| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa không chủ quan, lơ là

Chủ Nhật 10/11/2013 , 20:15 (GMT+7)

Siêu bão Haiyan đã thẳng hướng ra các tỉnh Bắc bộ. Thanh Hóa chỉ ảnh hưởng nhẹ, tuy nhiên tỉnh không chủ quan lơ là, đề phòng mưa lớn, đặc biệt là vấn đề an toàn hồ đập.

Sau nhiều lần thay đổi hướng đi, siêu bão Haiyan đã thẳng hướng ra các tỉnh Bắc bộ. Thanh Hóa chỉ ảnh hưởng nhẹ, tuy nhiên để đảm bảo an toàn tuyệt đối, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Cao Đức Phát vừa từ miền Trung ra đã kịp thời chỉ đạo chính quyền và nhân dân nơi đây, không được chủ quan lơ là, đề phòng mưa lớn, đặc biệt là vấn đề an toàn hồ đập.


Một số hồ đập lớn ở Thanh Hóa xả lũ để đảm bảo an toàn.

Hồ bị vỡ do bão số 10 được gia cố bằng đắp đất kiên cố.

Không chủ quan

Chiều 10/11, đoàn công tác Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dẫn đầu trở ra từ miền Trung đã đến Thanh Hóa chỉ đạo công tác phòng chống bão Haiyan.

Ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với Phó Thủ tướng: Sáng 10/11, dự báo bão đổ bộ trực tiếp vào Thanh Hóa nên UBND tỉnh đã chỉ đạo 6 huyện ven biển gồm Nga Sơn, Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương và thị xã Sầm Sơn phải sơ tán hơn 40 nghìn người đến nơi an toàn trước 18h cùng ngày. Ngay sau đó mọi hoạt động phòng chống bão như giằng néo nhà cửa, tàu thuyền, vận chuyển đồ đạc, dự trữ lương thực… được chính quyền và người dân tập trung thực hiện quyết liệt. Đến 15h30 chiều 10/11, công tác di dời dân ở một số huyện thực hiện được khoảng 40 - 50%.

Tuy nhiên, đến 16h thông tin cơn bão đổi hướng ra Bắc nên tỉnh chỉ đạo dừng di dời dân ven biển. Riêng các huyện miền núi đã và đang sơ tán dân tại 81 xã với 4.492 hộ/19.504 người ra khỏi các vùng đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống tới nơi an toàn.


Người dân Ngư Lộc chằng chống cẩn thận trước khi bão vào.

Người già, trẻ nhỏ ở xã Ngư Lộc được sơ tán kịp thời đến trường học.

Sau khi nắm thông tin từ UBND tỉnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao quá trình phòng chống bão của Thanh Hóa, đặc biệt là công tác lãnh đạo chỉ đạo từ tỉnh đến thôn, xóm rất kịp thời. Người dân trong diện di dời chấp hành nghiêm túc.

“Bão hiện vẫn chưa qua Thanh Hóa. Vì thế địa phương cần phải tiếp tục cảnh giác, không chủ quan lơ là, thường xuyên kiểm tra công tác di dời dân bởi đâu đó vẫn có những người né tránh việc sơ tán và sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Qua đợt di dân này cũng xem đây là một đợt tập duyệt để đánh giá sự nhanh nhạy, kịp thời trong việc di dân của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc: Dù bão không đổ bộ vào Ngư Lộc nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng túc trực 24/24h. Thông báo người dân đề phòng triều cường, nước biển dâng và hoàn lưu bão gây mưa sẽ có nguy cơ gây ngập úng cục bộ.

Đối với các hồ đập, đê điều, tôi đánh giá cao giải pháp xả nước đề phòng mưa lũ của tỉnh. Thanh Hóa cần tiếp tục đề phòng mưa do hoàn lưu bão; đồng thời, cùng với Bộ NN-PTNT thống kê, đánh giá lại các hồ đập không an toàn để có phương án đầu tư kịp thời”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hồ đập xả tràn đề phòng lũ

Rút kinh nghiệm từ việc vỡ hồ do lũ lụt hồi đầu tháng 10, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi và các Cty thủy nông chủ động xả nước các hồ đập lớn trước khi bão Haiyan đổ bộ nhằm đảm bảo an toàn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hiện nay bão đang di chuyển ra Bắc nên Bộ đang tập trung chỉ đạo các tỉnh, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình tiếp tục di dời dân. Đến chiều 10/11, cả nước đã sơ tán 730/800 nghìn người (kế hoạch di dời) từ Nam ra Bắc. Đối với Thanh Hóa, công tác phòng chống bão được triển khai kịp thời, nay bão không đổ bộ trực tiếp vào địa phương nhưng với số người đã sơ tán tỉnh cần tiếp tục duy trì chờ khi bão tan hoàn toàn mới cho bà con trở về, đề phòng mưa lũ sau bão.

Ông Đinh Quang Dương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa nói: “Sau khi xảy ra sự cố một số đập đất vừa và nhỏ ở huyện Tĩnh Gia bị vỡ do mưa lũ hồi đầu tháng 10, chúng tôi đã chủ động hơn trong công tác đảm bảo an toàn cho hồ đập khi bão lũ xảy ra. Cụ thể, ngay khi nhận được thông tin siêu bão Haiyan ảnh hưởng trực tiếp đến Thanh Hóa, UBND huyện và các Cty thủy nông đã vận hành xả lũ 2 hồ chứa nước lớn là Sông Mực (huyện Như Thanh) và Yên Mỹ (huyện Nông Cống) từ ngày 8/11. Hiện hồ Yên Mỹ đã xả đến mức an toàn, còn hồ Sông Mực tạm dừng xả vào chiều tối ngày 10/11. Đối với 92/610 hồ không đảm bảo an toàn, các Cty thủy nông và huyện, xã đã chuẩn bị vật tư, phương tiện để khi xảy ra mưa lớn kịp thời mở rộng tràn, chống tràn qua đập đất”.

Còn ông Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tĩnh Gia cho biết: Hiện các hồ đập bị vỡ, về cơ bản huyện đã cho đắp đất kiên cố. Trong trường hợp hoàn lưu bão số 14 gây mưa lớn địa phương sẽ có phương án di dân kịp thời.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất