| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa mắc... hạn

Thứ Hai 08/06/2015 , 06:12 (GMT+7)

“Chảo lửa” miền Trung nói chung, Thanh Hóa nói riêng đã phải oằn mình chống chọi đợt nắng nóng lịch sử. 

Đồng khô, cỏ cháy, sông suối cạn kiệt... ảnh hưởng trực tiếp đến SX và sinh hoạt.

Đảo lộn vì nắng nóng

Giữa trưa, chị Nguyễn Thị Tú, xã Định Hải, huyện Yên Định cùng chồng gặt vội hơn 2 sào lúa đã chín khô nói: “Hôm nay trời không nắng bằng mấy hôm trước nên giờ này vợ chồng tôi còn gặt được, chứ như mấy hôm trước, 4 - 5h giờ sáng dậy ra đồng, đến 8h là phải về rồi. Nắng không tài nào trụ được”.

Theo chị Tú, nắng nóng kéo dài tạo điều kiện cho bà con phơi phóng lúa nhưng vì nhiệt độ quá cao nên thời gian làm việc trong ngày của nông dân chỉ được mấy tiếng đồng hồ, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thu hoạch và làm đất SX vụ mùa.

“Đáng lẽ giờ này phải thu hoạch xong rồi nhưng nắng nóng đã làm 2/4 lao động của gia đình tôi phải nằm ở nhà vì mất nước, cảm nắng. Tôi đang định đi thuê người gặt 2 sào lúa còn lại nhưng thời tiết thế này không biết có ai chịu gặt cho không”, chị Tú lo lắng.

Khác với các vùng nông thôn, tại TP Thanh Hóa, thành phần phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do nắng nóng kéo dài là những lao động tự do.

 Anh Trần Văn Nam ở huyện Hoằng Hóa đang ngồi nghỉ trưa dưới bóng cây xanh ở đại lộ Lê Lợi mệt mỏi cho biết, anh và khoảng gần chục lao động khác đến từ các huyện Quảng Xương, Thiệu Hóa thường dậy từ tờ mờ sáng lên thành phố ngồi chờ người ta thuê gì thì làm nấy.

 Tuy nhiên nắng nóng đã khiến 2/3 số này phải nằm ở nhà, phần do kiệt sức, phần lo trời quá nắng lên phố ngồi vạ vật mà không ai thuê mướn.

“Dù biết trời nắng ít việc nhưng tôi vẫn phải lên đây hi vọng kiếm thêm thu nhập phụ vợ nuôi con. Mong sao ít hôm nữa trời bớt nắng ra các vùng ven thành phố sẽ có việc để làm”, anh Nam thở dài nói.

Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, số trẻ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa trong những ngày nắng nóng cũng tăng lên đáng kể. Đa phần bệnh nhân nhập viện đều có các triệu chứng lâm sàng như sốt phát ban, co giật, viêm đường hô hấp, viêm phổi cấp, tiêu chảy…

Để chống chọi với hình thái thời tiết cực đoan, rất nhiều người đổ xô đến các trung tâm thương mại, cửa hàng điện tử sắm các thiết bị làm mát như quạt phun sương, điều hòa…

17-10-20_3
Nắng nóng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mưu sinh của lao động tự do

Ngoài ra, các địa điểm có cây xanh như công viên hay gầm cầu được người dân lựa chọn làm nơi tránh nắng vào giờ cao điểm.

Hạn, mặn tấn công

Mặc dù trong tuần qua, một số địa phương ở Thanh Hóa có mưa giông buổi chiều nhưng nhiệt độ giảm không đáng kể, thậm chí nắng nóng đã quay trở lại.

Ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các Cty thủy nông vận hành tưới dự trữ, tưới tiết kiệm nhằm hạn chế tối đa diện tích đất thiếu nước. Đồng thời, khuyến cáo bà con chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng nếu những ngày tới trời không có mưa, tránh tình trạng bỏ hoang đất SX.

Theo nhiều người dân ở huyện Tĩnh Gia, có lẽ đây là đợt nắng nóng kéo dài hiếm có trong lịch sử. Cá biệt, trong các ngày từ 27 - 30/5, nhiệt độ tại đây đo được lên tới gần 43 độ C.

Hạn hán kéo dài khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân bị thiếu nghiêm trọng. Đặc biệt, nền nhiệt cao cộng với gió nồm đã gây ra hàng loạt vụ cháy rừng, thiêu rụi hàng trăm ha thông, keo, bạch đàn.

Đối với trồng trọt, đang vào cuối vụ thu hoạch lúa ĐX, chuẩn bị đổ ải SX vụ mùa, nhưng theo ông Trịnh Bá Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa: “Hạn đã khá nghiêm trọng rồi”.

Hiện tại, mực nước đo được tại trạm bơm Nam sông Mã chỉ đạt 3,16 m, thấp hơn cùng kỳ 0,44 m; 610 hồ đập nhỏ đã ở mực nước chết; các trạm bơm lớn như Hoằng Khánh, Nguyệt Viên, Yên Lộc 2… đều phải tạm dừng hoạt động vì thiếu nước.

Không những thế, tình trạng mặn xâm thực sâu hơn 25 km với nồng độ mặn cao nhất từ trước đến nay (một số điểm lên tới 9 phần nghìn) đang đe dọa 6.000 - 7.000 ha đất SX ở các huyện ven biển phải bỏ hoang, thậm chí nếu cấy được thì năng suất thu hoạch cũng chẳng ăn thua.

“Năm nay cả thủy văn, khí tượng và nông nghiệp đều phải chịu hạn bởi lũ tiểu mãn không có, thêm vào đó lượng mưa trung bình thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm nên ít nhất 25.000 - 30.000 ha lúa HT, mùa của Thanh Hóa có nguy cơ thiếu nước trầm trọng.

Chúng tôi đang lo nếu những ngày tới mực nước tụt xuống tiếp, mặn xâm thực sâu buộc phải điều chỉnh kế hoạch tưới thì diện tích bị hạn sẽ còn lớn hơn nữa”, ông Thuận lo lắng.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất