Trước đó, vào đầu tháng 5/2019, mạng xã hội lan truyền hình ảnh người dân TP. Sầm Sơn xẻ thịt một con cá màu đen nặng khoảng 1 tấn bày bán công khai trên đường phố.
Cá thể cá người dân phường Quảng Tiến xẻ thịt là cá nhám voi quý hiếm cần được bảo vệ |
Người đăng hình ảnh cho rằng đây là loài cá nhám voi, một loài cá quý hiếm cần được bảo vệ.
Tuy nhiên ngày 6/5, ông Trần Học Đính, Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến, khẳng định con cá lớn bị ngư dân xẻ thịt không phải là cá nhám voi mà là cá diều hoa.
Theo ông Đính, trưa 5/5, một thuyền đánh cá vào bờ mang theo con cá trên. Lúc đầu, họ định đem chôn nhưng sau đó lại xẻ thịt.
Ông Lương Tất Thắng, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, cũng bác bỏ thông tin ngư dân địa phương xẻ thịt cá nhám voi quý hiếm.
Theo ông Thắng, loài cá bị xẻ thịt chỉ là loại cá mập hoa bình thường, không phải loài trong danh mục bảo vệ và cũng không phải là loài cá nhám voi quý hiếm như thông tin trên mạng xã hội.
Sau khi báo chí đăng tải thông tin trên, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Khai thác Bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào cuộc xác minh thông tin đồng thời gửi văn bản đề nghị các cơ quan chuyên ngành thủy sản xác định chủng loài.
Cơ quan chức năng cũng tìm ra được người xẻ thịt cá là ông Trịnh Tứ Thiệu (40 tuổi, trú tại phố Trung Thịnh, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn).
Ông Thiệu cho biết, khi đánh bắt trên vùng biển huyện Tĩnh Gia thì cá vướng vào lưới và đã chết. Sau đó, nhiều người trên thuyền cho rằng cá có thể ăn được nên đưa lên bờ xẻ thịt, chứ không biết đó là cá gì.
Theo văn bản số 1035/TCTS-BTPNL ngày 7/5/2019 của Tổng cục Thủy sản gửi Sở NN-PTNT Thanh Hóa xác định, cá thể cá mà người dân xẻ thịt tại phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn mạng xã hội đưa trong những ngày qua là cá nhám voi (tên khoa học là Rhincodon typus), thuộc Nhóm I, nằm trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý.
Đến ngày 13/5, Sở NN-PTNT Thanh Hóa nhận được văn bản số 592/VHS-NL của Viện Nghiên cứu Hải sản thuộc Bộ NN-PTNT khẳng định đây là cá nhám voi.
Loài này thuộc phân lớp cá sụn Elasmobranchii, có kích thước to lớn trong lớp cá sụn; nằm trong phụ lục II của mục loài Cites và nằm trong phụ lục II, Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ về quy định một số và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Loài cá này chỉ được khai thác vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu… Vì vậy, việc ngư dân khai thác, xẻ thịt cá nhám voi là trái pháp luật.