| Hotline: 0983.970.780

Thanh niên bỏ phố về với ruộng đồng hữu cơ

Thứ Năm 19/09/2019 , 09:07 (GMT+7)

Sau chuỗi ngày đấu tranh tư tưởng, một chàng trai ở Hải Dương quyết định rời bỏ công việc ngân hàng về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Khởi đầu gian nan

Hơn 2 năm sau quyết định ấy, dù còn nhiều khó khăn, nhưng sản phẩm đã được thị trường chào đón, tương lai rộng mở… Chàng trai đó là Mai Xuân Thịnh (SN 1982), quê ở Gia Lộc, Hải Dương, Giám đốc Cty CP Nông nghiệp hữu cơ HD-Green. Dáng người nhỏ thó, cách nói chuyện chậm rãi, anh Thịnh bảo, khởi đầu ở lĩnh vực mới, đặc biệt là nông nghiệp, chưa bao giờ là dễ dàng.

Anh Thịnh tâm sự, do gia đình có truyền thống làm ngân hàng (cả bố và mẹ), nên khi bộc lộ ý tưởng bỏ ngang việc, nhiều người phản đối. Đó là những chuỗi ngày đấu tranh tư tưởng khó khăn trong cuộc đời. Cuối cùng, anh chọn về với ruộng đồng.

Để thực hiện ý tưởng, anh họp bàn với 10 người bạn để tìm tiếng nói chung. Tuy nhiên, chỉ có một người ủng hộ anh bắt tay vào sản xuất. Những người còn lại đều đi theo hướng thương mại, nhập sản phẩm về kinh doanh.

Cánh đồng nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ của Cty HD-Green.

Tháng 7/2017, anh Thịnh cùng người bạn chung ý tưởng, thành lập Cty CP Nông nghiệp hữu cơ HD-Green, đặt trụ sở tại thị trấn Gia Lộc. “Thực tế, đi nhiều nơi, thấy người dân bỏ ruộng, tôi thấy rất xót xa. 2 – 3 năm trước khi bỏ ngân hàng, tôi đã đi nhiều nơi tham quan mô hình. Học cách họ làm ra sao, tiêu thụ sản phẩm thế nào”, anh Thịnh chia sẻ.

Nhưng theo anh Thịnh, cái khó không nằm ở khâu khoa học, vấn đề là tích tụ đất đai. Người dân bỏ ruộng, nhìn thế thôi, nhưng đi thuê lại cực nhọc vô cùng. Phải mất nửa năm trời, doanh nghiệp này mới thuê lại được 8.000 m2 đất của 20 hộ dân tại xã Toàn Thắng (cùng huyện Gia Lộc) để sản xuất. Thời hạn cho thuê 15 năm.

Ngoài đam mê, anh Thịnh đến với nông nghiệp cũng bởi lo cho sức khỏe của bản thân cũng như những người xung quanh. Do vậy, anh kiên trì theo đuổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Ngay từ những ngày đầu, doanh nghiệp này đã phối hợp cùng Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp VN), đưa kỹ thuật sản xuất về cánh đồng Toàn Thắng.

Sản phẩm dưa hấu sắp tới kỳ thu hoạch.

Thị trường đón nhận

Cộng thêm sự hỗ trợ của UBND tỉnh Hải Dương và cơ quan chuyên ngành là Sở NN-PTNT, anh Thịnh tiến hành xây dựng hệ thống nhà màng, nhà kính để sản xuất rau, củ, quả. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 3 tỷ đồng.

Nhân công làm việc tại đây, chẳng ai khác chính là những người đang cho doanh nghiệp thuê đất. Họ được tập huấn kỹ thuật, sản xuất theo hướng hữu cơ. Đồng thời được giám sát thường xuyên bởi một cán bộ kỹ thuật của công ty. Mỗi tháng, nhân công tại đây được trả mức lương từ 4 – 5 triệu đồng/người.

Anh Thịnh khẳng định, sản phẩm tại đây luôn sản xuất theo tiêu chí 5 không: Không thuốc diệt cỏ hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc kích thích tăng trưởng, không giống biển đổi gen, không hóa chất bảo quản.

Từ chỗ thuê đất, doanh nghiệp này đã và đang phối hợp liên kết phát triển sản xuất với một đơn vị cũng tại xã Toàn Thắng với tổng diện tích 10ha. Do được quy hoạch sẵn, thuận lợi giao thông, thủy lợi, anh Thịnh đang cho trồng nhiều loại rau củ quả theo mùa.

Anh Thịnh cùng nhân viên kiểm tra sản phẩm trước khi bán cho khách hàng.

Anh Thịnh cũng bật mí, tới đây, doanh nghiệp sẽ đưa nhiều giống cây ăn quả như nho, mít, bưởi… về trồng thử nghiệm. Cùng với đó là nuôi lấy thịt các loại cá, góp phần phong phú sản phẩm đầu ra.

Hiện nay, mỗi ngày Cty HD-Green cung ứng ra thị trường khoảng trên 1 tấn rau củ quả các loại. Đích đến của sản phẩm là các trường học, bếp ăn trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Nhiều cửa hàng nông nghiệp sạch cũng dần tin tưởng, coi đây là đối tác thường xuyên. Sản phẩm của cty cũng đã vươn tới thị trường Hà Nội.

Từ nay tới cuối năm 2019, anh Thịnh cho biết sẽ mở thêm một cửa hàng giới thiệu, bày bán sản phẩm khu vực thành phố Hải Dương. Định hướng lâu dài, anh Thịnh phấn đấu mở rộng diện tích sản xuất khoảng 30ha trước khi dừng lại để đầu tư chuyên sâu.

Nhưng anh chia sẻ, vấn đề hiện nay đang hết sức đau đầu là vấn đề nhân công có trình độ. Anh từng đi nhiều nơi, thu hút những người trẻ, có trình độ và đam mê nông nghiệp về chung sức nhưng chưa thành công. Trên cánh đồng, chỉ còn bơ vơ những người có độ tuổi ngoài 50.

Với các bếp ăn trường học, doanh nghiệp của anh Thịnh ký hợp đồng hợp tác, một mặt trợ giá sản phẩm. Giá rau củ quả dành cho các cháu học sinh luôn thấp hơn thị trường. Kể cả khi thị trường tăng giá, doanh nghiệp vẫn cam kết giữ nguyên giá.

“Bản thân tôi sức khỏe không tốt, người thân xung quanh cũng có người như vậy. Tôi rất ý thức rằng, những sản phẩm sạch sẽ giúp con người khỏe mạnh hơn. Từ lúc chuyển sang làm nông nghiệp, tôi thấy thoải mái, tinh thần, sức khỏe đều tốt hơn”, anh Mai Xuân Thịnh chia sẻ.

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.