| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa không phải đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào năm 1029

Thứ Sáu 03/05/2019 , 08:49 (GMT+7)

Dù các nhà sử học, các nhà nghiên cứu có khéo đẽo gọt đến mấy thì Thanh Hóa cũng không phải đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào năm 1029.

Tên gọi Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính cấp phủ chỉ xuất hiện trong chính sử vào năm 1111.

nh-1-990141708182
HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII biểu quyết thông qua việc lấy năm 1029 danh xưng Thanh Hóa là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (7/2017).

Các cuộc hội thảo về danh xưng Thanh Hóa chủ yếu xoay quanh các tư liệu sau đây: “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (từ đây gọi tắt là Cương mục - PV) của Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Việt sử ký tiền biên” của Ngô Thì Sỹ (1726 - 1780), “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sỹ Liên và các sử thần nhà Lê, “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (1380 - 1442) và “Việt sử lược” đời Trần.

Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) tới đây sẽ triển lãm mộc bản tư liệu về danh xưng Thanh Hóa. Trong đó có mộc bản sách Cương mục, quyển 21, mặt khắc 20 chép: “Nhà Đinh và nhà Lê gọi Thanh Hóa là Ái Châu; nhà Lý đổi làm trại, năm Thiên Thành thứ hai đổi làm Thanh Hoá phủ”.

Đây chính là tư liệu xuất phát để các nhà khoa học gần đây nêu danh xưng Thanh Hóa có từ năm 1029 đời vua Lý Thái Tông. Tuy nhiên, như bài trước chúng tôi đã phân tích, sách Cương mục được khắc in năm 1884, phải kiêng húy mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa mà phải đổi tên thành Thanh Hóa.

Còn “Dư địa chí” là một cuốn sách có giá trị về mặt địa lý lịch sử đời Lê Sơ, cách thời điểm được cho là ra đời địa danh “trại Thanh Hóa” ở thời nhà Lý hơn 400 năm. Trại có phải là đơn vị cấp tỉnh như người ta đã viết không? Trong lời cẩn án của Nguyễn Thiên Tích đã cho biết trại chỉ là đơn vị cấp dưới của cấp huyện trực thuộc phủ. Ví dụ phủ Thiệu Thiên có 8 huyện, 370 xã; trong đó huyện Thụy Nguyên có 44 xã, 13 thôn, 17 trang, 1 sở, 6 trại, 13 phường. Phủ Hà Trung có 4 huyện, 281 xã; trong đó, huyện Tống Sơn có 31 xã, 2 bãi, 9 trang, 1 trại. Phủ Tĩnh Gia có 3 huyện, 193 xã; trong đó huyện Ngọc Sơn có 54 xã, 1 trang, 1 trại, 2 phường, 1 tuần.

Quay trở lại với các tài liệu được các nhà khoa học dẫn ra trong sách “Danh xưng Thanh Hóa” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa biên soạn để phục vụ tuyên truyền 990 năm danh xưng Thanh Hóa (1029 - 2019), chúng tôi phát hiện thấy nghịch lý như sau: Vào thời Lý, danh xưng Thanh Hóa không phải đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Thanh Hóa vẫn là địa danh dưới châu/ quận. Cụ thể như sau:

Theo văn bia “Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh” có niên đại vào năm Mậu Tuất, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh, tức năm 1118, có dòng chữ: “Cửu Chân quận, Thanh Hóa trấn, Phúc Diên Tư Thánh tự…” nghĩa là chùa Phúc Diên Tư Thánh ở trấn Thanh Hóa, quận Cửu Chân. PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học) "bẻ lái" dịch thành “chùa Phúc Diên Tư Thánh, quận Cửu Chân, trấn Thanh Hóa” (tr. 62). Tiếp đó, văn bia “Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi” soạn năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7, là năm 1126, có câu: “Cửu Chân quận, Thanh Hóa trấn, Phúc Diên Tư Thánh tự…” nghĩa là chùa Phúc Diên Tư Thánh ở trấn Thanh Hóa, quận Cửu Chân. PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ thêm một lần nữa "bẻ lái" dịch thành “chùa Phúc Diên Tư Thánh, quận Cửu Chân, trấn Thanh Hóa” (tr. 63).

HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII ban hành Nghị quyết về ngày kỷ niệm danh xưng Thanh Hóa là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (7/2018).

Tư liệu trên văn bia này cho thấy, trấn Thanh Hóa là địa danh hành chính cấp dưới của quận Cửu Chân. Như vậy, dù địa danh Thanh Hóa đã có nhưng nó không phải là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Theo tài liệu chính sử ghi chép lại thì Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính cấp phủ xuất hiện vào năm 1111 được chép ở phần chính văn của 3 bộ sử là: “Việt sử lược”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, và “Đại Việt sử ký tiền biên”. Còn trước đó, về đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, tên gọi của Thanh Hóa dưới triều Lý vẫn là Châu Ái được ghi chép trong các bộ chính sử (Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư): Năm Thiên Thành thứ 2 đời vua Lý Thái Tông (1029), giáp Đãn Nãi ở Ái Châu làm phản, nhà vua thân chinh đi dẹp. Đến tháng 10 năm 1035, người Châu Ái lại làm phản, vua cầm quân đi đánh, giao Phụng Càn Vương ở nhà giữ kinh đô…

Vì thế, không có chuyện Thanh Hóa là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương từ năm 1029. Có chăng, là tên gọi Thanh Hóa ở đơn vị hành chính thấp hơn. Điều này khác với Nghệ An, là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, được ghi chép trong chính sử (Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, và Đại Việt sử ký tiền biên): Năm 1036, vua Lý Thái Tông đặt hành cung ở Châu Hoan và cho đổi tên Châu Hoan thành Nghệ An.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất