| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Mỗi ngày tiêu hủy 2,5-3 nghìn con lợn

Thứ Sáu 27/09/2019 , 09:34 (GMT+7)

Thanh Hóa hiện có 4/27 huyện thị công bố hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tuy nhiên, sau mưa lũ, DTLCP đang lây lan với tốc độ chóng mặt khiến mỗi ngày Thanh Hóa phải tiêu hủy 2,5-3 nghìn con lợn.

16-34-40_30ecf72df48110df4990
Từ ngày 10/9 đến nay, mỗi ngày Thanh Hóa phải tiêu hủy 2,5-3 nghìn con lợn.

DTLCP xuất hiện tại Thanh Hóa từ ngày 23/2/2019, gây thiệt hại lớn tại 27/27 huyện, thành phố, thị xã.

Tháng 5 và 6/2019 là thời điểm cao điểm của DTLCP tại Thanh Hóa. Đến tháng 7/2019, đầu tháng 8 dịch bắt đầu có dấu hiệu giảm dần. Riêng trong tháng 8/2019 tổng số xã, số thôn, hộ chăn nuôi phát sinh dịch và số lợn mắc bệnh tiêu hủy cũng giảm so với tháng 7/2019; 6 huyện cùng hàng trăm xã đã công bố hết dịch.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa, 10 ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, số lượng hộ chăn nuôi và số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy hàng ngày tăng lên đột biến (từ 200 - 300 con/ngày lên 500 - 600 con/ngày). Trong 9 ngày đầu tháng 9 diễn biến dịch càng phức tạp, số lượng lợn mắc bệnh tiêu hủy hàng ngày tương đương với tháng cao điểm nhất của dịch bệnh (6/2019) với số lợn tiêu hủy trung bình 980 con/ngày (tháng 6 trung bình tiêu hủy 933 con/ngày).

Từ ngày 10/9 tới nay, số lợn nhiễm DTLCP tăng chóng mặt, số lượng lợn nhiễm dịch buộc phải tiêu hủy đã lên đến 2,5-3 nghìn con/ngày. Trong đó, ngày 25/9 phát sinh thêm 3.540 con lợn mắc DTLCP với trọng lượng trên 241 tấn.

Như vậy, từ ngày 23/2/2019 đến ngày 25/9/2019, trên địa bàn tỉnh, DTLCP đã xảy ra tại trên 16,5 nghìn hộ của trên 1,7 nghìn thôn, 449/635 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố; buộc phải tiêu hủy trên 124 nghìn con lợn.

Hiện nay, có 4 huyện Thường Xuân, Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn và 270 xã đã công bố hết dịch. Tuy nhiên, theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, tình hình dịch diễn biến rất phức tạp, nguy cơ dịch tái sinh lại ở những huyện đã công bố hết dịch là rất cao.

Ngành Thú y Thanh Hóa cho rằng, nguyên nhân chính khiến DTLCP diễn biến phức tạp là do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều nơi xảy ra lũ, lụt... Mầm bệnh khi gặp mưa, bão, lũ đã phát tán trên diện rộng khiến dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là ở những địa phương chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, nuôi tận dụng, đan xen khu dân cư.

Một thực tế là thời gian qua tại Thanh Hóa, công tác quản lý vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn khó kiểm soát chặt chẽ cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh phát tán. Do dịch bệnh kéo dài, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã sử dụng hết nguồn ngân sách dự phòng để huy động lực lượng chống dịch, mua vật tư chống dịch nên công tác phòng chống dịch hiện nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Xem thêm
Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.