Chiều 3/7, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa có công văn số 24 91/SNN&PTNT-KTBVNLTS về việc tổ chức sắp xếp, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu ứng phó với cơn bão số 2.
Để ứng phó kịp thời với cơn bão số 2 trên biển Đông, bảo đảm an toàn về người và tài sản, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đề nghị các địa phương ven biển, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 2, kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, đặc biệt là các tàu cá khai thác xa bờ về nơi tránh trú an toàn.
100% tàu thuyền tỉnh Thanh Hóa đã neo đậu an toàn. |
Các địa phương chủ động triến khai các phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu cá; thông báo vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của cơn bão số 2 cho các chủ tàu, thuyền trưởng biết để chủ động di chuyển, vòng tránh hoặc không đi vào vùng nguy hiểm; hướng dẫn, sắp xếp tàu, thuyền neo đậu đảm bảo an toàn trong các khu neo đậu tránh trú bão và khu neo đậu truyền thống của địa phương.
Ngành chức năng kiểm tra, giám sát, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu cá khi bão đổ bộ vào bờ; yêu cầu các chủ tàu cá neo đậu trong cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão phải tuân thủ quy định phòng, chống cháy nổ. Khi có thông tin về sự cố xảy ra trên biển đối với tàu cá, địa phương phải báo cáo ngay với các cơ quan, ban, ngành để có phương án xử lý kịp thời.
Ngư dân Sầm Sơn vận chuyển ngư cụ vào bờ. |
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 7.289 phương tiện, 25.750 lao động nghề cá. Tính đến 17 giờ ngày 3/7/2019, 100% phương tiện và lao động trên biển vào nơi neo đậu an toàn. Trong đó, đang neo đậu tại bến tỉnh Thanh Hóa là 6.777 phương tiện, 22.076 lao động; đang neo đậu tại các bến tỉnh ngoài là 512 phương tiện, 3.674 lao động.
Cảnh báo lũ ở mức báo động I, lũ quét và sạt lở đất Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong các ngày từ 3 đến 5/7, Thanh Hóa tiếp tục có mưa, mưa to và dông, lượng mưa phổ biến từ 100 - 300 mm, trên các sông có khả năng xảy ra một đợt lũ với biên độ lũ lên trên thượng nguồn từ 2 – 4m. Trên các sông có khả năng xảy ra một đợt lũ với biên độ lũ lên trên thượng nguồn từ 2 – 4m; ở hạ du từ 1 – 3 m. Mực nước đỉnh lũ trên các sông còn ở dưới mức báo động I (BĐ I). Sau thời gian dài nắng nóng, đất bị khô nứt, đặc tính của đất bị phá vỡ, mưa lớn trên diện rộng gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở ở vùng núi, đặc biệt là ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, phía Tây Bắc huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân và Như Thanh và ngập úng ở vũng trũng… cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. |