| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 11/09/2014 , 09:01 (GMT+7)

09:01 - 11/09/2014

“Thanh kiếm” chống lãng phí

Với Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những quy định cụ thể trong nghị định mới này, chúng ta đã có một thanh kiếm trong tay để chống lãng phí.

Báo điện tử của Chính phủ vừa loan tin: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mới được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành, đã dành một mục riêng quy định về bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đó, đối tượng điều chỉnh của luật là cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước có hành vi vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước có những hành vi vi phạm như trên, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định tại điều 61, 62 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để xảy ra lãng phí, gây thiệt hại, phải bồi thường.

Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Có phạm vi điều chỉnh trong việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên…

Và có đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên…

Có thể nói lãng phí đang xảy ra khắp nơi, muôn hình muôn vẻ. Từ anh công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, hiệu quả công tác hoàn toàn không tương xứng với đồng lương và các quyền lợi khác mà anh ta được hưởng, cho đến việc sử dụng ngân sách Nhà nước, và đặc biệt là sử dụng vốn Nhà nước…

Đó là một nghịch lý không thể chấp nhận được đối với một đất nước nghèo như nước ta. Càng lãng phí lại càng nghèo, và càng nghèo lại càng “Vén tay áo xô đốt nhà táng giấy” trong việc sử dụng của công, với mục đích kiếm chác phần trăm phần nghìn...

Lãng phí gây tác hại cho nền kinh tế của đất nước nhiều gấp trăm lần tham ô.

Một vụ án tham ô nổi tiếng như vụ Vinalines. Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Vinalines mỗi người chỉ tham ô có 10 tỷ đồng. Nhưng việc họ mua cái ụ nổi đồng nát 83M đã gây lãng phí tới gần 400 tỷ đồng (theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 62, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thì gây thất thoát vốn Nhà nước được coi là lãng phí) và chưa dừng lại ở đó.

Rồi còn không biết bao nhiêu doanh nghiệp Nhà nước khác mang vốn Nhà nước đi mua thiết bị rởm, thiết bị đồng nát của nước ngoài về đắp chiếu hoặc sản xuất không hiệu quả, gây thua lỗ. Những trụ sở công xây rất hoành tráng nhưng không sử dụng hết.

Chỉ rà soát một số công trình giao thông mà Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đã thu hồi cho ngân sách trên 40.000 tỷ đồng lẽ ra đã bị phung phí…

Nhưng Bộ luật Hình sự lại không có tội danh nào dành cho hành vi lãng phí. Nên hành vi đó cứ “vô tư” diễn ra mà không có chế tài ngăn cản.

Nay, với Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những quy định cụ thể trong nghị định mới này, chúng ta đã có một thanh kiếm trong tay để chống lãng phí.

Vấn đề tiếp theo là sử dụng thanh kiếm đó thế nào để có hiệu quả? Nếu không, thì thanh kiếm đó sẽ chỉ còn là một vật trang trí.