| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hoá: Quyết ngăn "bão" tai xanh

Thứ Ba 16/11/2010 , 11:14 (GMT+7)

Tính đến thời điểm này Thanh Hoá còn hơn 100 con lợn bị ốm do nhiễm virus tai xanh, ngoài ra các địa phương đã cho tiêu huỷ 134 con.

Tính đến thời điểm này Thanh Hoá còn hơn 100 con lợn bị ốm do nhiễm virus tai xanh, ngoài ra các địa phương đã cho tiêu huỷ 134 con. Các huyện có lợn bị tai xanh gồm: Triệu Sơn, Thiệu Hoá, Quảng Xương, Đông Sơn. Nhờ khoanh vùng, dập dịch quyết liệt mà "bão" tai xanh ở Thanh Hoá đã tạm lắng...

Biết được có hiện tượng lợn ốm, chết, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Thú y, các huyện giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, thôn bản, phát hiện các ổ dịch mới xảy ra nhằm kịp thời có các biện pháp khống chế dập tắt dịch. Từ khi có dịch, các huyện đã phun gần 2.000 lít hóa chất sát trùng, rắc 63 tấn vôi bột, đang tiến hành tiêm hàng nghìn liều vacxin phòng dịch tai xanh cho lợn... Các xã lập các chốt kiểm dịch, phân công lực lượng trực 24/24h để ngăn chặn việc vận chuyển lợn ốm ra khỏi vùng dịch.

Ông Lê Văn Bộ - Chủ tịch UBND xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn kể: “Cuối tháng 10, cán bộ thú y tiến hành tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng ở lợn. Sau khi tiêm thấy lợn bỏ ăn và ốm. Chúng tôi có ý kiến nên cán bộ thú y đã tiến hành mổ một con lợn và bước đầu nhận định là lợn có dấu hiệu bị bệnh tai xanh”.

Ông Lê Văn Thu - Trưởng trạm Thú y huyện Triệu Sơn cho biết thêm: “Chúng tôi đã báo cáo với cơ quan chức năng và tiến hành đồng bộ các biện pháp như khoanh vùng có lợn ốm, tiến hành tiêm thuốc, cách ly, điều trị và xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Các lực lượng thú y và ngành chức năng đã bám sát địa bàn để khống chế sự lây lan. Sau khi có kết quả xét nghiệm đúng lợn bị tai xanh, Sở NN-PTNT chỉ đạo các xã lập chốt kiểm dịch và tiến hành công tác dập dịch. Đến nay không thấy phát sinh thêm lợn bị ốm”. Ông Nguyễn Hữu Đĩnh - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hoá cho biết: “Chi cục đã nhận về 10.000 liều vacxin và bắt đầu triển khai tiêm phòng đợt tiếp theo”.

PGS Cù Hữu Phú - Trưởng bộ môn vi trùng Viện Thú y Quốc gia phân tích: “Năm 2008, tôi đã vào tìm hiểu dịch tai xanh ở Thanh Hoá. Cùng với các nhà khoa học, chúng tôi phân tích gen để thấy được chủng virus gây bệnh tai xanh tại Việt Nam được bắt nguồn từ đâu để có cách phòng trừ có hiệu quả. Thực tế cho thấy, có một số địa phương đã dùng vacxin tiêm phòng nhưng vì không cùng chủng loại nên hiệu quả tiêm phòng không cao. Chúng tôi nhận thấy virus gây bệnh tai xanh ở Thanh Hoá năm 2008 là cùng chủng với virus gây bệnh tai xanh ở lợn tại Trung Quốc. Do đó, nếu chúng ta dùng vacxin nhập từ Bắc Âu và Mỹ liệu có hiệu quả không?".

Ông Phú nói thêm: "Tôi được biết Thanh Hoá vừa nhập 10.000 liều vacxin phục vụ cho việc tiêm phòng và đã bắt đầu triển khai tại các huyện. Theo tôi chưa nên tiêm đại trà mà nên khoanh vùng dịch đến tận thôn, càng hẹp phạm vi càng dễ kiểm soát, có dịch ở đâu ta khoanh và dập dịch tại đó. Đối với cơ số thuốc đang có nên chăng chỉ tiêm cho 4 huyện đang có dịch, nếu trong khoảng một thời gian ngắn nếu thấy thuốc phát huy tác dụng thì triển khai đại trà để tránh thiệt hại về kinh tế mà hiệu quả phòng dịch không cao”.

Ông Hoàng Văn Năm, Q. Cục trưởng Cục Thú y đề nghị các ngành chức năng của tỉnh, các huyện cần làm tốt hơn nữa khâu phát hiện lợn ốm một cách kịp thời hơn. Rà soát lại tổng đàn trên địa bàn, nhất là vùng có dịch để có biện pháp cách ly, khoanh vùng, tiêm phòng một cách chặt chẽ. Cùng với đó là thắt chặt hơn nữa các chốt kiểm dịch, các chợ trong vùng có dịch để kiểm soát việc giết mổ và vận chuyển lợn khoẻ trong vùng có dịch. Ông Năm lưu ý, tỉnh cần có cơ chế thưởng, phạt công minh, rõ ràng đối với các cá nhân, tập thể trong công tác phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Đình Xứng - GĐ Sở NN- PTNT Thanh Hoá: “4 huyện có dịch đều đã được quán triệt một cách chặt chẽ về công tác phòng, tránh dịch lây lan. Chúng tôi đã cử 4 PGĐ Sở cắm chốt tại 4 huyện để theo dõi nắm tình hình và cùng địa phương làm tốt hơn nữa công tác dập dịch. Với quyết tâm của toàn ngành là không để dịch bùng phát và lây lan rộng như hồi đầu năm 2008”.

Xem thêm
Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất