng bao tải cây sắn dây để lại. Theo như em Vì Văn Quang thì đấy là dụng cụ những tay thợ săn dùng, mỗi khi phát hiện trăn thì ném cây sắn dây vào, sau đó chui vào kéo trăn ra. Có những hang đá nằm trên cao thì những thợ săn dùng dây để leo lên và bắt được trăn phải hai ba người gánh mới đưa ra được khỏi hang.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.