| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Khó xử phạt vi phạm đê điều

Thứ Sáu 26/10/2018 , 08:10 (GMT+7)

Sau 10 năm thực hiện Luật Đê điều, Thanh Hóa hiện có 5.934 hộ dân nằm trong phạm vi bảo vệ đê, bãi sông chưa thể di dời. Điều này đã gây không ít khó khăn trong việc quản lý đê và vận hành thoát lũ.

Nhiều nhà dân nằm trên mái đê, hành lang bảo vệ đê tại Thanh Hóa nhưng chưa thể di dời

Hạt Quản lý đê TP Thanh Hóa hiện quản lý gần 38 km đê sông Mã cấp I - III. Đây đều là những tuyến đê xung yếu, phòng tránh lũ cho các huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Sầm Sơn, Thiệu Hóa, Hậu Lộc và TP Thanh Hóa.

Theo đại diện Hạt Quản lý đê TP Thanh Hóa, có 1.522 hộ dân từ lâu đã làm nhà, sinh sống trong khu vực mái đê, hành lang đê và hành lang bảo vệ công trình đê. Theo Luật Đê điều, đây đều là những hộ thuộc diện phải di dời, tái định cư.

Tuy nhiên, từ hơn 10 năm qua, sau khi có Luật Đê điều, các hộ dân này vẫn chưa được di dời. Đa phần những hộ là dân làm vận tải sông nước trước đây. Khoảng từ những năm 60-80, sau khi các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ kết thúc, họ tìm lên bờ để định cư. Vì vậy, theo Luật Đất đai, dù họ đã được hoặc chưa được cấp GCNQSDĐ thì cũng mặc nhiên là đất đã được Nhà nước giao để sử dụng. Thế nhưng, theo Luật Đê điều, họ lại đang nằm trong hành lang, mái đê và bãi sông.

Ông Lê Quang Thuần, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê TP Thanh Hóa cho biết, thực trạng đê điều do hạt quản lý đang tồn tại nhiều bất cập. Về nguyên tắc, khi nâng cao mặt đê thì chiều rộng phải được nới rộng với tỷ lệ 1-5. Nghĩa là, nếu nâng chiều cao mặt đê 1 m thì phải mở rộng chân đê thêm 5m. Do nguồn vốn thực hiện nâng cấp đê hạn hẹp nên thực tế các tuyến đường hành lang dân sinh chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ.

Điều này vô tình tạo cơ hội cho các hộ dân cơi nới, nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu ăn ở trong thời gian chờ di dời, tái định cư. Bên cạnh đó, việc dân cư sinh sống ở các bãi sông, các bãi cát, các dự án làm rau sạch ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thoát lũ. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến các công trình đê điều do đơn vị quản lý.

Họ phải sống trong những căn nhà ẩm thấp, sát bờ sông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ

“Nhà cửa của người dân đã ở đây từ hàng chục năm nay. Mỗi khi lũ về, người dân và chính quyền lại phải tổ chức di dời lên mái đê, vào vùng trong đê tránh lũ, riêng năm nay đã phải 2 lần di dời rồi. Họ đa phần đều nghèo khổ, không còn con đường nào khác mới bám trụ lại những nơi quanh năm lũ lụt. Không thể xây mới nhưng họ không thể không nâng cấp, cơi nới khi áp lực nơi ăn ở, sinh hoạt lên cao. Trong khi đó, nhà cửa ngày càng xuống cấp, nhiều mái nhà nay chỉ cách mặt đê nửa mét, ẩm thấp... Mà đã nâng cấp, sửa chữa thì phải hơn cái cũ. Rõ ràng là họ đang sửa chữa, nâng cấp trong diện tích đất của họ, mình xử phạt thì tội lắm!” – ông Thuần chia sẻ.

Theo thống kê của Chi cục Đê điều Phòng chống lụt bão Thanh Hóa, toàn tỉnh có. 5.934 hộ với 14.808 công trình, nhà ở các loại nằm trong hành lang, mái đê và bãi sông với tổng diện tích 448.644 m2. Trong đó, nhà tầng 103 cái (6.767 m2); nhà mái bằng 539 cái (26.800 m2); nhà cấp bốn 5.303 cái (227.813 m2); công trình phụ 5.360 cái (106.344 m2); lều quán 953 cái (31.266 m2); tường rào 1.882 cái (33.506 m2); giếng nước 74 cái; công trình khác 594 cái (16.148 m2).

"Theo quy định của Luật Đê điều, công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều phải di dời nhưng do lịch sử để lại, số lượng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều rất lớn, trong khi kinh phí của địa phương còn hạn hẹp. Mặt khác, các quy hoạch về phòng chống lũ và quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất bãi sông… chưa hoàn thành, nên đến nay việc di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều chưa thực hiện được", ông Khương Anh Tuấn, Chi cục phó Chi cục Đê điều PCLB tỉnh Thanh Hóa cho hay.

Theo báo cáo của Chi cục Đê điều PCLB tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2007 đến nay, trên các tuyến đê sông lớn xảy ra 375 vụ vi phạm Luật Đê điều. Lực lượng quản lý đê đã phát hiện kịp thời, lập biên bản và đề nghị chính quyền địa phương xử lý 208 vụ; 167 vụ chưa được xử lý (trong đó, từ đầu năm 2016 đến nay xảy ra 51 vụ vi phạm, đã xử lý được 38 vụ, còn 13 vụ chưa được xử lý).

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất